Rất tiếc, xin thông báo: Nỗi đau còn lại sau chiến tranh Việt Nam

(TGĐA) - Lần đầu tiên, một người phụ nữ Mỹ làm phim về chiến tranh Việt Nam. Và bộ phim ấy, năm 1998, đã được để cử là một trong năm phim tài liệu - truyện hay nhất để tranh giải Oscar. Trước đó, phim đã giành nhiều giải thưởng lớn khác. Vậy điều gì đã khiến một tác phẩm đầu tay đạt thành công lớn như thế?

rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam Phim tài liệu Ngày mai – Không còn là câu chuyện của tương lai
rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam Đạo diễn NSND Vũ Lệ Mỹ - Làm phim với cả tấm lòng
rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam
Chồng của Barbara Sonneborn (trái) đã chết trong chiết tranh ở Việt Nam

Trước hết, bộ phim xuất phát từ chính nỗi đau của tác giả. Đạo diễn Barbara Sonneborn, vào năm 24 tuổi, đã nhận được lời chia buồn trên giấy báo tử của chính phủ Mỹ báo tin chồng bà tử trận tại chiến trường Việt Nam. Chúng tôi rất tiếc báo tin…(Regret to inform…). Đó là lời đầu tiên trong bức thư chia buồn mà chính phủ Mỹ đã soạn ra để gửi đến các gia đình có người thân tử trận trong chiến tranh. Lời chia buồn ấy thấm vào trái tim tan vỡ của người thiếu phụ trẻ. Thành máu. Thành hơi thở. Bà không bao giờ quên được những lời ấy. Để 20 năm sau, bà dùng chính những lời chia buồn ấy đặt tên cho bộ phim mà bà muốn làm.

rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam
Poster phim Regret to inform

Nội dung bà muốn làm là gì? Bà hiểu, lời chia buồn ấy không chỉ dành riêng cho bà mà dành chung cho 58 nghìn gia đình lính Mỹ tử trận tại Việt Nam. Sau 20 năm thấm thía nỗi đau, sự mất mát, bà muốn tìm đến những người cùng cảnh ngộ. Bà đã làm công việc này thế nào? Năm 1990, bà đã gửi hàng ngàn lá thư để tìm kiếm những người đàn bà Mỹ có số phận như bà. Kết quả là, có khoảng hơn 200 người phụ nữ góa chồng vì chiến tranh, đã viết thư trả lời. Vậy là bà có thêm cả một kho tư liệu sống động. Trong những lá thư ấy, bà đã gặp cả những người phụ nữ da đen, cả những người phụ nữ da đỏ. Thậm chí , bà còn gặp cả những người phụ nữ Việt Nam có chồng là người Mỹ, đang sống trên đất Mỹ với trái tim đau đớn. Đó là một phụ nữ tên Xuân. Làng cô bị bom Mỹ. Năm 14 tuổi, cô đã phải đi làm gái điếm. Kiếm tiền từ lính Mỹ. Có một người lính của chế độ Việt Nam cộng hòa thương cô. Cuộc hôn nhân dự định sẽ diễn ra, nhưng người lính đó đã tử trận. Sau đó, một chuyên gia Mỹ đã đưa cô về đây. Vậy là, từ một cái nhìn của người phụ nữ về chiến tranh, bà đã có thêm nhiều cái nhìn khác. Bộ phim của bà sẽ có cái nhìn rộng lớn hơn.

rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam
Nữ đạo diễn Barbara Sonneborn

Bộ phim vẫn chưa khởi quay. Theo quy luật tâm lý, khi người ta nghĩ nhiều về điều gì đó thì điều đó thường gặp trong mơ. Một đêm, bà mơ thấy người chồng thân yêu của bà trở về trong trang phục nhà binh. Anh ấy đã chiến đấu ở Khe Sanh, sau đó hy sinh ở Quế Sơn (Quảng Nam), sao bây giờ trở về? Một ý tưởng đến với bà: Tại sao không đến thăm nơi người chồng đã chiến đấu, đã hy sinh? Dù từ khi chồng mất, bà không bao giờ muốn tiếp xúc với bất cứ thứ gì, phim ảnh, sách báo…liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Bà đã từng đi dọc ngang nước Mỹ. Bây giờ bà muốn đi lại con đường mà người chồng đã đi qua. Để trải nghiệm. Để hình dung. Và để gặp những điều khác nữa…

rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam

Vậy là bà lên đường đến Việt Nam. Bộ phim là chuỗi hành trình qua những số phận tan nát của những người phụ nữ trên đất Mỹ. Và tiếp tục cuộc hành trình gặp những người phụ nữ Việt Nam đau khổ gấp nhiều lần. Bởi ở đất nước này, phụ nữ không những mất chồng, mất con mà họ còn phải chịu cực hình, bị tù đầy, bị tra tấn, phải chịu nỗi đau chất độc da cam mà chính chồng những người phụ nữ Mỹ rải xuống và hối hận. Trong phim, lặp đi lặp lại hình ảnh đoàn tàu chạy về phương nam, băng qua những đồng lúa xanh, những ngôi làng bình dị. Và trên khung cửa toa tàu là gương mặt suy tư, trong sáng và đôi mắt thẳm sâu của người phụ nữ đạo diễn. “Mắt mẹ dệt những gì/ Làm sao con hiểu hết?’’(Thơ Thanh Thảo). Bà đã đến Khe Sanh, đã đến Quế Sơn, đã đến cánh đồng sát chân núi, nơi chồng bà ngã xuống. Chính tại Việt Nam, bà đã nhìn lại nỗi đau của mình, của những phụ nữ Mỹ, về chiến tranh, bằng chính cái nhìn của phụ nữ Việt Nam. Cùng đi với bà là một người phụ nữ quê Quế Sơn, năm xưa là đội trưởng du kích . Bà thầm nói với linh hồn người chồng thân yêu: “Em đang hít thở bầu không khí của nơi anh đến và anh đã hy sinh. Chúng em đã đi qua hàng trăm cái ao nhỏ. Đó là vết tích của những hố bom. Sẽ là thế nào nếu chiến tranh nổ ra trên đất Mỹ? Bom napalm thiêu đốt mái nhà, chất độc da cam tàn phá những cánh rừng cùng thức ăn, nước uống và những người đang chiến đấu? Em đang ở nơi anh đã ngã xuống. Người dẫn đường cho em từng là một vị chỉ huy quân đội. Tất cả những gì em biết thì chính cô ấy là người chỉ huy trận đánh mà anh đã hy sinh. Bây giờ, em đang đứng ở đây. Không ai là kẻ thù. Vì kẻ thù của chúng em chính là chiến tranh”. Xin nói thêm một điều về đất Quảng, đất Quế Sơn. Người viết bài này có rất nhiều đồng đội ở nơi này. Trong chiến tranh chống Mỹ, ai nấy đều thuộc lòng cái cách mà những người phụ nữ nơi đây tiếp tế cho quân ta thế nào qua bài vè: “Đầu phồng đá lửa/ Bụng chửa kaki/ Có mang Tam Kỳ/ Ra Quế Sơn đẻ’’. Có nghĩa là, những người phụ nữ đó, đầu quấn khăn rằn, nhưng bên trong độn toàn đá lửa. Họ đóng giả có bầu, nhưng quấn đầy vải tiếp tế cho bộ đội. Từ Tam Kỳ đến Quế Sơn khoảng 50 km, nhưng họ làm cuộc hành trình sinh nở thật diệu kỳ, nuôi quân đánh giặc. Vậy là, từ một con suối nhỏ, tác giả đã giãi bày tâm tư, để gặp nhiều con suối khác. Và từ nhiều con suối, tất cả đều hội tụ, hợp thành dòng sông. Một dòng sông lớn. Chảy qua tâm can nước Mỹ, người Mỹ đến tâm can nước Việt, người Việt. Và chắc chắn còn đi xa mãi. Bộ phim đi như một dòng sông. Với những người chưa trải nghiệm chiến tranh, họ có thể ngồi bên bờ sông, đón những ngọn gió khốc liệt nhưng mát lành. Và rốt cuộc, không những từ chiến tranh mà còn từ những vấn đề khác trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều là những dòng sông. Đều cần thiết trở thành những dòng sông.

rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam
Một số hình ảnh trong phim tài liệu Regret to inform

Trong phim, đạo diễn Barbara Sonneborn còn nhiều lần sử dụng hình ảnh biểu tường là cái dây chão buộc mài chèo. Hình ảnh ẩn dụ ấy khiến người xem liên tưởng đến những con người mềm yếu, bị thời gian, mưa nắng làm dãi dầu, sờn mòn nhưng vẫn dẻo dai, bền bỉ, chịu đựng và vô cùng kiên nhẫn. Cái dây chão bị giằng xé, vặn vẹo, vò nhầu nhưng vẫn lặng im. Nhưng cái lặng im ấy chứa rất nhiều nỗi niềm của những ngọn lửa.

Đây là bộ phim mà người phụ nữ làm về chiến tranh qua cái nhìn của những người phụ nữ từ nhiều phía, kể cả phía đối phương. Dư luận Mỹ đánh giá, bộ phim đã góp phần làm thay đổi cái nhìn của người Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Về phía người xem Việt Nam, bộ phim cũng giúp chúng ta nhận thức nhiều bài học. Đặc biệt, đối với những người làm phim tài liệu, bộ phim là cuốn sách giáo khoa về cách nhìn nhận vấn đề từ nhiều hướng khác nhau. Đúng như lời đạo diễn phim tài liệu Mỹ nổi tiếng, ông Peter Davis, tác giả phim tài liệu đoạt giải Oscar Trái tim và khối óc (Hearts & Minds): “Các nhà làm phim phải có được tiếng nói của mình, đưa ra được chính kiến trước các vấn đề bức xúc đặt ra trong cuộc sống và vận dụng các nguồn tài liệu khác nhau để đảm bảo tính trung thực, khách quan của bộ phim.’’

Tại sao bộ phim có sức mạnh như vậy? Đạo diễn Barbara Sonnerborn cùng người bạn của mình đã phải bán hai căn nhà để làm bộ phim này. Người Mỹ quan niệm, sáng tạo nghệ thuật là lĩnh vực riêng tư của mỗi cá nhân, Chính phủ không can thiệp. Song ở mỗi người Mỹ đều có dòng máu của tinh thần Mỹ, truyền thống Mỹ. Đó là đức tính làm việc vì xã hội, vì cộng đồng để đạt mục đích mang lại những giá trị tinh thần, giá trị tình cảm bền vững. Khi bộ phim hoàn thành, nhiều tổ chức và cá nhân đã góp phần đưa nó đến với công chúng. Bộ phim này, trong phiên bản tiến Việt, có tựa đề là Khi chiến tranh đã đi qua.

rat tiec xin thong bao noi dau con lai sau chien tranh viet nam Làm phim về chiến tranh Việt Nam – thách thức lớn cho các nhà làm phim Hàn Quốc

Đã gần 50 năm trôi qua, với không ít lính Đại Hàn xưa, Miền Nam ...

Đoàn Tuấn