“Sướng – khổ” chuyện đạo diễn tìm cơ hội làm phim

Một đạo diễn rất say mê nghề nghiệp, từng làm vài bộ phim nhà nước tài trợ, trong đó có một, hai phim ít nhiều được biết đến vì đã đoạt giải trong nước và giải khuyến khích tại LHP ở nước ngoài. Mấy năm nay, anh vẫn ôm ấp kịch bản của một nhà biên kịch mà mình vốn tôn thờ, cố gắng theo đuổi để kịch bản được duyệt làm phim tài trợ của nhà nước. Nhưng, hết đợt duyệt này đến đợt duyệt khác, kịch bản vẫn không “đậu”.

(TGĐA) - Đạo diễn Việt Nam thuộc các hãng phim nhà nước “sướng” hơn đạo diễn nước ngoài vì cho dù nhiều năm - thậm chí hàng chục năm – không làm gì thì hàng tháng họ vẫn có lương nhà nước (tuy họ vẫn gọi là đồng lương “chết đói”).


Anh dò hỏi, khai thác, chất vấn hết thành viên này đến thành viên khác của Hội đồng duyệt kịch bản: Tại sao kịch bản hay thế mà lại bị đánh trượt? Người thì nói lảng. Người thì bảo: Tôi ủng hộ lắm, nhưng chỉ là thiểu số thì ăn thua gì!”. Người nói thẳng: Kịch bản có nghề thật đấy, nhưng không đúng tiêu chí tài trợ. Thế là anh đạo diễn giận dỗi. Rồi bất mãn. Rồi hằn học. Mấy năm trôi qua, anh vẫn cứ giậm chân ôm kịch bản. Trong lòng càng ngày càng thêm ấm ức và cay nghiệt. Anh ta chuyển sang chỉ trích người này người khác, từ người quản lý ở hãng phim, các đạo diễn khác được làm phim, cho đến các Hội đồng.

Phim Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn)

Cho đến tận hôm nay, kịch bản vẫn “zậy” và anh đạo diễn cũng vẫn “zậy”! Chẳng có thêm bộ phim nào đáng kể. Cũng chẳng “thai nghén” thêm kịch bản nào mới hơn, hay hơn. Và cũng chẳng tìm được cơ hội từ nhà đầu tư nào- kể cả trong nước lẫn nước ngoài - để làm bộ phim của mình. Tại sao? Bởi vì anh ấy là đạo diễn sản phẩm của thời bao cấp, là người trong biên chế nhà nước nên cứ nghĩ rằng nhà nước phải có trách nhiệm cấp tiền cho anh làm phim. Trong khi trên thế giới, chẳng ở đâu lại có biên chế cho những người thuộc thành phần sáng tác. Các nhà làm phim, các nhà sáng tác là những người lao động tự do (tất nhiên là loại lao động nghề nghiệp, lao động sáng tạo) và họ có thể ký hợp đồng theo phim hoặc theo kỳ hạn với một hãng phim nào đó.

Như vậy, đạo diễn Việt Nam thuộc các hãng phim nhà nước “sướng” hơn đạo diễn nước ngoài vì cho dù nhiều năm - thậm chí hàng chục năm – không làm gì thì hàng tháng họ vẫn có lương nhà nước (tuy họ vẫn gọi là đồng lương “chết đói”). Họ cũng sướng hơn vì cho dù có tài hoặc không, trong đời mình, ít nhất họ cũng được làm một hai phim bằng tiền nhà nước, có thể thành công. Có nhiều người đã thành công nhưng không ít người đã thất bại thảm hại với những bộ phim khán giả không muốn xem, cũng chẳng có mấy giá trị nghệ thuật và con đường duy nhất của phim là... xếp kho. Họ sướng bởi vì họ chẳng phải chịu trách nhiệm gì khi phim thất bại! Và sau những phim thất bại, nhiều người vẫn cứ được giao phim! Điều này không thể xảy ra với những đạo diễn nước ngoài, đơn giản là khi hãng phim ký hợp đồng làm phim với anh ta cũng là lúc anh ta chịu nhiều khoản ràng buộc trong hợp đồng. Nhưng đạo diễn Việt Nam cũng “khổ” hơn đạo diễn nước ngoài vì thiếu sự năng động, cả trong tư duy sáng tạo lẫn trong việc tìm kiếm cho mình cơ hội hành nghề. Cơ chế “lao động tự do” buộc các đạo diễn nước ngoài phải tự thân vận động và thường là không có chỗ cho đạo diễn bất tài. Khi đã được làm phim, anh ta phải coi đó là sự sống còn, bởi lẽ nếu anh ta thất bại ở bộ phim đó thì cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa nghề nghiệp đóng lại trước mắt anh ta!

Phim I come with the rain (đạo diễn Trần Anh Hùng)

Để "gút" lại câu chuyện “sướng - khổ”, hãy nhìn lại trường hợp đạo diễn Trần Anh Hùng. Đạo diễn Pháp gốc Việt này từng được xếp vào hàng 100 nhân vật điện ảnh danh tiếng nhất thế giới, anh đã từng thành công vang dội tại 2 LHPQT danh giá nhất là Cannes (với giải Camera D'or cho phim Mùi đu đủ xanh) và Venice (với giải Sư tử vàng cho phim Xích lô). Trần Anh Hùng đã từng được mời làm phim, bản thân anh cũng say sưa với nghề không kém bất cứ một đạo diễn nào! Thế nhưng, sau phim Mùa hè chiều thẳng đứng (năm 2000), đạo diễn này mất đến 7 năm để tìm cơ hội cho bộ phim tiếp theo. Đã có những dự án không thành. Bộ phim tiếp theo của Trần đạo diễn, I Come with the Rain, cho đến tận hôm nay, vào cuối năm 2008, vẫn chưa hoàn thành! Như vậy mới thấy rằng tên tuổi như Trần Anh Hùng cũng đâu phải cứ muốn là có cơ hội làm phim?

Vậy thì các đạo diễn của chúng ta, những người chắc chắn chưa thể so được với tên tuổi của Trần Anh Hùng ở mọi khía cạnh, thay vì ấm ức, bất mãn ngồi “ôm” những kịch bản không được duyệt năm này qua năm khác, giá mà họ cố gắng tìm cho mình một, vài cơ hội; giá mà họ “đại tu” lại cả tư duy lẫn thao tác nghề nghiệp của mình. Chắc chắn sẽ có những cánh cửa mới mở ra cho họ!

Bằng Hữu