Toàn cảnh điện ảnh Hoa ngữ năm 2009 – triển vọng và những vấn đề tồn tại

Doanh thu phòng vé có những bước đột phá

(TGĐA) - Điện ảnh Hoa ngữ đã có một năm phát triển với đầy ắp những sự kiện ấn tượng. Bên cạnh những thành công, không thể không kể đến những vấn đề còn tồn tại. Hãy cùng Thế giới điện ảnh điểm lại những xu hướng chính của điện ảnh Hoa ngữ trong năm 2009 để từ đó mỗi người sẽ đưa ra những dự đoán riêng cho mình về triển vọng năm mới của nền điện ảnh lớn nhất nhì Châu Á và thế giới này.



Poster phim Cẩm Y Vệ

Nhiều người theo dõi điện ảnh Hoa ngữ thường xuyên đều có chung một nhận định: "Thị trường điện ảnh Trung Quốc năm 2009 phát triển nhanh như tên lửa." Đó không phải là lời nói suông. Nếu như năm 2008, tổng doanh thu phòng vé cả Trung Quốc đạt 4,3 tỷ NDT, thì năm 2009 này, chỉ tính từ đầu năm đến trung tuần tháng 10 vừa qua, tổng tiền bán vé đã vượt qua con số ấn tượng của năm 2008. Những ngày gần đây, Thứ trưởng Bộ tuyên truyền Trung Quốc, Cục trưởng cục điện ảnh Quốc gia Vương Thái Hoa đã chính thức tổng kết, tổng số phim nhựa phát hành tại thị trường Trung Quốc năm 2009 đã vượt qua 450 bộ, tổng tiền bán vé đến rạp trên 6 tỷ NDT, tăng gần 40% so với năm 2008. Một thành tích vượt qua sự kỳ vọng của nhiều người.

Cách đây vài ba năm, với 50 triệu NDT tiền bán vé vào rạp, phim Điện thoại di động dành vị trí quán quân về doanh thu bán vé năm đó; tuy nhiên sang năm nay, có trên 20 bộ phim được tham gia vào "nhóm phim trăm triệu NDT", như Xích Bích 2, Nam kinh! Nam Kinh!, Đại nghiệp kiến quốc, Phong thanh, …


Phim Đại nghiệp kiến quốc

Đầu năm, phim hài Những tay đua cuồng điên của Ninh Hạo đã mở đầu một năm thành công về doanh thu của điện ảnh Hoa ngữ, nhanh chóng trở thành bộ phim đầu tiên của năm có tổng doanh thu phòng vé trên trăm triệu NDT. Tiếp sau đó là bộ phim Xích Bích 2 của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, Nam Kinh! Nam Kinh! của Lục Xuyên cũng đạt mức doanh thu trăm triệu NDT. Nam Kinh! Nam Kinh! của Lục Xuyên rất thành công khi khai thác chân thực và mạnh mẽ một sự kiện lịch sử đau thương của Trung Quốc, từ đó thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Cũng khai thác đề tài lịch sử những năm kháng chiến chống Nhật, thành lập đất nước, Đại nghiệp kiến quốc và Phong Thanh đã gây ấn tượng từ đầu với sự góp mặt của rất nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Hai bộ phim cũng đã chiếm lĩnh trong nhiều rạp chiếu trong thời gian kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc. Vé đã được bán hết nhanh chóng ngay khi bộ phim được ra mắt. Cuối năm, hai bộ phim Vụ án ba tiếng súng và Thập nguyệt vi thành trở thành bộ phim thành công vang dội, vẫn kịp là hai bộ phim cuối cùng chốt bảng xếp hạng "nhóm phim trăm triệu NDT" trong năm nay.

Phim nội địa được khán giả nhiệt tình đón nhận


Điệp vấn

Khác với thời gian trước khi người hâm mộ điện ảnh Trung Quốc chỉ quan tâm nhiều đến phim nhập ngoại, năm nay, các fan điện ảnh của đất nước đông dân nhất thế giới đã đổi hướng sang phim nội. Mặc dù đến thời điểm hiện tại, không ít khán giả có những quan điểm khác nhau về trình độ nghệ thuật trong Đại nghiệp kiến quốc nhưng với sự tham gia của nhiều minh tinh điện ảnh và các đạo diễn tên tuổi, bộ phim vẫn nhận được sự chào đón của người xem. Cùng thời gian ra mắt Đại nghiệp kiến quốc, Phong thanh cũng nhận được sự chào đón và đánh giá tốt từ phía người xem nhờ kịch bản hay và diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên nổi tiếng Châu Tấn, Lý Băng Băng, Huỳnh Hiểu Minh.


Phong vân

Trong mùa hè 2009 vừa qua, còn có một bộ phim gây chú ý là Thiết thính phong vân. Bộ phim là sản phẩm của Trung tâm sản xuất phim truyền hình Khúc Giang – Tây An, kể về một nhóm cảnh sát tình báo hình sự cải trang thành những tay săn ảnh để đi dò la tin tức. Một lần, trong quá trình tác nghiệp, vài người trong số họ tình cờ nghe trộm được thông tin cổ phiếu nội bộ và hàng loạt câu chuyện phức tạp liên quan đến lòng tham bản năng của con người bắt đầu nảy sinh từ đó. Thiết thính phong vân có tình tiết hồi hộp, gay cấn, đi sâu khai thác thế giới nội tâm con người, được đánh giá là bộ phim hành động đặc sắc. Thập nguyệt vi thành trình chiếu đợt cuối năm vừa rồi cũng được các nhà phê bình đánh giá là bộ phim hay, chỉ đứng thứ hai sau Lệnh tập kết. Bên cạnh đó, một loạt các bộ phim được đặt hàng, kỷ niệm 50 năm quốc khánh Trung Quốc, thể hiện đặc trưng thời đại lịch sử như Thiết nhân, Nam Kinh! Nam Kinh!, Thi đại học năm 1977, cùng với những bộ phim chi phí thấp như Cửa hàng đêm, Đấu ngọ cũng thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Đây thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho nền điện ảnh Hoa ngữ.


Thập nguyệt vi thành

Phó viện trưởng Học viện Tin tức và truyền thông đại học Thanh Hoa Doãn Hồng cho biết, "Mặc dù nhìn chung, trình độ làm phim của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và tính thương nghiệp, tính bản sắc và tính quốc tế vẫn chưa đạt đến độ chín, nhưng nhìn tổng thể, nỗ lực và cố gắng của những nhà làm phim trong nước là điều không thể phủ nhận. Phim nội đang dần lấy được chỗ đứng trong lòng người xem Trung Quốc."


Vụ án 3 phát súng

Số lượng phim chào đón năm mới bùng nổ...

...nhưng vẫn có nhiều điểm phải bàn lại về chất lượng. Cùng với thị trường điện ảnh trong nước phát triển, số lượng phim chào đón năm mới được trình chiếu năm nay cũng đạt mức đột phá. Trong khoảng hơn 2 tháng cuối năm 2009 chào đón Tết năm 2010, đã có gần 30 bộ phim lần lượt lên sóng nhưng không có nhiều những đổi mới về nội dung và hình thức, gây nên tình trạng "chạy theo trào lưu mù quáng" của nhiều nhà sản xuất.


Thích Lang

Không thể phủ nhận một thực tế: khi xem Hỏa tinh là sẽ nhớ đến Trường Giang số 7; hay xem Đại hiệp Gấu trúc cũng không khác mấy so với Thập toàn cửu mỹ. Còn trước đó, Truy ảnh và Đại nội mật thám hoàn toàn là ssự hỗn tạp của những tình tiết thiếu liên kết. Tuy có ý kiến vẫn cho rằng "điện ảnh đích thực không cần quá cao sang, mà cần đem đến sự vui thích cho người xem" nhưng nhà phê bình điện ảnh Giang Tiểu Ngư đã kịch liệt phản bác ý kiến trên. Ông cho rằng "Tính giải trí cao và giá trị điện ảnh trong một bộ phim không có sự mâu thuẫn, nếu như người xem không đưa ra suy xét hay đọng lại dư vị cho một bộ phim, thì đó với là bi kịch lớn nhất của phim đó."

Bộ phận phim ngoại vẫn rất mạnh

Lượng phim ngoại năm nay vẫn chủ yếu là những siêu phẩm của Hollywood, trong đó những phim với nội dung khoa học viễn tưởng chiếm ưu thế gần như tuyệt đối, có thể kể đến như Transformers 2, Terminator 4, Đêm kinh hoàng 2, Star Trek, Kỷ băng hà 3, District 9, Harry Porter 6, 2012…

Tuy nhiên, nhiều khán giả cho rằng, những bộ phim có phần 2 hoặc phần 3 đều không đạt được hiệu quả cao như phần đầu của nó, ngay đến Transformers 2 và 2012 dù có được lượng tiêu thụ vé tốt nhất, cũng không tránh khỏi những chỉ trích. Nhưng không thể phủ nhận một thực tế, những siêu phẩm của Hollywood vẫn luôn là những đối thủ cạnh tranh lớn của điện ảnh quốc nội Hoa ngữ.


Những tay đua cuồng điên

Muốn phát triển cần suy xét kỹ càng

Khi tiền bán vé đạt đến mức 6 tỷ NDT, điện ảnh Trung Quốc sẽ tiếp tục đi thế nào? Đây là vấn đề không ít nhà sản xuất điện ảnh đề cập đến. Thị trường điện ảnh Trung Quốc đã phát triển sau nhiều năm nỗ lực, cố gắng, đến nay đã duy trì được mức tăng trưởng nhanh mạnh. Tuy nhiên, đằng sau những con số ấn tượng đó, không phải là không có những vấn đề tồn tại, như bộ phim Siêu nhí Astro dấy lên tin đồn về báo cáo sai khoản tiền bán vé, vị trí sai lệch trên thị trường điện ảnh, công tác quảng cáo, thu hút người xem làm không hiệu quả, phần phim hoạt hình có nhiều hạt sạn không đáng có, … Điều đáng tiếc nhất là nhiều phim nội ngay khi khởi quay, dường như "không có duyên" với người xem. Chỉ một số ít những bộ phim kinh phí lớn, chi đáng kể cho công tác quảng bá như Diệp Vấn, Cẩm Y Vê, Phong Vân II mới thu hút người xem đồng hành với quá trình sản xuất. Một nhà sản xuất tại Tây An nhận xét, "Năm 2009, số lượng phim trong nước đạt được gần 500 bộ, nhưng đằng sau con số khổng lồ đó là sự mất cân bằng nghiêm trọng về khoản đầu vào và đầu ra. Tính ra, số lượng những bộ phim nội ăn khách chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% so với tổng lượng phim làm ra."


Xích bích

Nghênh chiến với Hollywood – nhiệm vụ lớn, con đường dài

Không thể không thừa nhận, so sánh với nền điện ảnh lớn nhất thế giới Hollywood, điện ảnh Trung Quốc vẫn còn một chặng đường dài phía trước cần vượt qua. Phó Viện trưởng Doãn Hồng đã phát biểu khi tham gia "Luận đàm về phát triển Trung tâm sản xuất phim truyền hình Tây An 2009" rằng "Những bộ phim của Hollywood không chỉ chiếm ưu thế về phương thức kinh doanh, quảng cáo, mà cả về chất lượng phim, cũng khai thác ở nhiều khía cạnh phong phú, mang lại cho họ nhiều thành công vang dội."


Siêu nhân Astro

Vậy một bộ phim cần lưu lại ấn tượng gì cho người xem, đó chắc chắn không chỉ là những phút giải trí, những tràng cười sảng khoái đơn thuần, mà điều quan trọng hơn là phải khiến khán giả trải nghiệm nhiều hơn các khía cạnh cuộc sống, giúp người xem cảm nhận đúng những cảm xúc mà bộ phim đó muốn truyền đạt. Để phim Trung Quốc đạt đến trình độ đó, những nhà sản xuất điện ảnh Trung Quốc cần ý thức sẽ phải nỗ lực một chặng đường dài nữa, nếu như muốn xóa bỏ sự xâm chiếm của phim Hollywood tại thị trường Trung Quốc.

Những con số ấn tượng về tổng doanh thu phòng vé của trung tâm sản xuất phim truyền hình Tây An

Mặc dù có trên 20 rạp chiếu phim như Tây Bắc, Hòa Bình, Trung Lâu, Bảo Lợi, … nhưng nhiều năm gần đây, tổng doanh thu từ tiền bán vé của những nhà sản xuất phim ở Tây An vẫn không thể sánh được với thành phố lớn. Giáo sư khoa Điện ảnh truyền hình Đại học Tây Bắc Trương A Lợi cho hay, vấn đề trên do nhiều nhân tố gây nên, "Thu nhập người dân Tây An vẫn có khoảng cách chênh lệch lớn so với người dân ở thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, số người xem lại càng ít hơn. Đối tượng xem điện ảnh tập trung là những người tri thức, học sinh sinh viên, còn số người ở tuổi trung niên rất ít." Bên cạnh đó, còn là vấn đề phân bố những rạp chiếu phim, "Hiện nay, rạp chiếu phim của Tây An chỉ tập trung nhiều ở những khu vực phía Nam và khu thành thị để đáp ứng nhu cầu xem phim của người dân thành phố, khu vực ngoại ô phía Đông ít hơn, còn khu vực ngoại ô phía Tây và phía Bắc gần như không có một rạp chiếu phim nào, làm giảm ý thức xem phim của người dân khu vực ngoại ô, kèm theo đó, nếu muốn xem phim, họ phải đi vào khu vực trung tâm thành phố, khi đó để xem được một bộ phim, có khi họ cần trả thêm những phụ phí bên ngoài, rồi việc mất nhiều thời gian đi lại cũng làm giảm số lượng người xem."


Thiết thính phong vân

Tuy nhiên, trong năm 2009, doanh thu phòng vé ở Tây An đã đạt được con số ấn tượng: 474 triệu NDT. Một nhân viên trong ngành truyền thông cho hay, "số tiền bán vé từ những rạp chiếu phim ở Tây An ngày một tăng, tiềm năng phát triển là rất lớn, có thể nói, nền điện ảnh Tây An đang trong giai đoạn phát triển mạnh."

Đây là một sự kiện ý nghĩa với ngành điện ảnh Hoa ngữ vì nếu điện ảnh đã có độ phủ sóng rộng tại Tây An thì những nơi xa xôi khác, việc những bộ phim sẽ tiếp tục chinh phục khán giả là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước.

Nguyễn Hiền