Vừa đi vừa khóc và chuyện bây giờ mới kể

(TGĐA) - Vừa đi vừa khóc là bộ phim đánh dấu sự tái hợp giữa bộ ba Vũ Ngọc Đãng – Minh Hằng – Lương Mạnh Hải sau phim Ngôi nhà hạnh phúc. Là một đạo diễn khá khó tính và tỉ mỉ, Vũ Ngọc Đãng đã lên ý tưởng về kịch bản cùng nhà sản xuất từ... 4 năm trước, nhưng hai năm sau mới thực sự bắt đầu, và thêm 14 tháng “tuyệt tích giang hồ” để viết kịch bản, trước khi mất thêm 1 năm để hoàn thành phim. Và dưới đây là những ghi chép thú vị của PV TGĐA trong những ngày theo chân đoàn phim trên phim trường.

Đo ni đóng giày cho nhân vật

Có một số nhân vật đã được Vũ Ngọc Đãng định hình trước cho diễn viên (Minh Hằng, Lương Mạnh Hải, NSƯT Lê Thiện, La Quốc Hùng) và khi họ đã thực sự nhận lời tham gia, tác giả mới đo ni đóng giày cho họ từ trong kịch bản. Riêng với Phương Thanh là trường hợp cá biệt vì lúc đầu Đãng không thấy vai nào phù hợp với chị Chanh nên không “ngỏ ý”. Nhưng về sau, chính Đãng đã “bị” Phương Thanh thuyết phục đến nỗi anh đã không ngại sửa lại nhân vật sao cho bật lên cá tính và tiềm năng của chị Chanh mà trước đây anh chưa khai thác hết.

vua_di_vua_khoc_1

Ôi, giải tỏa!!!

Vốn kỹ tính, đạo diễn đã bỏ công đi lùng sục bối cảnh mới, cho không trùng lặp với các phim khác. Thế nhưng, đoàn phim cũng khá đau đầu với việc bất đắc dĩ phải thay bối cảnh. Số là lúc đầu chọn được khu gầm cầu Nguyễn Văn Cừ, đoạn quẹo qua Bến Vân Đồn (quận 4) làm bối cảnh chính là nhà Đông Dương. Khi chủ nhà đồng ý rồi thì đoàn mới biết đây là khu... giải tỏa, những nhà còn lại là những hộ chưa chịu di dời. Để tránh rắc rối trong quá trình quay, đoàn năn nỉ xin UBND địa phương, nhưng vẫn không được chấp thuận. Thế là đoàn đành phải tìm nơi khác. Ai dè, nơi này cũng là khu... giải tỏa. Hết xin chủ nhà rồi đến UBND, phải làm giấy cam kết không gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng, cuối cùng mới được sự hỗ trợ của địa phương. Đã thế, còn được dân tình nguyện nấu cơm bán cho đoàn. Đạo diễn hay để ý giúp đỡ người nghèo khổ tại đây nên đoàn phim rất được lòng người dân trong xóm.

vua_di_vua_khoc_2

Khi bà nội làm... cua rơ

NSƯT Lê Thiện cảm thấy rất vui khi được làm việc với ê kíp mới, diễn viên mới. Vì vậy, bà đã diễn thật hăng, vào vai thật ngọt, đến nỗi “lướt’ qua cả cơn sợ hãi khi quay ở các bậc thang bờ sông Sài Gòn. Lúc đi lên thì gặp nước ròng, nhưng khi xuống thì nước đã dâng cao lấp hết mấy bậc thang khiến Lê Thiện không sao thấy được đường đi. Thế là đoàn cho người leo xuống cõng “nội” lên bờ, trong khi bụng nội đánh lô tô vì sợ lỡ trượt chân, thì nội tiêu! Bối cảnh nhà nội nằm ở dốc cầu Thủ Thiêm, chọn đúng căn nhà tơi tả, nên khi bị mưa dột, phải lấy chậu hứng nước hết chỗ này, chạy sang chỗ kia, đầu tóc nội ướt nhèm. Cảnh này không có trong kịch bản, nhưng khi gặp tình huống chẳng đặng đừng này, đạo diễn thấy cũng ngồ ngộ, bèn cho vô phim luôn.

Đôi khi dữ dằn trong phim, song ngoài đời NSƯT Lê Thiện rất hiền, rất “bà nội”. Vì vậy, đến cảnh bà đánh Chanh (Phương Thanh) vì cô cứ bao che cho Đông Dương, thì bà lại không nỡ nặng tay. Trong khi đó, Phương Thanh rất cần cảm xúc thật nên cứ nhắc “nhớ đánh thật đau nghe nội!”. Rốt cuộc, nội xáng cho mấy bạt tai thật đích đáng, xong rồi vò má “cháu yêu” dỗ dành.

vua_di_vua_khoc_3

Lại có cảnh bà nội đi xe... đạp. Lâu rồi, mới cầm ghi - đông, NSƯT Lê Thiện cũng sờ sợ, mà chiếc xe đạp lại cũ, cái cổ xe cứ lắc lư, khiến cho Lê Thiện bị lảo đảo, suýt đâm sầm vô Minh Hằng khi chạy trên con đường gồ ghề.

Phương Thanh quay nước mía và không biết bơi

Đến với phim này, Phương Thanh được dùng nickname Chanh thân thương của mình. Chanh là chị hai của Đông Dương, làm nghề bán nước mía và cà phê cóc. Chính vì vậy, trước khi quay, Phương Thanh phải tập quay nước mía bằng tay. Mỏi nhừ vì nặng quá! Nhưng nhờ vậy, mà trong tuần lễ quay cảnh có bán nước mía, ngày nào đoàn cũng được Phương Thanh chiêu đãi nước mía suốt từ sáng đến chiều.

Trong phim, có cảnh hai vợ chồng Chanh đánh nhau, quá uất ức, Chanh đạp ông chồng lọt xuống sông. Để có hình ảnh sống động hơn, Phương Thanh đã xin đạo diễn cho mình “bay” luôn xuống sông. Đạo diễn chấp nhận nhưng khi thấy Hữu Thạch lóp ngóp la “cắt”, đạo diễn mới sực nhớ Phương Thanh không biết... bơi! Thế là phải cho người nhào xuống sông kéo chị Chanh vào bờ. Hình ảnh “đẹp nhất” của Chanh bấy giờ là mặt mày xanh lè, toàn thân ướt như chuột, quần áo thì suýt bị tuột luôn vì Chanh quẫy sợ chết đuối!

vua_di_vua_khoc_8

Vất vả như Lương Mạnh Hải & Minh Hằng

Là cặp diễn viên chính, cả hai có rất nhiều đoạn diễn chung, vất vả nhất là những cảnh hai người phải đạp xe ba gác, khuân gạch, xúc cát... Mặc dù đã tập dượt trước, nhưng khi quay, bao giờ đạo diễn cũng muốn có hình ảnh thật, cảm xúc thật, bắt buộc cả Minh Hằng và Mạnh Hải đều phải lao động chân tay thật nghiêm túc. Mạnh Hải cho biết một ngày quay cảnh này mệt bằng 1 tuần tập thể dục. Những đoạn này được quay ở khu ổ chuột, gầm cầu, cú máy lia theo nhân vật, nên Minh Hằng và Mạnh Hải phải quay đi quay lại khá nhiều lần mới vừa ý đạo diễn. Đã thế, trong vai giả trai, Minh Hằng phải quấn vải quanh thân trên suốt ngày, vừa nực, vừa ngứa mà vẫn phải trân mình chịu đựng.

Cực nhất là cảnh hai mẹ con Hải Minh (Lương Mạnh Hải) ôm nhau khóc ở bờ sông. Buổi trưa, trời nắng chang chang, lại kẹt dính dân chúng qua lại, phải diễn đi diễn lại mấy lần, mồ hôi mẹ mồ hôi con chảy ròng ròng.

vua_di_vua_khoc_5

Lan Ngọc “trúng” vai

Vai nữ hài, Lụa, khác hẳn với những nhân vật mà Ninh Dương Lan Ngọc đã từng đóng trước đây. Một cô thợ thêu dễ thương, hài hước, đã đem lòng thầm yêu chàng trai bán cá dạo tên Lố, mặc dù biết Lố yêu chị của mình. Lan Ngọc cho biết nhờ trước đó, cô đã vào vai cô dâu Việt làm nghề thêu lấy chồng Hàn cho một bộ phim điện ảnh do Hàn quốc sản xuất, tích lũy được chút kinh nghiệm về nghề thêu nên khi vào vai Lụa trong phim Vừa đi vừa khóc, cô không bị bỡ ngỡ. Trái lại, dựa theo tính cách hài của nhân vật, Lan Ngọc còn sáng tạo thêm mảng miếng chọc cười, hát hò, có lúc nói giọng Hong Kong, đạo diễn thích chí quá, thêm vào kịch bản luôn.

vua_di_vua_khoc_6

vua_di_vua_khoc_7

Sinh ra Đông Dương là con gái thứ... 6, ba mẹ Dương rất sợ bà nội Dương buồn, nên quyết định nói dối bà nội Dương là con trai. Năm Đông Dương 12 tuổi, ba mẹ bị tai nạn mất, trước khi mất ba mẹ muốn Đông Dương hứa sẽ sống như một đứa con trai cho tới khi bà mất bởi vì nếu biết sự thật Đông Dương là con gái thì bà nội sẽ bị shock và không sống nổi. Đông Dương rất thương ba mẹ và nội nên đã hứa và giữ lời dù khát khao là con gái luôn cháy bỏng trong con người Đông Dương.

vua_di_vua_khoc_4

Cuộc sống của Đông Dương trong hình hài một đứa con trai diễn ra với nhiều sự éo le, những tình huống bi hài kịch vì mọi người đều nghĩ Đông Dương là con trai, và cư xử với Đông Dương như một đứa con trai.

Minh Tuyền