'Beef': Khi người châu Á cùng quẫn giữa đất Mỹ

(TGĐA) - Beef – mini series Netflix kết hợp sản xuất cùng A24 thực sự là một hiện tượng với cách thể hiện không hề “đao to búa lớn” nhưng vẫn gây ra tác động mạnh mẽ tới khán giả.

Những tình tiết u ám đến 'rợn người' trong series Netflix 'Beef' Những tình tiết u ám đến 'rợn người' trong series Netflix 'Beef'
Profile 'xịn sò' của Joseph Lee - Anh chồng cực phẩm trong series Netflix 'Beef' Profile 'xịn sò' của Joseph Lee - Anh chồng cực phẩm trong series Netflix 'Beef'
'Beef': Khi người châu Á cùng quẫn giữa đất Mỹ

Hiện tượng mang tên “A24”

A24 – hãng phim độc lập từng mang về 7 giải Oscar với Everything Everywhere All at Once nhưng chưa dừng lại ở đó, lần này họ kết hợp với Netflix để tạo ra Beef, mini series mang phong cách hài “đen” xoáy sâu vào đời sống của người châu Á giữa đất Mỹ.

Chuyện phim xoay quanh Danny Cho và Amy Lau, hai con người thuộc hai thế giới khác biệt nhưng đều có điểm chung là mắc phải căn bệnh trầm cảm giữa vòng xoáy cuộc sống khắc nghiệt. Trong khi Danny vật lộn với cái nghèo đeo bám, áp lực của trụ cột gia đình, thì Amy vốn đã có tất cả công danh sự nghiệp và gia đình êm ấp, nhưng đó chỉ là lớp mặt nạ để nữ doanh nhân che giấu xúc cảm buồn bã bên trong.

1 - Bộ phim tiếp tục làm nên chất lượng của cái tên A24
Bộ phim tiếp tục làm nên chất lượng của cái tên A24

Một ngày nọ, Danny và Amy vô tình đụng xe giữa đường, không những chẳng bỏ qua cho nhau, họ còn lên nhiều kế hoạch để trả đũa và hạ bệ đối phương. Ban đầu chỉ là những trò trả thù vặt vãnh, cho tới khi mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Sau khi ra mắt, Beef đứng thứ hai trên bảng xếp hạng phim truyền hình ăn khách nhất Netflix toàn cầu, tính ở tuần thứ 15 của năm 2023 (từ 10/4 đến 16/4). Số liệu do trang thống kê FlixPatrol.com cung cấp. Phim đạt số điểm cao trên các trang đánh giá: 8,4/10 điểm với 12.000 lượt bình chọn trên IMDb; 99% điểm "cà chua tươi" từ giới phê bình trên Rotten Tomatoes. Không những vậy, lượt thảo luận của bộ phim trên mạng xã hội cũng tăng lên một cách chóng mặt, khiến cho cái tên A24 một lần nữa trở thành hiện tượng toàn cầu.

Sâu sắc đến từ sự đơn giản

Beef là một bộ phim “hài đen” đúng nghĩa, nhưng không khai thác những câu chuyện châm chọc vào xã hội hay chính trị mà ngay chính bản thân mỗi chúng ta. Nói cách khác, nếu bất cứ ai xem Beef, đều không khác nào một màn cười nhạo chính bản thân mình.

2 - Danny Cho, chàng trai ám ảnh với trách nhiệm con cả
Danny Cho, chàng trai ám ảnh với trách nhiệm con cả

Khán giả phương Tây cực kỳ tâm đắc với Beef cũng bởi bộ phim mô tả những áp lực vô hình mà người châu Á phải chịu đựng, khiến họ không khỏi tự hỏi rằng: “tại sao lại kỳ quặc đến vậy?”. Như nhân vật Danny do Steven Yeun thể hiện, thông thường gia đình phương Tây ít đặt nặng trách nhiệm nuôi dưỡng cha mẹ cho con cái, nhưng trái ngược lại với phương Đông, một người con cả như Danny luôn bị trói buộc với quyết tâm phải kiếm thật nhiều tiền, phải xây được nhà cho bố mẹ, phải lập công ty lớn.

Anh chàng từng hỏi cậu em Paul của mình rằng: “Em có kế hoạch gì cho cuộc đời mình?”, điều này làm người xem không khỏi cười khúc khích bởi nhìn bề ngoài, Danny giống như người đàn ông có chí lớn, nhưng vì chỉ nghĩ cho hạnh phúc của người khác, anh chàng người Hàn sống trong trầm cảm và lo âu liên hồi, gần như quên mất bản thân mình đã từng hạnh phúc ra sao. Beef có những cách thể hiện đơn giản nhưng rất đỗi thâm sâu, điển hình như trường đoạn Danny gọi điện để thương thảo giá đất, anh đã ngốn liền một lúc rất nhiều chiếc burger với khuôn mặt trầm uất, thể hiện cho thực trạng béo phì của rất nhiều người hiện nay không phải vì mê ăn mà muốn tìm thứ gì đó để giải tỏa căng thẳng.

3 - Amy Lau - Người phụ nữ tưởng có tất cả mà lại không
Amy Lau - Người phụ nữ tưởng có tất cả mà lại không

Ở phía bên kia bức tường, nhân vật Amy lại rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu khác, cô chính là hình mẫu của người phụ nữ châu Á truyền thống, tưởng như có “ba đầu sáu tay” để lo toan hết mọi việc trong ra ngoài cho gia đình. Amy có thể mang lại cho chồng con một ngôi nhà tiện nghi, một cuộc sống không lo thiếu ăn thiếu mặc nhưng đổi lại, vợ chồng cô lại ngày càng xa lánh nhau và không thể tìm được tiếng nói chung cả về thể xác lẫn tâm hồn.

Chất hài của Beef không thể hiện ở lời thoại mà còn ở phần trang phục – một trong những yếu tố quan trọng trong điện ảnh. Nhà thiết kế trang phục của Beef từng chia sẻ rằng: “Amy làm đủ thứ tồi tệ trong show này, vì thế tôi muốn cô ta phải mặc những thứ đồ mà người ta phải giữ gìn không dám làm bẩn. Lúc nào Amy cũng tỏ vẻ mình điềm tĩnh và xử lý được mọi thứ, nhưng sâu bên trong nước mắt thì cơn sóng phẫn nộ đang gào rú. Và màu be với trắng trở thành cái bong bóng hoàn hảo mà cô ta tạo ra”.

Điểm va chạm vô cùng hợp lý!

Nếu chỉ dừng lại ở những thứ kể trên, Beef không khác nào một màn kể khổ thiếu sức sống, cái hay của bộ phim là để cho hai nhân vật chính va chạm, mâu thuẫn và từ đó lắng nghe, thấu hiểu nhau.

Với túi tiền rủng rỉnh và thấm nhuần lối sống phương Tây, Amy cũng gã chồng “bình hoa” của mình hở một chút là nhờ đến bác sĩ tâm lý. Trong khi đó với người như Danny hay người châu Á nói chung, bác sĩ tâm lý là thứ gì đó mơ hồ và không cần thiết. Danny từng chế nhạo Amy rằng: “Trị liệu kiểu phương Tây không hợp với phương Đông đâu!”. Điều đó đúng mà cũng không đúng, bởi dù có tìm tới bác sĩ hay không, thứ bất cứ ai đều cần chính là được lắng nghe và chia sẻ, đó đã là một liều thuốc tinh thần vô cùng hữu hiệu.

4 - Phim tạo ra điểm chạm vô cùng hợp lý
Phim tạo ra điểm chạm vô cùng hợp lý

Mâu thuẫn hay những trò chơi khăm vượt ngoài sức tưởng tượng giữa Amy và Danny chỉ là sự phóng đại quá đà cho khoảng cách người với người ở xã hội hiện đại. Vào một ngày mà mọi thứ không như ý mình, nhiều khi ta sẽ muốn đổ lỗi cho bất cứ điều gì đó, hay ngay một người xa lạ chẳng liên quan tới mình.

Người viết tin chắc rằng, không ít độc giả từng rơi vào tình cảnh kẹt cứng ở một con đường nào đó khiến mình bị trễ giờ đi làm, liền sẽ đổ lỗi cho chiếc xe khi đó đã cản trở hay vô tình va phải mình. Tuy nhiên, xin trích dẫn tựa đề một tập phim của Beef: “Rắc rối đến từ lựa chọn ban đầu”, khoảnh khắc chúng ta bắt đầu lo lắng, tức giận tức là bản thân đã đặt một chân vào sự tổn thương, đôi khi mọi thứ không hẳn quá tệ, chỉ là lựa chọn của chúng ta ra sao để không bị hoàn cảnh chi phối.

5 - Phim có cách thể hiện đơn giản nhưng thâm sâu
Phim có cách thể hiện đơn giản nhưng thâm sâu

Còn nhớ trong tập cuối, Amy và Danny nôn mửa trong rừng sau khi cả hai nghĩ rằng họ đã tự đầu độc mình đến chết do ăn nhầm quả mọng. Khi cả hai đều đinh ninh đời mình đã kết thúc, họ bắt đầu nhìn nhận con người thật của nhau thay vì bị che mờ bởi cơn thịnh nộ như trước. Có một vị danh nhân từng nói rằng: “Con người không trở nên giác ngộ bằng cách tưởng tượng ra dáng hình của ánh sáng, mà bằng việc nhận thức được bóng tối”. Nếu ai từng xem phim này, sẽ hiểu điều đó đúng ra sao.

'Beef': Khi người châu Á cùng quẫn giữa đất Mỹ
Hồng Đào

Trong tập 8 của phim, khán giả Việt không khỏi ngỡ ngàng với sự xuất hiện của diễn viên Hồng Đào trong vai mẹ của Amy. Không những vậy, nhân vật của chị còn uống trà đá và nấu canh chua. Chia sẻ về kỷ niệm đóng phim Beef, Hồng Đào cho hay đoàn phim vô cùng thân thiện và bất ngờ khi Ali Wong có thể nói được tiếng Việt, chào hỏi chị bằng tiếng Việt rất lễ phép.

Những tình tiết u ám đến 'rợn người' trong series Netflix 'Beef' Những tình tiết u ám đến 'rợn người' trong series Netflix 'Beef'

(TGĐA) - Bộ phim Beef nổi đình đám trên Netflix dạo gần đây đang được ...

Profile 'xịn sò' của Joseph Lee - Anh chồng cực phẩm trong series Netflix 'Beef' Profile 'xịn sò' của Joseph Lee - Anh chồng cực phẩm trong series Netflix 'Beef'

(TGĐA) - Trong series phim ăn khách mới của Netflix Beef, Joseph Lee vào vai ...

Vũ Anh