(TGĐA) - Với năm Giáp Thìn, TGĐA muốn cùng những độc giả yêu quý của mình cùng bàn luận một chút về những chú rồng nổi tiếng trên màn ảnh. Có rất nhiều những hình ảnh rồng ấn tượng trong điện ảnh, hẳn bạn cũng sẽ nhớ về một trong số này.
Công ty cổ phần phim Giải Phóng hứa hẹn nhiều hoạt động hiệu quả trong năm mới Giáp Thìn | |
Ekip 'Lật mặt 7' tung bộ ảnh nền nã đầy hoài niệm đón xuân Giáp Thìn |
Tôi muốn bắt đầu với những năm tháng tuổi thơ, hẳn đối với mỗi chúng ta, hình ảnh rồng luôn gắn liền với những thế giới thần tiên và đầy mơ mộng. Nói đến đây, ta sẽ phần nào nhớ tới bộ phim hoạt hình kinh điển của Nhật Bản đó là Sprited Away (2002) của Ghibli Studios, kể câu chuyện của cô bé Chihiro lạc vào vùng đất linh hồn, nơi đây cô bé quen biết một cậu chàng đẹp trai tên Haku. Qua vô vàn gian khó, Chihiro và Haku vẫn không bao giờ có thể tách rời, và cô bé 10 tuổi cũng biết được rằng, hình dạng khác của Haku chính là con rồng trắng tuyệt đẹp và là hiện thân của con sông Kohaku. Họa sĩ Miyazaki Hayao mô tả sự tổn thương mà Haku là ẩn dụ cho những con sông đang ngày một bị ô nhiễm và khi vẽ hình dạng rồng của Haku, Miyazaki Hayao dựa trên mô phỏng của loài thằn lằn, khiến cho chú rồng có sự di chuyển linh hoạt trong phim.
Chú rồng Haku đã gắn liền với tuổi thơ của nhiều người trong Sprited Away |
Tương tự có một chú rồng trên phim hoạt hình lấy cảm hứng từ thằn lằn, đó là Mushu của phim hoạt hình Mulan, nhưng tạo hình có phần đậm nét Á Đông hơn.
Một phim hoạt hình khác về rồng đó là How To Train Your Dragon (Bí kíp luyện rồng) – của DreamWorks sản xuất cũng có khá nhiều bí mật thú vị. Một trong số đó, chính là sự đầu tư kỳ công của hãng sản xuất về kỹ xảo, khi chỉ một khung hình duy nhất đã cần tới 100.000 file kỹ thuật số. Chẳng hạn như đối với mỗi nhịp đập của cánh rồng, các họa sĩ phải vẽ từ 150 đến 200 chuyển động để mang đến những thước phim chân thực nhất. Nhân với số lượng rồng xuất hiện trong phần thứ 3 của loạt phim, khán giả có thể dễ dàng hình dung ra quá trình làm việc vất vả của đội ngũ sản xuất phim ra sao.
How To Train Your Dragon là một phim khó quên về rồng |
Với ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood từ thuở sơ khai, họ đã tạo ra rồng như thế nào? Khoảng những năm 90, điều kiện kỹ xảo của Hollywood lúc đó đã rất tân tiến, nhưng vẫn gặp nhiều hạn chế để tạo ra những con quái thú khổng lồ trên màn ảnh. Giả dụ trong bộ phim Dragonheart (1996) lấy bối cảnh tại nước Anh vào thế kỷ X dưới thời vua Arthur, tạo hình chú rồng Draco chỉ được thực hiện rất ít bằng CGI, và như phần răng hàm của rồng được chế tạo thật theo tỷ lệ 1:1.
Dragonheart (1996) |
Đó là chưa kể, những cảnh chú rồng Draco đang bay trên bầu trời, đoàn phim phải sự dụng máy bay để mô phỏng, sau đó mới “đắp” vào đó tạo hình rồng bằng kỹ xảo. Có một bí mật thú vị khác mà hiện giờ rất nhiều người yêu mến bộ phim Dragonheart chưa biết, đó là vì kinh phí hạn hẹp nên chú rồng Draco chỉ xuất hiện trong khoảng 20% thời lượng phim, nhưng nhờ cách sắp xếp tình tiết, khán giả gần như chẳng phát hiện ra.
Mo hình đầu rồng trong phim |
Tuy vậy kỹ xảo hiện đại cũng chưa chắc tạo ra được rồng “thật”, bởi rất nhiều phim hiện giờ khi lạm dụng CGI thành ra tạo phản ứng ngược. Điển hình như series House of The Dragon của HBO. Toàn bộ những chú rồng gần như 100% bằng CGI nên khán giả cảm thấy như “bị lừa dối”, đó là chưa kể để tiết kiệm chi phí, một số cảnh nhân vật đang cưỡi rồng của House of The Dragon đều chỉ quay nhân vật cưỡi trên lưng mà không thấy phần đầu rồng ở đâu. Nhà làm phim không phải “thần thánh”, nên đôi khi cố hết sức mà vẫn không thể chiều lòng khán giả, cũng không phải lỗi của họ mà càng không phải lỗi của khán giả, vì khán giả lúc nào cũng có quyền đánh giả phải không?
House of The Dragon |
Để tránh sự “giả dối” đến mức tối đa, nhiều phim sử dụng công nghệ motion capture (diễn viên mô phỏng theo hành động của chủ thể). Điển hình như trong The Hobbit, Benedict Cumberbatch đã được gắn các thiết bị mô phỏng vào người, để thể hiện chuyển động cơ mặt của và chuyển động của chú rồng Smaug, tạo ra một nhân vật huyền ảo hết sức ấn tượng. Tuy vậy gần như chỉ có những phim bom tấn, kinh phí đầu tư “siêu khủng” mới đủ tiềm lực thực hiện motion capture.
Benedict Cumberbatch "đóng" rồng trong The Hobbit |
Ở một phim bom tấn khác, chính là Avatar (2009), khi nếu đã say mê siêu phẩm của James Cameron, khán giả sẽ chưa quên chú rồng Toruk huyền thoại, biểu tượng tối cao của thủ lĩnh tộc Na'vi. Nam diễn viên Sam Worthington vừa đeo motion capture, vừa cưỡi trên mô hình mô phỏng cho Toruk, đúng là khá vất vả!
Mải mê với Hollywood, ta suýt quên mất tại Hollywood “phương đông” đó là Hàn Quốc, từng có một bộ phim về rồng gây xôn xao dư luận, đó là Dragon Wars (2007). Nhắc cho ai đã quên nội dung, phim kể về một phóng viên được nhận điều tra về loài rồng này trong quá trình tìm hiểu đã phát hiện ra kiếp trước mình là một chiến binh. Và anh đã trở thành người được lựa chọn tiêu diệt những con rồng hung hãn để bảo vệ cho người dân. Nhưng khi anh biết được điều đó thì cũng là lúc những con quái vật khổng lồ với sức mạnh kinh hoàng đang dần phá tan cả thành phố Los Angeles.
Dragon Wars (2007) |
Những con rồng trong phim được lấy cảm hứng từ loài rắn Imoogi trong truyện cổ tích của người Hàn Quốc và đều được làm bằng công nghệ 3D. Nhưng đáng tiếc, các nhà phê bình lại chê bai Dragon Wars không ngớt, nói rằng bộ phim tập trung phô diễn công nghệ mà phần nội dung trở nên quá rời rạc. Cũng thật lạ kỳ khi hiện giờ điện ảnh Hàn Quốc ngày càng có những thành tựu nổi bật, nhưng những bộ phim về rồng lại chẳng hề có, từ sau Dragon Wars, hi vọng chúng ta sẽ được chứng kiến thêm nhiều hơn nữa các phim về rồng.
Dĩ nhiên, còn rất nhiều những chú rồng ấn tượng trên màn ảnh, nhưng TGĐA muốn để dành những câu chuyện tiếp theo cho năm 2024, để cùng độc giả chia sẻ và khám phá những điều thú vị bởi chắc chẳn vẫn còn nhiều câu chuyện về “rồng” đang chờ đón chúng ta không chỉ ở điện ảnh, mà còn xung quanh cuộc sống. |
Công ty cổ phần phim Giải Phóng hứa hẹn nhiều hoạt động hiệu quả trong năm mới Giáp Thìn | |
Ekip 'Lật mặt 7' tung bộ ảnh nền nã đầy hoài niệm đón xuân Giáp Thìn |