Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam?

(TGĐA) - Làm sao để xây dựng môi trường làm phim thuận lợi với những đối tác làm phim nước ngoài đồng thời cải thiện chính sách ưu đãi để thu hút các đoàn làm phim nước ngoài đến với nước ta nói chung và Đà Nẵng nói riêng là mối quan tâm của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Liên hoan phim châu Á (DANAFF) lần thứ I vừa qua. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin gửi tới bạn đọc bài viết của PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú – Chủ tịch Hội điện ảnh Việt Nam.

Gặp gỡ Kavich Neang - Niềm tự hào 'mới' của điện ảnh Campuchia Gặp gỡ Kavich Neang - Niềm tự hào 'mới' của điện ảnh Campuchia
Trấn Thành và 'Những đứa trẻ trong sương' chiến thắng tại LHP châu Á Đà Nẵng lần I Trấn Thành và 'Những đứa trẻ trong sương' chiến thắng tại LHP châu Á Đà Nẵng lần I

Vẫn chưa cụ thể trong Luật điện ảnh (Sửa đổi)

Trong những năm trước, từng được mời nhiều lần tham gia họp góp ý xây dựng Dự thảo luật Điện ảnh (sửa đổi), chúng tôi còn nhớ rõ, trong nội dung văn bản (dự thảo lần thứ 8) tại khoản (3), Điều 6 đã ghi rõ việc cần thiết: “Chủ động hội nhập thị trường điện ảnh khu vực và thế giới; đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng giao lưu, quảng bá phim với các nước trong khu vực và trên thế giới”. Và... cũng tại khoản (1) và (2) - Điều 42. Thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam, đã được ghi rõ: (1). Tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam. Và… (2). Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định cụ thể khoản 1 Điều này. Theo tinh thần này quy định: Tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế, dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam.

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
Việt Nam với lợi thế lớn về bối cảnh khi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan tươi đẹp và hùng vĩ

Đáng tiếc, các nội dung mạch lạc và cụ thể như thế, lại không còn trong Luật Điện ảnh (Sửa đổi) số 05/2022/ QH 15 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua vào tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Nay chỉ còn rút gọn vắn tắt tại khoản (3), điều 5 -Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh “Nhà nước có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh theo quy định của pháp luật”.

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
Kong - Đảo đầu lâu là bộ phim điện ảnh hiếm hoi lấy bối cảnh ở Việt Nam

Sự cần thiết thu hút các đoàn làm phim nước ngoài

Hợp tác sản xuất, thu hút các đoàn làm phim nước ngoài là con đường giúp điện ảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, quảng bá đất nước, con người và thúc đẩy công nghiệp điện ảnh phát triển. Nhiều nước trên thế giới xem việc hợp tác sản xuất phim là lĩnh vực quan trọng nên đã có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt… Về vấn đề này, TS Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam đã từng đề cập, nhiều quốc gia coi hợp tác sản xuất phim là cách thức quan trọng nhất để phát triển điện ảnh, nên đã có những quy định cởi mở và chính sách ưu đãi đặc biệt cho phim hợp tác, dịch vụ. Không đâu xa, ngay trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan mỗi năm đón hàng trăm đoàn phim đến quay.

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
Nhiều hội thảo mở ra nhưng việc quảng bá bối cảnh quay phim của Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc...

Điểm danh lại, sau 3 tác phẩm điện ảnh của các nhà làm phim Pháp quay tại Việt Nam đầu những năm 90 của thế kỷ XX là Đông Dương, Người tình Điện Biên Phủ, thì mãi đến năm 2002, bộ phim Người Mỹ trầm lặng mới là tác phẩm đầu tiên của điện ảnh Mỹ quay tại Việt Nam, và phải đến tận năm 2017, bộ phim Hollywood đầu tiên là Kong - Đảo đầu lâu mới chọn Việt Nam làm bối cảnh. Và như vậy là quá ít. Điều dễ nhận thấy là, dù cảnh quan thiên nhiên Việt Nam hội đủ yếu tố để thu hút các đoàn phim, nhưng đến nay chúng ta chưa có cơ chế ưu đãi thuế cho đối tác điện ảnh ngoại. “Chính sách quan trọng nhất để thu hút các hãng phim nước ngoài là ưu đãi sản xuất phim. Đại đa số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang xây dựng các chương trình ưu đãi ngày một hấp dẫn và hoàn thiện hơn, với mức 20 - 30% giá trị dự án phim”…

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
Ekip sản xuất Iron Man 3 được ưu đãi thuế lên tới 20 triệu USD khi quay ở bang North Carolina

Cùng quan điểm này, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) Nguyễn Phương Hòa, từng cho rằng, “Việc hợp tác làm phim với nước ngoài của Việt Nam chưa đạt được những bước phát triển đột phá là do ta chưa có bất kỳ chính sách ưu đãi, ưu tiên nào cho họ. Vì vậy, thời gian qua, chúng ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt trong việc hợp tác sản xuất phim. So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam ở thế bất lợi hơn khi cạnh tranh trở thành điểm đến cho các nhà điện ảnh quốc tế bởi chưa đơn giản hóa các thủ tục hành chính cùng các chính sách ưu đãi”…

Tham chiếu những kinh nghiệm từ điện ảnh nước ngoài

Trong khi thực tế diễn ra, tại nhiều nền điện ảnh lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Hàn Quốc… đều có nhiều chính sách ưu đãi cho các dự án làm phim như miễn phí bối cảnh quay, hoàn tiền mặt đối với chi phí sản xuất, miễn giảm thuế... Cụ thể, nhiều tài liệu cho biết, đã có gần 40 bang của Hoa Kỳ ban hành các biện pháp ưu đãi, cạnh tranh nhằm thu hút các đoàn làm phim đến quay tại các địa phương. Đặc biệt, theo báo cáo của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ, “Bang North Carolina đã dành một khoản ưu đãi thuế lên tới 20 triệu USD cho ê kíp sản xuất bộ phim Iron Man 3, và trên thực tế cứ mỗi USD từ khoản tín dụng đó đã thu về gần gấp 3 lần như vậy (là 9 USD) đóng góp cho nền kinh tế 6,50 USD vào tổng sản phẩm của bang North Carolina”.

Tại Pháp, theo những số liệu đã công bố trên truyền thông đại chúng, thì các chính sách miễn giảm thuế và chế độ nhập khẩu dành riêng cho đạo cụ phim trường có thể giúp các đoàn làm phim giảm tới 50% chi phí sản xuất tại quốc gia này.

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
The Beach của Leonardo Dicaprio là một trong nhiều phim Hollywood được quay ở Thái Lan do có nhiều chính sách ưu đãi

Cũng nhờ chính sách ưu đãi tài chính, thủ đô Budapest của Hungary cũng đã và đang trở thành một trong những địa điểm quay phim phổ biến nhất châu Âu. Tương tự thế, Hàn Quốc luôn đi đầu trong việc thu hút và hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài với mức tài trợ khoảng 20% chi phí làm phim cho các cảnh quay, chủ động cử các đoàn khảo sát tới các nước để chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác, làm dịch vụ. Như xu thế chung, tại hầu hết các nước khác như Thái Lan, Malaysia, Singapore, New Zeland, Nhật Bản, Úc... đều có chính sách rất cụ thể cho việc này. Đó là chính sách hoàn thuế, ưu đãi các đoàn làm phim vào quốc gia họ. Đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhân lực, quảng bá, giới thiệu thời tiết khí hậu, thủ tục, hỗ trợ thiết bị... dường như tất cả những gì mà những người làm phim quan tâm khi đến mỗi quốc gia, đều cung cấp thông tin một cách minh bạch và đầy đủ. Điều này tạo thuận tiện rất lớn cho các đoàn làm phim nước ngoài.

Đa số mỗi nước đều có chương trình ưu đãi hấp dẫn riêng. Chính phủ Malaysia cho phép hoàn tiền lên tới 30% chi phí sản xuất. Theo nhà báo Nam Đông (phóng viên Báo Nhân dân thường trú tại Thái Lan), Thái Lan đang áp dụng ưu đãi thuế nhằm thu hút các đoàn làm phim quốc tế. Chính phủ Thái Lan đã phê chuẩn đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân đối với các diễn viên nước ngoài trong 5 năm nhằm thu hút các đoàn làm phim nước ngoài. Theo quy định mới, các đoàn làm phim quốc tế được Chính phủ Thái Lan miễn thuế đối với các khoản chi tiêu lớn. Mặc dù việc miễn thuế thu nhập cá nhân đối với diễn viên nước ngoài có thể sẽ khiến ngân sách Thái Lan giảm thu trước mắt, nhưng bù lại, thu nhập từ các đoàn làm phim nước ngoài trong khoảng thời gian này dự kiến lên tới 17,5 tỷ bạt. Chính phủ Thái Lan nỗ lực đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích cũng như giảm bớt các quy định để tìm cách thu hút và thúc đẩy hoạt động sản xuất phim của các đoàn làm phim nước ngoài. Vốn có lợi thế cạnh tranh lớn trong khu vực với nhiều địa điểm hấp dẫn để quay phim và cơ sở hạ tầng du lịch tốt, Thái Lan có chính sách hoàn tiền tương đương 15% trên mỗi 50 triệu bạt chi tiêu cho một bộ phim được quay. Đoàn làm phim nước ngoài sẽ được hoàn lại thêm 5% tiền mặt nếu thuê nhân công tại địa phương, hay quảng bá tích cực về văn hóa Thái Lan hoặc tiến hành quay phim tại các tỉnh du lịch chưa nổi tiếng, có thể được hoàn tiền tới 75 triệu bạt. Việc miễn thuế cho các diễn viên cũng giúp thu hút thêm nhiều đoàn làm phim tới Thái Lan. Chính phủ Thái Lan cũng đã chỉ đạo Cơ quan kinh tế sáng tạo (CEA), cơ quan quản lý du lịch và các cơ quan liên quan đề xuất các biện pháp khuyến khích mới để thu hút các công ty sản xuất phim quốc tế quay phim tại Thái Lan. Năm 2020, có 176 phim nước ngoài được quay ở Thái Lan, trong đó 74 là phim điện ảnh, 33 là phim bộ, 28 là phim quảng cáo và 41 là các loại hình khác. Chi phí sản xuất trung bình là 100 - 300 triệu bạt. Doanh thu từ các sản phẩm phim nước ngoài quay tại Thái Lan ngày càng tăng và chỉ tính riêng năm ngoái, ngành này đã tạo ra khoảng 5 tỷ bạt (khoảng 140 triệu USD) cho nền kinh tế. Thu nhập trung bình từ các sản phẩm phim nước ngoài trong giai đoạn 2017 - 2021 vào khoảng 3,5 tỷ bạt mỗi năm.

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
Thành công của Crazy Rich Asians đã khiến nhiều du khách kéo đến du lịch và tìm hiểu đất nước Singapore

Tóm lại, có thể thấy, ngoài phần ưu đãi về thuế, thủ tục... hầu hết các nước trên đều muốn điện ảnh phát triển khi thực hiện những chính sách rất mạnh mẽ nhằm thúc đẩy công nghiệp điện ảnh bằng cách hợp tác với điện ảnh nước ngoài, thu hút việc quay phim tại đất nước mình, kích cầu phát triển cả kinh tế, văn hóa xã hội và tạo công ăn việc làm cho đội ngũ làm chuyên môn, dịch vụ…

Còn nhớ, tại một Hội thảo do Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh tổ chức cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã đề cập: “Trong xu thế chung, khi tiếp xúc, trao đổi với một số nhà làm phim quốc tế, họ mong muốn chính sách này chứ không phải đơn thuần là chính sách kiểm duyệt…”. Thật vậy, các cấp quản lý đóng vai trò quan trọng trong việc để giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đó, sẽ thu hút các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam quay phim hoặc hợp tác sản xuất phim, góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh, các ngành dịch vụ liên quan, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Từ thực tế trên, nhìn lại mình, ta đã và đang thấy rõ “So với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam ở thế bất lợi hơn khi cạnh tranh trở thành điểm đến cho các nhà làm phim quốc tế bởi chưa có các biện pháp ưu đãi, hoặc đơn giản hóa các thủ tục hành chính…”. Rất nhiều quy định mới về khuyến khích, ưu đãi về chi phí, thuế đối với phim hợp tác với nước ngoài chưa từng được các cấp bộ, ngành, liên ngành quan tâm xem xét và đương nhiên còn thiếu những hướng dẫn cụ thể để áp dụng tại Việt Nam.

Cần làm gì để hấp dẫn các đoàn làm phim điện ảnh – truyền hình nước ngoài

Một là, cần sớm ban hành chính sách cụ thể để mời gọi các tổ chức nước ngoài làm phim sử dụng bối cảnh quay tại Việt Nam, các dịch vụ sản xuất phim do tổ chức của Việt Nam cung cấp. Khi đã xây dựng được chính sách phù hợp thì nên quảng bá ra thế giới. Việc mời nghệ sĩ nổi tiếng thế giới giới thiệu về cảnh quay của Việt Nam; khuyến khích doanh nghiệp chủ động hoàn thiện dịch vụ, hoàn thiện ngành công nghiệp phục vụ quay phim đủ uy tín, quy mô và chuyên nghiệp; tạo nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác, liên kết, liên doanh với các hãng phim, các đại lý lớn của thế giới sẽ nâng tầm quốc gia về mọi mặt không chỉ riêng lĩnh vực phim ảnh.

Cần làm gì để xây dựng môi trường làm phim hấp dẫn tại Việt Nam? PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú
A Tourist's Guide to Love là phim gần nhất của nước ngoài lấy bối cảnh ở Việt Nam

Hai là, sớm ban hành chính sách ưu đãi về thuế, bao gồm giảm thuế, khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế, dựa trên chi phí của đoàn làm phim tại Việt Nam. Để làm được điều này, cần có sự thống nhất chỉ đạo thông suốt từ Trung ương đến các địa phương, có sự chung tay, đồng hướng của các cấp bộ ngành có liên quan, đặc biệt là những địa phương có tiềm năng về du lịch, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn nhằm mời gọi các đoàn làm phim khi vào nước ta một cách thuận lợi.

Ba là, đồng thời “Đầu tư xây dựng trường quay hiện đại với công nghệ cao đáp ứng sự phát triển kỹ thuật số” cũng cần quan tâm. Vì bối cảnh điện ảnh không chỉ tận dụng khai thác từ thiên nhiên có sẵn mà còn phải dàn dựng, cải tạo, biến đổi sao cho phù hợp với thời đại, hình ảnh, không gian dung chứa hành động nhân vật đáp ứng tính đặc thù của từng câu chuyện phim.

Với lợi thế thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, Việt Nam là có tiềm năng trở thành điểm đến của các đoàn làm phim trên thế giới. Những lợi thế khi được thế giới biết đến qua điện ảnh, làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, trở thành điểm đến của các đoàn làm phim nổi tiếng trên thế giới, những vấn đề này đã từng được đặt ra tại nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo. Nước ta có đủ yếu tố trở thành điểm đến với những bối cảnh quay phim của những bộ phim nổi tiếng. Với chiều dài hàng ngàn ki lô mét từ Bắc vào Nam, thiên nhiên đã ban tặng cho Việt Nam một dải đất đẹp hiếm có trên thế giới: núi cao hùng vĩ ở Tây Bắc, dải Trường Sơn huyền thoại từ Bắc vào Nam và những di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới (Vịnh Hạ Long, Quần thể danh thắng Tràng An, Vân Long, Tam Cốc, Phong Nha – Kẻ Bàng…). Những hình ảnh núi non hùng vĩ, cánh đồng, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, thân thiện, đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách nước ngoài. Hòa cùng việc cải tiến trong thực thi Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á, một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam. Khánh Hòa, Cao Bằng, Tuyên Quang, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ… đều có tiềm năng phát triển công nghiệp điện ảnh gắn với phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội, dựa trên đặc thù và lợi thế của mỗi địa phương về cơ sở vật chất, địa lý, danh lam thắng cảnh. Nên chăng, trước mắt mỗi địa phương ngoài việc có thống nhất chung, cụ thể hóa một cách thông thoáng riêng phù hợp với điều kiện của địa phương mình, nhằm thu hút các đoàn làm phim quốc tế và sự đầu tư của các đối tác nước ngoài vào các dự án điện ảnh tại Việt Nam, góp phần tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề gây trở ngại cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm qua, tạo những điều kiện tham gia thuận lợi cho các nhánh tư nhân, đồng thời thúc đẩy giao lưu, hợp tác giữa ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Gặp gỡ Kavich Neang - Niềm tự hào 'mới' của điện ảnh Campuchia Gặp gỡ Kavich Neang - Niềm tự hào 'mới' của điện ảnh Campuchia
Cơ hội nào cho Đà Nẵng trở thành địa điểm quay phim quốc tế lý tưởng? Cơ hội nào cho Đà Nẵng trở thành địa điểm quay phim quốc tế lý tưởng?

PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú