(TGĐA) - Lần đầu tiên Cánh diều “bay” ở thành phố biển Nha Trang và nghệ sỹ điện ảnh ở khắp miền đất nước sẽ có dịp gặp gỡ nhau tại thành phố biển xinh đẹp này. Và hẳn trong số nhiều nghệ sỹ đó, sẽ có những người được thăm lại “nàng thơ” mà mình đã từng đưa lên màn ảnh. Và cũng sẽ có nghệ sĩ, ấp ủ cho mình một dự án mới, với bối cảnh Nha Trang…
|
Có một “Nàng thơ” sau giải phóng…
Năm 2016, nhà biên kịch – nhà văn Nguyễn Khắc Phục qua đời, trong rất nhiều những lời chia buồn dành cho ông, tôi nhớ có một khán giả vô danh đã viết: “Nha Trang đẹp nhưng lại ít được chọn làm phông không gian nghệ thuật một cách đầy đặn cho phim ảnh. Tôi nhớ Sơn ca trong thành phố như là nhớ đến một tác phẩm điện ảnh, cho dù là phim đen trắng, đã đưa Nha Trang phố biển đến với rộng rãi công chúng. Nha Trang luôn ghi giữ tấm tình mà nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã dành cho qua bộ phim ấy. Tôi, một người dân Nha Trang, xin chân thành tiễn biệt ông”.
Sơn ca trong thành phố (1986) xoay quanh bé Hạnh, người có giọng hát hay của trường đã cùng các bạn mình giúp các chú công an phá vụ án của bọn gián điệp lén lút trở về Việt Nam âm mưu phá hoại cuộc sống mới của thành phố ven biển những năm sau giải phóng. Và người gột nên kịch bản đó là nhà văn – nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục, lúc đó đang sinh sống tại thành phố biển xinh đẹp này. Thứ tình cảm sâu đậm dành cho mảnh đất đang sinh sống từ trang viết kịch bản như được đâm chồi với “phong cách làm phim thơ” của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư và ống kính của nhà quay phim Phạm Việt Thanh – một trong những tay máy lãng mạn nhất thời điểm đó. Sơn ca trong thành phố có sức sống lâu bền với khán giả ngoài phần diễn xuất, ca khúc trong trẻo còn trong ký ức thì còn là những hình ảnh “tình” đến nao lòng không chỉ về một thành phố biển thơ mộng, thuần khiết dù vừa trải qua chiến tranh mà còn cả những địa danh thân thương như chùa Long Sơn, Biệt điện Bảo Đại, Tháp Bà, Hòn Chồng…
|
Thực ra, Sơn ca trong thành phố không phải là bộ phim đầu tiên Nha Trang là “nàng thơ” cho một tác phẩm điện ảnh thả hồn. Cũng chính biên kịch Nguyễn Khắc Phục, năm 1979, đã đưa Nha Trang từ trang giấy lên màn ảnh với bộ phim Tự thú trước bình minh. Phim do đạo diễn Phạm Kỳ Nam thực hiện, quay toàn bộ ở bối cảnh Nha Trang, mượn câu chuyện những ngày cuối cùng của một gia đình viên chức trước khi quân giải phóng tiến vào thành phố để kể một “lời tự thú” từ phía Ngụy quyền với diễn xuất của dàn sao thời đó là Trần Tiến, Thế Anh và Lê Vân. Thành phố biển với hàng dừa nghiêng bóng, những con phố nhỏ xinh dọc theo những biệt thự cổ thời Pháp, với bệnh viện, sân bay, nhà thờ… không chỉ phủ sự tĩnh lặng lên những hoảng loạn, hèn hạ, hấp hối chực chờ “tự thú trước bình minh” của chế độ cũ, đóng góp vai trò quan trọng cho phim mà với sự trường tồn của điện ảnh, sự lưu giữ những hình ảnh đó còn mang giá trị cực kỳ quý giá cho những người yêu thành phố biển này.
|
Năm 1998, Nha Trang một lần nữa lại được nhà biên kịch Nguyễn Khắc Phục đưa lên màn ảnh với series phim truyền hình Những đứa con thành phố, phản ánh về cuộc đấu tranh cách mạng ở Nha Trang năm 1945 – 1946 được khán giả truyền hình cực kỳ yêu mến. Tuy nhiên, Nha Trang thành “nàng thơ” trên phim không chỉ bởi ở đó có “cái tình” một nhà văn, nhà biên kịch. Sau chiến tranh, cùng với Sài Gòn và Hà Nội, Nha Trang trở thành điểm đến sôi động của nhiều nhà làm phim. Một đô thị xinh xắn hầu như còn nguyên vẹn các kiến trúc Pháp cổ bên cạnh không gian biển thơ mộng với bối cảnh đa dạng cùng cơ sở vật chất đáp ứng tốt cho các đoàn làm phim cư trú chính là sức hút của thành phố biển xinh đẹp này. Một số phim lấy bối cảnh thành phố Nha Trang đáng chú ý thời đó phải kể đến là Phương án ba bông hồng của đạo diễn Văn Hòa (1981) hay Bãi biển đời người của đạo diễn Hải Ninh (1983), Nhiệm vụ hoa hồng của đạo diễn Hồng Sến (1988) …
|
Và không chỉ có thành phố biển Nha Trang, những địa danh đẹp của tỉnh Khánh Hòa cũng lần lượt được khai thác làm nao lòng người xem. Về nơi gió cát (năm 1981) của đạo diễn Huy Thành là một ví dụ. Những trảng cát trắng phau đẹp như bức tranh lãng mạn ở Cam Ranh không chỉ khiến khán giả nao lòng mà còn chuyển tải khá tốt những khoảng trắng mênh mông trong hai tâm hồn đổ vỡ bởi hoàn cảnh chiến tranh của Lũy và Duyên…
Vẫn còn đó một nét duyên thầm…
|
Đất nước phát triển kéo theo một Nha Trang cũng thay da đổi thịt. Nền “công nghiệp không khói” cộng kinh tế biển đã khoác lên thành phố này một chiếc áo hiện đại, kiêu kỳ đầy sức sống nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp lãng mạn ngày nào. Điều đó được thể hiện qua một loạt bối cảnh đẹp trong các phim tư nhân sản xuất khi tìm về xứ Trầm Hương như Đẹp từng centimet (2009), Những nụ hôn rực rỡ (2010), Mỹ nhân kế (2013) hay Chàng trai năm ấy (2014)… Bên cạnh dàn trai xinh gái đẹp, những cảnh đẹp nức tiếng như khu nghỉ dưỡng Yangbay (thuộc khu du lịch sinh thái Ngọc Sương) hay Amiana Resort Nha Trang đều khiến khán giả trầm trồ khi theo dõi những bộ phim này trên màn ảnh rộng. Và không chỉ còn mang tính thẩm mỹ, lưu giữ, những bộ phim còn là cầu nối, đòn bẩy kích cầu khán giả “xách ba lô lên và đi” đến thăm thú những cảnh đẹp ở vùng đất này. Điện ảnh và du lịch, bắt đầu có nhiều mối lương duyên. Và Nha Trang trên phim, hiện diện bằng sự hiện đại với các khu nghỉ dưỡng, với biển, cát và cả… bikini!
|
Không chỉ mang hình ảnh của một cô gái hiện đại, lãng mạn. Vẫn còn đó một Nha Trang thu hút bởi bề dày văn hóa như một nét duyên thầm. Năm 2017, bộ phim Mẹ chồng của đạo diễn Lý Minh Thắng quay ở Khu du lịch Nhà xưa ông Hai Thái (xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh), cách Nha Trang chừng hơn 10km, đã khiến người xem không khỏi trầm trồ. Nhà cổ nguy nga, những hồ nước mênh mông cùng cánh đồng lúa xanh ngút ngát khiến khán giả yêu cái đẹp khó có thể rời mắt. Theo tiết lộ từ đoàn phim Mẹ chồng, đội ngũ sản xuất đã phải đi khắp các thị trấn, làng quê từ miền Trung, miền Tây đến Sài Gòn và cuối cùng, khi dừng chân ở nhà cổ ông Hai, họ đã có thể mỉm cười.
Nha Trang của thời hiện tại, mang đến sự hấp dẫn từ cả hình ảnh đến tâm hồn và các nhà làm phim, vẫn không ngừng tìm đến “nàng thơ” ấy, để ngỏ lời.
Không chỉ có những nhà làm phim trong nước, cũng đã có nhiều đoàn làm phim nước ngoài cảm mến “cô gái Trầm Hương”. Tháng 3/2022, Netflix chọn Việt Nam để quay bộ phim truyền hình A tourist’s guide to love và Nha Trang – Khánh Hòa là một điểm đến khai phá trong hành trình của mình. A tourist’s guide to love kể về nữ chuyên viên du lịch đã tìm thấy sự phiêu lưu và lãng mạn trong chuyến du lịch Việt Nam sau khi chia tay người yêu. Phim do Eirene Donohue - người Mỹ gốc Việt viết kịch bản, Steven Tsuchida đạo diễn cùng sự tham gia của một số diễn viên Việt Nam. Và đây, là dịp để “nàng thơ” Nha Trang của thời hiện đại có thể khoe nụ cười của mình với bạn bè thế giới khi A tourist’s guide to love được chiếu ở nền tảng trực tuyến lớn nhất thế giới này… |
Cánh diều 2021: Lần đầu 'bay' ở Nha Trang, nghệ sĩ nói gì? (TGĐA) - Lần đầu tiên giải thưởng Cánh diều rời 2 địa điểm quen thuộc ... |
Giải thưởng Cánh diều lần đầu “bay” ở thành phố biển Nha Trang (TGĐA) – Ngày 16/6/2022, Hội điện ảnh Việt Nam đã tổ chức tổ chức họp ... |
Lễ trao giải Cánh diều 2021 lần đầu tiên được tổ chức tại Nha Trang, Khánh Hòa (TGĐA) - Theo đại diện lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam, Lễ công bố ... |
Hoàng Tuấn