(TGĐA) - Họ từng là Ủy viên Ban chấp hành, là Chủ tịch Hội; không chỉ là chứng nhân cho 8 kỳ Đại hội Hội điện ảnh Việt Nam với nhiều kỷ niệm khó quên mà còn là những người dẫn dắt Hội điện ảnh qua từng thăng trầm. Trước kỳ Đại hội lần thứ IX, Tạp chí Thế giới điện ảnh xin ghi lại những xúc cảm cùng kỳ vọng của các “chứng nhân”, gửi tới Hội viên Hội điện ảnh.
Diễn viên, NSND Trà Giang (Ủy viên BCH Đại hội Điện ảnh khóa I, II)
Tôi còn nhớ những ngày đầu Hội Điện ảnh được thành lập từ những năm 1969. Thời đó, có rất nhiều ngành nghề khác như múa… đã gửi thư lên Bộ Văn hóa xin phép được thành lập Hội nhưng chỉ có Hội Điện ảnh của chúng ta được cấp phép thành lập. Đây là điều vô cùng vinh dự, điều này cho thấy Đảng, các ban ngành đã quan tâm đến tình hình điện ảnh nước nhà và coi đây là một ngành nghề đặc biệt quan trọng.
Hội Điện ảnh là tiếng nói của anh chị em nghệ sĩ. Lúc bấy giờ, tôi là nữ đại biểu duy nhất nằm trong BCH của Hội với tư cách là một diễn viên. Tôi rất vui và cảm thấy bản thân mình phải có trách nhiệm với vị trí mình đảm nhiệm. So với BCH của các nhiệm kỳ thời kỳ đầu thì rõ ràng ở những nhiệm kỳ sau, BCH mới đã hoạt động tích cực hơn, tốt hơn rất nhiều.
Chủ tịch quốc hội Trường Chinh tới chúc mừng Đại hội Hội Điện ảnh lần thứ II năm 1983 |
Với tư cách là Hội viên lâu năm của Hội Điện ảnh Việt Nam, tôi mong đại hội kỳ tới tìm ra được BCH và đặc biệt là một vị Chủ tịch Hội Điện ảnh công tâm, luôn quan tâm sâu sát đến đời sống của anh em nghệ sĩ.
Hiện nay, điện ảnh Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, vì thế tôi rất mong muốn lãnh đạo của Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ kết hợp cùng với các cấp chính quyền làm sao thúc đẩy ngành điện ảnh của mình phát triển tốt hơn.
Diễn viên, NSND Trà Giang |
Hiện giờ, khi đã về hưu tôi không còn hoạt động nghệ thuật, đóng phim nữa tuy nhiên tôi vẫn luôn luôn quan tâm, đau đáu với ngành điện ảnh. Và chỉ mong muốn làm sao cho ngành điện ảnh phát triển và đặc biệt là tiếng nói của anh em nghệ sĩ được bảo vệ.
NSND, Đạo diễn Ngô Mạnh Lân (Ủy viên BCH Đại hội Hội Điện ảnh lần I)
Đại hội Hội Điện ảnh lần thứ I diễn ra vào năm 1969 như một điều tất yếu cần phải có với anh chị em nghệ sĩ, để chúng tôi có một nơi giao lưu, học tập và đào tạo ra được nhiều nghệ sĩ tài năng trong bối cảnh đất nước cần lắm hơi thở của nghệ thuật song hành cùng cách mạng. Bản thân tôi là người làm phim hoạt hình, tuy cách làm phim thời đó còn nhiều hạn chế nhưng may mắn được nhà nước cử đi học làm đạo diễn phim hoạt hình, rồi có phim đạt giải thưởng quốc tế, nên được anh em mong muốn mình sẽ đảm nhận phần “mỹ thuật” trong Đại hội, rồi sau này là nhiều công việc khác như thiết kế ấn phẩm, đồ vật, tìm tài liệu. Tôi thường chọn lấy hình hoa sen tao nhã làm cảm hứng cho mình.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Hà Xuân Trường phát biểu tại Đại hội Hội Điện ảnh lần thứ I năm 1969 |
Tôi còn nhớ ngày đó mình được giao rất nhiều việc, phải làm một mình nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy mệt mỏi vì cứ nghĩ đến việc sau này anh em Hội Điện ảnh, dưới sự chỉ đạo lúc bây giờ của những tên tuổi như Nhà phê bình Hà Xuân Trường, đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, đạo diễn Bùi Đình Hạc… anh em nghệ sĩ rồi sẽ được tiếp cận những thành tựu mới của điện ảnh trong tâm trạng hết sức phấn khởi thì mọi thứ với tôi lại thật dễ dàng. Vì tuổi đã cao nên tôi không rõ bây giờ ra sao nhưng tôi có thể khẳng định thật khó để có thể mang lại một bầu không khí học tập và làm việc đầy nhiệt huyết như ngày đó. Ngày xưa chỉ cần được xem một thước phim của Liên Xô, một trang tài liệu được dịch từ nước ngoài là chúng tôi đã coi như đó là cả một “kho báu”…
NSND, Đạo diễn Ngô Mạnh Lân |
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ (Ủy viên BCH Đại hội Hội Điện ảnh lần II)
Thật buồn khi chứng kiến những gương mặt các hội viên của Hội Điện ảnh thời kỳ đầu, người đã ra đi, người tuổi cao sức yếu, không còn nói chuyện được rõ ràng. Với Đại hội Hội Điện ảnh lần II, tôi nhớ như in sự tham dự của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Trường Chinh trong một ngày hết sức nồng ấm và quan trọng với Hội Điện ảnh khóa II. Các đồng chí lãnh đạo dù rất bận rộn nhưng đã dành thời gian đến chia vui cùng những người làm nghề điện ảnh khiến anh em nghệ sĩ chúng tôi rất cảm động và nhận thấy sự quan tâm lớn của lãnh đạo với điện ảnh nước nhà.
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ |
Thời ấy tôi đã về hưu, cả đời viết kịch bản phim rồi sân khấu suốt ngày đêm nhưng vẫn vinh dự được đảm trách nhiệm vụ Ủy viên ban chấp hành khóa II. “Mệt” nhưng cứ làm được gì thì làm, nhất là năm ấy còn có anh Lý Thái Bảo rồi anh Hải Ninh đều là những người bạn của tôi. Họ giờ đã ra đi, giờ tôi cũng chẳng thể đi lại được nữa nhưng rất mong bằng cách nào đó được gặp lại những anh em khác thời ấy...
Các nghệ sỹ điện ảnh tại Đại hội Hội điện ảnh lần thứ II năm 1983 |
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh: (Nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa III và IV)
Sau khi làm Tổng thư ký ở Hội Điện ảnh Việt Nam 2 nhiệm kỳ trong 10 năm (Khóa III và IV), đến khóa V, tôi chủ động xin rút lui mặc dù được phiếu tín nhiệm cao và tiếp tục được Đại hội đề cử. Tôi nhớ khi nghe tôi tuyên bố như vậy, nhiều người rất bất ngờ và hết sức ngạc nhiên. Giờ giải lao, khi bước ra hành lang thì đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi là người đầu tiên bắt chặt tay tôi nói một câu mà đến nay tôi còn nhớ đinh ninh: “Cậu đúng là con ông Ngữ (tức GS - BS Đặng Văn Ngữ, thân sinh của tôi). Lát sau ông Trần Hoàn - Phó ban Tư tưởng Văn hóa, người trực tiếp chỉ đạo Đại hội cũng nói với tôi một câu như vậy. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi sau 2 nhiệm kỳ công tác ở Hội Điện ảnh Việt Nam.
NSND Đặng Nhật Minh làm việc với nữ diễn viên Lê Vân và Thúy Hường trong phim Thương nhớ đồng quê |
Sau nhiều năm làm việc và theo dõi công việc của Hội, tôi có một vài suy nghĩ như sau: Thực ra ai làm lãnh đạo Hội cũng được. Công việc của Hội khóa nào cũng như khóa nào, cũng từng ấy đầu việc. Những việc này thực chất đều do Văn phòng Hội trực tiếp làm từ bao năm nay như một guồng máy đã được lập trình sẵn. Cứ có người bấm nút và có kinh phí trên rót xuống thì nó chạy, mà chạy rất nhịp nhàng vì đã quá quen việc. Hội thực ra cũng chẳng có nhiệm vụ gì cụ thể được nhà nước giao. Quản lý về nhà nước đã có Bộ Văn hóa, Cục Điện ảnh. Nhưng theo như điều lệ thì cứ 5 năm tổ chức Đại hội một lần để bầu Ban lãnh đạo mới của Hội. Vậy những người chúng ta bầu ấy thực chất là ai? Đó là những người mà chúng ta muốn họ đại diện cho chúng ta, bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta mà cao nhất là ông Chủ tịch Hội (chứ không phải bầu họ ra để làm những công việc mà Văn phòng Hội vẫn thường làm). Phải bầu chọn làm sao để chúng ta có thể hãnh diện khoe với mọi người rằng, tôi có những người như vậy đại diện cho tôi, lãnh đạo Hội của tôi. Nếu ai cũng nhận thức như vậy thì các cuộc bầu bán sẽ không còn là những cuộc đấu đá của các phe nhóm để tranh giành quyền lợi, không còn những âm mưu vận động chạy cửa trước cửa sau… lúc đó chúng ta mới thực sự bầu ra được những người đại diện xứng đáng cho Hội xã hội, nghề nghiệp của mình. Buồn nhất là khi giới thiệu với ai đó những người đứng đầu Hội, lại được nghe câu hỏi : Ông (hoặc Bà ấy) là ai nhỉ? Đã từng có đóng góp gì cho điện ảnh nước nhà?.
Ra mắt BCH mới tại Đại hội Điện ảnh lần thứ III |
Các nghệ sĩ chụp lưu niệm trong dịp Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ IV |
PGS. TS. Trần Luân Kim (Nguyên chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam khóa V và VI)
Hai nhiệm kỳ được anh em tin tưởng làm Chủ tịch Hội, với tôi, có vô số kỷ niệm không thể nói hết trong đôi ba dòng. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy hài lòng, toại nguyện và sung sướng tới tận ngày hôm nay chính là ngày đó cùng với các đồng nghiệp đặt ra mục tiêu: phải có một giải thưởng điện ảnh đến được với công chúng, kết nối người làm nghề và công chúng lại với nhau.
PGS. TS. Trần Luân Kim |
Tôi còn nhớ đề án của tôi về một giải thưởng có tính chất như vậy cùng với ngày lễ được gọi là Ngày Điện ảnh Việt Nam – không lẫn lộn với các ngày lễ văn hóa khác được trình lên Ban Bí thư, sau đó là cuộc họp Ủy viên chính trị dưới sự chứng kiến khi ấy bởi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh. Trải qua nhiều thủ tục phức tạp, những chặng đường gian nan, giải thưởng Cánh diều cùng Ngày Điện ảnh Việt Nam đã ra đời từ đấy, nhận được sự quan tâm đông đảo của anh em làm nghề cùng khán giả nước ta.
Tuy nhiên, điều tôi vẫn canh cánh trong lòng chính là có thay đổi đáng kể nào không ở nhiệm kỳ mới sắp tới của Hội Điện ảnh? Người được bầu phải biết tự ý thức có trách nhiệm và nhiệt tình đúng lúc, đúng chỗ, đừng có chạy theo suy nghĩ “công việc tới đâu hay tới đó” mà cái chính là phải tìm cách giúp anh em sinh hoạt tốt ở những hoạt động quanh năm, nhằm đưa tác phẩm của nghệ sĩ được nhiều người biết tới. Như thế, nền điện ảnh Việt Nam mới ngày một bay cao được.
Các nghệ sỹ điện ảnh chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội |
Làm sao để mỗi dịp lễ kỉ niệm lớn tập hợp đông đủ hội viên, từ già đến lớp trẻ. Ngoài ra, giờ đây hoạt động nghề nghiệp của Hội như Trại sáng tác dành cho các biên kịch thì đơn giản quá, thế quay phim, đạo diễn thì sao? Đó là những lĩnh vực mà chịu tác động của công nghệ rất nhiều hiện nay, phải đòi hỏi không chỉ người có tay nghề cao mà ngân sách tài trợ cũng là điều chúng ta nên tính tới, làm sao kêu gọi đầy đủ phục vụ mục đích học tập cho anh em. Vì thế, có chăng nên nghĩ tới việc thành lập các chi hội nghề nghiệp riêng để anh em Hội Điện ảnh có định hướng rõ ràng, cụ thể xem mình cần gì và muốn gì…
Đạo diễn, NSND Khải Hưng (Ủy viên BCH Đại hội Hội Điện ảnh lần V)
Đến bây giờ trong tôi vẫn nguyên bồi hồi khi kể lại câu chuyện này. Năm 1995, lần đầu tiên tôi phát biểu tại đại hội của Hội Điện ảnh kêu gọi mọi người làm phim truyền hình và lấy được lòng hội viên nên tôi được bầu luôn vào ban chấp hành với số phiếu cao nhất. Đại hội quyết định ai được bầu số phiếu cao nhất sẽ được bầu làm Tổng Thư ký (nay gọi là Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam).
Đạo diễn, NSND Khải Hưng |
Lúc đó, ông Trần Hoàn – Bộ trưởng Bộ Văn hóa có ngỏ ý để tôi đảm nhiệm chức Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, tuy nhiên, tôi đã từ chối vì lý do mình làm truyền hình, chức Tổng thư ký nên để những nghệ sĩ điện ảnh đảm trách sẽ hợp lý hơn. Và tôi đảm nhận chức Phó Tổng thư ký của đại hội Hội Điện ảnh khóa V – Lần đầu tiên có người làm truyền hình được đảm nhận chức Phó Tổng thư ký của Hội.
Đến năm 2005, khi tôi về nghỉ hưu. Với những cống hiến cho công tác nghệ thuật của mình, một lần nữa tôi lại được đề nghị đảm trách chức vụ đứng đầu Hội Điện ảnh. Tuy nhiên, tôi từ chối. Tôi cho rằng nên để những nghệ sĩ hiện đang làm nghề đảm trách sẽ nhiệt tình, quan tâm sâu sát đến thời cuộc hơn.
Nguyện vọng của tôi là Ban chấp hành khóa mới này, không nên để những nghệ sĩ điện ảnh đã cao tuổi đảm trách mà thay vào đó, là những người trẻ, những người đang làm nghề, có nhiều kinh nghiệm. Đừng để những nghệ sĩ đã có tuổi đảm trách vì như vậy mô hình chung Hội Điện ảnh sẽ thiếu đi sức sống, sức trẻ, nhiệt huyết, ít quan tâm sâu sát đến đời sống của anh chị em nghệ sĩ.
Các nghệ sỹ điện ảnh tại Đại hội Hội điện ảnh toàn quốc lần thứ VI |
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần (Ủy viên BCH Đại hội Điện ảnh lần VII)
Mỗi nhiệm kỳ của Hội Điện ảnh song hành cùng những đổi thay của điện ảnh nước nhà. Tôi thì cách đây 10 năm cũng đã chả còn “sức” nữa rồi (cười), nhất là vì miệt mài làm phim truyền hình, nhưng cứ nghĩ đến việc thế hệ trẻ làm phim bây giờ lại cảm thấy trăn trở. Các bạn ấy có những cách làm mới lạ nhưng rốt cuộc vẫn thiếu những người có kinh nghiệm định hướng dẫn dắt sao cho hoàn chỉnh.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần |
Đại hội Điện ảnh lần thứ VII diễn ra với những con người trở thành đầu tàu đến giờ như anh Đặng Xuân Hải rồi chị Hồng Ngát còn bản thân tôi, chỉ muốn thỏa mong muốn được dạy thế hệ sau - kể cả những người chưa biết tới điện ảnh bao giờ - việc làm phim thú vị ra sao. Và thực lòng cảm ơn Hội Điện ảnh, Đại hội lần thứ VII đã cho tôi cơ hội trở thành người trong Ban chấp hành, được tới khắp mọi miền đất nước để dạy điện ảnh. Tôi vẫn tự hào việc rất nhiều học sinh của tôi xuất thân đều không phải làm nghệ thuật nhưng làm phim đều rất tốt.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thay mặt Ban bí thư tặng cờ cho Hội điện ảnh Việt Nam tại Đại hội lần thứ VII |
Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy (Đại hội Điện ảnh lần VIII)
Cứ mỗi lần đến Đại hội Điện ảnh Việt Nam là tôi lại có những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Đại hội Điện ảnh Toàn quốc là một cuộc họp mặt lớn - năm trăm hội viên làm công tác điện ảnh và truyền hình cả nước cùng về tụ hội. Cứ xem những cuộc gặp nhau, tay bắt mặt mừng, có cả nụ cười và nước mắt. Nên, nói về kỷ niệm, chắc chắn một điều, tôi nhớ nhất là những lần họp mặt đông đảo hội viên của cả nước.
Nhà biên kịch Dương Cẩm Thúy |
Bởi vì chiều dài đất nước với hơn 2000 cây số đã làm cho toàn thể hội viên ít có dịp gặp nhau, thậm chí hội viên ở phía Bắc và phía Nam không hề biết mặt nhau, có chăng chỉ được nghe tên nhau đã là tốt rồi. Những đồng nghiệp chỉ biết nhau qua tác phẩm, mà có những người không có tác phẩm cụ thể thì sẽ được ai biết đến? Xem phim truyện thì người ta nhớ đến diễn viên rồi đạo diễn, quay phim, nhà biên kịch, cùng lắm đến ông họa sĩ, nhạc sĩ. Ai biết đến ông làm khói lửa, ánh sáng, in tráng v.v…? Và còn phim tài liệu, hoạt hình, một năm không được một lần chiếu thì ai biết đến những người đồng nghiệp thầm lặng? Còn nhiều vấn đề về học thuật, về nghề nghiệp hay những vấn đề nóng bỏng của Điện ảnh Việt Nam mà những người yêu nghề muốn mang ra bàn bạc… Vậy nên, càng phải trân trọng những cuộc gặp mặt.
Các nghệ sỹ chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội Hội điện ảnh Việt Nam lần thứ VIII năm 2015 |
Hướng tới Đại hội Hội Điện ảnh toàn quốc nhiệm kỳ IX: Nhìn lại để chờ đón… | |
Hội Điện ảnh Việt Nam sơ kết 6 tháng đầu năm và lên kế hoạch hoạt động nửa năm cuối 2020 |
Nhóm PV