(TGĐA) - Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh với lời bình phim vừa tinh tế vừa sâu xa vừa thẳng thắn của mình đã chinh phục những khán giả xem phim và nhớ mãi về ông.
'Giọt nước giữa đại dương' chiếu khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến | |
Đạo diễn Đào Trọng Khánh, từ thơ tới điện ảnh |
NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh - cây đại thụ của nền điện ảnh tài liệu Việt Nam đã qua đời ở tuổi 84. Bà Vũ Thị Mỹ (vợ đạo diễn Đào Trọng Khánh) cho biết: "Nhiều năm nay ông Khánh đã phải chiến đấu với các căn bệnh trong người như thận, tiểu đường, huyết áp... Do tuổi cao, sức khỏe của ông ngày càng suy giảm. Lần này, khi nhập viện, bác sĩ đã thông báo tiên lượng xấu, nhưng gia đình vẫn luôn cầu nguyện và mong ông qua khỏi".
NSND Đào Trọng Khánh sinh năm 1940 tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Trước khi đến với điện ảnh, ông từng là công nhân làm việc trong Cảng Hải Phòng. Năm 1965, sau khi từ chiến trường trở về, ông quyết định theo đuổi lĩnh vực điện ảnh, dành niềm đam mê cho thể loại phim tài liệu.
Chân dung NSND Đào Trọng Khánh |
Nghệ sĩ Đào Trọng Khánh từng trực tiếp cầm máy quay ghi lại những thước phim lịch sử về Hải Phòng trong những ngày bị máy bay Mỹ bắn phá. Ông đảm nhiệm nhiều vai trò của một nhà sản xuất như viết kịch bản, viết lời bình, làm đạo diễn cho hàng chục bộ phim tài liệu khác nhau. Hầu hết các phim ông làm đều nhận được các giải thưởng danh giá nhất nhì của điện ảnh Việt, điển hình như các phim 1/50 giây cuộc đời, Việt Nam - Hồ Chí Minh,Vũ nữ Trà Kiệu, Truyền kỳ sự thật; Hình bóng tổ tiên, Hồ Chí Minh - hình ảnh của Người..
NSND, nhà quay phim Lý Thái Dũng chia sẻ bức hình kỷ niệm với NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh trên trang cá nhân |
Để bản đọc có thêm góc nhìn về con người của NSND, đạo diễn Đào Trọng Khánh, TGĐA xin trích lại bài viết từng được đăng vào năm 2019 của tác giả Thanh Thảo:
Những thành công lớn trong điện ảnh của Đào Trọng Khánh bắt nguồn từ đâu? Theo tôi, nó có được chính vì Đào Trọng Khánh “xuất thân” là một nhà thơ, một nhà thơ với những bài thơ đằm thắm, xúc động và khá hiện đại từ những năm chống Mỹ ở Hải Phòng. Bấy giờ, bút danh thơ của anh là Đào Nguyễn. Tôi vẫn còn nhớ, sau hơn 50 năm, mấy câu thơ rất hay của Đào Nguyễn, trong một bài thơ mà tôi đã quên tên, viết về Hải Phòng, in trên báo Văn Nghệ và sau đó in trong “Tuyển tập thơ 3 năm chống Mỹ” do NXB Văn học ấn hành, vào khoảng năm 1967:
“Dòng sông anh mang theo là mắt em ở lại
Thượng Lý tiễn người đi mây trắng ngang trời
Nơi tay em ôm là nơi đạn quân thù bắn tới
Em vẫn nhìn xanh ngát tận xa khơi”
Viết về Hải Phòng đúng vào thời điểm bom Mỹ thả ngày đêm xuống thành phố cảng như thế, viết bằng giọng âu yếm yêu thương riêng tư và mơ mộng như thế, giữa lúc thơ miền Bắc vẫn nghiêng về cái chung, những tình cảm công dân chung như thế, thì nhà thơ ấy không phải dạng vừa!
Tôi lại nhớ, cách đây tròn 50 năm, vào tháng 5/1969, tôi hoàn thành luận văn tốt nghiệp ở Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, luận văn của tôi viết về “Chuyển động hình tượng trong thơ trữ tình Việt Nam”, tôi đã trích đoạn thơ trên của Đào Nguyễn in trên báo Văn Nghệ đưa vào luận văn của mình. Tôi đọc thơ Đào Nguyễn từ đó, nhưng mãi sau mấy chục năm mới có dịp được gặp Đào Nguyễn - Đào Trọng Khánh. Ở một quán nhỏ nào đó nằm trên một con phố rất nhỏ của Hà Nội, chúng tôi đã uống rượu với nhau, với nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - cũng quê Hải Phòng - và tán gẫu bao chuyện. Riêng tôi vẫn tiếc, sau này Đào Nguyễn ít làm thơ, vì tôi vẫn rất thích thơ anh.
Phim Hà Nội trong mắt ai do đạo diễn Trần Văn Thủy và đạo diễn Đào Trọng Khánh hợp tác cùng nhau làm nên |
Tôi cũng không ngờ, sau hòa bình một số năm, lại được đọc “thơ” Đào Nguyễn - bấy giờ đã lấy tên thật Đào Trọng Khánh - qua những thước phim tài liệu, qua lời bình đầy chất thơ, một chất thơ vừa chắt lọc vừa thô ráp của đời sống. Nhà thơ, khi chuyển sang sáng tác những thể loại khác, họ có thế mạnh mà những người không phải nhà thơ khó có được. Đó là sự nhạy cảm, chiều sâu của tư duy hình tượng, những bất ngờ của liên tưởng... Mang những thế mạnh của thơ vào phim tài liệu nghệ thuật thì quả là... đắc đạo. Phim của Đào Trọng Khánh, nhất là khi anh đồng tác giả với đạo diễn Trần Văn Thủy, đã vừa sắc sảo lại vừa nhân hậu, vừa thời sự vừa ẩn chứa những thông điệp sâu xa, vừa dành cho tất cả mọi người vừa như nhắn nhủ với những người trí thức về tư cách và trách nhiệm của “kẻ sĩ” thời nay.
NSND Đào Trọng Khánh cùng NSND Nguyễn Thước trong chuyến làm phim về vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ |
Tôi nghĩ, Đào Trọng Khánh chính là một kẻ sĩ đất Bắc Hà, một kẻ sĩ hiện đại, một người phát ngôn có thẩm quyền từ chính nghệ thuật phim tài liệu, là người luôn hồn nhiên và uyên bác, luôn hết mình qua từng lời bình, từng thước phim. Và tôi lại thấy, xuyên qua hình ảnh của nhà đạo diễn điện ảnh ấy hình bóng một nhà thơ của “trường phái thơ Hải Phòng” từ những năm chiến tranh đã xa lắc. Nhiều năm qua, Đào Trọng Khánh tuy tuổi đã cao vẫn miệt mài làm việc, miệt mài đi, miệt mài cảm nhận. Dù tận đáy sâu của lòng mình, Đào Trọng Khánh nén một nỗi đau mà những ai đã quen anh, chơi với anh đều xót xa chia sẻ. Cuộc đời, số phận vẫn không công bằng như vậy với người có tâm và có tài. Nhưng cách đây mấy năm, qua điện thoại, Đào Trọng Khánh vẫn chỉ nói với tôi về... thơ. Anh yêu thơ bằng một tình yêu dâng hiến và không cần đền đáp. Anh nói: rồi cũng chỉ còn thơ thôi ông ạ! Chúng ta dù rất lâu không gặp nhau thì vẫn mãi mãi trong nhau những câu thơ, những câu thơ “tình trong một khắc mà thành thiên thu” (Arvers).
Và cả thiên thu dồn chứa trong những câu thơ đã đóng đinh vào tâm hồn mình. Tôi yêu Đào Trọng Khánh chính vì anh yêu thơ đến như vậy!
'Giọt nước giữa đại dương' chiếu khai mạc Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến | |
Đạo diễn Đào Trọng Khánh, từ thơ tới điện ảnh |
Anh Vũ - Thanh Thảo