(TGĐA) - Tướng xù xì, mặt mộc, thoáng nhìn anh chẳng có gì là tướng tá của làng nghệ thuật, nhưng ít ai ngờ anh chính là chủ nhân của bộ phim đình đám Kẻ sát nhân cô độc dài 30 tập đang phát trên sóng HTV suốt thời gian qua.
Mã Hiểu Đông bị nứt xương sườn ngực khi vào vai tâm thần trong ‘Kẻ sát nhân cô độc’ | |
'Kẻ sát nhân cô độc': Cuộc đấu trí nghẹt thở giữa cảnh sát và một tên giết người hàng loạt |
Phim với đề tài hình sự tâm lý, khai thác về các chiến sĩ công an thầm lặng đối đầu với các tội phạm nguy hiểm trong thời đại @. Hình sự thì phải có hành động, rồi tâm lý chiều sâu của các nhân vật thực tế nhưng sâu sắc; rồi tình cảm của các “trai xinh, gái đẹp” phải lung linh, ướt át… thậm chí phải ngôn tình như các bộ phim của Hàn Quốc… Nhưng với phim của Trần Đức Long chúng ta như lạc vào một thế giới khác: Chân thật, sâu sắc và đầy tính nhân văn. Và câu chuyện của chúng tôi với ông vua trường quay này đã diễn ra trong một chiều đầy mưa gió của Sài Gòn.
Cảnh trong phim Kẻ sát nhân cô độc |
Xin chào, anh có thể giới thiệu đôi nét về mình để độc giả có thể hình dung?
Tôi tốt nghiệp quay phim năm 1997 về công tác tại hãng phim TFS của HTV. Thực hiện nhiều tác phẩm từ tài liệu, ký sự cho đến phim truyện như: Mê Kông ký sự, Ký sự hỏa xa, Huyền bí sông hằng, Hành trình đi tìm trang phục Việt, Sông Mississippi... phim truyện Cải ơi, Tình ca cao, Đất mặn... Năm 2016 tốt nghiệp đạo diễn thực hiện ngay bộ phim đầu tay Về quê ăn Tết, sau đó đồng đạo diễn với đạo diễn Phạm Lộc qua bộ phim Rừng thiêng dài 30 tập. Và bây giờ là Kẻ sát nhân cô độc đang phát sóng trên HTV.
Đạo diễn Trần Đức Long |
Qua 10 tập đầu tiên của Kẻ sát nhân cô độc, anh nhận thấy dư luận đánh giá bộ phim của mình như thế nào?
Khi phim được ra mắt, tôi và êkip rất hồi hộp, không biết với một đề tài hơi nặng, pha chút kinh dị và nhất là khai thác về tâm lý với cấu trúc phức tạp như thế này có được khán giả đón nhận hay không?
Cho đến hôm nay khi phát sóng được 10 tập trên HTV9 thì chúng tôi thật sự vui vì khán giả đã đón nhận phim rất nhiệt tình, ngoài sự mong đợi! Cũng đã có rất nhiều những lời khen và góp ý gửi về. Tuy vẫn còn những cảnh hay tình huống chưa được cảm xúc hay diễn viên còn hơi cứng... nhưng đa phần là những lời khen, đó là những lời góp ý chân thành để chúng tôi rút kinh nghiệm trong những phim sau. Và đây là những khích lệ để chúng tôi có những tác phẩm tốt hơn gửi đến khán giả, xin cảm ơn!
Với bộ phim đầu tay, điều gì khiến anh lo âu nhiều nhất trước ngày bấm máy?
Đã là phim thứ ba, nhưng có thể coi là phim dài tập đầu tiên của riêng tôi. Suốt ba tháng quay hình tôi đều lo lắng, có khi đang ngủ cũng giật mình vì có nhiều thứ đáng phải lo trước khi ghi hình.
Tôi thường có mặt ở trường quay rất sớm, cầm cuốn kịch bản lên đi lòng vòng thì lúc đó tôi mới biết mình phải làm gì, y như hồi tôi còn là quay phim. Hồi đó không cầm kịch bản mà cầm máy quay, tôi cứ phải nhìn vào cái viewfinder máy quay, nó như có một ma lực chỉ cho tôi biết sẽ làm gì.
Đạo diễn Đức Long trên hiện trường quay |
Riêng phần hậu kỳ, nghe nói luôn là một điều hấp dẫn với đạo diễn, bởi những hình ảnh thu về bao giờ cũng được các anh “tung hứng” đảo chiều nhằm làm bộ phim hấp dẫn hơn? Anh có thể bật mí vài điều cho khán giả tường tận hơn?
Hậu kỳ là khâu sáng tạo lần thứ hai của bộ phim nên luôn hấp dẫn đối với đạo diễn. Chỉ cần đảo phân đoạn này lên phân đoạn khác hoặc đan xen với nhau là mình đã kể một câu chuyện khác và còn rất nhiều thủ pháp. Có lúc mình chỉ cần cho cảnh này chậm lại (slow motion), cảnh kia nhanh lên (fast motion)... để truyền tải câu chuyện một cách ấn tượng đã là một thú vị rồi. Có người còn ví đạo diễn dựng hình là phù thủy cũng không sai. Với một đạo diễn mới như tôi thì nó còn ly kỳ gấp vạn lần khi tôi ngồi ở phòng dựng và tôi tin mỗi đạo diễn đều có cái gu riêng để lôi kéo khán giả của mình.
Lần đầu ở vai trò đạo diễn nhiều tập, sao anh không chọn diễn viên ăn khách?
Tôi nghĩ đạo diễn nào cũng mong muốn có ngôi sao trong phim của mình. Nhưng muốn là một chuyện, còn được hay không còn phải tùy thuộc vào nhà sản xuất và kính phí có cho phép hay không...
Những diễn viên trong phim tôi họ đều là những diễn viên chuyên nghiệp và là gương mặt quen thuộc được khán giả yêu mến. Sức trẻ cộng với sự nghiêm túc là thế mạnh, hơn nữa tôi thấy được sự nhiệt huyết rất mãnh liệt từ các bạn ấy và điều đó đã phần nào truyền lửa cho tôi.
Nam diễn viên người Sài Gòn và nữ diễn viên người Hà Nội liệu có điều gì cản trở trong quá trình quay?
Tôi không nghĩ vùng miền là rào cản, miễn sao hợp với nhân vật tôi cần tìm. Không có gì là khó khăn mà ngược lại họ lại diễn rất ăn ý, luôn giúp đỡ nhau. Diễn viên trẻ luôn năng động, điều đó cũng tạo cảm hứng cho cả đoàn, kiểu như có một luồng gió mới trong lành thổi vào vậy.
Hình sự luôn gắn liền với hành động, anh chuẩn bị như thế nào để vừa đẹp mắt lại vừa thật? Đội ngũ cascadeur và tay nghề võ thuật của các diễn viên có làm anh hài lòng?
Phim về hình sự, nên ai cũng nghĩ là sẽ có rất nhiều cảnh đấu võ, bắn súng... Nhưng thực sự lại rất ít những cảnh ấy, mà chủ yếu tôi khai thác sâu về mặt tâm lý có phần lệch lạc của tội phạm và rượt đuổi kiểu mèo vờn chuột lẫn nhau lại là những cuộc đấu trí với hiện trường không dấu vết. Những ám hiệu hung thủ để lại nhằm đánh đố, thách thức và đưa đội điều tra vào bẫy của mình.
Phim vẫn có những trận đấu võ và những pha vây bắt gay cấn, vì ít nên tôi dành rất nhiều ưu ái với nó. Tôi đã bàn bạc nhiều với 2 bạn chỉ đạo võ thuật là Đặng Thế Hoàng và Mai Song Tùng để thống nhất bài đánh rồi mời diễn viên lên tập hàng ngày. Huyền Thạch rất có năng khiếu võ thuật, Huỳnh Trường Thịnh, Thạch Kim Long, Lâm Chí là những diễn viên đã học võ, nên việc ráp bài của cascadeur không mấy khó khăn. Những trận bố ráp tôi luôn mong muốn có được những cảnh quay lớn và ấn tượng. Và trong những cảnh đòi hỏi sự công phu thì tôi may mắn đã được Công an tỉnh Gia Lai giúp đỡ hết mình để có những cảnh quay hoành tráng này.
Từ một quay phim “đình đám” chuyển sang vai trò đạo diễn có điều gì khác nhau?
Tôi chọn nghề từ niềm đam mê. Từ quay phim chuyển sang làm đạo diễn tôi ít bị bỡ ngỡ. Nghề quay phim giúp tôi nhiều kinh nghiệm để khi làm đạo diễn tôi kể câu chuyện của mình đơn giản và gần gũi với cuộc sống hơn. Tôi sẽ trao đổi dễ dàng hơn với đồng nghiệp trong các tổ đặc biệt là tổ quay, ánh sáng! Nhưng công việc đạo diễn thì cần sự bao quát chung hơn, đặc biệt phải nắm rõ từng cảnh quay, phân đoạn và ý đồ ngay từ tiền kỳ. Tôi phải đọc nhiều hơn, tìm tòi học hỏi nhiều hơn về các thể loại phim ảnh để làm tốt vai trò mới. Khi niềm đam mê đủ tự nhiên lửa nghề giúp mình thăng hoa hơn rất nhiều.
Với phim của TFS, tiêu chí chất lượng tử tế thường đưa lên hàng đầu, anh phải xoay sở như thế nào để có được một bộ phim thật hấp dẫn mà không phạm luật?
Được làm việc với TFS từ ngày mới ra trường tôi luôn thấy mình may mắn vì lĩnh hội được phong cách làm việc chuyên nghiệp, chất lượng trong từng một sản phẩm. Vì vậy tôi luôn hết sức nghiêm túc, hết mình trong công việc. Để có được một kịch bản làm phim, tôi là người đi tìm ý tưởng kịch bản, rồi bàn với biên kịch, nghiên cứu qua sách vở, tìm hiểu người trong ngành hoặc người nghiên cứu về Luật để khi thực hiện phải đảm bảo được sự hấp dẫn nhưng vẫn tuân thủ đúng theo luật pháp Việt Nam trong mọi tình huống.
Làm việc với những diễn viên trẻ anh thích nhất điều gì?
Nhiệt huyết đầy đam mê trong công việc, luôn biết lắng nghe và cố gắng hết mình, luôn tạo cho mình sự thoải mái. Tôi nói với các bạn ấy rằng: Chúng ta đều đang sáng tạo để làm ra một tác phẩm tốt, nên đừng tạo áp lực cho nhau.
Anh có thể bật mí ba tiêu chí của bộ phim Kẻ sát nhân cô độc sẽ thật sự hấp dẫn người xem?
Phim khá lạ về kịch bản: Khai thác chuyên sâu tâm lý tội phạm, góc khuất của họ trong quá khứ để hình thành những tội ác! Cộng thêm nhiều căn bệnh và não trạng của xã hội hiện nay được khai thác. Thứ 2, bộ phim được thực hiện chỉn chu, mạnh về ngôn ngữ điện ảnh. Thứ 3, hy vọng dàn diễn viên sẽ gây nhiều bất ngờ với khán giả xem truyền hình.
Anh muốn nói gì với khán giả về những điều đáng tiếc trong suốt quá trình làm phim?
Tôi mong khán giả đón nhận phim, khá nhiều thông điệp gần gũi. Phim nhắc nhở mọi người nên quan tâm sức khỏe tinh thần của chính mình và những người xung quanh, nhiều khi những chứng bệnh tâm lý đã và đang tồn tại, nhưng không được chữa trị kịp thời sẽ nguy hại đến chính họ, gia đình thậm chí xã hội.
Phim còn nhiều thiếu sót, đó là những kinh nghiệm để tôi làm tốt hơn ở những phim sau.
Mã Hiểu Đông bị nứt xương sườn ngực khi vào vai tâm thần trong ‘Kẻ sát nhân cô độc’ (TGĐA) - Bộ phim Kẻ sát nhân cô độc khai thác đề tài tội phạm tuy ... |
'Kẻ sát nhân cô độc': Cuộc đấu trí nghẹt thở giữa cảnh sát và một tên giết người hàng loạt (TGĐA) - Một cách kể qua những ngôn ngữ hình tinh tế, sâu sắc; Sự ... |
Phạm Lữ