Đất mặn - Đau đáu một tình yêu với đất

(TGĐA) - Không choáng ngợp với những bối cảnh xa hoa của villa biệt thự, nhà hàng, khách sạn cùng những kiều nữ chân dài và các đại gia, thay vào đó là cả góc nhìn đan xen giữa quá khứ và hiện tại về chiều dài lịch sử khai phá phương Nam gần 100 năm của người dân Ngũ Quảng. Đó là hồn thiêng của đất và tình người với đất, được xây dựng khá tinh tế qua nhiều cung bậc của các số phận nông dân điển hình rặt chất Nam bộmột lòng với đất, cùng sự nếm trải của họ trước những chuyển đổi về chủ trương, cơ cấu nông nghiệp và cả “phụ ơn” với đất…

(TGĐA) - Không choáng ngợp với những bối cảnh xa hoa của villa biệt thự, nhà hàng, khách sạn cùng những kiều nữ chân dài và các đại gia, thay vào đó là cả góc nhìn đan xen giữa quá khứ và hiện tại về chiều dài lịch sử khai phá phương Nam gần 100 năm của người dân Ngũ Quảng. Đó là hồn thiêng của đất và tình người với đất, được xây dựng khá tinh tế qua nhiều cung bậc của các số phận nông dân điển hình rặt chất Nam bộ một lòng với đất, cùng sự nếm trải của họ trước những chuyển đổi về chủ trương, cơ cấu nông nghiệp và cả “phụ ơn” với đất…

Đạo diễn: Nguyễn Tường Phương

Biên kịch: Võ Đắc Dự

Quay phim: Trần Quốc Tuấn

Thời lượng: 49 tập x 45 phút

Diễn viên: Thạch Kim Long, Hoài An, Mạnh Hùng, Huỳnh Đông, Lê Phương, Trương Minh Quốc Thái, Thanh Hiền, Trọng Nhân, Ánh Hồng, Hạnh Thúy, Kim Huyền…

IMG_7712

Ba Mạnh và Sáu Trung vốn là những người bạn từ thời chiến tranh. Hồi đó Ba Mạnh là chỉ huy đội du kích, còn Sáu Trung là phóng viên chiến trường. Hòa bình lập lại, Ba Mạnh trở về Rạch Lung Tượng làm nông dân, Sáu Trung làm quan chức nhà nước. Ba Mạnh vốn nông dân nòi, rất yêu đất. Dù bị phá sản, Ba Mạnh vẫn tiếp tục tích đất, bán trâu mua máy cày, quyết tâm làm ăn lớn, và đời sống của gia đình ông và bà con Rạch Lung Tượng ngày thêm sung túc.

Đùng một cái lại có chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiêp. Thay vì giữ nước ngọt để trồng lúa, người ta cho nước mặn vào để nuôi tôm. Thời gian đầu tôm trúng mùa, người dân giàu lên nhanh chóng, kéo theo sự giàu sang thiếu căn cơ đó là thói hư tật xấu, bao tệ nạn xã hội… Rồi vùng đất bao đời thuần nông trồng lúa của họ bị qui hoạch làm sân golf…

Đất mặn là câu chuyện đầy trăn trở của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long, nơi được mệnh danh là vựa lúa của cả nước, trước những biến động về đất đai, những chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, những chủ trương còn gây nhiều tranh cãi… Chuyện phim tuy không trực tiếp đề cập đến vấn đề quyền sở hữu, quyền sử dụng đất, vấn đề giao đất… nhưng nó vẫn mang tính thời sự nóng bỏng… Đó cũng chính là thông điệp mà Đất mặn muốn mang đến cho người xem…

Làm phim về nông dân nhưng Đất mặn lại sử dụng hẳn dàn nhạc giao hưởng phối khí với các nhạc cụ phương Tây như Violon và Cello dưới sự chỉ đạo sáng tạo của nhạc sỹ Quang Anh. Và hiệu quả thực sự bất ngờ, bài ca Hồn lúa mỗi khi cất lên luôn tạo cảm xúc dâng trào cho khán giả xem phim.

IMG_0404


6 năm đau đáu một đề tài

Ở vào thời điểm xã hội hóa làm phim, nhất là phim truyền hình, có lẽ sẽ rất hiếm đọc được thông tin “Hơn 6 năm ấp ủ đề tài, cộng thêm 2 năm thực hiện để cho ra đời bộ phim truyền hình 49 tập sẽ lên sóng”. Đó chính là đạo diễn Tường Phương và bộ phim Đất mặn của anh. Chân dung người đạo diễn chuyên nghiệp, nghiêm túc, kỹ tính luôn đứng ở góc nhìn nhân văn trong tác phẩm của mình trước thực trạng xã hội. Hầu hết đề tài của anh được liệt vào “khung tư duy” nhạy cảm liên quan đến số phận, tệ nạn, hậu chiến, giáo dục, chủ tương, chính sách…và đặc biệt là vai trò của các nhà báo luôn được thể hiện qua các phim truyện điện ảnh và truyền hình như: Lời thề, Đất khách, Dưới cờ đại nghĩa, Ký sự pháp đình

Đất mặn được phỏng theo loạt ký sự trong các tập Đồng cỏ chát, Nỗi Niềm U minh hạ của nhà văn Võ Đắc Danh, tập trường ca Đồng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín. Hơn 6 năm trước khi đọc những ký sự này, anh thực sự xúc động và tìm đến Nhà xuất bản Trẻ xin số điện thoại của tác giả để làm quen rồi mời Võ Đắc Danh viết kịch bản, nhưng anh thật lòng trả lời không có khả năng viết kịch bản phim. Thời điểm này lại hoàn toàn không thích hợp để thực hiện những nội dung phim về đề tài nông thôn và đất đai, nên anh đành ấp ủ suốt 6 năm qua.

Tình người với đất

Hai nhân vật trung tâm là Ba Mạnh và Sáu Trung- một thế hệ nông dân Lung Tượng, sẵn sàng hy sinh thân mình vì “Đất”. Họ là hai người bạn, hai người đồng chí từng đứng cùng chiến tuyến trong thời chiến. Một Ba Mạnh nông dân rặt, rất yêu đất, quyết tâm giữ gìn mảnh đất cha ông. Một Sáu Trung phóng viên chiến trường gan dạ, trở về làm quan chức nhà nước, vì danh lợi mà quay lưng với người dân nghèo. Cuộc chiến giữ đất tiếp tục trở nên nóng bỏng. Những chủ trương, chính sách mới, kéo theo người nông dân dần rời xa mảnh đất cha ông của họ. Đất đai bị giải tỏa nhường chỗ cho những dự án sân golf, phát triển đô thị…Những toan tính, thù hận len lỏi, chia rẽ người nông dân vốn một thời cùng chung lưng đấu cật trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc. Song Đất mặn còn mang thông điệp đầy tính nhân văn. Đó chính là tình yêu giữa đứa con gái út Ba Mạnh và con trai Sáu Trung, đã nối lại tình bạn giữa hai ông già, xóa đi ranh giới, khúc mắc trong lòng họ - những người nông dân chân chất, thật thà rồi cũng quay lại với bản chất vốn có.

IMG_7777

Gian nan phục dựng bối cảnh

Bộ phim gồm 230 diễn viên chính, phụ, được quay 9 tháng tại miền Trung, Phú Yên, Bình Dương, Mỹ Tho, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau…Để có được bối cảnh nhà xưa của Ba Mạnh, Hai Phối, vốn là người đạo diễn kỹ tính, chuyên nghiệp, anh đã kiên trì xin chủ nhà cho lót lại sàn nhà bằng gạch tàu, thay tủ thờ, đóng hai bộ ván xưa, lợp mái ngói…

Muốn người xem tin rằng có một vùng đất mới, được Nhà nước đầu tư xây dựng sân golf. Qua cảnh quay hai đứa nhỏ đi trộm tôm đem bán, được anh quay tỉ mỉ ở nhiều địa phương để “ráp nối” khá công phu như: Tối quay cảnh hai đứa nhỏ trộm tôm ở Bạc Liêu; Sáng chúng cùng nhau đạp xe đi bán tôm, được quay ở thành phố Bến Tre. Khi bán tôm ở trung tâm Cái Nước, lại lên cầu mới Chủ Trí nối Bạc Liêu với Cà Mau, rồi quay về uống cà phê, thì được quay ở Lái Thiêu. Hay cảnh ngôi nhà xưa kế bên dòng sông có cái mả, phải quay ngôi nhà ở Mỹ Tho, còn cái mả thì quay ở Bến Tre…

Để gieo được đúng giống lúa Nàng Chô (giống lúa xưa), đạo diễn Tường Phương phải hỏi mượn mấy sào ruộng thí nghiệm của Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam ở Cà Mau quay nhiều giai đoạn: gieo mạ, cấy, rồi chờ lúa chín và gặt. Thế là cả đoàn 40 người phải theo thời vụ 4 lần để thực hiện những cảnh quay gần cả năm trời.

Ngoài ra anh còn khá vất vả trong việc sưu tầm, cải tạo lại những nông cụ cho đúng thời điểm lịch sử như: Phảng, cù móc, nọc cấy, bàn mạ, dao bứng lúa, chiếc ghe xưa, ngôi mộ xưa, xe ngựa, xe kéo xưa…

IMG_3828

Chau chuốt ngôn ngữ hình ảnh

Để nhấn mạnh ý tưởng của phim thông qua ngôn ngữ hình ảnh, đạo diễn đã rất công phu, sáng tạo với chiếc boom dài hơn 10 mét, điều khiển tự động để thực hiện cảnh quay tại miền Trung từ trên cao nhìn xuống chỉ nhìn thấy biển mênh mông, chính vì vậy khẳng định đây là vùng đất quá hẹp, nên ông bà xưa mới đi vào Nam khai phá.

Trước cận cảnh quay một ngôi mộ ở góc máy rất đặc trưng, để thể hiện tâm trạng của một gia đình đang băn khoăn trong việc di dời chỗ ở theo quy hoạch của Nhà nước; Cảnh trái banh golf bay khá ấn tượng từ trên cao, xoay tròn rồi từ từ rớt xuống trên thảm cỏ xanh rờn (có cô nhà báo chứng kiến) bỗng trở thành như cánh trái bom tàn phá vùng đất xưa… Hay trong buổi họp để phân tích “đất” chính là sinh mệnh của người nông dân, nên Ba Mạnh đã đem đến tặng cho ban dự án sân Golf một con cua biển to đã rụng hết que càng rồi đau đớn nói “người nông dân mất đất, như con cua đã gãy hết que càng”…

Hồng Liên