Điện ảnh Iran: Vẫn phát triển trong vòng kiểm duyệt

Nhiều bộ phim của Iran gửi tham gia các liên hoan phim quốc tế và vài trong số đó đã nhận được những giải thưởng uy tín. Phim About Elly (Thuộc về Elly) của đạo diễn Asghar Farhadi đã giành giải thưởng Best Narrative Feature (Phim tự sự hay nhất) tại Liên hoan phim Tribeca và giải Gấu Bạc cho đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin năm 2009. Nữ đạo diễn Shirin Neshat đoạt giải Sư tử bạc đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Venice với bộ phim Women Without Men (Phụ nữ không cần đàn ông) Hơn nữa, rất nhiều phim được sản xuất trong thời gian gần đây ở Iran do các đạo diễn nữ thực hiện có nội dung đề cập đến vai trò của người phụ nữ cũng như làm thế nào để họ có thể phát triển trong một đất nước mà chính trị, tôn giáo và văn hóa gắn bó với nhau sâu sắc. Và đương nhiên, sự sáng tạo thường không tránh khỏi cánh cửa kiểm duyệt. Nói như giáo sư nghiên cứu về văn chương và nữ giới Negar Mottahedeh đến từ đại học Duke University, tác giả cuốn Displaced Allegories: Post-Revolutionary Iranian Cinema về điện ảnh Iran sau cách mạng thì nền văn hóa phim ảnh ở đây đã phát triển mạnh mẽ khi bị kiểm duyệt.

(TGĐA) - Sau cách mạng Hồi giáo năm 1979, ngành công nghiệp sản xuất phim Iran trở nên phát triển mạnh trong bối cảnh chính trường hỗn loạn, bất chấp các quy định kiểm duyệt nghiêm ngặt. Mối quan hệ giữa chính trị và phim ảnh đặc biệt có sự gắn kết rõ rệt khi cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi của Iran diễn ra vào thời điểm quốc tế ghi nhận và đánh giá cao sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh tại đất nước Hồi giáo này.

Những vấn đề phải đối mặt

Cnh_trong_phim_About_Elly

Cảnh trong phim About Elly

Nhưng ngành công nghiệp điện ảnh Iran đã gặp phải những rào cản khi đối mặt với hiện thực đất nước. Luật kiểm duyệt nghiêm ngặt khiến cho nhiều bộ phim Iran dù gây được tiếng vang trên thế giới nhưng lại bị cấm chiếu trong nước. Bộ phim Taste of Cherry (Hương vị Anh đào) của đạo diễn Abbas Kiarostami đã giành giải danh giá Cành cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 1997 và giải phim tiếng nước ngoài hay nhất của Hiệp phê bình phim Quốc gia Hoa Kỳ năm 1999, đã bị cấm chiếu ở Iran. Bộ phim Offside (Việt vị) và The Circle (Vòng tròn) của đạo diễn Jafar Panahi đã giành giải thưởng Sư tử vàng Liên hoan phim Venice năm 2000, cũng bị cấm ở Iran, cả hai bộ phim đều đề cập tới quyền của phụ nữ.

Poster_phim_Offside

Poster phim Offside

Kiểm duyệt cũng tạo ra vấn đề đối với việc sản xuất phim ở Iran. Chẳng hạn như với Offside, nội dung phim kể về một nhóm phụ nữ ăn mặc giống như những người đàn ông để có thể tới xem các trận đấu bóng đá ở Iran. Bộ phim đã được quay một cách bí mật, và theo như đạo diễn Panahi kể lại thì “đó không phải là một việc dễ dàng”. “Tất cả mọi thứ diễn ra trong bí mật. Không ai biết về nó. Đoàn làm phim đã bí mật ngồi trong một chiếc xe và tiến hành quay phim. Nữ diễn viên đến sân vận động để và vào bên trong. Cô ấy bị bắt giữ và còn bị đánh nữa. Sau đó, người ta bắt tất cả nhóm làm phim và tống họ vào trong một chiếc xe hơi. Tôi nói với họ rằng: Nếu các anh làm thế, tôi sẽ nói với mọi người. Cuối cùng người ta đã phải để cho họ đi. Đạo diễn Panahi cũng cho biết, nữ diễn viên chính của ông cũng bị thương một chút.

Không những thế, những người Iran hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh cũng phải sống dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền và khi tham gia vào các hoạt động được coi là bất hợp pháp của chính phủ đương thời, họ sẽ gặp rắc rối. BBC News đưa tin vào tháng 8/2001, bà Tahmineh Milani, một nhà làm phim thường xuyên kết hợp chủ đề của chủ nghĩa tự do với nữ quyền trong các tác phẩm của mình, đã bị bắt. Tòa án Cách mạng Hồi giáo Iran kết luận bà Milani đã "cho thấy sự ủng hộ các nhóm phản cách mạng thông qua các tác phẩm của mình, tạo nên cuộc chiến tranh chống lại Thiên Chúa dưới lý do khai thác nghệ thuật”.

Thời gian diễn ra cuộc bầu cử ở Iran đã đặc biệt trở nên nhạy cảm với các nhà làm phim. Trong năm 2009, hãng tin AP cho biết đạo diễn Bahman Ghobadi, với bộ phim No One Knows About Persian Cats (Không ai biết gì về những con mèo Ba Tư ) được trình chiếu ở Liên hoan phim Cannes, đã bị bắt sau khi trở về Iran. Ông bị cáo buộc đã có những lời lẽ chỉ trích chính phủ Iran trong thời gian đến Cannes. Cũng trong năm đó, AFP đưa tin đạo diễn Panahi đã bị bắt cùng với vợ và con gái tại một lễ tưởng niệm những người biểu tình thiệt mạng trong cuộc bạo động hậu bầu cử ở Iran. Reuters cho biết nữ diễn viên Iran Fatemeh Motamed-Arya và nhà sản xuất phim Mojtaba Mirtahmasb bị cấm rời khỏi đất nước vì các hoạt động của họ sau khi diễn ra các cuộc bầu cử.

Kiểm duyệt: Quá khứ, hiện tại và tương lai

Poster_phim_Women_Without_Men

Poster phim Women without men

Mặc dù phải đối mặt với những trở ngại từ phía chính quyền, nhưng những tín hiệu lạc quan vẫn cho thấy ngành công nghiệp điện ảnh Iran vẫn sẽ tiếp tục phát triển ở trong và ngoài nước. Nói như bà Motamed-Arya tại LHP KaraFilm ở Karachi, Pakistan năm 2005 thì bà tin rằng các bộ phim của Iran sẽ có một tương lai ổn định ở phía trước: "Iran là một đất nước kỳ diệu và bạn không thể biết những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Và tôi không thể nói liệu trong tương lai sẽ có điều gì thay đổi trong lĩnh vực điện ảnh hay không. Nhưng tôi không mất hy vọng về một nền điện ảnh Iran tốt đẹp hơn”.

Nhưng chính xác là những gì sẽ khiến cho điện ảnh Iran tốt hơn? Và làm thế nào để cải tiến nhằm đạt được mục đích đó? Bà Motamed-Arya tin rằng việc loại bỏ kiểm duyệt ở Iran sẽ cho phép các nhà làm phim khám phá những chủ đề đa dạng mà không lo sợ phim bị cấm và điều này cũng sẽ cho phép khán giả Iran được trải nghiệm một cảm xúc khác với những gì tồn tại ngày nay ở các rạp chiếu phim. Bà cũng tin rằng sự kiểm duyệt hoàn toàn với những bộ phim về tình dục, bạo lực, hoặc rượu khiến các nhà làm phim bị hạn chế đối với chủ đề và nội dung mà họ đề cập.

Trận chiến giữa ngành công nghiệp sản xuất phim và vấn đề kiểm duyệt bắt đầu từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi luật kiểm duyệt nghiêm ngặt được ban hành nghiêm cấm các bộ phim mô tả sinh hoạt riêng tư của các cặp đôi hoặc một một phụ nữ xuất hiện trên màn ảnh mà không mặc trang phục Hồi giáo. Việc cấp phép cho các kịch bản và sản xuất phim cũng trở nên khó khăn hơn. Việc chính phủ kiểm duyệt đã tạo ra trở ngại cho các nhà làm phim khi họ buộc phải lựa chọn giữa những bộ phim mà họ muốn làm và những bộ phim mà họ được phép làm. Một số người tin rằng sự kiểm duyệt và kiểm soát của chính phủ thúc đẩy các nhà làm phim tới ranh giới sáng tạo, dẫn đến những bộ phim có sức ảnh hưởng hơn. Ông Hamid Dabashi, một giáo sư nghiên cứu về Iran tại Đại học Columbia, nói với CNN rằng tác động của cuộc cách mạng Hồi giáo đã tạo ra "một điều kiện của sự sáng tạo để thể hiện sự tổn thương mà đất nước đã được trải nghiệm. Và kiểm duyệt đã tạo ra một rào cản mà các nhà làm phim phải vượt qua một cách sáng tạo.

Mặt khác, những người thuộc cộng đồng làm phim Iran quở trách viễn tưởng kiểm duyệt có thể có đem lại lợi ích. Bà Maziar Bahari, một nhà làm phim tài liệu, nói với The Guardian rằng kiểm duyệt là một tác hại lớn đối với các nghệ sỹ của Iran. “Kiểm duyệt đã có tác động tiêu cực với nghệ thuật của Iran trong nhiều thế kỷ. Tôi tin rằng không có kiểm duyệt, chúng tôi sẽ có nhiều nghệ sỹ lớn và nhà làm phim khác có tài năng và nỗ lực nhưng không thể được làm việc bởi các quy định hạn chế của chính phủ, tôn giáo và xã hội. Các bộ phim được sản xuất hoặc trình chiếu trong nước phải chống chọi với quy trình kiểm tra nghiêm ngặt của chính quyền Iran và thường phải chịu sự kiểm duyệt nặng nề. Các đạo diễn bày tỏ điều đó khiến họ có cảm giác bị hạ thấp phẩm giá bản thân cũng như nghề nghiệp. Babak Payami, đạo diễn phim Silence Between Two Thoughts (Sự im lặng giữa hai luồng suy nghĩ) nói với The Guardian rằng ông đã bị suy nhược sau khi phiên bản đầu tiên của bộ phim này đã bị nhân viên an ninh Iran tịch thu và ông buộc phải làm bản thứ hai, phiên bản mà ông cảm thấy không như mong muốn ban đầu. "Tôi ở một mình trong một phòng dựng nhỏ và tôi đã khóc mắt. Nước mắt của tôi chảy ra từ trong bộ phim”.

Canh_trong_phim_no_one_knows_about_persian_cats

Bộ phim A House Built on Water (Ngôi nhà trên nước) đạt 5 giải thưởng tại LHP Quốc tế Fajr của Iran năm 2002 nhưng sau khi phim trình chiếu, nhà chức trách Iran đã yêu cầu cắt đi rất nhiều chi tiết và 3 cảnh đã bị cắt bỏ hoàn toàn. Vào năm 2008, thông qua một hãng thông tấn nước ngoài, 50 nhà làm phim Iran đã ký tên vào một bức thư và gửi tới công chúng nhằm chia sẻ cảm xúc của mình về luật kiểm duyệt của nhà nước. Đáp lại điều này, Bộ trưởng Bộ văn hóa Iran đã khẳng định những bộ phim mà chính phủ chọn để kiểm duyệt là những tác phẩm mà ở đó khoảng cách giữa gia đình và giá trị đạo đức rất khác xa và quan điểm tiêu cực của các nhà làm phim chính là lý do mà nhà nước yêu cầu họ nên dừng lại.

Tìm đường đi trong vòng kiểm duyệt

Với các nhà làm phim từ chối không thể chịu nổi sự kiểm duyệt thì đi làm phim ở khu vực bên ngoài Iran là một lựa chọn phổ biến. Theo CBC News, đạo diễn Mohsen Makhmalbaf đã sang quay phim ở Afghanistan vì cảm thấy điều này sẽ cho phép ông kiểm soát tốt hơn quá trình sản xuất. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng địa điểm làm phim bên ngoài không phải là một giải pháp khả thi để vượt qua kiểm duyệt. Makhmalbaf tin rằng nếu Iran tiếp tục thực hiện luật kiểm duyệt, các nhà làm phim khác sẽ theo gương mình và tìm đường làm phim ở nơi khác, đẩy nghệ sĩ Iran ra khỏi đất nước của họ.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim Iran cũng chuyển hướng tìm các chủ đề ít có khả năng phải chịu thẩm tra và kiểm duyệt của chính phủ mà đặc biệt là liên quan đến vai trò của người phụ nữ. Điều đó cũng giải thích tại sao một số bộ phim hay của Iran tập trung vào cuộc sống của trẻ em hoặc miêu tả cuộc sống bên ngoài đường phố chứ không phải trong nhà. Và đương nhiên, việc tìm kiếm cho các chủ đề có thể được chấp nhận không phải là chuyện dễ dàng.

Các quy định kiểm duyệt không chỉ là thách thức đối với những người làm phim mà còn là đoạn trường gian khó với các hãng phát hành. Số lượng rạp chiếu phim vừa nhỏ vừa ít, chính phủ lại can thiệp quá sâu vào quá trình phân phối. Chính vì thế, mỗi khi một bộ phim Iran được phát hành ở trong nước thì điều đó giống như một kỳ tích.

Ngành công nghiệp điện ảnh Iran có thể gặp phải những rào cản nhưng vẫn được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân Iran và dường như điện ảnh vẫn tiếp tục phát triển mạnh.

Mỹ Linh (tổng hợp)