(TGĐA) - Nhắc đến điện ảnh Nhật hiện tại, tại sao người ta chỉ nghĩ tới phim hoạt hình anime đem lại doanh thu bạc tỷ mà không có nhiều bận tâm về phim điện ảnh? Điều đó có chứng tỏ điện ảnh Nhật đang bị suy thoái?
'Nó' ở trong rừng': Tác phẩm mới nhất của Hideo Nakata – Người làm nên biểu tượng kinh dị 'Ring' (1998) | |
Toàn cảnh Hội thảo 'Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác với Việt Nam' |
Sắc thái trái ngược
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất phim điện ảnh Nhật Bản, tổng doanh thu phòng vé nước Nhật đạt 213 tỷ yên vào năm 2022, tăng 31,6% so với năm 2021 và đã phục hồi được 80% so với mức trước đại dịch là 261 tỷ yên vào năm 2019 (tổng doanh thu phòng vé cao nhất được ghi nhận kể từ khi hệ thống báo cáo bắt đầu vào năm 2000).
Đây là một thành tích ấn tượng nhưng nếu nhìn danh sánh những phim có doanh thu cao nhất, hơn một nửa đều đến từ các phim hoạt hình. Cụ thể có tới 4 phim hoạt hình anime dẫn đầu danh sách phóng vé, lần lượt là One Piece Film Red, Jujutsu Kaisen, Suzume và Detective Conan: The Bride of Halloween. Trong khi đó chỉ có một phim điện ảnh ở top 5 là Kingdom 2: To Distant Land. Từ điều này, rất nhiều người gọi ngành làm phim tại Nhật Bản là “ngành anime”, còn những phim điện ảnh thông thường ở Nhật Bản dường như bị quên lãng.
One Piece Film Red lập kỷ lục phòng vé năm 2022 |
Từng có một báo cáo vào nhiều năm trước nói rằng, khi phim điện ảnh không mấy thành công, các nhà làm phim Nhật chuyển sang phát triển phim anime. Họ đã thành công hơn với loại này. Khi mà thị trường nội địa ngày một thu hẹp, người Nhật đang cố gắng phát triển anime thành một biểu tượng văn hóa của Nhật. Vài người vẫn có vẻ không đồng ý với ý kiến này nhưng những thống kê nói trên đã nói lên tất cả.
Ảnh hưởng quá lớn của thời hoàng kim
Điện ảnh Nhật Bản là một trong những nền điện ảnh xuất hiện sớm nhất và có lịch sử lên tới 100 năm, với những bộ phim được thực hiện từ trước những năm 1920. Nhưng nhắc đến thời kỳ hoàng kim của điện ảnh Nhật Bản, chắc chắn chúng ta không thể quên được giai đoạn năm 1950, nhất là ba tác phẩm của Nhật lọt vào hàng kinh điển của điện ảnh thế giới, đó là Rashomon, Seven Samurai cả hai đều do Kurosawa Akira thực hiện, và bộ phim của đạo diễn Ozu Yasujiro là Tokyo monogatari. Riêng Rashomon của Kurosawa Akira đã mang về cho Nhật Bản Giải Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất đầu tiên.
Điện ảnh Nhật Bản hiện đại có sự kế thừa rất tốt những tinh hoa thời kỳ hoàng kim, nhưng để sáng tạo và phát triển dựa trên nó, gần như những nhà làm phim nước này vẫn đang bế tắc. Như với phong cách của huyền thoại Ozu Yasujiro, cách quay phim của ông từng được cho rằng “quá Nhật” để được hiểu bởi khán giả phương Tây. Những nhà làm phim thời của ông thường phát triển những quy luật riêng về bố cục khung hình và cách dựng phim đặc biệt. Hầu hết các cảnh quay trong phim Ozu đều quay cận từ hông trở lên, tạo cảm giác rất gần gũi, khép kín trong các mối quan hệ giữa các nhân vật với nhau. Máy quay được đặt gần sát với mặt đất, ngang tầm với nhân vật khi ngồi theo kiểu truyền thống Nhật Bản.
Chính vì ảnh hưởng cách quay Ozu Yasujiro, nên khán giả khi xem phim Nhật thường thấy trong những cảnh hội thoại, các nhân vật trông như không nhìn về phía người đối diện (đặc điểm của người Nhật, thường tránh nhìn trực tiếp vào mắt người khác). Khi họ ngồi bên cạnh nhau lúc nói chuyện, cả hai đều nhìn về xa xăm.
Phong cách Ozu đã ăn sâu vào tiềm thức của các nhà làm phim Nhật |
Mặc dù cốt truyện sâu sắc và tinh tế vẫn là điểm mạnh trong phim Nhật nhưng cách quay phim không có sự thay đổi và hợp với thị hiếu phương Tây, chính là thứ khiến điện ảnh Nhật khó thể vươn xa. Rất nhiều bộ phim hiện giờ sẽ làm chúng ta liên tưởng tới phong cách Ozu.
Tự mình “hại mình”?
Các hãng phim hay các nhà làm phim Nhật từng rất tự tin với thị trường trong nước, làm phim Nhật cho người Nhật xem, cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia… đua nhau sản xuất phim bán ra trong và ngoài nước để cứu nền điện ảnh khỏi đại dịch Covid-19. Đến khi các nhà làm phim Nhật nhận ra điều này thì đã quá muộn. Trang Variety cho rằng, doanh số từ việc phát hành phim ở nước ngoài của Nhật Bản "chỉ như món tráng miệng sau bữa tối - một phần ăn bổ sung, không cần thiết".
Vào năm 2020, bộ phim điện ảnh Kaiji: Final Game có sự tham gia của dàn sao hàng đầu xứ hoa anh đào như: Tatsuya Fujiwara, Sota Fukushi, Mackenyu chỉ thu được hơn 17 triệu USD toàn cầu. Trong khi đó phim hoạt hình anime Demon Slayer the Movie: Mugen Train thu được hơn 364 triệu USD. Sai lầm từ cách làm phim cho tới cách quảng bá, đã khiến các phim điện ảnh không thể làm bộ mặt cho Nhật Bản bằng các phim anime. Thậm chí, những sản phẩm live-action (phim người đóng) dựa trên anime, manga cũng đạt doanh thu không hề cao và thậm chí còn bị chê thậm tệ.
Demon Slayer the Movie: Mugen Train |
Lý giải cho nguyên do này, chính phủ Nhật có một thời gian dài khá thờ ơ với việc quảng bá sản phẩm điện ảnh của Nhật ra nước ngoài. Trong khi đó tại Hàn Quốc, chính phủ nước này thành lập hẳn một nhóm chuyên trách quảng bá điện ảnh Hàn Quốc, đặt ra tầm nhìn quan trọng về việc thúc đẩy và quảng bá điện ảnh ra nước ngoài từ rất lâu. Trong khi tại Nhật Bản, mãi tới khoảng những năm 2013, chính phủ nước này mới đặc biệt quan tâm tới vấn đề đó khi lập ra quỹ Cool Japan, đặt mục tiêu xuất khẩu càng nhiều sản phẩm văn hóa và dịch vụ của Nhật càng tốt. Đây được coi là thời gian khá muộn với một nền điện ảnh đã có lịch sử 100 năm như Nhật Bản.
Những tia hi vọng mới
Thời đại 5.0 cận kề, rồi các Liên hoan phim ngày càng được tổ chức nhiều trên thế giới, các nhà làm phim Nhật đã bắt đầu nhận ra nếu không tự mình “dịch chuyển”, rất có thể điện ảnh Nhật sẽ sẽ bị rơi vào suy thoái và bị bao phủ bởi bởi ngành công nghiệp phim anime.
Trong Hội thảo “Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác sản xuất với Việt Nam” được tổ chức tại Đà Nẵng, trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ I thì vấn đề này đã được đưa ra bàn luận.
Nhà sản xuất Horoyuki Akune, với kinh nghiệm sản xuất và làm phim hơn 30 năm, trong đó có nhiều dự án Hollywood. Ông nói về tiền đề chính để giới làm phim Nhật hướng tới hợp tác quốc tế: “Những tác phẩm của châu Á nói chung và Nhật Bản nói riêng phiên dịch ra tiếng nước ngoài rất ít. Trong thời gian dịch Covid diễn ra, khán giả xem phim ở rạp rất nhiều, không chỉ phim Âu Mỹ mà còn phim châu Á. Chính vì vậy, tôi rất muốn làm việc với các nhà sáng tạo đa quốc gia và kỳ vọng lập cộng đồng sản xuất phim châu Á để giao lưu. Khi đó, chúng ta sẽ cùng nhau quyết định và thành lập ê-kíp làm phim. Hiện nay, châu Á có dân số đông, độ tuổi trung bình trẻ nên tôi nghĩ mạng lưới này có thể mở rộng hơn trong tương lai”.
Nhà sản xuất người Nhật hiểu rõ thách thức khi lập ra cộng đồng như ý mình muốn, nhất là làm sao để dung hòa yếu tố bản địa nhằm cho ra các sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, thay vì việc cứ lo lắng, ông nghĩ người làm phim nên gặp gỡ và nói chuyện với càng nhiều người càng tốt!
Gần đây, Horoyuki Akiune cùng các đồng nghiệp sản xuất ra series Naked Director bao gồm 2 phần, có nội dung khá nhạy cảm về ngành công nghiệp phim cấp 3 tại Nhật. Ông nhớ lại bộ phim nhận được khá nhiều phản đối khi đưa ra lời mời hợp tác nước ngoài. Dù vậy, Naked Director sau khi được hoàn thành và trình chiếu trên Netflix lại gây sốt toàn cầu.
Để mà nói điện ảnh Nhật có đang suy thoái cũng thật khó, bởi không dễ để một nền điện ảnh có lịch sử 100 năm sụp đổ một cách dễ dàng như vậy. Hiện giờ thay vì chờ đợi vào chính sách của chính phủ, các nhà làm phim Nhật đang tự ý thức việc “tự cứu lấy” mình bằng hợp tác giao lưu quốc tế. |
'Nó' ở trong rừng': Tác phẩm mới nhất của Hideo Nakata – Người làm nên biểu tượng kinh dị 'Ring' (1998) | |
Toàn cảnh Hội thảo 'Điện ảnh Nhật Bản – Kinh nghiệm thành công và hướng hợp tác với Việt Nam' |
Thu Huế