Điện ảnh Nhật cùng chiến lược mới mang phim ra ngoài lãnh thổ

(TGĐA) - So với thời gian trước, điện ảnh Nhật đã có nhiều sự cởi mở hơn với thế giới, họ mạnh dạn đem phim xuất khẩu và đã đem lại nhiều “trái ngọt”.

'Tiếng yêu không lời' trình làng trailer hứa hẹn gây bão Lễ tình nhân trắng 'Tiếng yêu không lời' trình làng trailer hứa hẹn gây bão Lễ tình nhân trắng
'Tháng Tư, ngày em đến': Chuyện tình của những người trẻ 'sợ yêu' 'Tháng Tư, ngày em đến': Chuyện tình của những người trẻ 'sợ yêu'

Mạnh dạn chuyển mình

Cách đây không lâu, TGĐA đã có một bài viết nói về những bước thụt lùi gần đây của điện ảnh Nhật Bản, các nhà làm phim quá trung thành với phong cách cũ của những tên tuổi như Ozu Yasujir, Akira Kurosaw mà quên mất rằng, điện ảnh Nhật thực sự cần làm mới mình.

Nhưng trong thời gian gần đây, mọi thứ đã được cải thiện đáng kể. Các nhà làm phim Nhật đã có tư duy vượt qua ngoài xứ sở mặt trời mọc, đem đến nhiều bộ phim có ảnh hưởng quốc tế, tạo điều kiện không nhỏ để xuất khẩu những tác phẩm trong nước.

Tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần I, nhà sản xuất Horoyuki Akune từng nói rằng, ông cùng rất nhiều người làm điện ảnh ở nước mình đã chủ động thành lập các mạng lưới làm phim, kết nối nhiều cá nhân và đơn vị nước ngoài. “Không khoảng cách” là điều mà Horoyuki Akune nhấn mạnh rất rõ và khẳng định rằng, rất muốn làm việc với các nhà sáng tạo đa quốc gia và kỳ vọng lập cộng đồng sản xuất phim châu Á để giao lưu.

Các nhà làm phim Nhật có thế mạnh đặc biệt về kỷ luật và nghiêm túc trong công việc, thế nên hợp tác với họ sẽ mang lại một sự yên tâm lớn lao.

Gần đây, bộ phim Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em với sự kết hợp của Nhật Bản và Đài Loan đã đem lại thành công nhiều mặt. Bộ phim được đạo diễn bởi Michihito Fujii với diễn xuất của Hứa Quang Hán – nam tài tử gây sốt màn ảnh Đài Loàn với bộ phim đình đám Muốn gặp anh. Bộ phim được trình chiếu ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam và thu về lợi nhuận gần 4 triệu USD toàn cầu. Tại Việt Nam, phim còn đánh bại nhiều bom tấn nước ngoài để dẫn ngôi đầu phòng vé.

Điện ảnh Nhật cùng chiến lược mới mang phim ra ngoài lãnh thổ
Phim Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em

Nói về quá trình làm ra Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em quả thực rất dài nhưng một trong số đó, chính là việc hai ê-kíp của hai nước có sự kết hợp hài hòa, điển hình như cách quay tạo ra sự tương phản giữa tông màu cam ấm áp của Đài Loan và tông màu xanh lạnh của Nhật Bản.

Thành công của Thanh xuân 18×2: Lữ trình hướng về em, cũng khiến cho các nhà làm phim Nhật Bản thay đổi tư duy và tìm cách làm ra các bộ phim hợp thị hiếu không chỉ khán giả trong nước mà còn quốc tế.

Về điều này thì Netflix đã vào cuộc rất kịp thời, khi Minyoung Kim của Netflix, giám đốc điều hành trụ sở tại châu Á thường được coi là người xây dựng chiến lược thành công của công ty tại Hàn Quốc, đã không còm dành nhiều thời gian ở Seoul.

Thay vào đó, phó chủ tịch nội dung nổi tiếng được bật đèn xanh cho Squid Game đang sống toàn thời gian ở Tokyo, nơi cô đang đặt nền móng cho vụ đặt cược táo bạo tiếp theo của Netflix vào không gian nội dung quốc tế với làng giải trí Nhật Bản, lĩnh vực mà công ty tin rằng có thể sẵn sàng cho một bước đột phá lớn.

“Bạn biết đấy, cách đây không lâu người ta không quan tâm nhiều đến văn hóa Hàn Quốc, nhưng nhờ sức mạnh của nền giải trí đại chúng, chúng tôi đã có thể thu hút được sự tò mò từ mọi người trên khắp thế giới.

Nhật Bản hiện nay gần như ngược lại. Chưa bao giờ có sự tò mò và yêu thích trên toàn cầu đối với văn hóa Nhật Bản và với sự quan tâm đó, ngành công nghiệp giải trí Nhật Bản có rất nhiều tiềm năng để lấy lại đà phát triển”, nữ chủ tịch nhận xét.

Mới đây thôi, phim điện ảnh City Hunter – chuyển thể từ truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng cùng tên, đã đứng nhất ở hệ thống Netflix nhiều quốc gia, cho thấy tín hiệu tích cực khi Netflix đang dần coi thị trường Nhật Bản là trọng tâm.

Điện ảnh Nhật cùng chiến lược mới mang phim ra ngoài lãnh thổ
City Hunter - Thợ săn thành phố

Thách thức giữ lại bản sắc

Hòa nhập mà không hòa tan, chắc chắn luôn là thách thức đối với giao lưu quốc tế của bất cứ lĩnh vực nào, kể cả điện ảnh. Đó cũng được coi là điểm trọng yếu để khiến cho một nền điện ảnh nào đó có sự khác biệt và được thế giới chú ý, điển hình như thành công của điện ảnh Hàn Quốc với nhiều bộ phim mang đậm màu sắc bản địa.

Các nhà làm phim Nhật hiểu rõ điều này, họ nhận thầy cần phải có những tinh hoa được giữ lại. Điển hình như phim điện ảnh Godzilla Minus One – được thực hiện với kinh phí khiêm tốn 15 triệu USD cho dòng phim giả tưởng, bất ngờ vượt qua nhiều bom tấn Hollywood khác để giành giải Oscar 2024 cho Kỹ xảo xuất sắc.

Khán giả phương Tây nhận xét, sở dĩ Godzilla Minus One được đánh giá cao như vậy, đó là dù thế nào Godzilla vẫn là nhân vật tới từ nước họ, còn Hollywood chỉ chăm chăm vào những sáng tạo quá đà mà quên mất đi cội nguồn và tính đặc sắc nền móng của câu chuyện.

Điện ảnh Nhật cùng chiến lược mới mang phim ra ngoài lãnh thổ
Godzilla Minus One là một hiện tượng kinh ngạc

Bên cạnh đó, lĩnh vực anime (phim hoạt hình Nhật) từ lâu vẫn như là “cột trụ” mang về nguồn lợi kinh tế lớn và thật khó tin, và dĩ nhiên các nhà làm phim phải dùng những bản sắc làm nên văn hóa giải trí Nhật Bản như anime để kiếm về thành công ở lĩnh vực điện ảnh.

Bộ phim The First Slam Dunk – chuyển thể từ truyện tranh bóng rổ huyền thoại của Takehiko Inoue đã thu về 289 triệu USD trên toàn thế giới. Quá trình làm ra The First Slam Dunk không hề dễ dàng, phim mất hơn 10 năm để thực hiện phần kỹ xảo và chuyển động của nhân vật, chỉ để phù hợp hơn với trải nghiệm xem phim tại rạp. Nhưng tất nhiên, đổi lại là Nhật Bản đã có một trong những phim hoạt hình điện ảnh thành công nhất mọi thời đại.

Điện ảnh Nhật cùng chiến lược mới mang phim ra ngoài lãnh thổ

Từ thành công của The First Slam Dunk, các hãng phim anime tại Nhật cũng mạnh dạn xuất khẩu phim nhiều hơn vì họ biết rằng, lượng người hâm mộ anime toàn cầu là rất lớn, giờ chỉ cần đem lại một bộ phim điện ảnh có trải nghiệm mang lại cảm giác hào hứng và phấn khích tại rạp, chắc chắn sẽ đem lại thành công lớn lao.

Trong năm 2024 - 2025, rất nhiều phim điện ảnh anime của Nhật Bản ra rạp nhiều quốc gia và thậm chí, đây có thể là thách thức không nhỏ dành cho các hãng phim hoạt hình lớn của phương Tây để cạnh tranh tại rạp.

Hi vọng trong những năm tới, điện ảnh Nhật sẽ càng có nhiều sự chuyển mình mạnh mẽ và đem đến những tác phẩm chất lượng tốt!

'Tiếng yêu không lời' trình làng trailer hứa hẹn gây bão Lễ tình nhân trắng 'Tiếng yêu không lời' trình làng trailer hứa hẹn gây bão Lễ tình nhân trắng
'Tháng Tư, ngày em đến': Chuyện tình của những người trẻ 'sợ yêu' 'Tháng Tư, ngày em đến': Chuyện tình của những người trẻ 'sợ yêu'

Vũ Anh