(TGĐA) - Điện ảnh Việt hiện nay đang ở đâu trong dòng chảy của nền kinh tế - xã hội? Kể từ khi Nhà nước có chủ trương xã hội hoá, ngành điện ảnh, như con tàu, hướng về nền kinh tế thị trường. Nhưng một phần của ngành điện ảnh vẫn ở lại trong chế độ bao cấp, không hề liên quan đến nền kinh tế thị trường. Còn một phần kia của điện ảnh, hoàn toàn vận hành theo cơ chế thị trường, nhưng đó là thị trường ốm yếu và nhỏ hẹp.
|
Tại sao nói như vậy?
Chúng ta chưa từ bỏ một hệ thống này và vẫn chưa thể đến một hệ thống khác. Và điện ảnh đang ở lưng chừng giữa hai hệ thống này. Đó là một vị trí rất không tốt.
An cư mới lạc nghiệp. Anh đang ở vị trí thiếu chỗ đứng, rất khó để làm được một cái gì đó tốt đẹp và hữu ích.
Chủ trương xã hội hoá, nhưng một bộ phận của ngành vẫn ở trong cơ chế bao cấp. Đây là bộ phận chính của ngành. Nhưng bộ phận này hầu như không có việc làm và thậm chí, không biết làm gì. Vì bộ phận này, chủ yếu là ba hãng phim thuộc nhà nước quản lý, được giao chỉ tiêu rất ít ỏi. Thường thì mỗi năm mỗi hãng được giao làm một phim. Dù chỉ có một phim, nhưng nhiều hãng không đủ nhân lực, vẫn phải đi thuê ngoài. Đạo diễn đâu? Diễn viên đâu? Máy móc, thiết bị đâu? Bộ phận làm kỹ xảo – công nghệ không có. Nhiều hãng phải thuê bên Thái Lan. Ngân sách làm phim thì theo chế độ bao cấp. Nhưng khi thực hiện, nguồn ngân sách này lại theo cơ chế thị trường. Tréo ngoe.
|
Và câu hỏi quan trọng đặt ra: Ai chịu trách nhiệm về bộ phim? Không ai chịu cả. Nơi cấp kinh phí không chịu. Nơi duyệt nội dung không chịu. Nơi sản xuất phim không chịu. Cuối cùng, sản phẩm ra đời. Tổ chức buổi công chiếu. Rồi không ai biết, bộ phim đi đâu.
Tóm lại, bộ phận làm phim theo cơ chế bao cấp, đã yếu nay lại càng thêm yếu. Các hãng giờ như cái xác không hồn.
Còn bộ phận vận hành theo cơ chế thị trường?
Bộ phận này vận hành theo kiểu: Ai có tiền thì làm được phim. Nhưng điện ảnh không phải là ngành dễ dàng như thế. Có tiền thì cũng tốt, nhưng cái quan trọng hơn, là phải có kiến thức điện ảnh. Kiến thức không phải là vài ba chiêu trò quen thuộc mà anh học được ở trường hay copy của nước ngoài, mà là kiến thức của điện ảnh và văn hoá quốc tế. Nhưng những người làm phim không biết hoặc không muốn học. Vậy là xông ra làm phim. Kịch bản lủng củng. Tình tiết như chích điện vào người xem, khiến họ giật mình. Nhân vật tự do xuất hiện và biến mất như trong chốn không người làm khán giả không biết đâu mà lần. Vài pha đánh đấm, hành động thì nửa Mỹ nửa Hồng Kông… Nếu trích dẫn những lời bình luận của khán giả về những phim ngô nghê kiểu này và làm clip minh họa trích từ phim, có khi ta sẽ được nhiều series buồn cười, hay hơn cả phim chính, dài hơn cả phim chính. Có thể, sẽ có lúc, các tay chơi công nghệ yêu thích điện ảnh sẽ làm tuyển tập trứ danh này.
|
Một nhánh khác của điện ảnh thị trường, đó là làm phim bắt chước Hollywood. Nhóm này lúc đầu rất tưng bừng, thậm chí gặt hái nhiều thành công. Nhưng khi khán giả nhìn thấy được “gót chân Achilles” của họ, thì những phim này không còn đất sống nữa. Tự tuyệt chủng rồi biến mất. Đến cũng nhanh và đi cũng nhanh. Một vài người còn thoi thóp thở những hơi thở tàn. Khi anh bắt chước những cốt truyện, tình tiết hoặc những chiêu trò của nước ngoài, anh cần phải có nội lực để thi triển. Đằng này, nội lực không có. Chỉ có cái túi mười hai gang với tham vọng lấy vàng của thiên hạ, không có con chim đại bàng thần thánh nào có thể cõng anh qua trùng khơi của nền kinh tế thị trường đầy giông bão.
|
Một đề tài khác cũng được các nhà làm phim thị trường là sản xuất phim hài và phim kinh dị. Theo lý thuyết, hai thể loại này đều cực khó. Làm phim cho một nhóm nguời cười được đã khó, nói gì đến cả vạn người cùng cười, càng khó hơn. Trừ những phim lấy cốt truyện và tình tiết nước ngoài, đa số những phim thuộc thể loại này do chúng ta tự làm, đều khó thu hồi vốn. Mặc dù người Việt Nam chúng ta được các nhà tâm lý học công nhận là dân tộc thuộc dạng dễ cười nhiều nhất trên thế giới, nhưng họ chỉ cười những cái đáng cười mang tính tự nhiên. Còn những tình huống, tình tiết cười được bố trí và sắp đặt một cách cơ học và gượng ép, thì tính dễ cười của người xem lại biến thành lòng thương hại dành cho các nghệ sỹ lẩy bẩy như Cao Biền dậy non. Ý kiến này cũng tương tự đối với phim kinh dị. Một số nước châu Á có truyền thống làm phim kinh dị ở châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ… đều khai thác những yếu tố văn hóa dân tộc sâu sắc, làm nên bản sắc của họ. Chúng ta không có truyền thống này. Nếu bắt chước họ, thường mua kịch bản của họ, may ra thành công.
|
Điện ảnh thị trường vận hành theo nhiều dòng chảy. Nhưng không có nghĩa, anh muốn làm gì thì làm. Đa số các nhà làm phim thị trường đều không thể nắm bắt nhu cầu và thị hiếu người xem. Vì vậy, họ thường làm ra những cái mình có chứ không phải những cái mà thị trường cần. Chính vì thế nên chốc chốc lại có hiện tượng, đạo diễn này hay nhà sản xuất kia giãy đành đạch trên đường phố, hai tay chới với trong không khí, kêu lên: “Ới làng nước ơi ! Giải cứu phim tôi với!”. Nghe tiếng kêu, mọi người chạy đến. Thì cũng có vài người nhẹ dạ, thương tình giúp chút đỉnh. Nhưng có một người nghiêm khắc: “Giải cứu nông sản còn có thể có ích cho cá nhân hay gia đình. Chứ giải cứu mấy cái phim dở ẹc thế này chỉ làm tổn hại tâm hồn và trí óc”. Một ý kiến khác: Ngộ độc thực phẩm còn có thể vào viện rửa ruột, chứ ngộ độc tâm hồn và trí óc thì sẽ gây tổn hại lâu dài và vô phương cứu chữa.
Mô hình điện ảnh nước ta, tất nhiên, cần phải chuyển sang cơ chế thị trường. Thị trường ngay trước mắt chúng ta đấy, nhưng có ai khuynh đảo được nó đâu? Có ai trở thành đại gia được đâu? Và ai là người có thể tạo ra thị trường cho điện ảnh khi mà hệ thống nhập phim, hệ thống chiếu phim đều nằm trong vòng kiềm tỏa của các tập đoàn nước ngoài? |
Họp mặt Ban Lý luận – Phê bình và Ban công tác hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam phía Nam nhiệm kỳ IX (2020-2025) (TGĐA) - Sáng ngày 16/7, Ban Lý luận – Phê bình và Ban công tác ... |
Làm phim tiểu sử ở Việt Nam: Có nên ngại? (TGĐA) - Phim tiểu sử đích thị là một trong những “món ăn” còn thiếu ... |
NSX giải thích lý do 'Trịnh Công Sơn' bị rút khỏi rạp: 'Là quy luật của thị trường' (TGĐA) - Theo thông báo từ nhà sản xuất, bộ phim Trịnh Công Sơn sẽ ... |
Đoàn Tuấn