| Diện mạo nào cho điện ảnh Việt Nam | |
Phải nói rằng, đó là một sự dũng cảm. Bởi có nhiều phim hoàn thành trước, nhưng vẫn không dám trình chiếu. Bởi người xem vẫn chưa có thói quen quay lại rạp chiếu. Những thị trường điện ảnh xung quanh nước ta vẫn án binh bất động. Nhưng những tín hiệu mà các phòng vé phản hồi lại đã cho thấy một niềm tin, rằng những bộ phim chân chính và nghiêm túc, những bộ phim mang khát vọng khám phá vẻ đẹp của con người và văn hóa Việt Nam, vẫn tìm được những khán giả đích thực của mình.
| Phim thị trường dù luôn thu hút khán giả nhưng nhiều phim nội dung nhàm chán và bắt chước nước ngoài | |
Nhưng một cánh én khó có thể làm nên mùa xuân. Bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên một mình đơn thương độc mã ra rạp trong tình trạng cả rạp chiếu lẫn khán giả đều đang ốm yếu, cũng không thể xốc lại tình cảm của người xem đối với những bộ phim nghiêm túc. Nếu chúng ta có khoảng dăm, bảy phim có nội dung và vẻ đẹp khám phá con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, chắc chắn dòng phim này sẽ tạo thành một vệt sáng rất đáng chú ý đối với điện ảnh Việt hiện nay. Tiếc rằng chất lượng những bộ phim được Nhà nước đặt hàng lại không đồng đều. Vì vậy khả năng ra rạp chiếu một cách công khai và sòng phẳng như phim thị trường đối với các phim Nhà nước đặt hàng vẫn là một khoảng cách xa vời. Chúng ta không thể đổ lỗi cho các phim đặt hàng khó thu hút khán giả. Vấn đề là ở cách làm và chất lượng phim. Nhà nước cũng không thể mãi đặt hàng cho những Hãng phim quốc doanh mà hiệu quả tuyên truyền quá thấp. Ở đâu lương tâm làm nghề? Ở đâu trách nhiệm của người làm phim sở hữu đồng vốn của Nhà nước? Phim Nhà nước đang bị chính những người làm phim Nhà nước đối xử một cách thiếu tôn trọng. Vậy làm sao thu hút được tình cảm của công chúng?
Trong khi đó, phim thương mại, phim thị trường vẫn thu hút được một lực lượng đông đảo những nhà sản xuất và những người làm phim. Nhưng vấn đề của dòng phim này ở chỗ, nội dung quá nhàm chán và bắt chước phim Mỹ, phim Hàn quá thô thiển và lộ liễu. Trước đây, khán giả còn chỉ ra những chi tiết, tình tiết giống phim này, phim kia của ngước ngoài. Bây giờ, người xem cũng quá mệt mỏi và chán nản với sự chôm chỉa cẩu thả của những người mang danh biên kịch, đạo diễn này nọ, họ không buồn nhắc nữa. Có người thắc mắc, tại sao những phim đó vẫn được giải? Xin thưa, chính những người gọi là giám khảo cũng lâu rồi không làm phim. Và không những không làm phim mà họ còn không xem phim. Chính vì thế nên họ không phân biệt được chuyện nào hay và dở, bắt chước phim nước ngoài ra sao. Và những phim được giải cũng khó có thể công chiếu bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Dù trong thời đại hội nhập và toàn cầu hóa, những phim nhang nhác điện ảnh nước ngoài như vậy hoàn toàn không có tương lai. Và những người chế tác ra những bộ phim như vậy, cũng chỉ có con đường đi vào ngõ cụt.
| Song Lang - Một phim hiếm của các hãng tư nhân không nhắm tới thị trường doanh thu | |
Trong nhiều năm qua, nước ta có nhiều hãng phim tư nhân ra đời và hoạt động khá tốt. Nhiều bộ phim đã ra đời. Nhưng chưa có một bộ phim nào mang dấu ấn nghệ thuật sâu sắc cho một hãng phim nào. Bởi chính các Hãng phim tư nhân không định hình được con đường phát triển của mình. Cũng chưa có một đạo diễn phim thị trường nào khả dĩ thu hút người xem. Có đạo diễn vừa vọt lên với phim này, nhưng phim sau lại tụt xuống tận đáy. Điều đó chứng tỏ tay nghề và thẩm mỹ của các đạo diễn mang tiếng là ăn khách, có vấn đề. Đối với diễn viên, có được chỗ đứng trong lòng công chúng, càng khó. Bởi họ không chuyên nghiệp. Nay đóng phim thị trường, mai đóng phim truyền hình. Phim chưa quay xong, lại nhảy sang làm ca sỹ hay MC này nọ. Có lẽ họ tôn trọng thu nhập hơn so với công chúng.
| Truyền thuyết về Quán Tiên là bộ phim Việt đầu tiên chiếu rạp sau ảnh hưởng Covid-19 | |
Có ai quan tâm đến diện mạo điện ảnh nước nhà không? Ngày càng ít người chú ý. Bởi trong thời đại phát triển công nghệ và kỹ thuật số như hiện nay, vai trò và tầm ảnh hưởng của văn hóa – nghệ thuật ngày càng nhỏ. Dường như cả xã hội đều vận hành theo xu hướng tăng trưởng và lợi nhuận. Rất khó để hình dung văn hóa và nghệ thuật điện ảnh tăng trưởng thế nào, lợi nhuận ra sao. Nhưng một xã hội không thể không có rạp chiếu phim và những bộ phim mang bản sắc văn hóa dân tộc. Không thể đánh đồng sản phẩm văn hóa với món hàng hóa cụ thể nào. Giá trị của sản phẩm văn hóa nằm ở chiều sâu tâm hồn và nhân cách con người. Và diện mạo điện ảnh nước nhà cũng chính là diện mạo của đời sống văn hóa Việt Nam hôm nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chưa xác định được. Đây là bài toán đặt ra đối với những người quản lý và sáng tạo văn hóa điện ảnh hôm nay.
Không thể đánh đồng sản phẩm văn hóa với món hàng hóa cụ thể nào. Giá trị của sản phẩm văn hóa nằm ở chiều sâu tâm hồn và nhân cách con người. Diện mạo điện ảnh nước nhà cũng chính là diện mạo của đời sống văn hóa Việt Nam hôm nay. |