(TGĐA) - Những năm gần đây, với sự xuất hiện của những tác phẩm xuất sắc, yêu cầu của khán giả đối với phim cổ trang cũng dần tăng lên, ngoài cốt truyện, phục trang, tạo hình, diễn viên tự nói thoại hay lồng tiếng… đều trở thành tiêu chuẩn thẩm định của khán giả đối với phim cổ trang, thậm chí các chi tiết nhỏ nổi bật cũng có thể bù đắp cho một số thiếu sót trong kịch bản. Dữ quân ca nhất định không phải phim dở trong lòng khán giả, nhưng từ bộ phim này, chúng ta có thể nhìn thấy những “hạt sạn” mà phim cổ trang dễ mắc phải.
Thiếu hài hòa giữa lời thoại lồng tiếng và diễn xuất
|
Trên mạng xã hội, có dân mạng đăng tải đội ngũ diễn viên lồng tiếng cho bộ phim Dữ quân ca, tuy cuối cùng giọng nói của nữ chính không còn là những cái tên quen thuộc Kiều Thi Ngữ, Quý Quán Lâm, nhưng nam chính vẫn y như cũ là A Kiệt, fan hâm mộ bày tỏ đây là “phúc lợi giọng nói, mối liên kết trong mơ”, nhưng cũng có một số ý kiến phản đối: “Cho hỏi Dữ quân ca là phim phát sóng trên truyền hình sao?”.
|
|
Đối với bất kỳ thể loại phim nào mà nói, lồng tiếng đều là chủ đề gây tranh cãi, nhưng mà việc lồng tiếng trong phim hiện đại tương đối ít, tình trạng lồng tiếng trong một số phim thần tượng nghiêm trọng hơn, phim cổ trang thần tượng càng là “vùng dịch nghiêm trọng”.
Lồng tiếng không nhất định là điểm trừ, Chân Hoàn trong phim Chân Hoàn truyện, Bạch Thiển trong phim Tam sinh tam thế thập lý đào hoa, đều là nhân vật được cộng điểm nhờ lồng tiếng, giọng nói biểu cảm của diễn viên lồng tiếng phối hợp với diễn xuất của diễn viên, đã tạo ra nhân vật kinh điển. Tất nhiên, có trường hợp thành công, thì sẽ có trường hợp gây tranh cãi.
Trong phim Thiên cổ quyết trần, phần lồng tiếng của Châu Đông Vũ bị khán giả phàn nàn, tương tự là phim Hữu phỉ, Triệu Lệ Dĩnh và giọng lồng tiếng hơi trẻ trung có phần không hợp. Khán giả đã quá quen thuộc với giọng của Châu Đông Vũ và Triệu Lệ Dĩnh, trong tình huống như vậy, bất kỳ giọng lồng tiếng nào cũng có vẻ thiếu hài hòa.
Ngoài sự thiếu hài hòa do cảm giác quen thuộc mang lại, một tình huống gây tranh cãi khác là lồng tiếng và diễn xuất không ăn khớp với nhau. Trong lòng khán giả, đánh giá diễn xuất của diễn viên bao gồm cả kỹ năng nói thoại, bản thân việc lồng tiếng sẽ phải đối mặt với một số tranh cãi, đội ngũ diễn viên lồng tiếng cho phim Dữ quân ca có thể nói rất hùng hậu, cũng có biểu hiện xuất sắc, nhưng vẫn có một loại cảm giác không hợp với nhân vật, thể hiện của lời thoại rõ ràng vượt trội hơn diễn xuất của diễn viên. Cảm giác thiếu hài hòa giữa lời thoại và diễn xuất hình thành nên trạng thái lời thoại tràn đầy cảm xúc tương phản với diễn xuất yếu ớt của diễn viên, sự tương phản mạnh mẽ như vậy, ngược lại khiến việc lồng tiếng biến thành điểm trừ, đương nhiên khán giả cũng sẽ không chấp nhận.
Thẩm mỹ quá hiện đại
|
“Tiểu hoàng đế, vừa lôi cuốn vừa xinh đẹp”, đây là một dòng Danmu (là một dạng video bình luận) của bộ phim Dữ quân ca, có thể thấy, đây là lời khen ngợi của fan hâm mộ dành cho nhân vật. Nhưng, tưởng tượng một vị hoàng đế cổ đại, dùng từ lôi cuốn và xinh đẹp để mô tả, thật sự có thích hợp không? Theo cốt truyện, Tề Diệm là một hoàng đế nhẫn nhục chịu đựng, từ thích hợp để hình dung về anh là nhân vật mang trọng trách, uy nghiêm, trầm ổn.
Ngoài ra, tạo hình của Thành Nghị trong phim hơi nữ tính, cộng thêm xử lý qua bộ lọc, dù là một nhân vật giả vờ vô công rỗi nghề, tính tình ương bướng, cũng không nên trông yếu đuối, dễ gục ngã. Trong cảnh mặc triều phục, khuôn mặt Thành Nghị hoàn toàn bị che khuất dưới chiếc mũ, chiếc mũ có vẻ to quá khổ, thật sự khó tìm thấy khí thế của một hoàng đế. Trương Dư Hy cũng gặp vấn đề tương tự, là một kiếm khách võ công cao cường, nữ quan trong cung, phong cách đơn giản lão luyện là điều có thể hiểu được, nhưng cũng vì nước da nhợt nhạt và lối trang điểm quá hiện đại khiến khán giả nhiều lúc cảm thấy mất hứng.
|
Trong khâu tạo hình và trang phục, Dữ quân ca càng gần với thẩm mỹ hiện đại, nam nữ nhân vật chính gần như đều “trắng, gầy, trẻ”. Theo quan niệm thẩm mỹ hiện đại, không thể phủ nhận Thành Nghị và Trương Dư Hy đều là trai xinh gái đẹp, nhưng nhan sắc, hình dáng, tạo hình, trang điểm của hai diễn viên này có bao nhiêu phần trăm phù hợp với thẩm mỹ cổ đại?
Sau phim Diên hy công lược, khán giả bắt đầu chú trọng đến trang phục và tạo hình nhân vật, đồng thời bắt đầu liên tục tìm hiểu, yêu cầu càng ngày càng nghiêm khắc. Văn hóa Hán phục cũng dần trở nên phổ biến trong những năm gần đây, khi xem phim cổ trang, khán giả thật sự kiểm tra tỉ mỉ kiểu dáng trang phục, so sánh cách trang điểm.
So với cái đẹp đơn giản, khán giả càng mong đợi sự tái hiện chân thật. Nhưng hiện tại, khán giả càng mong tìm được cảm giác chìm đắm vào phim cổ trang.
Lơ lửng giữa chừng, không đạt kết quả như ý
|
Chân Hoàn truyện khiến khán giả quen thuộc với lời thoại nửa văn viết nửa văn nói; Thanh bình lạc khiến khán giả cảm nhận sâu sắc sự nghiên cứu tỉ mỉ về bối cảnh thời đại; Diên hy công lược mang đến thẩm mỹ mới trong tạo hình trang phục; Trường An 12 canh giờ gần như tái hiện một tòa thành Trường An với tỷ lệ 1:1.
Những bộ phim cổ trang này đều làm được một điều là: đến nơi đến chốn. Dù là nội dung, hay trang phục, tạo hình, đạo cụ, ít nhất đã đạt được sự hoàn thiện một trong những phương diện này. Những tác phẩm này có lẽ không giống phim chính sử, tái hiện chính xác các nút thời gian, bối cảnh lịch sử, nhưng trong khung sườn bối cảnh cổ đại, họ chỉ thay đổi một ít, phần lớn vẫn phù hợp với thực tế lịch sử.
Ngoài ra, những bộ phim cổ trang tình cảm có bối cảnh triều đại hư cấu cũng được khán giả hoan nghênh, không có sự ràng buộc của bối cảnh triều đại, trọng tâm câu chuyện khá hiện đại, khán giả chủ yếu theo dõi quá trình yêu đương của nam nữ nhân vật chính, bối cảnh cổ đại cung cấp không gian tưởng tượng phong phú hơn cho khán giả.
Những bộ phim tình cảm được khán giả yêu thích như Song thế sủng phi, Trần Thiên Thiên trong lời đồn, Nữ chính của tôi đừng quá đáng yêu… hầu như đều giành thắng lợi nhờ bối cảnh triều đại hư cấu, tạo hình cổ trang và quan niệm tình yêu hiện đại.
Dữ quân ca lấy bối cảnh triều Đường, nhưng luôn xuất hiện một số sai sót bị lật tẩy trong nháy mắt, ví dụ cảnh Tề Diệm đi ăn mì biangbiang, khi ống kính đặc tả tô mì có thể thấy rõ trong tô có cà chua, nhưng trên thực tế, cà chua có nguồn gốc từ Nam Mỹ, năm 1492 nhà thám hiểm Columbus mới phát hiện ra Châu Mỹ, mà trong lịch sử triều đại nhà Đường là từ năm 618 đến năm 907 sau công nguyên, làm sao có thể có cà chua?
Sự cẩu thả trong một số chi tiết nhỏ, được định sẵn trở thành mục tiêu bị khán giả chỉ trích, dù chất lượng tổng thể của Dữ quân ca khá tốt, những sai sót hiển hiện này, đã làm phim bị mất điểm trong ấn tượng của khán giả. Trình độ thẩm mỹ và năng lực lý giải của khán giả đối với nội dung phim không ngừng tăng lên, bất kỳ một sự bất cẩn nào trong sáng tác đều không thể giấu được ánh mắt tinh tường của khán giả.
Đối với khán giả mà nói phim cổ trang là nhu cầu thiết yếu, dù là phim tiên hiệp, chính sử, hay phim cổ trang tình cảm, trên cơ bản đều có lượng khán giả khả quan. Giữ khoảng cách nhất định với cuộc sống hiện đại, nội dung phim cổ trang cũng có thể thỏa mãn trí tưởng tượng của khán giả. |
'Hán Sở tranh hùng': Hạng Vũ đày Lưu Bang sang đất Thục nhằm kìm hãm thực lực (TGĐA) - Những trận tư hùng nảy lửa, các mưu thâm kế hiểm đều được ... |
7 phim cổ trang Hoa ngữ mới nhất 2021: Tiêu Chiến, Nhậm Gia Luân, Dương Tử, Địch Lệ Nhiệt Ba... đều có đủ (TGĐA) - Dưới đây là danh sách 7 phim cổ trang Hoa ngữ dự kiến ... |
Trịnh Nghi