(TGĐA) - Giản dị, không màu mè, thậm chí còn có phần 'lập dị' giữa hàng dàn các nghệ sĩ hào nhoáng, nhưng với quan điểm sống đúng đắn và tài năng diễn xuất, Frances McDormand đã giành chiến thắng với tượng vàng Oscar cho vai nữ chính xuất sắc nhất cùng phim Three Billboards Outside Ebbing, Missouri. Giống như một bông hoa khác lạ, Frances cũng tỏa hương, cũng rực rỡ nhưng là theo cách riêng của bà.
Cây đại thụ ở Hollywood
Không phải diễn viên đương đại nào cũng được như McDormand khi bà hiện có trong tay "Ba vương miện diễn xuất" cao quý gồm giải Oscar (điện ảnh), giải Tony (nhạc kịch, với vở Good People) và giải Emmy (truyền hình, với loạt phim ngắn Olive Kitteridge).
Trong quá khứ chỉ có những tài năng thiên bẩm như Audrey Hepburn, Helen Hayes, Ingrid Bergman, Shirley Booth, Liza Minnelli… làm được điều này. Ở thế hệ của Frances, bà được coi là cây đại thụ xuất sắc, đóng tốt ở hầu hết các mảng phim ảnh, kịch nghệ.
Không phải diễn viên đương đại nào cũng được như McDormand |
Bà tự nhận mình không quá xinh đẹp nhưng với diện mạo khác lạ chắc chắn bà luôn được giao những vai đặc biệt. Ban đầu bà hoạt động mạnh ở mảng kịch, nhưng rồi chuyển hướng sang điện ảnh. Bà giải thích trên New York Times: "Nếu còn ở sân khấu, tôi sẽ được giao các vai chính truyền thống. Nhưng ở Hollywood, vẻ ngoài giúp tôi nhận các vai diễn khác biệt".
Trong 36 năm sự nghiệp, bà toàn đóng các vai gai góc như người vợ bị đánh đập trong Mississippi Burning hay người vợ của một cựu binh chiến tranh Triều Tiên định tự tử trong Chattahoochee.
McDormand có thể đóng được những vai cần thay đổi cảm xúc đa dạng, từ ăn nói bỗ bã cho đến những cảnh diễn nội tâm cần nhiều chiều sâu. Bà cho biết mình học hỏi được nhiều từ các phim của John Wayne, John Ford và Marlon Brando để từ đó đóng được các vai mà nhân vật của bà xuất hiện đột ngột, chẳng cần giới thiệu nhiều.
Tuy nhiên khán giả vẫn bị cuốn vào với cảm xúc của nhân vật mà bà đang đóng. Họ có thể nói cười đấy nhưng cũng có thể trầm tư và thậm chí rơi nước mắt. Trong bộ phim mới đưa bà đến với tượng vàng Oscar lần thứ hai - Three Billboards Outside Ebbing, Missouri, bà hóa thân vào vai một người phụ nữ tên Mildred Hayes có con gái bị cưỡng hiếp và bị giết mà cảnh sát vẫn mãi chưa tìm được ra hung thủ.
Nhân vật của bà bạo lực, ăn nói đốp chát, gây rối khắp nơi trong bộ đồ nhân viên thợ máy. Tuy nhiên, người xem dần nhận ra bên dưới sự bất cần đó chính là nỗi đau của một người mẹ khi không thể bảo vệ được con gái của chính mình. Nhân vật Mildred thuê hẳn ba chiếc biển quảng cáo lớn in những dòng chữ mỉa mai chính quyền.
McDormand trong phim Three billboards outside ebbing, missouri |
Tuy không được lòng số đông người dân và cả sở cảnh sát nhưng người mẹ này chẳng màng những thứ ấy nhằm mang lại công lý cho người đã khuất. Nếu chỉ đọc qua phần giới thiệu nội dung, khán giả dễ tưởng nhầm đây là một bộ phim hình sự ly kỳ kể về hành trình truy tìm thủ phạm. Tuy nhiên, vụ án mạng và những tấm biển quảng cáo chỉ là cái cớ để đạo diễn Martin McDonagh khai thác một xã hội thu nhỏ bên trong thị trấn Ebbing.
Việc ông chọn cho thị trấn này cái tên mang nghĩa "Dần lụi tàn" mang nhiều ẩn ý. Bà Mildred là người mẹ trải qua nỗi đau mất con và dần cạn kiệt niềm tin vào công lý. Xã hội Mỹ theo góc nhìn của kịch bản cũng đầy những bất công và tệ nạn trong sự bất lực hoặc thờ ơ của cơ quan pháp quyền. Một bộ phim với đầy đủ các yếu tố về nhân văn, bạo lực, hiện thực xã hội và có chất lượng hàn lâm tuyệt vời xứng đáng được vinh danh tại lễ trao giải điện ảnh danh giá nhất. Và người góp công chính trong việc làm nên thành công ấy không ai khác chính là Frances McDormand “chị cả dị biệt” ở Hollywood.
Tỏa sắc hương “một mình một kiểu”
Có thể nói Frances McDormand là người phụ nữ cá tính nhất nhì kinh đô điện ảnh. Bà thường tránh xa những đám đông tung hô ồn ào, vắng bóng tại các buổi ra mắt phim cũng như các bữa tiệc chiêu đãi. Không chỉ né tránh những thứ phù hoa tiệc tùng, Frances còn thể hiện sự lập dị khi mới đây tại Lễ trao giải Quả Cầu Vàng, bà đón nhận danh hiệu Nữ chính xuất sắc nhất và diện bộ cánh màu xanh đậm trong khi cả khán phòng ngập tràn sắc đen.
Nữ diễn viên 61 tuổi chưa biết mặt cha mẹ đẻ của mình, bà bị cho đi làm con nuôi từ khi còn nhỏ. Bà may mắn khi được cha mẹ nuôi đối xử tốt, giáo dục tử tế để tốt nghiệp đại học và còn lấy được bằng thạc sĩ về nghệ thuật tại trường Yale danh tiếng. |
Tất cả các nghệ sĩ cùng nhau diện đồ một màu để thể hiện sự ủng hộ với phong trào chống quấy rối tình dục “#MeToo” đang nổi trên mạng xã hội. Chẳng ai muốn bị lạc quẻ, đơn độc nên mọi người đều thực hiện giống nhau. Duy chỉ có McDormand với chiếc váy khác màu đen khiến nhiều người cho rằng bà “khá lập dị”. Giải thích về việc này, Frances chỉ nói bà không phải là tuýp người dễ chiều theo ý muốn của người khác.
Có thể nói Frances McDormand là người phụ nữ cá tính nhất nhì kinh đô điện ảnh |
Bà có cá tính riêng và bà không muốn chìm vào đám đông kia, dẫu có bị chê trách. Nhưng nếu chỉ khác mỗi xiêm y váy áo thôi thì chưa đủ để McDormand chứng tỏ sự khác thường của mình. Các dịp quan trọng như lễ trao giải, lễ ra mắt phim, họp báo… đều được các ngôi sao màn bạc chuẩn bị chỉn chu từ đầu tóc, gương mặt, thậm chí là cả răng nữa. Nhiều người đã bỏ tiền thuê những chuyên gia trang điểm hàng đầu về chỉ để tô vẽ cho mình một gương mặt chuẩn chỉnh, rạng rỡ không tì vết để xuất hiện hoàn hảo trước công chúng.
Tuy nhiên McDormand một lần nữa không có “thói quen thông thường” này. Với nữ diễn viên 61 tuổi, nhan sắc là thứ trời cho và bà chẳng ngại khoe nó với khán giả. Không cầu kì son phấn, không lộng lẫy tóc tai váy áo hay trang sức, Frances cứ thể để mặt mộc đến dự các sự kiện và bước lên bục vinh quang của người chiến thắng. Với bà, những nếp nhăn trên mặt chẳng có gì là đáng xấu hổ cả. Bà không nỗ lực che giấu tuổi tác bằng mọi giá như đa phần số đông hay làm. Mỗi nếp nhăn trên gương mặt được bà coi như một con đường, tất cả hợp lại thành một chiếc bản đồ cuộc sống độc đáo của riêng bà.
Người ta còn nhớ đến Frances McDormand bởi những phát ngôn cùng những màn chửi thề gây sốc. Ở giải Tinh thần Độc lập (Independent Spirit Awards), Frances đã thẳng thừng "tâm sự" rằng: "Tôi chỉ biết hôm nay mình phải chửi thề.
Bạn biết mấy tháng qua tôi phải kiềm chế không chửi thề khó khăn thế nào không? Chương trình giải thưởng này kéo dài lâu quá rồi”. Trước đó, ở Quả Cầu Vàng, nhà đài cũng phải kiểm duyệt một phần bài phát biểu nhận giải của bà bởi những từ nhạy cảm.
Frances thích sống một cách thẳng thắn như thế. Bà không cần đến một bài diễn văn nhận giải hùng hồn về vấn đề mà mọi người đang quan tâm như lên án chống quấy rối, xâm hại tình dục bởi chính vai diễn mà bà được ghi nhận đã nói lên nỗ lực đó rồi. Còn nữ quyền ư? Chẳng phải người mẹ đau khổ đơn độc Mildred đã làm điều đó đầy nỗ lực trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri đó sao?
Phải mất đến 12 năm đằng đẵng bà mới có được giải thưởng Oscar lần thứ hai trong sự nghiệp |
Nhưng bên cạnh những điều khác biệt, Frances còn khiến người ta nể phục bởi bà “thắng không kiêu, bại không nản”. Phải mất đến 12 năm đằng đẵng bà mới có được giải thưởng Oscar lần thứ hai trong sự nghiệp. Dù chờ đợi dài là thế nhưng khi nhận giải hôm 5/3 vừa qua, McDormand sẵn sàng đặt tượng vàng xuống sân khấu, dang tay và hô vang tên những nghệ sĩ được đề cử cùng hạng mục để vinh danh họ cũng như gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đồng nghiệp khác đã khiến cả khán phòng cũng như khán giả xem truyền hình nhiệt liệt hưởng ứng.
Frances McDormand kết hôn với đạo diễn Joel Coen năm 1984. Trong sự nghiệp, bà cộng tác nhiều nhất với anh em đạo diễn nhà Coen (sáu phim). Một trong số đó - Fargo (1996) - giúp Frances giành giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc". |
Phương Thoa