(TGĐA) - Là một chuyên đề thảo luận trong tháng để nhìn lại thực trạng và đánh giá về phim hoạt hình Việt Nam hiện nay, Tạp chí Thế giới điện ảnh tiếp tục đóng vai trò diễn đàn chung, gửi tới bạn đọc quan tâm những chia sẻ của các nhà làm phim hoạt hình hiện nay đang còn hoạt động năng nổ ở lĩnh vực này.
Mở trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình tại Vĩnh Phúc tháng 9/2020 | |
Hãng phim Hoạt hình Việt Nam: 60 năm phát triển và trưởng thành |
Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí: Chúng ta nên có ước mơ, dù không dễ dàng!
10 năm trở lại đây, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam – địa chỉ sản xuất phim hoạt hình nhiều nhất ở nước ta hiện nay bắt đầu sản xuất những bộ phim nhiều hơn 10 phút, công nghệ hiện đại cũng được cập nhật. Đó là những cải tiến chúng ta có thể nhìn thấy, theo cá nhân tôi Hãng nên thực hiện thêm những phim hoạt hình rất ngắn hoặc series nhiều tập chiếu trên truyền hình, còn về chuyện ý tưởng làm phim ra rạp cũng nên có và nên xây dựng. Chúng ta nên có ước mơ đó đi, dù không dễ dàng.
Nếu để nhìn lại sự phát triển trong 10 năm trở lại đây của thể loại hoạt hình, tôi xin nhắc lại tác phẩm Người con của Rồng, thời lượng 90 phút thuộc thể loại 3D do tôi thực hiện. Đây là bộ phim được chiếu rạp lần đầu tiên trong kỷ nguyên số, công chiếu 1 tuần tại Rạp Kim Đồng. Tôi cho rằng đó là một sự hãnh diện tự hào, là sự thử sức của cá nhân cùng ekip làm phim cũng như với hoạt hình Việt Nam. Lúc đó phim 3D còn quá mới mẻ và chưa phát triển như bây giờ. Nó gieo vào trí nhớ người xem một chút gì đó về công nghệ làm phim hoạt hình Việt Nam thuộc thể loại 3D và lần đầu tiên ra rạp. Đó là giai đoạn bắt đầu của công nghệ làm phim hoạt hình 3D và đến ngay nay sự phát triển đó càng mạnh mẽ hơn.
Đạo diễn, NSND Phạm Minh Trí |
Bên cạnh 3D, một dạng nữa của công nghệ số là phim cắt giấy làm trên công nghệ số. Thể loại này cũng phát triển, hơi hướng mạnh mẽ, tạo hình ấn tượng và có nhiều đạo diễn đã thành công với thể loại này tại các LHP trong nước. Thông thường thể loại phim 2D cắt giấy này tính ước lệ rất cao, tính trang trí mạnh mẽ so với loại 3D và 2D vẽ. Đặc biệt công nghệ vẽ 2D bút chì hiện nay lại hơi bị lụi tàn, bởi các bạn trẻ thích sử dụng công nghệ số nhiều hơn. Số lượng họa sĩ làm cũng ít đi, đào tạo cũng chưa được chú trọng thích đáng cho nên tôi hơi đáng tiếc bởi đó là nền tảng để phát triển hoạt hình.
Trong 10 năm qua, thế hệ trẻ làm phim hoạt hình đã xuất hiện, nhiều công ty tư nhân cũng bắt đầu quan tâm đến làm phim hoạt hình và họ cũng đã nhận những đơn hàng gia công cho các hãng phim của Hàn Quốc, Pháp… Đặc biệt là trong thị trường TP.HCM, nơi hoạt động sôi nổi của công nghệ phim hoạt hình và trò chơi điện tử. Và cũng đã có công ty tư nhân muốn làm phim hoạt hình nghệ thuật “made in Việt Nam”. Đó là động thái đáng kể để làm phong phú và nâng cao chất lượng của phim hoạt hình hiện nay. Một điều đáng vui mừng.
Trước đây bên truyền hình cũng có 1 trung tâm sản xuất phim hoạt hình Đài THVN thành lập năm 2002 hoạt động đến năm 2013 thì giải tán vì nhiều lý do. Sau đó, một số đạo diễn này đã chuyển sang làm việc bên VTV7 – một kênh truyền hình giáo dục cho trẻ em và trong đó có một bộ phận chuyên làm hoạt hình. Những bạn trẻ này có khuynh hướng quan điểm về phim hoạt hình rất tốt và những bộ phim của họ cũng đã được ghi nhận. Nói sơ qua để thấy lực lượng làm phim hoạt hình bây giờ không chỉ còn bó hẹp ở Hãng hoạt hình nữa mà nó đã được xã hội hóa.
Một công ty làm phim hoạt hình mà chúng ta cũng cần quan tâm đến đấy là Vintata. Họ đầu tư mạnh mẽ về nhân lực, máy móc để sản xuất một bộ phim khá hoành tráng. Về cách kể, các phương tiện kỹ thuật so với ngoài không hề thua kém nhưng chính Vintata cũng nhận xét thiếu điều gì đó để gây hấp dẫn với khán giả thật sự.
Đầu ra cho phim hoạt hiện nay khá hẹp, gần như chỉ có chuyển tải qua kênh Youtube. Vì thế, độ lan tỏa, quảng bá cho phim hoạt hình vẫn còn hạn chế. Hoạt hình Việt Nam cần một sân chơi xứng đáng hơn để phát triển mạnh mẽ.
Hiện nay Hãng phim Hoạt hình Việt Nam chỉ trông chờ vào tài chính do Nhà nước cấp, mỗi năm sản xuất từ 15 -20 đầu phim. Nhưng liệu đến năm 2021, 2022, 2023 còn được bao cấp nữa không, quả thực quá mong manh?
Tiềm năng vẫn luôn có, các bạn trẻ yêu thích phim hoạt hình luôn luôn nhiều, chỉ có điều đầu ra như thế nào lại là câu hỏi lớn?
Đạo diễn, NSND Hà Bắc: Việt Nam quá xa đường quốc lộ
Trong nhiều năm trở lại đây, nói về tình hình chung của phim Hoạt hình của Việt Nam, tôi cho rằng chúng ta chỉ đang tự khen nhau, vẫn cứ dồn tiền để làm những bộ phim theo một kiểu vui vui không lắng đọng được nhiều ý nghĩa sâu xa hay đơn thuần chỉ là đáp ứng tính giải trí của khán giả.
Đạo diễn, NSND Hà Bắc |
Nói sâu cay hơn với tình hình hiện nay sẽ có rất xa nữa, Việt Nam mới có tên trên bản đồ thế giới khi nói về thể loại này. Tôi đã từng mất nhiều công sức, lấy sự ảnh hưởng của mình để giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam đến với Hiệp hội làm phim hoạt hình trên thế giới, nhưng tựu chung lại phim của ta vẫn nhạt toẹt, quá xa đường quốc lộ. Nếu không tự học hỏi, vươn lên mà cứ mãi tự ru ngủ thì chúng ta sẽ mãi mãi đứng một chỗ nhìn xã hội phát triển.
Đạo diễn, NSND Phương Hoa: Sản lượng phim hoạt hình như “muối bỏ bể”
Nhìn chung những phim hoạt hình do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất vẫn giữ được sự kỹ lưỡng về mặt nội dung, mang tính giáo dục và hình thức thể hiện khá tốt. Có những tác phẩm mang tính tìm tòi sáng tạo cao, ẩn chứa thông điệp xã hội tích cực. Phải công tâm cho rằng các đạo diễn trẻ giờ làm phim khá tốt, ham học hỏi, cộng thêm sự hỗ trợ đắc lực từ các phương tiện kỹ thuật số tiên tiến để sản xuất những bộ phim có chất lượng đến khán giả. Tuy nhiên,một thực tế hiện nay là phim hoạt hình do Hãng phim Hoạt hình sản xuất đang chưa được đánh giá đúng mức, chưa kể về mặt số lượng phim sản xuất trong một năm với thời lượng phim dài thì như “muối bỏ bể”.
Tôi lấy ví dụ, một năm hãng Hoạt hình sản xuất được khoảng 15 đầu phim, dù những phim đó đều tốt nhưng lại chỉ nằm trong khuôn khổ của dòng phim đó, những dòng phim để giải trí hơn hoặc cho nhiều lứa tuổi hơn thì chúng ta lại thiếu. Trên thực tế, phim hoạt hình đang bị lọt thỏm, khi hàng ngày trẻ em xem TV khoảng 4 - 5 tiếng mà mỗi năm phim chúng ta chỉ ra mắt được có chừng đó bộ phim thì quá ít ỏi.
Đạo diễn, NSND Phương Hoa |
Cá nhân tôi cho rằng, hàng ngày hoặc ít nhất thì 2 ngày chúng ta có thể ra 1 tập phim hoạt hình xinh xắn phục vụ các khán giả nhỏ thì mới hình thành được thói quen xem phim hoạt hình của các bé cũng như thu hút được sự chú ý của công chúng. Nói thế không có nghĩa chúng ta thiếu đi những tác phẩm tinh xảo khác, nhưng nếu cứ mãi nằm trong vùng an toàn, dù sản xuất những phim gây được ấn tượng thì rồi cũng sẽ trôi đi nhanh chóng và không đọng lại được điều gì trong tâm trí của người xem.
Đạo diễn, Họa sĩ Bùi Mạnh Quang (Phó TGĐ kinh doanh, dịch vụ công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam): Chúng tôi đang triển khai dự án phim hoạt hình chiếu rạp
Mỗi năm công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất 16-18 bộ phim hoạt hình theo đơn đặt hàng của nhà nước với nhiều mảng đề tài khác nhau. Phim hoạt hình Việt Nam từ trước tới nay luôn coi trọng những giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống dân tộc. Mỗi một bộ phim hoạt hình là một bài học nhỏ hướng tới việc giáo dục tính chân, thiện, mỹ và truyền thống lịch sử, văn hóa Việt Nam cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ, đứng trước vô vàn sự lựa chọn các sản phẩm giải trí, phim hoạt hình Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn khán giả. Chính vì vậy, trong thời gian gần đây, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam liên tục quảng bá và đưa phim hoạt hình tới các khán giả nhỏ tuổi như các kênh truyền thông hay các trang mạng xã hội. Nhờ thế, lượng khán giả theo dõi cũng tăng đáng kể. Đó là tín hiệu đáng mừng và cũng là cơ hội để Hãng giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam, phim hoạt hình “sạch” đến với khán giả nhỏ tuổi.
Đạo diễn, Họa sĩ Bùi Mạnh Quang |
Từ 2-3 năm nay, Hãng đã có kế hoạch cho dự án sản xuất phim chiếu rạp. Một phim hoạt hình ra rạp thành công điều kiện tiên quyết phải là một bộ phim có nội dung hay, hấp dẫn. Muốn có được điều này việc đầu tiên phải có một kịch bản hay. Hãng đã xây dựng nhóm kịch bản riêng cho dự án này. Hãng đã tính toán đến một số phương án thực hiện như chuyển thể kịch bản từ những tác phẩm văn học nổi tiếng và những câu truyện cổ tích Việt Nam tiêu biểu... Hiện nay, Hãng đang khẩn trương hoàn thiện khâu kịch bản cho dự án phim chiếu rạp. Rất hy vọng thời gian không xa, Hãng có thể ra mắt phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp đầu tiên có nội dung hay và hấp dẫn.
Trong những năm đầu Cổ phần hóa Hãng cũng gặp khá nhiều khó khăn, tâm lý làm việc và lao động của anh chị em nghệ sỹ có nhiều ảnh hưởng nên việc phát triển kinh tế cũng gặp ít thuận lợi. Được sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Hãng đã dần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với mục tiêu bắt kịp với sự phát triển của kinh tế xã hội hiện nay. Hãng đã chủ động tìm cách giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam tới khán giả nhỏ tuổi bằng cách xây dựng những website, fanpage, các trang mạng xã hội, liên kết với các kênh truyền hình có tính phí và các trang mạng di động. Ngoài sản xuất phim Hoạt hình đặt hàng mỗi năm thì bộ phận sản xuất Kinh doanh - Dịch vụ cũng đã triển khai hàng trăm phim ngắn, bài hát, những câu chuyện ngụ ngôn dưới dạng hoạt hình phục vụ lượng khán giả truy cập và theo dõi trên các kênh truyền hình, youtube, facebook...
Chúng tôi luôn coi trọng tới nguồn lực sáng tác chính, chú trọng đào tạo những nghệ sỹ trẻ, xây dựng đội ngũ kế cận có năng lực sáng tạo không mệt mỏi. Ngoài ra, Hãng cũng đang có chủ trương đầu tư trang thiết bị máy móc, cải tiến phần mềm chuyên nghiệp cho sản xuất nâng cao chất lượng phim hoạt hình, giữ vững vai trò là đơn vị hàng đầu và chuyên nghiệp sản xuất phim hoạt hình tại Việt Nam.
Đạo diễn, Họa sĩ Vũ Duy Khánh (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam): Tôi tin phim hoạt hình Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong lòng khán giả
Trong những năm gần đây, phim của hãng chúng tôi đã được nâng cao rõ rệt về chất lượng, các ý tưởng kịch bản phong phú hơn, đề tài lịch sử dân tộc đã được thể hiện có chiều sâu hơn. Mảng phim đồng thoại đã kết hợp được nhiều tính giải trí giúp phim hạn chế được tính giáo điều khô cứng. Ngoài ra, những phim mang tính triết lý nhân văn đã thể hiện được tính điện ảnh và cách làm phim hiện đại hơn. Tuy nhiên để phim hoạt hình Việt Nam phát triển hơn về chất lượng và có chỗ đứng đặc biệt trong lòng khán giả, cần phong phú hơn nữa về đề tài, đặc biệt là khai thác các đề tài mang đậm truyền thống văn hóa Việt, kết hợp tính giải trí, các phong cách làm phim sáng tạo hơn, đổi mới tư duy, tiếp cận những công nghệ tiên tiến của các nước phát triển hoạt hình trong khu vực và thế giới. Như vậy, tôi tin phim hoạt hình Việt Nam sẽ có chỗ đứng trong lòng khán giả.
Đạo diễn, Họa sĩ Vũ Duy Khánh |
Ước mơ làm phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp là ước mơ của rất nhiều thế hệ người làm phim hoạt hình chứ không chỉ riêng tôi. Một bộ phim ra rạp để khán giả đón nhận phải hội tụ đầy đủ các yếu tố cả về nội dung và hình thức. Đề tài phim ra rạp phải khai thác từ chính khán giả, họ cần xem những gì và mong muốn phim hoạt hình thể hiện được điều gì. Ở Việt Nam nếu muốn làm được phim ra rạp, phải đầu tư có chiều sâu với một ekip đông đảo được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, phải có một nguồn kinh phí dồi dào từ các nhà đầu tư, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất để cải thiện chất lượng hình ảnh đạt chuẩn quốc tế. Nếu muốn khán giả đến rạp xem phim hoạt hình “made in Việt Nam”, chính chúng ta phải làm khác và lạ so với hoạt hình thế giới nói chung, làm mới hơn và sáng tạo hơn. Điều đó mới có thể là niềm hy vọng vào phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp.
Đạo diễn, Họa sĩ Trịnh Lâm Tùng (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam): Chúng ta cần có sự thay đổi từ “cái nhìn” dành cho hoạt hình!
Theo cá nhân tôi, một bộ phim hoạt hình cũng như các thể loại phim khác cần đầy đủ các yếu tố cơ bản để thu hút khán giả như: nội dung phim hấp dẫn, hình ảnh đẹp và giá trị cốt lõi nằm ở thông điệp mà bộ phim mang lại hay nói cách khác là giá trị nhân văn, xã hội của bộ phim đó. Tuy nhiên, xét về tình hình thực tế thì cần một yếu tố khá mới mẻ trong giới trẻ đó là “Trend” hay nói cách khác là những gì khán giả đang mong muốn. Nếu đáp ứng được những yếu tố trên thì chắc chắn bộ phim sẽ dành được sự yêu mến của khán giả.
Đạo diễn, Họa sĩ Trịnh Lâm Tùng |
Hiện nay, sự phát triển bùng nổ của công nghệ số nên có quá nhiều sản phẩm phim hoạt hình của nước ngoài với chất lượng và nội dung hấp dẫn sẽ là sự lựa chọn ưu tiên của khán giả. Tuy nhiên, chính vì sự phát triển như vậy nên có khá nhiều sản phẩm, phim hoạt hình trên mạng xã hội có nội dung không thực sự tốt, hình ảnh phản cảm và ảnh hưởng xấu đến khán giả đặc biệt là các em nhỏ - điều này chính là sứ mệnh của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam và các nghệ sĩ chúng tôi. Thực ra, những năm gần đây, theo xu hướng chung của xã hội, Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nâng cao cả về số lượng cũng như chất lượng phim. Đề tài phong phú, ngoài những bộ phim về đề tài lịch sử, giáo dục, cổ tích… vì là định hướng và đặt hàng của nhà nước, hãng cũng đã sản xuất rất nhiều sản phẩm mang tính giải trí cao và có giá trị xã hội thực sự. Hơi tiếc vì là đơn vị hoạt động với 100% kinh phí do nhà nước cấp nên việc PR chưa thực sự có hiệu quả.
Để có một bộ phim hoạt hình do Việt Nam sản xuất ra rạp, thu hút với không chỉ khán giả nhỏ, khán giả trong nước thì chúng ta cần có sự thay đổi từ “cái nhìn” dành cho hoạt hình. Cụ thể là cần đánh giá đúng thực tế và có sự quan tâm đầu tư nghiêm túc, chất lượng về đào tạo con người, trang thiết bị, môi trường làm việc chuyên nghiệp…
Ngoài làm những bộ phim do nhà nước đặt hàng Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì cá nhân tôi cũng tham gia nhiều với các team, studio, công ty tư nhân bên ngoài để cho ra những sản phẩm hoạt hình phục vụ nhu cầu xã hội. Tôi nhận thấy các bạn đạo diễn trẻ có sự đam mê mạnh mẽ, kĩ năng làm việc khá chuyên nghiệp và khả năng sử dụng công nghệ tốt – đây chính là thế mạnh. Một điều khá thú vị là những phim, sản phẩm hoạt hình do các đơn vị tư nhân làm thường đến với khán giả nhanh hơn, nhận được phản hồi khán giả tức thời và liên tục thay đổi vì đơn giản chính là nền tảng mạng xã hội hỗ trợ. Phim các bạn không phải qua các lần kiểm duyệt nghiêm ngặt mà chính khán giả là “người kiểm duyệt” rồi. Về nội dung thì như tôi đã nói ở trên, các bạn biên kịch trẻ thường bắt “trend” rất tốt, chất lượng vừa phải nên sản phẩm ra kịp thời, mang tính thời sự cao, dễ thu hút khán giả. Chính vì thế mạnh nhưng cũng lại là điểm yếu bởi vòng đời sản phẩm ngắn, chỉ đơn thuần là giải trí, khán giả dễ nhớ và mau quên. Vì vậy điều quan trọng vẫn là chất lượng phim phải đảm bảo 2 yếu tố là hình ảnh và nội dung, đặc biệt là dòng phim mang tính nghệ thuật cao và kén khán giả.
Đạo diễn, NSƯT Trần Khánh Duyên (Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam): Làm phim hay, hấp dẫn ắt có khán giả!
Với sự phát triển bùng nổ của mạng xã hội nên cách tiếp cận của Hoạt hình đến với khán giả nhỏ tuổi cũng khác trước, nghĩa là không cần cứ phải đến rạp, hay mang phim đến các trường học để chiếu như trước. Có quá nhiều các phương tiện và các kênh dành cho thiếu nhi. Các bạn ấy có thể chọn trong vô số các kênh truyền hình, không kể đến các trang như Youtube, mạng xã hội…
Hãng Hoạt hình Việt Nam hiện nay cũng đã chú ý tới công việc PR – quảng cáo và trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục làm mạnh hơn. Khi giới thiệu phim hoạt hình Việt Nam lên các trang như Youtube hay thông qua các nhà mạng, chúng tôi thấy lượng truy cập rất nhiều. Như một bộ phim được tải lên Youtube có đến hàng triệu lượt truy cập. Điều đó chứng tỏ phim hoạt hình Việt Nam cũng được quan tâm chỉ là hiệu quả quảng bá chưa tốt nên còn ít người biết đến.
Đạo diễn, NSƯT Trần Khánh Duyên |
Vậy nên việc của chúng ta là làm ra những bộ phim hoạt hình hay hấp dẫn, có ý nghĩa, thì tự khắc sẽ có khán giả. Vì thực tế những kênh có nội dung video nhảm nhí, độc hại nhằm câu view, không mang giá trị thông điệp cuộc sống hay bài học ý nghĩa đã dần bị loại bỏ, không còn chỗ đứng.
Thông thường, mọi người vẫn nghĩ rằng để làm hoạt hình so với phim điện ảnh người đóng là đơn giản hơn và chi phí thấp. Nhưng thực tế lại rất khác xa. Để có một bộ phim hoạt hình chiếu rạp với thời lượng khoảng 90 - 120 phút, chi phí khổng lồ không hề thua kém gì một bộ phim người đóng và có khi là còn hơn nhiều hơn thế. Và điều đó được minh chứng bởi các “siêu phẩm” hoạt hình với sự đầu tư chi phí rất cao và khi thành công thì cũng đem lại lợi nhuận khổng lồ. Vì vậy theo tôi để có một bộ phim chiếu rạp không hề đơn giản.
Để thực hiện mục tiêu này, còn rất nhiều thách thức về cả kinh phí lẫn các nhân tố như: quy trình làm việc với các rạp, đổi mới kịch bản, kỹ thuật, phương tiện, con người…
Đạo diễn Đặng Hải Quang (Giám đốc công ty DeeDee Animation Studio): Hoạt hình của Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ!
Những năm gần đây, sân chơi hoạt hình đã bắt đầu sôi động hơn. Ngoài những bộ phim hoạt hình được làm ra theo ngân sách của nhà nước, hay những bộ phim hoạt hình có nội dung đơn giản chiếu trên truyền hình với mục đích lấy sóng, các công ty tư nhân đã bắt đầu chú ý và đầu tư cho hoạt hình. Một số công ty tập trung vào dạng hoạt hình trẻ em có chất lượng vừa phải nhưng số lượng lớn, đăng trên youtube để kiếm tiền quảng cáo. Trào lưu này nở rộ vào khoảng từ 2017-2019. Tuy nhiên dạo gần đây Youtube không trả tiền cho những clip dành cho trẻ em nữa, nên dạng hoạt hình này không phát triển mạnh như trước. Một số công ty khác tập trung vào chất lượng và đã cho ra những sản phẩm hoạt hình rất tốt. Tôi nghĩ, một khi các nền tảng streaming như Netflix, Hulu… phát triển, thì nhu cầu về hoạt hình sẽ ngày càng tăng, và không thiếu các cơ hội để ngành hoạt hình Việt Nam vươn lên.
Xuất phát từ việc muốn làm ra những nội dung hay, sâu sắc và có giá trị, chúng tôi quyết định chọn hoạt hình làm phương thức truyền tải đến cho khán giả. Hoạt hình không chỉ dành cho trẻ em mà hoạt hình là một chất liệu rất tốt bởi tính linh hoạt, cách điệu, ẩn dụ, bay bổng mà lại rất nghệ thuật. Thực tế, những bộ phim hoạt hình đầu tiên như Awaken, Tàn thể: Tiền truyện hay thậm chí gần đây series hài châm biếm Dịch vụ quỷ sứ mà DeeDee sản xuất đều không dành cho trẻ em. Nhưng tất nhiên DeeDee cũng sản xuất những series dành cho thiếu nhi, bởi hoạt hình gần như là bài học đầu tiên mà trẻ em tiếp cận. Mà trẻ em thì phải được ưu tiên.
Nói về những khó khăn khi mới thành lập công ty, cái gì cũng thiếu. Team ít người, nhân lực có chuyên môn ở Việt Nam rất ít, chưa có cơ sở đào tạo hoạt hình chính quy, không có nhiều đơn vị muốn đặt hàng hoạt hình. Tuy nhiên, với việc giữ vững được lập trường của mình là luôn luôn mang lại phần nội dung tốt và sáng tạo, DeeDee đã dần tạo được lòng tin từ các họa sĩ có chuyên môn, các công ty, nhà sản xuất lớn. Team của DeeDee đã dần đông hơn, trưởng thành hơn, đạt được nhiều điểm mốc quan trọng trong hành trình của mình.
Tại Giải thưởng Cánh diều 2019, Công ty DeeDee có 3 bộ phim góp mặt trong danh sách dự thi. Phim đầu tiên là Tàn thể: Tiền truyện, phim ngắn của DeeDee nói về một thế giới giả tưởng hậu tận thế. Phim có cốt truyện đơn giản, cái kết lại không có hậu nhưng giấu trong mình một điểm chạm của cảm xúc khiến người ta đồng cảm. Phim đã dành 2 giải nhất trong các LHP quốc tế ở Mỹ và Nhật, 1 giải thưởng Ban giám khảo trong LHP Việt Nam lần thứ 21 vừa qua, và cũng được chọn công chiếu tại rất nhiều LHP khác ở trong và ngoài nước. 2 bộ phim còn lại là tập 1 và 2 của Dịch vụ Quỷ sứ, series hoạt hình sitcom châm biếm. Thể loại hoạt hình sitcom châm biếm này rất phổ biến ở nước ngoài với các series đình đám như The Simpsons, Family Guys, Futurama, South Park,… nhưng ở Việt Nam thì chưa có. Dịch vụ quỷ sứ cũng là series hoạt hình sitcom hài châm biếm đầu tiên ở Việt Nam, cũng là bước đi thử nghiệm để thăm dò sự đáp ứng của khán giả trưởng thành trong nước về thể loại này. Khi trình chiếu trên các kênh youtube và facebook, phim cũng đạt được những phản hồi rất tốt.
Theo tôi, phần chất lượng vẫn là vấn đề cốt lõi để khán giả có bước chân ra rạp xem phim hay không. Những bộ phim ngắn mà hiện DeeDee đang thực hiện cũng là tiền đề để xây dựng niềm tin trong lòng người xem, rằng hoạt hình Việt Nam hoàn toàn có thể có chất lượng tốt, nội dung hay, từ đó dần dần thay đổi tư duy “hoạt hình Việt Nam dở tệ” trong đầu khán giả. Còn việc cụ thể ra rạp bao giờ và thế nào, chúng ta còn cần tính đến rất nhiều yếu tố như kinh phí sản xuất, nhà đầu tư có tâm và có tầm, và nhất là thị hiếu của khán giả trong nền kinh tế thị trường.
Đạo diễn Nguyễn Trần Kiên (Đồng sáng lập, Giám đốc sáng tạo Square Media): Cần có nhiều tác phẩm chất lượng tạo tiếng vang!
Trước đây, tôi từng có thời gian làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam, đặc biệt là VTV7, cuộc sống của tôi khá thoải mái và cảm thấy ổn định. Tuy nhiên, tôi muốn thoát ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân mình hơn. Đồng thời, tôi cũng muốn học hỏi thêm về quản lý và phát triển một công ty riêng thì nó sẽ như thế nào. Tôi thành lập Square Media (Nhà Vuông) cùng với một anh bạn tại một văn phòng 10m2 ở phía sau Đài truyền hình Việt Nam, và sau 3 năm “nhà” tôi đã chiêu mộ mười mấy thành viên và tôi rất tự hào về việc này. Trong thời gian vừa qua, Square Media đã thực hiện một công việc “hay ho” là hợp tác với Netflix để Việt hóa những tên phim cho giao diện Netflix tiếng Việt. Nhà Vuông được coi là một studio sáng tạo tập trung chính vào mảng đồ họa động và hoạt hình 2D. Một trong những sản phẩm Square Media tự hào nhất chắc là sản phẩm quảng cáo cho Vietnam Airlines vào Tết 2018, với sự kết hợp giữa quay phim cùng đồ họa để tạo sự mới lạ và vui vẻ hơn cho sản phẩm. Trong tương lai, tôi đang cố gắng phát triển Nhà Vuông thành một trong những studio về đồ họa động, 2D animation tốt nhất tại Việt Nam.
Đạo diễn Nguyễn Trần Kiên |
Cá nhân tôi cũng có ước mơ được tham gia vào một bộ phim hoạt hình chiếu rạp tại Việt Nam, đây cũng là một điều để nâng tầm nền hoạt hình Việt Nam. Tôi nghĩ nên có nhiều tác phẩm hoạt hình ngắn, chất lượng hơn, tạo được nhiều tiếng vang trong cộng đồng hơn đồng thời có thêm nền tảng cũng như chiến dịch truyền thông tốt để đưa những sản phẩm chất lượng cao này đến với đông đảo khán giả. Và khi khán giả đã công nhận khả năng của những người làm hoạt hình Việt Nam, thì với những sản phẩm chất lượng cao được sản xuất để chiếu rạp và một chiến dịch truyền thông tốt, khán giả sẽ háo hức đón nhận và ra rạp xem những sản phẩm này.
Họa sĩ, giảng viên Nguyễn Ngọc Tuấn (Giảng viên khoa Thiết kế Mỹ thuật hoạt hình trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học FPT): Hoạt hình không chỉ dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi
Trong xu thế phát triển hiện nay của hoạt hình trên thế giới nói chung, cũng như ở Việt Nam nói riêng, thì lĩnh vực đào tạo hiện nay cũng không bỏ qua xu thế khi luôn update các phương pháp làm phim mới, các công nghệ, công cụ hỗ trợ trong hoạt hình vào việc dạy và học. Nhằm đảm bảo cho sinh viên khi ra trường có thể đáp ứng được yêu cầu đa dạng của thị trường đặt ra.
Trong 12 năm giảng dạy thì vấn đề thực sự tôi gặp phải trong giảng dạy đó là: Giáo trình có vấn đề ư? Không! Giáo trình đã được tính toán tinh chỉnh phù hợp với việc dạy và học nhất; Sinh viên học kém ư? Không sinh viên chúng ta cực kỳ giỏi; Vậy khó khăn gì với tôi? Cơ sở vật chất, chính là cơ sở vật chất. Hoạt hình là một bộ môn nghệ thuật tổng hợp và nó có rất nhiều phương pháp để thể hiện và đồng nghĩa với nó là cơ sở vật chất. Mọi người bây giờ cứ hay nghĩ “Hoạt hình là vứt cho cái máy vi tính”. Nó không phải vậy. Nó là cả một hệ thống cơ sở vật chất nền tảng đi kèm theo nữa. Và hơn nữa ở trong môi trường giáo dục lại càng không thể “vứt cho cái máy tính” vì giáo dục là cơ bản là cốt lõi, nó đòi hỏi sinh viên phải nắm bắt từ gốc rễ chứ không phải tính bề mặt.
Dưới cái nhìn cá nhân của tôi về nền Hoạt hình Việt Nam thì đây chính là lúc thời điểm trỗi dậy. Chưa bao giờ tôi thấy có nhiều Studio Hoạt hình nhiều như bây giờ (không trực thuộc nhà nước) và các phim của các bạn đó làm chỉn chu và khá tốt cả về chất lượng hình ảnh cũng như tư duy nghiệp vụ hoạt hình. Và theo tôi để thay đổi diện mạo phim Hoạt hình của Việt Nam thì việc đầu tiên phải thay đổi chính là cách nhìn (văn hóa) là: Hoạt hình chỉ dành cho khán giả nhỏ tuổi.
Đạo diễn, NSƯT Lê Bình (VTV7 – Đài Truyền hình Việt Nam): Xây dựng nội dung phim hoạt hình trên nền tảng văn hóa và tinh thần Việt Nam luôn mãi còn giá trị
Việc phát sóng phim hoạt hình Việt Nam nhìn chung đã được chú trọng hơn trong những năm gần đây như trên các kênh sóng của Đài Truyền Hình Việt Nam, tự sản xuất và phát sóng đều đặn như VTV7, mua bản quyền của hãng phim truyền hình Việt Nam để phát như trên kênh BiBi, hay Quà tặng cuộc sống trên kênh HTV... Nhưng so với thời lượng phát sóng của phim mua bản quyền nước ngoài hoặc phim chiếu liên tục trên các kênh chuyên biệt như Carton Network hay Disney Channel thì chỉ như những bông hoa nhỏ giản dị trong cánh đồng hoa bạt ngàn muôn mầu khoe sắc. Việc này thật sự ảnh hưởng đến mục tiêu mang phim Hoạt hình Việt tiếp cận khán giả nhỏ tuổi.
Đạo diễn, NSƯT Lê Bình |
Là một đạo diễn và họa sỹ phim hoạt hình hiện đang công tác tại kênh Truyền hình giáo dục VTV7 thuộc Đài Truyền hình Việt Nam. Với nhiệm vụ sản xuất, phát sóng phim hoạt hình mang nội dung giáo dục và truyền cảm hứng cho trẻ em Việt Nam, tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi làm nghề. Mỗi năm VTV7 giành phần lớn thời lượng phát sóng cho mảng nội dung giáo dục cho trẻ em, trong đó có mảng phim hoạt hình. Và từ khi thành lập năm 2016 đến nay, phim hoạt hình phát sóng trên kênh Truyền hình Giáo dục VTV7 đã dần có được sự yêu mến trong lòng khán giả nhỏ tuổi qua seri phim Ngày xưa cổ tích, Bạn là hình gì, Chôm chôm và những người bạn... các seri phim giáo dục giới tính, kĩ năng sống, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Trong đó, một vài phim trong seri phim Ngày xưa cổ tích của tôi đã giành được nhiều giải thưởng lớn của các giải thưởng trong nước và quốc tế dành cho thể loại hoạt hình cho thiếu nhi.
Những tín hiệu trên quả là đáng khích lệ cho một người luôn yêu trẻ nhỏ như tôi, nó phần nào cho thấy suy nghĩ của tôi khi chuyển tải những nội dung mang bản sắc và tâm hồn Việt gửi tới các cháu. Cũng cho tôi thấy xây dựng nội dung phim hoạt hình trên nền tảng văn hóa và tinh thần Việt Nam luôn mãi còn giá trị. Đó chính là thế mạnh của phim hoạt hình Việt trong lòng khán giả nước nhà.
Là một người yêu hoạt hình tôi luôn mong chờ và tới rạp đón xem những bộ phim hoạt hình lớn của thế giới, cũng như luôn tìm kiếm những trang mạng nghề nghiệp giới thiệu những tác phẩm chất lượng của những nhà làm phim hoạt hình trên toàn thế giới. Để được cảm xúc, để được mơ mộng và suy tưởng, để được sống lại những giây phút trẻ thơ hồn nhiên trong trẻo... và cũng để tin tưởng và mơ ước về con đường nghề nghiệp của mình. Tin tưởng vào một ngày được góp phần tạo ra những bộ phim hoạt hình đủ thu hút và sâu sắc mang tinh thần tự hào về sức mạnh của nền văn hóa Việt.
Một trong những quan tâm của người yêu mến phim hoạt hình là dõi theo hoạt động của hai công ty tư nhân Colory Animation Studio và Vintata. Vì sao có sự quan tâm này bởi Colory Animation Studio với sự ra mắt của phim hoạt hình ngắn “gây sốt” Dưới bóng cây năm 2011 trên Youtube, do đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn thực hiện, từng có ý định phát triển thành phim dài chiếu rạp. Còn Vintata, đứng sau là tập đoàn Vingroup, được thành lập cuối 2016 được kỳ vọng nâng tầm phim hoạt hình Việt cũng như tiên phong với tác phẩm hoạt hình ra rạp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Colory Animation Studio vẫn miệt mài tìm kiếm cơ hội ra rạp và chưa có động thái trả lời Thế giới điện ảnh khi chưa có thông tin mới. Vintata cũng vậy, ngoài lấy hình ảnh chú khỉ Monta, nhân vật được chọn là đại sứ thương hiệu cho lĩnh vực du lịch, giải trí của Vingroup để sản xuất seri ngắn tập Monta trong dải ngân hà kỳ cục chiếu trên youtube thì cũng chưa có động thái mới. Đại diện Vintata cũng chưa muốn trả lời Thế giới điện ảnh thời điểm này, khi chưa có động thái nào mới. |
Mở trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình tại Vĩnh Phúc tháng 9/2020 | |
Hãng phim Hoạt hình Việt Nam: 60 năm phát triển và trưởng thành |
Thu Hà