Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh': Đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn với vấn nạn 'ăn cắp chất xám' tinh vi!

(TGĐA) - Trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII, tại UBND tỉnh Lâm Đồng đã diễn ra Hội thảo "Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” vào ngày 22 tháng 11 năm 2023.

Nghệ sĩ điện ảnh 'nô nức' trên thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII Nghệ sĩ điện ảnh 'nô nức' trên thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII
Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII: 'Đậm đà' nghệ thuật, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII: 'Đậm đà' nghệ thuật, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá

Đến dự cuộc hội thảo có ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch; ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; NSND Vương Duy Biên - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Về phía Cục Bản quyền có sự tham dự của ông Trần Hoàng - Cục trưởng Cục bản quyền tác giả; bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục bản quyền tác giả; Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh; bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh; ông Đặng Văn Dũng - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; bà Lê Thị Hà - Viện trưởng Viện phim Việt Nam; ông Đỗ Lệnh Hùng Tú - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cùng các Bộ, Ban, Ngành, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch liên quan và đông đảo phóng viên báo chí tham dự hội thảo

Phát biểu khai mạc cuộc hội thảo, ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Trong thời đại ngày nay, với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới, tạo ra môi trường lưu giữ cùng với các phương thức phân phối, các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các loại hình được bảo hộ nói chung, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện ảnh nói riêng. Môi trường số đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan.

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh'
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch

Nhằm khuyến khích sáng tạo, tăng cường hoạt động thu hút đầu tư; nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bản quyền của các cấp các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả sáng tạo; xác định những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp trong quá trình triển khai thực hiện việc bảo hộ bản quyền; từng bước ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tác, quyền liên quan, việc tổ chức Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.

Tại Hội thảo ngày hôm nay, tôi hy vọng rằng đây sẽ là cơ hội để các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền tiếp tục lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan, trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cũng như hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi làm động lực phát triển các hoạt động bảo hộ bản quyền, đổi mới, sáng tạo, phát triển công nghiệp điện ảnh nói riêng và các ngành công nghiệp dựa vào bản quyền nói chung; cùng đó, đây cũng là nơi để các nhà sáng tạo tác phẩm điện ảnh, đại diện các cơ quan, ban ngành, các hiệp hội liên quan trao đổi, thảo luận các nội dung thú vị về bản quyền, phát triển công nghiệp điện ảnh".

Ông Phạm S cho rằng Hội thảo “Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh” là một chương trình quan trọng để đưa ra cùng thảo luận những vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp để giải quyết việc bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Thời gian tới, tỉnh Lâm đồng sẽ tiếp tục đồng hành với Bộ VHTTDL nghiên cứu để đề xuất, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo nền công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh phát triển bền vững, hiện đại, hiệu quả, phù hợp với xu hướng hiện nay, qua đó đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương".

Phó Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng tin tưởng, sau LHP Việt Nam lần thứ XXIII, Lâm Đồng sẽ là địa điểm thu hút nhiều hơn nữa các đoàn, nhà làm phim đến thực hiện các tác phẩm điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, ca nhạc… phục vụ cho ngành công nghiệp điện ảnh nước nhà; đồng thời, góp phần quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lâm Đồng thông qua các tác phẩm điện ảnh.

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh'
Ông Phạm S

Gửi thông điệp đến Hội thảo, bà Sylvie Forbin, Phó Tổng Giám đốc Lĩnh vực Bản quyền và Sáng tạo, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Thụy Sỹ cho biết: Để lĩnh vực nghe nhìn (audiovisual) trở thành công nghiệp cần có những nỗ lực nghiêm túc. Thành công của một bộ phim không thể đoán trước được. Tuy nhiên, để làm một bộ phim, luôn cần sự hỗ trợ tài chính từ các nguồn công và/hoặc tư nhân. Để những khoản đầu tư đó sinh lời, ngoài các phương tiên truyền thống: Rạp chiếu phim và chương trình phát sóng, các loại hình mới như nền tảng video theo yêu cầu và phát trực tuyến ngày càng trở nên quan trọng. Những kênh truyền thông mới này tạo cơ hội mới dễ dàng hơn cho bộ phim được trình chiếu trong nước cũng như quốc tế.

Nhưng để điều này được bền vững và để Điện ảnh trở thành một ngành công nghiệp thực sự, việc có khung pháp lý thuận lợi là điều tối quan trọng. Để làm được điều đó, cần xác định chuỗi giá trị và quyền giữa tất cả các bên liên quan đến quá trình sản xuất phim.

Bà Sylvie Forbin cho rằng, Việt Nam đang tham gia tích cực vào các điều ước đa phương về quyền tác giả và quyền liên quan do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới quản lý. "Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các bạn thực thi các điều ước này để nó mang lại lợi ích thực sự cho đất nước. Theo hướng này, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng và tính hữu ích, Hiệp ước WIPO Bắc Kinh về Biểu diễn Nghe nhìn (audiovisual), một phần của các hiệp ước Internet của WIPO có thể mang lại cơ chế bảo vệ quyền của người biểu diễn trong các buổi biểu diễn nghe nhìn (audiovisual) của họ và vai trò quan trọng của các điều ước quốc tế đó trong việc thúc đẩy và bảo vệ ngành công nghiệp điện ảnh, đặc biệt là trong môi trường kỹ thuật số. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sớm gia nhập Hiệp ước để các tác giả, người biểu diễn và các bên liên quan khác trong ngành điện ảnh Việt Nam có thể được bảo vệ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thị trường toàn cầu. Tôi hy vọng rằng sự kiện này sẽ tập trung vào cách quyền tác giả và quyền liên quan mang lại động lực cho người sáng tạo, cơ chế cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ và củng cố hệ thống thị trường để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh lớn mạnh, thịnh vượng" - bà Sylvie Forbin cho biết.

Những ý kiến của Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam - ông Đỗ Lệnh Hùng Tú đã thu hút sự chú ý tại hội thảo khi ông đề cập đến những vấn đề nổi cộm về bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh hiện nay. Đơn cử như việc sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đã có trên không gian mạng đưa vào tác phẩm nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp mà không hề trực tiếp xin phép tác giả. "Đó là thực trạng vi phạm bản quyền rất nhức nhối. Đáng ra, trước khi đưa vào phim các nhà làm phim phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ đồng nghiệp nào, phim nào. Đó mới là sự tôn trọng cần thiết với vấn đề tác quyền trong điện ảnh", ông Đỗ Lệnh Hùng Tú nhấn mạnh.

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh':
Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đỗ Lệnh Hùng Tú

Nói về tác hại nặng nề của tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam, TS Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tiết lộ "một số studio lớn ở Hollywood như Walt Disney rất muốn có đại diện sản xuất ở Việt Nam, nhưng thấy tình trạng vi phạm bản quyền đứng đầu nên ngập ngừng chưa muốn vào. Năm 2021, từng có sự vụ trang web lậu đầu tiên bị khởi tố là phimmoi.com, nhưng đến giờ vẫn chưa được xét xử”.

Đồng thời, TS Ngô Phương Lan cũng nhấn mạnh: "Trong công cuộc xây dựng công nghiệp điện ảnh theo tôi vấn đề bảo vệ bản quyền vẫn luôn rất quan trọng".

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh':
T.S Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Đạo diễn Võ Thanh Hòa cho biết: “Nếu tìm kiếm phim Siêu lừa gặp siêu lầy, sẽ thấy hàng trăm video clip xuất hiện, chúng tôi không thể báo cáo, ngăn chặn hết. Do đó giải quyết vi phạm bản quyền cần xuất phát từ hướng người xem thay vì hướng người làm phim”.

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh':
Đạo diễn Võ Thanh Hòa

Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chia sẻ, Internet tạo điều kiện cho người dùng có thể truy cập, sử dụng thậm chí kinh doanh trái phép các tác phẩm này mà không trả tiền sử dụng, gây thiệt hại cho chủ sở hữu quyền tác giả. “Với hàng triệu triệu người sử dụng Internet và hàng triệu Website như hiện nay, việc kiểm soát các nội dung đăng tải trên các website để đảm bảo việc bảo hộ quyền tác giả là điều vô cùng khó khăn”, bà Oanh nhấn mạnh.

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh':
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) chia sẻ

Bên cạnh đó, tình trạng xâm phạm quyền tác giả tác phẩm điện ảnh đối với phim chiếu rạp, phim truyền hình vẫn xảy ra phổ biến, đặc biệt là vi phạm trong môi trường Internet, như phim chiếu rạp bị khán giả livestream phát trực tiếp trên mạng, gây thiệt hại nặng nề cho nhà sản xuất hoặc pim chiếu rạp, chiếu trên truyền hình bị khán giả ghi lại và phát tán trên mạng. Cùng với sự phát triển công nghệ, các hành vi xâm phạm cũng ngày càng tinh vi hơn.

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh'
Quang cảnh buổi Hội thảo

Nhiều giải pháp được nhà quản lý, các nghệ sĩ, đề xuất để bảo hộ bản quyền tác phẩm điện ảnh trong môi trường số hiện nay. Theo Phó Cục trưởng Phạm Thị Kim Oanh, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung, quyền tác giả tác phẩm điện ảnh nói riêng. Các chủ sở hữu quyền tác giả nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ và thông tin quản lý quyền để bảo vệ các quyền của mình; chủ động yêu cầu xử lý xâm phạm khi có hành vi xâm phạm quyền của mình.

Bàn về các giải pháp giải quyết, đa số các ý kiến tại hội thảo đều cho rằng các văn bản hành lang pháp lý liên quan cần hoàn thiện hơn, các nhà làm phim ngay từ khi có ý tưởng làm phim phải chuẩn bị biện pháp bảo vệ, chẳng hạn như thuê luật sư. Nâng cao nhận thức của người dân và trình độ công nghệ thông tin của những người làm công tác quản lý. Ngoài ra, còn rất cần sự phối hợp đồng bộ của đơn vị liên quan như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin - Truyền thông…

Tại hội thảo, đại diện đơn vị Thủ Đô Media cũng đưa ra vài biện pháp áp dụng công nghệ như giải pháp mã hóa để bảo vệ quản lý, gắn mã bản quyền để truy vết cho nội dung khi phân phối cho từng đối tác, chỉ cấp quyền xem cho các đơn vị phân phối, không cấp quyền sao chép, tự động trích thụ hưởng với các đơn vị phân phối…

Một số hình ảnh của Hội thảo:

Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh'
Hội thảo 'Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh'
Cùng với cuộc Hội thảo này, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXIII tiếp tục diễn ra tại TP. Đà Lạt với các hoạt động: Hội thảo "Một số vấn đề trọng tâm trong xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam" (ngày 23/11); chương trình giao lưu giữa nghệ sỹ điện ảnh và khán giả ngày 22 - 23/11 tại Trường Đại học Đà Lạt và Trường Trung học Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng cùng các buổi chiếu phim và ra mắt đoàn phim tại các cụm rạp.
Nghệ sĩ điện ảnh 'nô nức' trên thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII Nghệ sĩ điện ảnh 'nô nức' trên thảm đỏ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII
Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII: 'Đậm đà' nghệ thuật, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá Khai mạc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXIII: 'Đậm đà' nghệ thuật, ấn tượng, giàu bản sắc văn hoá

Thu Hà

Ảnh: Anh Vũ