(TGĐA) - Xuất thân từ người mẫu, tham gia đóng phim không nhiều, và tự nhận thấy khả năng diễn xuất của mình không được đa dạng như các diễn viên chuyên nghiệp, nhưng hầu hết các vai diễn của Hồng Diễm đều để lại những ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Đó là Nga trong Những chàng trai đa cảm, Mộc Miên của Cầu vồng tình yêu, Phương của Matxcova mùa thay lá và hiện tại là Dung trong Cả một đời ân oán. Cũng như nhiều diễn viên khác, Hồng Diễm cũng muốn được hóa thân ở nhiều dạng vai khác nhau để không bị nhàm chán trong mắt khán giả. Nhưng, theo chị điều gì mình làm tốt thì vẫn nên phát huy.
Sau khi hoàn thành xong cả hai phần của Cả một đời ân oán, Diễm còn nuối tiếc điều gì về vai diễn của mình không?
Có một vài đoạn nhỏ khi xem lại ở phần 1, tôi đã ước được “giá mà”. Đó là những nối chuyển tâm lý giữa đoạn trước và đoạn sau, chẳng hạn như ở hai bối cảnh khác nhau và cách xa nhau về mặt thời gian, tôi cảm thấy mình làm chưa tốt. Tôi nghĩ mình cần phải tập trung hơn.
Nhưng sang đến phần 2, tôi nghĩ mình đã không bị lặp lại những điều ấy vì đạo diễn ở phần này để ý rất kỹ đến diễn xuất của diễn viên và luôn nhắc nhở.
Tuy nhiên, phần 1 tôi cũng không có nhiều đất diễn. Mọi người vẫn nói tại sao Dung vô lý khi phải chịu đựng như thế nhưng đó là ý đồ của đạo diễn.
Điểm khác biệt nhất ở phần 2 là ngoại hình của các nhân vật trong phần 1 đã có sự thay đổi. Điều này có làm ảnh hưởng nhiều đến diễn xuất của Diễm không? Cảm giác lần đầu nhìn thấy hình ảnh già của mình thế nào nhỉ?
Ngay hôm đầu tiên nhìn phần định trang của Dung ở phần 2 bị già và xấu quá, tôi buồn đến mức dỗi cả đạo diễn.
Sau đó, tôi có ý kiến vì thấy phần tạo hình chưa được ổn, lên phim giống như người bị ốm, bị bệnh, mặt nhạt nhòa, đôi mắt thì chẳng có hồn nhưng phải nói mãi đạo diễn mới đồng ý cho chỉnh trang lại một chút.
Lúc đó tâm lý mới mình mới thoải mái hơn. Mạnh Trường và Hồng Đăng cũng phải bỏ đi ngày quay đầu do định trang của nhân vật chưa ổn.
Về phần diễn xuất, chúng tôi cũng phải mất vài buổi quay đầu thì mới quen dần với tạo hình mới. Từ việc đang quen thoại nhanh, các hành động hoạt bát, chúng tôi phải làm sao cho giống người trung tuổi. Bình thường tôi nói giọng đã cao, khi vào diễn tôi phải ghìm giọng lại.
Nếu phần 1, tôi chỉ mất 15 phút kể cả trang điểm, làm tóc thì sang phần 2 phải mất từ 30 – 45 phút cho việc hóa trang vẽ thêm nếp nhăn, quầng mắt… Thực ra vì quay bằng máy 4K nên DOP đã có chỉnh màu, lên hình nhìn lung linh, mịn màng hơn chứ thực tế bên ngoài hóa trang nhìn chúng tôi rất già.
Đâu là những khó khăn tiếp theo của Diễm ở phần này?
Ban đầu, đạo diễn dự định chỉ quay phần 2 trong khoảng 4 tháng nhưng cuối cùng kéo dài đến 7 tháng. Trừ chị Mỹ Uyên, có ba diễn viên chính đều trong Tp. Hồ Chí Minh là Hạ Anh, Anh Tuấn và Huỳnh Anh. Khi đó, Anh Tuấn lại đang quay một phim khác nên chúng tôi cũng phải chạy theo lịch của các bạn ấy.
Hơn nữa, phim lại quay thu tiếng trực tiếp nên cũng ảnh hưởng đến quá trình rất nhiều. Trời mưa thì không quay được. Ngay sát bối cảnh nhà Dung – Hòa trong phim là một trại nuôi chó, có khoảng 50 con pit bull.
Mọi người vẫn đùa rằng đây là phim đi vào lịch sử của thu tiếng đồng bộ. Lúc nào chúng tôi cũng ở trong tình trạng chờ đợi khi chó sủa, đến giờ chó ăn, chó tắm… Đoàn phải quay từ chiều tối cho đến đêm ở bối cảnh này thì mới yên tĩnh, còn buổi sáng là giờ họ dọn chuồng nên bầy chó kêu ầm ĩ không thể quay được.
Cứ thấy Diễm trên phim là lại thấy nước mắt. Dung đã phải là vai diễn lấy đi nhiều nước mắt của Diễm nhất từ trước tới nay?
Đây là vai diễn ủy mị nhất nhưng sang phần 2 có nhiều đất diễn hơn và trải qua nhiều biến cố Dung sẽ trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ hơn.
Rõ ràng, cảm xúc là một điều vô cùng quan trọng để người diễn viên toát lên cái hồn của nhân vật. Là một diễn viên không chuyên, Diễm phải làm thế nào để nuôi cảm xúc cho các vai diễn?
Khi nhận kịch bản, tôi sẽ đọc trước. Nếu cảm thấy thích và yêu nhân vật thì tôi sẽ nhận lời tham gia. Trước mỗi cảnh quay cần cảm xúc, nội tâm, tôi đều dùng cảm xúc thật của mình cảm nhận tình huống này tác động đến tâm lý mình như thế nào… Đạo diễn Trọng Trinh biết rất rõ cách diễn của tôi.
Lúc nào tôi chỉ cần thiếu cảm xúc thì anh sẽ nhắc nhở luôn và cho tôi thời gian nghỉ, khi nào đủ cảm xúc sẽ làm tiếp.
Anh Trinh không bao giờ chấp nhận tôi phải cố gồng mình, nhăn nhó để rặn ra nước mắt. Hồi làm Matxcova mùa thay lá, có đoạn tôi không thể lấy được cảm xúc.
Anh đã bảo tôi rằng “Nếu có cảm xúc thật hãy làm, còn chưa đủ thì hãy nghỉ ngơi rồi làm tiếp, chứ em chưa đủ trình độ để diễn như một diễn viên chuyên nghiệp. Có thể họ chưa có cảm xúc lúc ấy nhưng họ biết cách làm thế nào để người khác phải xúc động vì mình”.
Áp lực của một diễn viên tay ngang đóng phim là gì? Phim thu tiếng đồng bộ có làm khó Diễm không?
Tôi chỉ áp lực lúc phim phát sóng, khán giả sẽ đón nhận như thế nào. Vì khi đã nhận lời tham gia một dự án nào thì tôi đặt rất nhiều tâm huyết, kỳ vọng cho dự án đó.
Sau Cầu vồng tình yêu, tôi lại muốn được làm phim thu tiếng đồng bộ hơn là phim lồng tiếng bởi phim thu tiếng đồng bộ vẫn có sự cuốn hút hơn hẳn với khán giả.
Khi đã quen xem thu tiếng trực tiếp rồi thì sang xem phim lồng tiếng cứ có cảm giác khó chịu, nhất là những đoạn cao trào cảm xúc phải bị giảm đi, chỉ còn khoảng 60% cảm xúc của diễn viên. Mặc dù nhìn hình ảnh về mặt cảm xúc của diễn viên rất tốt nhưng về đài từ hoặc âm thanh thì bị ảnh hưởng nhiều.
Chồng Diễm là một doanh nhân thành đạt nhưng khi về với gia đình, anh ấy hỗ trợ chia sẻ với Diễm việc nhà thế nào?
Việc chăm sóc nuôi dạy và học hành của các con chủ yếu do tôi đảm trách. Trong nhà tôi đã có quy định, kể cả người lớn và trẻ con luôn luôn phải nói lời cảm ơn và xin lỗi. Nếu bố mẹ có lỗi với con thì phải xin lỗi con và ngược lại hoặc làm bất kỳ một việc gì cũng phải nói lời cảm ơn. Công việc của chồng tôi cũng phải đi công tác thường xuyên nên những ngày cuối tuần về với gia đình thì anh rất hay vào bếp nấu nướng.
Theo Diễm, người phụ nữ thành công về gia đình hay sự nghiệp là tốt?
Tôi sẽ chọn vế trước vì tôi sống hướng nội. Tôi rất sợ sống một mình cho nên tôi cần có một gia đình đầy đủ và yên ấm thì tự khắc tôi sẽ vui vẻ và cảm thấy đầu óc được thư thái.
Trong cuộc sống hôn nhân sẽ không tránh khỏi những lúc “cơm không lành canh không ngọt”. Nếu gặp tình huống ấy, Diễm sẽ xử lý ra sao?
Trước đây, tôi khá hiếu thắng, hay cáu giận vô cớ nhưng bây giờ đã tiết chế nhiều mà cũng không biết tại sao lại có sự thay đổi này.
Dung giống tôi ở quan điểm sống luôn đặt gia đình lên trên hết. Nhưng ngoài đời, tôi không đến mức hiền như Dung đâu. |
Tôi cũng không phải trải qua một biến cố lớn gì, mà dần dần chỉ cảm thấy không cần thiết với những điều đó nữa. Trước đây, nếu cãi nhau là tôi sẽ đi đến cùng vấn đề của câu chuyện, vì không giải quyết được thì tôi cảm thấy rất khó chịu. Còn bây giờ nếu thấy câu chuyện bắt đầu có vẻ căng thẳng thì tôi sẽ chủ động không nói nữa và lựa lời nói lại vào một thời gian thích hợp hơn.
Hiện tại, Diễm có một mong ước gì không?
Tôi chỉ mong có một cuộc sống yên ổn, bình an.
Kim Anh