(TGĐA) - Nhắc đến Jason Statham, người ta vẫn nhớ về những điểm nhấn tạo thành ấn tượng khác. 21 năm sự nghiệp, Jason Statham đã trở thành một biểu tượng của dòng phim hành động Mỹ với hàng loạt những vai diễn để đời, đi sâu vào lòng khán giả - những người yêu thích những pha hành động không tưởng và chỉ có đặc trưng của điện ảnh xứ cờ hoa. Cùng nghe tài tử năm nay bước qua tuổi 52 từng nói gì về những vai diễn để đời của mình.
The Transporter (2004): Tạo ra thương hiệu Jason Statham
Có nhiều diễn viên mà sự nghiệp của họ sẽ được gắn liền và nhớ mãi về một vai diễn nào đó. Với Indiana Jones, sẽ khó mà thay thế cái tên Harrison Ford hay nhắc tới Tom Cruise, người ta sẽ nghĩ ngay chàng điệp viên Ethan Hunt của Mission impposible thì vai “chàng shipper” xịn xò Frank Martin của The transporter (Người vận chuyển), sẽ mãi là vai diễn tuyệt nhất từ trước tới nay của Jason Statham.
The transporter - phim tạo nên thương hiệuJason Statham |
Với 3 nguyên tắc: Không đổi hợp đồng, không hỏi tên, không mở gói hàng, hình ảnh Frank Martin “ngầu lòi”, diện vest bảnh bao, vô tình tự phá luật để chống lại những tay trùm Mafia quả là một khác biệt hào hoa so với những người hùng theo một mô-típ nhàm chán trong phim hành động hiện nay.
Đến giờ qua nhiều lần phỏng vấn, Jason Statham vẫn thường nhắc về Frank Martin: “Frank Martin định nghĩa nên con người tôi và tất cả những vai diễn sau này ít nhiều đều làm bạn thấy hình bóng anh ấy”. Đáng tiếc do cát-xê thấp cùng việc nhà sản xuất không cho Jason biết trước kịch bản nên anh chỉ đóng đến phần 3. Dĩ nhiên, phần 4 do một gương mặt khác đóng chính đã thất bại thảm hại.
Jason Statham tạm biệt vai người vận chuyển ở phần 3 |
Snatch (2001): Phim đặc biệt nhất trong sự nghiệp
Nếu The Transporter là phim nâng tầm tên tuổi của Jason Statham thì Snatch (2001) là tác phẩm người ta chính thức coi Jason như một diễn viên thực thụ.
Qua câu chuyện về cuộc chiến những băng đảng tại Anh cùng phong cách riêng của đạo diễn Guy Richie: chuyên tạo ra những tình huống ngẫu nhiên… Jason vào vai tay cò đấm bốc Turkish tìm cách thoát khỏi rắc rối từ ông trùm Brick tàn bạo.
Đây là vai diễn đặc biết nhất của Jason Statham, anh chuyên nói những câu rất hài hước, tính châm biếm cao nhưng vẻ mặt “tỉnh bơ khó hiểu” lại làm người xem không thể nhịn được cười.
“Tôi cảm thấy mình nợ Guy Richie rất nhiều để có được ngày hôm nay, như kiểu sự nghiệp của tôi là anh ấy ban tặng vậy! Tôi yêu phong cách làm phim của anh ấy và nếu Guy nghĩ tới phần 2 của Snatch, tôi sẽ gật đầu mà không suy nghĩ nhiều” - Jason Statham tâm sự sau hơn một thập kỷ Snatch ra mắt.
Crank (2006): Một Jason Statham điên rồ nhất!
Sau thành công vang dội của The Transporter 2 (2005), Jason Statham thừa nhận có đôi chút chán nản vì anh tham gia liền một lúc 4 bộ phim được đánh giá khá tệ, điển hình là phim Chaos với kịch bản rập khuôn và lộn xộn, xấu hổ tới mức chỉ đem về 7 triệu USD tiền bán vé, chưa kể có một phim khác Jason tham gia có doanh thu không mang về nổi 30 ngàn USD.
Giải thích cho năm 2005 đáng quên đó, Jason cho biết muốn danh tiếng của mình càng lên cao, đóng nhiều phim hơn nên đã thừa nhận không tỉnh táo trong khâu lựa chọn kịch bản.
Mọi chuyện chỉ thay đổi 1 năm khi Jason Statham tham gia bộ phim “điên rồ” và gây tranh cãi nhất sự nghiệp của anh là Crank của bộ đôi đạo diễn Mark Neveldine và Brian Taylor. Jason vào vai Chev Chelios – gã sát thủ muốn nghỉ hưu khi được giao nhiệm vụ cuối cùng giết chết tay trùm Trung Quốc.
Crank là một phim cực kỳ điên rồ! |
Crank mang tới những góc quay cực kỳ khó chịu, ngớ ngẩn đến bực tức nhưng lại hoàn hảo nhờ nét hài hước kết hợp chất cơ bắp bạo lực của Jason.
“Tôi được làm việc với những con người tuyệt vời, đặc biệt là hai đạo diễn. Bạn có thể nghĩ giữa họ sẽ có những mâu thuẫn, tôi sẽ không biết nên phải theo phe ai. Đơn giản hãy thử tưởng tượng khi bạn đi câu cá, cầm theo hai cái lưới sẽ giúp bạn câu được nhiều cá hơn”, Jason chia sẻ.
Death Race (2008): Minh chứng cho độ chín sự nghiệp
Death Race chắn chắn sẽ không thể xuất sắc như The Transporter nhưng nó mang dư vị đủ đầy của một phim giải trí tốt, minh chứng cho độ chín sự nghiệp của Jason Statham: diễn xuất lôi cuốn hơn và biết cách tạo ra điểm nhấn riêng cho mình để không bị núp bóng của “Người vận chuyển” quá lâu.
Jason vào vai Jensen Ames – cựu tay đua vô địch công thức một bị kết án oan để làm con bài trong một cuộc đua tử thần tại nhà tù khét tiếng. Jason Statham đã gọi đây là một vai diễn “trong mơ” hiếm có khó tìm: “Goldfinger là phim đầu tiên tôi đã thấy một chiếc ghế phóng ra trong xe hơi. Thật tuyệt vời và kinh điển làm sao khi Death Race cũng có điều đó. Trong Death Race, tôi cực thích vẻ ngoài của những chiếc xe. Bộ giáp bọc bên ngoài thật tuyệt, hầu hết chúng là xe kiểu Đức trang bị súng bắn tỉa đẫm máu. Bạn sẽ cảm giác ‘bung lụa’ khi đóng phim hành động như Death Race. Còn có một anh chàng kỹ thuật nói với chúng tôi về tất cả những thiệt hại mà một số loại súng máy này gây ra nên tôi được nạp thêm rất nhiều kiến thức về súng”.
The Bank Job (2008): Hoài niệm khó lòng để tìm lại
Cho tới nay ngoài phim Snatch, khán giả chưa công nhận thêm một vai diễn có chiều sâu của Jason Statham cho tới The Bank Job. Anh đóng vai Terry – từng là tội phạm đang muốn làm lại cuộc đời bằng nghề buôn bán xe, rồi trời xui đất khiến ra sao Terry lại bị rủ rê vào một phi vụ cướp ngân hàng mà nó liên quan tới rất nhiều kẻ máu mặt trong thế giới ngầm cùng nhiều tội ác khác. Vụ cướp trong phim hoàn toàn có thật vào năm 1971.
Bên cạnh ngoại hình hấp dẫn, tao nhã, đậm chất quý ông Anh Quốc thập niên 70, sự bất lương trong nhân vật Terry mà Jason thể hiện hoàn toàn thuyết phục khán giả, nhất là các trường đoạn giằng xé nội tâm, thể hiện rõ khi nhóm của Terry tìm thấy ảnh khiêu dâm của trẻ vị thành niên trong cái két sắt “trời đánh” đó.
Phim là hoài niệm cũ về một trong những vụ án chấn động nhất nước Anh, còn fan Jason Statham lại nuối tiếc. Có thể cho tới khi giải nghệ đóng phim, anh cũng sẽ chẳng có một vai xuất sắc thế này vì cứ lao mình vào dòng phim giải trí đơn thuần.
Có một điều thú vị là cảnh hành động trong The bank job không nhiều nên Jason lấy làm cực kỳ vui sướng bởi không phải trở về nhà với những cơn đau dữ dội, rồi tập luyện cơ bắp hà khắc nhưng tính “cân não” trong nhân vật Terry cũng làm Jason tương đối vất vả qua các tình tiết đối đầu với cảnh sát.
Với danh sách 5 bộ phim kể trên, chắc chắn fan của Người vận chuyển sẽ phần nào hồi tưởng lại những gì ấn tượng rồi tiếc nuối nhất nhưng không thể không phủ nhận một điều: khuôn mặt lãng tử, lạnh lùng và góc cạnh, thần thái thì dứt khoát và mãnh liệt của Jason Statham sinh ra để dành cho điện ảnh. Hơn 2 thập kỷ sống cho đam mê, đầy những phim hay và không ít phim dở, quan niệm sống và làm việc trách niệm hết mình của Jason đã giúp anh trở thành một trong những biểu tượng của Hollywood mà chỉ cần nhắc tới khái niệm “hành động Mỹ” thôi, rất có thể ai đó sẽ bật ra tên anh đầu tiên! |
Vũ Anh