Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?

(TGĐA) – Đó là câu hỏi cũng như sự chung tay tìm lời giải đáp trong Tọa đàm “Phim Hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế” do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam tổ chức sáng ngày 18/10/2022 tại Hà Nội, với sự tham gia của các nhà quản lý, đại diện các cơ quan ban ngành, các nhà làm phim hoạt hình, các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực hoạt hình.

Khai mạc Trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình Đà Lạt 2022 Khai mạc Trại sáng tác kịch bản phim Hoạt hình Đà Lạt 2022
Nhà sản xuất – Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Trưng Vương sẽ được thực hiện với công nghệ tân tiến nhất! Nhà sản xuất – Diễn viên Trương Ngọc Ánh: Trưng Vương sẽ được thực hiện với công nghệ tân tiến nhất!
'Cây liễu mù và cô gái ngủ': Phim hoạt hình ‘siêu thực’ của Haruki Murakami có gì đặc sắc? 'Cây liễu mù và cô gái ngủ': Phim hoạt hình ‘siêu thực’ của Haruki Murakami có gì đặc sắc?

Làm phim hoạt hình chiếu rạp được không?

“Làm thì làm thôi!” – đó là câu trả lời của bà Lê Quỳnh Như – Đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio cũng như đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn – Nhà sáng lập và GĐ công ty Colory Animation. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của 3 gương mặt khác đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực hoạt hình có mặt trong buổi tọa đàm “Phim Hoạt hình Việt Nam – Năng lực sản xuất và xu hướng hợp tác quốc tế” ngày 18/10. Bà Lê Quỳnh Như tự tin chia sẻ “Mọi người có thể chưa biết về tiềm lực của hoạt hình Việt Nam. Chúng ta có một đội ngũ cực chất lượng, họa sĩ hoạt hình của chúng ta giỏi ngang hàng với với các họa sĩ sáng tạo hoạt hình hàng đầu thế giới. Công ty của chúng tôi lâu nay vẫn là đồng sản xuất với các đơn vị lớn như Disney, Warner Bross, tham gia sản xuất các phim hoạt hình lớn như Doraemon và khách hàng rất hài lòng, bất ngờ và khen ngợi. Họ chính là bảo chứng cho chất lượng của họa sĩ Việt Nam ta”. Câu chuyện ra với thế giới không chỉ có ở DeeDee Animation Studio với sự tự tin về đội ngũ mà một sản phẩm gần đây nhất mà người Việt quan tâm tới lĩnh vực này tự hào là loạt hoạt hình Wolfoo ra đời năm 2018 với khoảng hơn 2.700 tập phim được phát sóng trên nền tảng Youtube do Công ty Sconnect Việt Nam sản xuất. Từ phiên bản gốc tiếng Anh, series Wolfoo đã được dịch sang 17 ngôn ngữ khác nhau như tiếng Nhật, Trung, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Nga…

Bà Lê Quỳnh Như – Đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình chia sẻ tại tọa đàm
Bà Lê Quỳnh Như (áo đen) – Đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình chia sẻ tại tọa đàm

Sự tự tin này khác hẳn với sự do dự của các nhà làm phim hoạt hình thế hệ trước, với các nhà làm phim điện ảnh nhăm nhe khai phá thị trường phim hoạt hình chiếu rạp ở Việt Nam. Nhưng vì sao cho đến thời điểm này, chúng ta có đội ngũ, có công nghệ, có kết nối và thừa tự tin nhưng nhắc đến phim hoạt hình chiếu rạp vẫn chỉ có thể kể tới Người con của Rồng của NSND gạo cội làng hoạt hình Phạm Minh Trí với độ dài 90 phút, ra rạp năm 2010?

NSND Phạm Minh Trí chia sẻ tại Tọa đàm
NSND Phạm Minh Trí chia sẻ tại Tọa đàm

Gần đây nhất, đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn cùng đạo diễn Phan Gia Nhật Linh có bắt tay nhau viết kịch bản Dưới bóng cây với tham vọng đưa hoạt hình ra rạp chiếu. Kịch bản này cũng vừa đoạt giải nhất cuộc thi Kịch bản hoạt hình năm 2021 và không biết có phải phát triển từ bộ phim cùng tên dài 7 phút gây “bão mạng” của chính Đoàn Trần Anh Tuấn năm 2011 không. Trong tọa đàm hôm 18/10, Đoàn Trần Anh Tuấn cũng chia sẻ: “Nhớ khi tôi làm phim hoạt hình Dưới bóng cây, khi đó mình là người muốn kể câu truyện, muốn kể nhưng lúc đó chưa có hãng phim nào có sẵn lòng hợp tác nên đành tự thành lập hãng phim và làm. Mình không nghĩ sâu xa, cần gì thì làm đó, cần nguồn lực thì tìm nguồn lực, cần kịch bản thì tìm kịch bản…”.

Dưới bóng cây của Đoàn Trần Anh Tuấn sau hơn 10 năm vẫn chưa tìm được đường ra rạp
Dưới bóng cây của Đoàn Trần Anh Tuấn sau hơn 10 năm vẫn chưa tìm được đường ra rạp

Nhưng đó là câu chuyện làm phim của thời điểm - những sinh viên mới ra trường, như chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Anh – CEO của Freaky Monion thì “hiện chúng tôi làm 1 phút phim mất một tháng nhưng phim chiếu rạp 90 phút không phải là nhân lên là 90 tháng. Bởi nó là câu chuyện doanh nghiệp liên quan đến tài chính”. Bởi chính nó là câu chuyện của doanh nghiệp nên bản thân Đoàn Trần Anh Tuấn, khi trở thành một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình, cũng đã hơn 10 năm chưa thể biến ước mơ Dưới bóng cây từ 7 phút trên youtube thành 90 phút ở rạp!

Cho đến thời điểm này, Người con của Rồng vẫn là phim hoạt hình duy nhất được chiếu tại rạp Việt Nam
Cho đến thời điểm này, Người con của Rồng vẫn là phim hoạt hình Việt duy nhất được chiếu tại rạp

Không như Người con của Rồng là UBND TP Hà Nội đặt hàng, phim hoạt hình do tư nhân sản xuất muốn ra rạp cần cả đầu vào lẫn đầu ra. Nói như NSND Hà Bắc chia sẻ cũng có doanh nghiệp nhà đầu tư muốn đồng hành nhưng đều “đánh trống bỏ dùi” bởi kinh phí đầu vào lớn, đầu ra thì bất ổn. Trung bình một tập phim hoạt hình sản xuất chiếu youtube tầm 20 phút giá cũng cao hơn nhiều so với sản xuất một tập phim hoạt hình đó là chưa nói đến phim chiếu rạp, dù không mong lớn như những bộ phim hoạt hình Hollywood chiếu ở Việt Nam với kinh phí đầu tư toàn chục đến trăm triệu đô. Phim hoạt hình chiếu rạp đang cần một Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng năm 2003 để khai thông. “Ngành này ngốn nhân sự, tài chính và với doanh nghiệp chúng tôi, không phải không làm được mà chúng tôi cần thị trường một cách rõ ràng nghiêm túc hơn trước khi làm” - ông Nguyễn Hoàng Anh chia sẻ. Đây cũng là mặt trái của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình ở Việt Nam khi hướng chủ yếu tới thị trường nước ngoài, chưa có sự kết nối hoạch định rõ ràng cho một chiến lược kinh doanh mảng phim hoạt hình ra rạp và quan trọng nhất, là một cú hích cho thị trường này ở Việt Nam. Khi mà ứng dụng quảng cáo dựa trên nền tảng hoạt hình, gia công cho nước ngoài… vẫn còn sống khỏe thì không doanh nghiệp nào bỏ nó để lao vào thị trường chiếu rạp đầy vận rủi.

Hiện Dưới bóng cây của Đoàn Trần Anh Tuấn và Phan Gia Nhật Linh hay dự án hành động lịch sử Trưng Vương của nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh là niềm tin duy nhất cho một phim hoạt hình Việt được ra rạp!

Doanh nghiệp cần “đôi cánh”!

Bà Lê Quỳnh Như – Đồng sáng lập và quản lý DeeDee Animation Studio chia sẻ khi doanh nghiệp của bà đàm phán hợp đồng với nước ngoài thường gặp bất lợi cũng như nhận được câu hỏi nhiều nhất là: “Chính phủ nước bạn có chính sách hoàn thuế không?”. Ông Đoàn Trần Anh Tuấn thì chia sẻ: “Gần đây khi tôi gặp các bạn đối tác phía Malaysia, định hợp tác, họ hỏi: Chính phủ bạn có hợp tác hỗ trợ gì không? Tôi im lặng. Ở nước ngoài, như bạn Malaysia chia sẻ, chính phủ có tổ chức hỗ trợ khá nhiều. Sự hỗ trợ của chính phủ thực sự hiệu nghiệm nhưng có hỗ trợ sàng lọc và tổ chức đó hoạt động như một doanh nghiệp, Việt Nam mình có thể thử tham khảo mô hình đó xem. Và từ hỗ trợ đó, họ có nhiều phim nổi tiếng ra với thế giới. Và ngay ở Việt Nam, nhiều bạn nhỏ biết khá nhiều phim hoạt hình Malaisia như Upin & Ipin, Bola Kampung, BoboiBoy… thông qua những series đó, họ biết tụi nhỏ Mailaysia sống ra sao, mặc đồ thế nào…”.

BoboiBoy: The movie từng khởi chiếu ở Việt Nam năm 2016
BoboiBoy: The movie của Malaysia từng khởi chiếu ở Việt Nam năm 2016

Bên cạnh chính sách hoàn thuế, thứ mà nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hoạt hình mong muốn được hỗ trợ là các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Bà Lê Quỳnh Như chia sẻ, các doanh nghiệp hoạt hình hiện đi tham dự Liên hoan phim hay hội chợ quốc tế liên quan… đều là tự phát “Khi đi hội chợ nước ngoài, chúng tôi đều thấy gian hàng giới thiệu của các quốc gia. Chính phủ nước họ kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan rồi show thương hiệu, sản phẩm cho đối tác quốc tế thấy được tiềm năng của mình ở lĩnh vực này. Chúng tôi muốn nhà nước hay tổ chức nào đó hỗ trợ điều này. Chúng tôi muốn ra ngoài với cái name là Hoạt hình Việt Nam chứ không phải đơn lẻ như hiện nay”.

Ông Tạ Mạnh Hoàng (áo trắng) - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty Sconnect chia sẻ tại tọa đàm
Ông Tạ Mạnh Hoàng (áo trắng) - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty Sconnect chia sẻ tại tọa đàm

Ông Đinh Kiều Anh Tuấn – Founder của Sun Wolf Animation Studio cũng nhấn mạnh hiện sự kết nối của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hoạt hình là chưa có. “Ở Việt Nam hiện nay sự quan tâm, quảng bá về hoạt hình hầu như bằng không. Doanh nghiệp chúng tôi phải tự mình quảng bá và như thế không mang lại hiệu quả lớn. Chúng ta có nhiều người làm hoạt hình cực giỏi cộng tác với nhiều studio nổi tiếng thế giới nhưng người Việt Nam còn không biết tới huống chi việc quảng bá đội ngũ đó ra nước ngoài. Cần lắm những sự kiện quảng bá xúc tiến với chính sách hỗ trợ từ chính phủ hay một đơn vị đủ tiềm năng làm cột cờ”.

Ông Tạ Mạnh Hoàng - Nhà sáng lập và giám đốc điều hành công ty Sconnect chia sẻ: “Chúng tôi cần nhà nước hỗ trợ về chính sách. Điều này làm cho doanh nghiệp bớt cô đơn khi ra thế giới”.

Hoạt hình đã được đặt đúng chỗ chưa?

Về việc làm thế nào để phát triển công nghiệp hoạt hình cũng như mong muốn hỗ trợ chính sách từ nhà nước, ông Tạ Mạnh Hoàng nhận định: “Muốn phát triển hoạt hình thì phải có tầm nhìn và đầu tiên phải đặt nó vào đúng vị trí rồi đánh giá xem nó quan trọng không? Hoạt hình có đem lại lợi nhuận không ư? Hiện nó là thị trường khá tốt, tôi đã từng tiếp xúc với những doanh nghiệp chỉ có hơn chục người nhưng doanh thu hàng năm là vài chục triệu đô. Vậy nên, hãy coi nó là ngành đóng góp bao nhiêu % GDP vào kinh tế của nhà nước. Khi đặt nó vào đúng chỗ thì mới có hoạch định chính sách hỗ trợ, chiến lược rõ ràng được. Phải coi hoạt hình là bài toán thì mới có lời giải, còn chỉ coi nó là thứ ngoài lề, thì nó sẽ chỉ là một câu chuyện không trọng tâm với một góc nhìn khác”.

Nhà giáo Phan Quân Dũng cùng các giao viên đến từ Đại Học Văn Lang chia sẻ trực tuyến tại tọa đàm
Nhà giáo Phan Quân Dũng cùng các giáo viên đến từ Đại học Văn Lang chia sẻ trực tuyến tại tọa đàm

Nhà giáo Phan Quân Dũng đến từ Đại học Văn Lang chia sẻ, thời cha ông làm phim mang đi duyệt, lãnh đạo xem thường duyệt từ phim truyện, đến tài liệu rồi mới đến hoạt hình. Trên truyền hình hay các giải thưởng, phần chiếu phim trao giải cho hoạt hình thường có thời lượng ít không được quan tâm. Ông cũng nhấn mạnh “Chúng ta muốn phát triển thì phải thúc đẩy Hoạt hình lên một tầm mới, tức là mức độ quan tâm cao hơn. Đội ngũ nghệ sỹ, người làm phim hoạt hình trong cơ chế nhà nước của chúng ta có nhiều cá nhân giỏi nhưng hiện chỉ thuần túy quan tâm đến nghề nghiệp, đòi hỏi về chính sách chưa quyết liệt. Tức là đòi có phim để làm, khi có thì mãn nguyện chứ chưa đòi hỏi những thứ để hoạt hình phát triển lớn mạnh hơn như cơ chế, chính sách, nền tảng… những thứ để đáp ứng như cầu xã hội. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo cũng chỉ nói ủng hộ chung chung chứ không có phương thức cụ thể thiết thực nào. Giải pháp cụ thể là, chúng ta cần có người cầm đầu, làm đề án khảo sát về con người, thị trường, khảo sát về doanh nghiệp, kỹ thuật cơ sở vật chất, khảo sát về xu hướng mới và cần khảo sát cả hệ thống nền tảng liên quan như truyện tranh, game và có thống kê có số liệu. Đối thoại với nhà nước phải có số liệu thống kê, mới trao đổi chính sách cụ thể được. Và chúng ta cần một đầu tàu để kết nối, cần người có Tâm, Tầm, Lực kết nối để hàng năm tạo ra các chương trình, Liên hoan phim để kết nối, xúc tiến công nghiệp hoạt hình với bên ngoài Việt Nam, chứ không thể kêu gọi suông được. Phải tạo sự ảnh hưởng, tiếng vang, vinh quang cho ngành hoạt hình thì mới có sự quan tâm”.

PGS TS Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực UB Văn hóa, giáo dục Quốc hội  phát biểu tại Tọa đàm
PGS -TS Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực UB Văn hóa, giáo dục Quốc hội phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực UB Văn hóa, giáo dục Quốc hội có chia sẻ rằng, theo báo cáo của hệ thống rạp chiếu CGV thì phim hoạt hình chiếu rạp tăng trưởng khá lớn trong 10 năm qua. Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có điện ảnh thì hoạt hình là lĩnh vực rất tiềm năng. “Chúng ta có quyền mơ ước như nền công nghiệp hoạt hình ở Nhật, tức là đóng tới 5-6% GDP hàng năm”, ông nhấn mạnh. Và tức là nếu chúng ta có quyền mơ ước thì cần lắm việc đặt hoạt hình vào đường băng đúng nghĩa để có hoạch định chính sách cơ chế hỗ trợ phát triển. Ông Bùi Hoài Sơn cũng hứa rằng, UB Văn hóa, giáo dục Quốc hội sẽ cùng chung tay bởi “phát triển hoạt hình không chỉ là phát triển công nghiệp điện ảnh hay nghệ thuật mà còn thúc đẩy tạo ra những con người sáng tạo, tạo ra hệ sinh thái sáng tạo cho một quốc gia. Đó là nguồn lực vô cùng lớn để đổi mới đất nước”.

Trước hết phải tự lực!

Muốn được coi trọng, trước hết phải có giá trị. Đó cũng là suy nghĩ chung của nhiều người khi góp ý kiến trong việc hoạch định phát triển ngành hoạt hình hiện nay. Có như thế, ngành mới thu hút được sự quan tâm. NSND Hà Bắc hay NSND Phạm Minh Trí đều nhấn mạnh sự khó khăn trong việc tìm nhân lực cho ngành hoạt hình. “Để trở thành đạo diễn phim hoạt hình thì đầu tiên bạn phải am hiểu về hội họa, sau đó mới đến đạo diễn và bây giờ, thì cần giỏi cả công nghệ. Am hiểu nhiều nhưng làm hay hay không còn khó nữa”. Nhân sự ngành hoạt hình trước đây thường lấy từ trường Sân khấu Điện ảnh, Trường Sư phạm nhạc họa, Mỹ thuật, Kiến trúc hay gần đây là FPT… và hầu như khi làm lại tiếp tục phải đào tạo. Hiện trường Đại học Văn Lang hay Mỹ thuật cũng bắt đầu có những khoa, môn học chuyên sâu hơn về hoạt hình nhưng ở thời đại công nghệ hiện nay, dường như sự đáp ứng đó là không đủ.

NSND Hà Bắc phát biểu tại Tọa đàm
NSND Hà Bắc phát biểu tại Tọa đàm

Ví dụ như công ty Sconnect, với khối lượng công việc cần nhân sự lên tới 1000 người như hiện nay thì nguồn nhân lực là vấn đề cực bức thiết. Vài năm nay, công ty này đã tự thành lập riêng học viện để đào tạo cho chính mình và chính ngành này. “Ngoài đáp ứng nhu cầu cụ thể của công việc thì việc mở học viện tạo điều kiện để chúng tôi chuẩn hóa đào tạo, rút ngắn công đoạn đào tạo trung gian. Đây cũng là bước chuẩn bị tốt hơn cho ngành công nghiệp Hoạt hình Việt Nam”, đạo diễn Trịnh Lâm Tùng – cố vấn nghệ thuật của công ty Sconnect thay mặt trả lời.

Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?
TS. Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam: "Bây giờ là lúc chúng ta không đòi hỏi mà phải cùng nhau đi"

Về việc xúc tiến thương mại, TS. Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, chủ trì Tọa đàm chia sẻ: “Ngày xưa, khi tôi làm Cục trưởng Cục điện ảnh thì Việt Nam cũng có gian hàng tại LHPQT Cannes hay hội chợ phim Hongkong… nhưng kinh phí nhà nước hỗ trợ là không đảm bảo cho hoạt động đó. Nó thành công là bởi có doanh nghiệp đồng hành còn Cục điện ảnh – đại diện cho nhà nước đứng chính danh. Bây giờ là lúc chúng ta không đòi hỏi mà phải cùng nhau đi. Tất cả chính sách cơ chế, hỗ trợ chỉ là mang tính chất biểu tượng, còn thiết thực là việc chúng ta vẫn phải làm”.

Cần lắm một sự kết nối!

Tất cả các đại biểu, khách mời, các nhà làm phim, quản lý đều tỏ ra bất ngờ và thực sự vui mừng khi có một tọa đàm như thế này. “Không thể tin được”, đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn thốt lên, bởi đây là lần đầu có một tọa đàm chuyên ngành về hoạt hình được tổ chức với sự góp mặt của cả nhà nước và tư nhân; cũng là lần đầu tiên những doanh nghiệp hoạt động hoạt hình được tụ hội cùng nhau, nói lên tâm tư suy nghĩ, nguyện vọng và có ý tưởng cùng nhau phát triển. Và Tọa đàm này có thể là viên gạch đầu tiên cho một quãng đường phát triển phía trước của hoạt hình Việt Nam.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – CEO của Freaky Monion kêu gọi các doanh nghiệp phải cùng đoàn kết
Ông Nguyễn Hoàng Anh – CEO của Freaky Monion kêu gọi các doanh nghiệp phải cùng đoàn kết

Ông Nguyễn Hoàng Anh – CEO của Freaky Monion chia sẻ: “Chúng ta không thiếu nhân tài, để đơn lẻ cực hay nhưng khi gom lại, kết nối lại làm việc theo nhóm thì rất kém. Phát triển cá nhân thì tốt nhưng phát triển tầm nhìn lớn thì còn hạn chế. Thế giới họ có nền công nghiệp lớn mạnh bởi có nhiều doanh nghiệp lớn mạnh. Có điều đó bởi sự đoàn kết và tính kỷ luật. Tôi thấy ở Việt Nam quân đội ta có nhưng doanh nghiệp thì còn kém. Cần lắm sự đoàn kết của các khối doanh nghiệp hoạt hình và hiệp hội, nhà nước để cùng phát triển”.

Cần lắm những tọa đàm như thế này
Cần lắm những tọa đàm như thế này

Như lời TS. Ngô Phương Lan chia sẻ: “Tọa đàm nhằm đánh giá thực lực đội ngũ làm phim hoạt hình, năng lực sản xuất, khả năng và phương thức phổ biến phim hoạt hình Việt Nam ở trong và ngoài nước. Mục tiêu của Hiệp hội xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam là xác định xu hướng hợp tác quốc tế của hoạt hình Việt Nam nhằm từng bước đưa hoạt hình và các sản phẩm liên quan ra thị trường quốc tế một cách bài bản vừa góp phần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam vừa bảo vệ bản sắc văn hóa Việt trong phim hoạt hình. Doanh nghiệp có định hướng phát triển riêng, nhưng muốn đi lớn đi dài thì phải đi cùng nhau dưới tên chung là HOẠT HÌNH VIỆT NAM. Hôm nay là ngày chúng ta muốn đồng hành với nhau để đi lớn, đi dài và chính danh. Tôi mừng vì hôm hay mọi người nói đơn độc, vì thế chúng ta có cơ hội đi chung. Đây là buổi đầu tiên chúng ta gặp nhau và sẽ đi chung trong con đường dài. Hiệp hội luôn làm nhiều hơn nói là chúng tôi sẽ làm cầu nối để liên kết với nước ngoài, kết nối với các đơn vị hoạch định chính sách để trình lên chính phủ. Đây không phải là câu chuyện cuối cùng mà là câu chuyện mở đầu cho con đường phát triển phim Hoạt hình Việt Nam. “Chúng ta phải làm thôi”, tôi mượn câu nói của bạn Đoàn Trần Anh Tuấn để mở đầu cho hành trình này”.

Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?
"Hôm nay là ngày chúng ta muốn đồng hành với nhau để đi lớn, đi dài và chính danh"

Đạo diễn Đoàn Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: “Sau ngày hôm nay, tức là sau tọa đàm này, tôi có thể tự tin trả lời các bạn Malaysia rằng, chúng tôi đang bắt đầu. Doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng tư vấn, kết nối với các đối tác để hỗ trợ chính phủ, hiệp hội cùng chung tay để ngành công nghiệp hoạt hình này cùng phát triển”.

'Jibaro' – Phim hoạt hình ngắn đang gây sốt thế giới và ước mơ ‘chạm đỉnh’ của hoạt hình Việt Nam 'Jibaro' – Phim hoạt hình ngắn đang gây sốt thế giới và ước mơ ‘chạm đỉnh’ của hoạt hình Việt Nam

(TGĐA) - Jibaro – phim hoạt hình ngắn thuộc series đình đám Love Death and ...

Có gì thú vị ở chùm phim hoạt hình sản xuất năm 2021 của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam? Có gì thú vị ở chùm phim hoạt hình sản xuất năm 2021 của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam?

(TGĐA) - Sáng ngày 29/12/2021, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (HHVN) đã tổ chức ...

'Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo': Cả gia đình dắt nhau về tuổi thơ trong trẻo 'Tuần phim hoạt hình Việt trên VTVGo': Cả gia đình dắt nhau về tuổi thơ trong trẻo

(TGĐA) - Là dịp hiếm hoi cho các bạn nhỏ được thưởng thức đồng thời ...

Làm thế nào để điện ảnh Việt trở thành nền công nghiệp phát triển bền vững và có tính cạnh tranh? Làm thế nào để điện ảnh Việt trở thành nền công nghiệp phát triển bền vững và có tính cạnh tranh?

(TGĐA) - Trong bối cảnh Việt Nam cần nhiều kinh nghiệm để xây dựng nền ...

Gia Hoàng