(TGĐA) - Năm vừa qua có thể coi là một năm thành công của nam diễn viên Mạnh Trường. Khán giả còn đang tiếc nuối với mối tình không trọn vẹn của Sơn trong Zippo, mù tạt và em, thì ngay sau đó lại khá bất ngờ với tạo hình mới của Mạnh Trường trong Tuổi thanh xuân 2.
|
Hình ảnh của Trường trong Tuổi thanh xuân 2 là một màu sắc mới khác hoàn toàn những vai diễn trước đây. Lý do của việc làm mới này là gì?
Trước một bộ phim mới và một vai diễn mới, Trường không ngại lột xác hay đắn đo liệu mình làm vai diễn này có hợp hay không? Trước phim Zippo, mù tạt và em, Trường có kinh qua cả phim lịch sử như Đường lên Điện Biên hay phim về Bác Hồ Thầu Chín ở Xiêm và gần đây nhất là Khánh trong phim Người đứng trong gió. Theo Trường, Khánh mới thực sự là sự lột xác của mình, thậm chí nhiều hơn cả Phong trong Tuổi thanh xuân 2, bởi đây là một nhân vật bị tâm thần phân liệt, bệnh hoạn, là một kẻ giết người nhưng lẩn sâu bên trong vẫn có tình cảm cha con.
Còn với Phong xét cho cùng tư liệu cho vai diễn này sẽ có rất nhiều trong cuộc sống, khác với Khánh là Trường hoàn toàn phải tưởng tượng. Phong ít ra cùng lứa tuổi với Trường ngoài đời, hơn nữa đây lại là một vai diễn hiện đại. Còn về chất liệu công tử nhà giàu, ăn chơi, trác táng thì có rất nhiều nguồn để Trường chắt lọc, chọn lấy cái riêng để thêm vào cho nhân vật của mình.
|
Là một diễn viên, Trường luôn muốn làm mới mình. Trường sẵn sàng làm mình xấu đi trong phim miễn sao vai diễn đó hay cộng với một kịch bản tốt và ekip chẳng có gì phải chê cả.
Có thể trước đó, vai Sơn trong Zippo, mù tạt và em đang dành được nhiều thiện cảm của khán giả thì Phong thực sự là một màu sắc khác hoàn toàn những vai diễn trước đây.
|
Tuy nhiên, dường như khán giả vẫn chưa quen với sự thay đổi này. Bằng chứng là những cảnh quay hút cần sa và ăn chơi trác táng của Phong khi lên sóng đã gây phẫn nộ trong lòng khán giả. Đặc biệt là cảnh Phong thách đố uống rượu trên lưng trần của hai cô gái chỉ được che bằng một tấm khăn mỏng, gây phản cảm vô cùng. Nhiều người cho rằng những hình ảnh này đi ngược thuần phong mỹ tục và lối sống con người Việt Nam. Là người trong cuộc, cho đến giờ, ý kiến của Trường về việc này như thế nào?
Diễn viên đôi khi không sợ bị đóng khung vào một dạng vai diễn, nhưng khán giả lại là người đóng khung vai diễn cho diễn viên. Thực ra, khi mời Trường vào bộ phim này, ekip VFC cũng lăn tăn rất nhiều, không phải về sức diễn của Trường mà về lịch phát sóng của hai bộ phim Zippo, mù tạt và em và Tuổi thanh xuân 2 lại ngay sát nhau. Trường nghĩ nếu hai bộ phim phát sóng cách nhau một khoảng thời gian nhất định thì khán giả sẽ không có sự so sánh đến mức như vậy…
Trở lại với câu hỏi trên, coi như đây là lần cuối Trường trả lời về việc này vì cũng không muốn nói đi nói lại nhiều lần. Khi đoàn phim thực hiện cảnh đó thì ekip đã phải cân nhắc, tính toán rất nhiều. Phim truyền hình dành cho nhiều độ tuổi khác nhau từ trẻ con đến người già. Một bộ phim làm ra không thể bắt tất cả mọi người yêu thích được. Trước đây, Trường làm Đường lên Điện Biên thì một bộ phận khán giả lớn tuổi, nhất là những người từng trải qua chiến tranh rất thích, còn thanh niên rất ít người xem, cho dù công sức và tâm huyết của mình bỏ ra rất nhiều cho vai diễn.
|
Với Tuổi thanh xuân 2, để quay một cảnh vũ trường ekip phải tính toán rất kỹ làm sao vừa đủ “ngưỡng”. Nếu làm chưa đạt “ngưỡng” thì chắc chắn khán giả trẻ, đặc biệt là cùng lứa tuổi như Trường sẽ lên án ngay. Họ sẽ bảo các nhà làm phim không biết vũ trường là thế nào? Không biết ăn chơi là thế nào ư?... Còn ngược lại, khi làm quá lên thì khán giả trẻ có thể thỏa thê vì thích thú nhưng những người lớn tuổi sẽ không đồng tình. Vì vậy, ekip chỉ có thể cân nhắc để làm ở “ngưỡng” vừa đủ nhất. Cũng phải hướng đến khoanh vùng khán giả, vì đây là phim dành cho giới trẻ, chấp nhận để giới trẻ thích nhiều hơn là khán giả trung tuổi.
Trước thông tin đó, rất nhiều báo đã hỏi và Trường cũng thẳng thắn trả lời rằng đọc trên diễn đàn không hề thấy có phản hồi nào về những cảnh đó. Bởi thông thường một bộ phim hay một cảnh phim nào đó có tác động của xã hội thì chắc chắn trong một fanpage mấy trăm nghìn người theo dõi phải có những ý kiến đó, nhưng trong mấy fanpage của Tuổi thanh xuân 2 hoàn toàn không có ý kiến nào đả động đến vấn đề này.
|
Khi vào một vai hoàn toàn khác với chính mình, Trường có bị lên gân trong cách diễn hoặc gặp trở ngại nào không?
Thực ra chưa chắc để một diễn viên ăn chơi đóng vai Phong đã làm tốt được đâu. Có nhiều phim quay cảnh giang hồ, đoàn phim mời hẳn những dân đầu gấu, xã hội đen ngoài đời vào đóng vai quần chúng nhưng khi ra hiện trường thì không đóng được, họ trở nên hiền lành trước ống kính. Tất nhiên, nếu là một diễn viên từng trải thì sẽ thuận lợi hơn vì có sẵn nhiều tư liệu chứ không liên quan đến việc họ thể hiện như thế nào, quan trọng là cách diễn, chứ không phải cứ bê nguyên xi những gì ngoài đời vào phim là được. Vì vậy, việc lên gân trong cách diễn là hoàn toàn không có.
Trường cũng không gặp trở ngại nào đáng kể, có chăng chỉ là mấy cảnh trên thuyền, nhưng không chỉ riêng Trường mà cả êkip cũng phải tính toán kỹ càng. Ngay cả việc tìm vai quần chúng cho những cảnh đó cũng rất khắt khe, có biết nhảy, biết diễn không. Đoàn phải thuê hẳn một chiếc xe đưa gần 100 quần chúng từ Hà Nội xuống Quảng Ninh. Đó là sự đầu tư kỹ cho phim truyền hình vì thông thường truyền hình quay ở đâu thì lấy quần chúng ở đó cho tiện. Trước khi quay cũng phải thống nhất với quần chúng về trang phục, đầu tóc cho hợp bối cảnh.
|
Nhã Phương từng kịch liệt phản đối khi biết Trường được nhắm vào vai Phong vì trước đó từng đóng chung với Trường trong phim Người đứng trong gió. Nhưng sau đó, cô ấy đã nhận thấy mình sai lầm?
Chuyện là, Người đứng trong gió là bộ phim lần đầu tiên Trường và Phương đóng chung với nhau. Phương đã quá ấn tượng với vai Khánh bệnh hoạn của Trường, nửa điên nửa tỉnh, vừa gầy vừa đen, râu ria lởm chởm, đầu tóc bù xù, quần áo thì bẩn thỉu nên không thể hình dung tại sao đạo diễn lại chọn Trường vào vai Phong. Nhưng đến khi ra hiện trường, với tạo hình của Phong thì Phương thực sự bất ngờ “Đúng anh Phong đây rồi!”.
|
Hai năm gần đây, cái tên Mạnh Trường phủ sóng và được mọi người biết đến nhiều hơn từ chương trình Bố ơi, mình đi đâu thế? Nhìn lại khoảng thời gian đó, Bố ơi đã cho Trường được những điều gì và có “lấy đi” của bạn cái gì không?
Phải thừa nhận và cảm ơn chương trình đã giúp Trường đến gần với khán giả hơn. Cá nhân Trường được khán giả yêu thích từ một chương trình truyền hình thực tế là điều hạnh phúc, nhưng vẫn muốn họ nhớ đến mình qua những vai diễn nhiều hơn. Vì truyền hình thực tế cũng như mỳ ăn liền, khán giả xem xong và cũng dễ chóng quên, chỉ những bộ phim, những vai diễn mới khiến họ nhớ lâu.
Gạt sự nổi tiếng, được khán giả yêu thích sang một bên, cái đích khi Trường tham gia chương trình chính là khoảng thời gian dành cho con gái nhiều hơn. Sau này khi con lớn lên, xem lại những kỷ niệm đó thì thật là vô giá. Qua những hành trình đó, hai bố con có cơ hội được gần gũi nhau hơn. Đó là những trải nghiệm vô giá mà có tiền cũng không mua được.
Dịp Tết nhiều người thích đi du lịch nhưng hai vợ chồng Trường lại thích được hưởng không khí Tết ở nhà, nhất là sáng sớm ngày mùng 1. Trường thích không khí những ngày cận Tết, mọi người rộn ràng sắm sửa đón Tết, trang hoàng nhà cửa… |
Xin cảm ơn Trường!
Kim Anh