(TGĐA) - Là nữ minh tinh vào thời kỳ phim câm của điện ảnh Trung Quốc, được công nhận là một trong Tứ đại mỹ nữ Dân quốc, nhưng Nguyễn Linh Ngọc đã biến cuộc đời của mình trở thành một huyền thoại đau thương dang dở bằng cách tự kết thúc cuộc đời ở tuổi 25. Cuộc đời bà, cũng từng được đạo diễn Quan Cẩm Bằng đưa lên màn ảnh, với diễn xuất của minh tinh Trương Mạn Ngọc…
Hồng nhan thì bạc phận…
Rốt cuộc tại sao Nguyễn Linh Ngọc lại chết? Tại sao lựa chọn kết thúc cuộc đời của mình ở tuổi 25 tươi đẹp? Hóa ra, cô chết là vì một chữ “tình”. Có 3 người đàn ông ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của Nguyễn Linh Ngọc, chính là cậu ấm gia cảnh thất thế Trương Đạt Dân, ông vua ngành trà Đường Quý San và đạo diễn nổi tiếng Thái Sở Sinh.
Có thể nói cuộc đời của Nguyễn Linh Ngọc là “phim như cuộc sống, cuộc sống như phim” |
Trương Đạt Dân là người không đủ chín chắn trong cuộc sống và trong tình cảm, cần sự chăm sóc của Nguyễn Linh Ngọc. Sau khi Nguyễn Linh Ngọc trở thành ngôi sao, Trương gia tán gia bại sản, hơn nữa Trương Đạt Dân đam mê cờ bạc, từ tinh thần đến cuộc sống đều cần có người chăm sóc. Lúc này Đường Quý San xuất hiện, một Đường Quý San vừa chín chắn vừa tâm lý đã chiếm trọn cảm tình của Nguyễn Linh Ngọc, khiến cô đưa ra quyết định rời xa Trương Đạt Dân, thỏa thuận mỗi tháng chi cho anh 100 đồng và sau đó dọn đến sống chung với Đường Quý San.
Tuy nhiên, sự kết hợp của Nguyễn Linh Ngọc và Đường Quý San là do tình cảnh đưa đẩy, vì vậy lúc cô hiểu rõ con người thật của Đường Quý San thì đã không còn đường lui nữa. Lúc này, đạo diễn Thái Sở Sinh tìm Nguyễn Linh Ngọc đóng phim, hai người rơi vào lưới tình, cũng vì bộ phim này kể về một cô gái đáng thương bị “dư luận báo chí” giết chết, khiến báo giới thời đó vô cùng phẫn nộ nên đã điều tra moi móc đời sống tình cảm của Nguyễn Linh Ngọc.
Năm 1992, đạo diễn Quan Cẩm Bằng lần đầu tiên đưa cuộc đời Nguyễn Linh Ngọc lên màn ảnh |
Dưới sự xui giục của báo giới, Trương Đạt Dân lên án Nguyễn Linh Ngọc ngoại tình, cộng thêm hành vi lăng nhăng của Đường Quý San càng khiến Nguyễn Linh Ngọc bị đẩy vào bước đường cùng. Đạo diễn Thái Sở Sinh nhu nhược, càng khiến Nguyễn Linh Ngọc rơi vào sự cô độc. Vì thế, có người nói nếu như Nguyễn Linh Ngọc và Thái Sở Sinh có thể vượt qua được rào cản dư luận thì Nguyễn Linh Ngọc chưa chắc đã chết, nhưng có nói nhiều cũng vô ích, cô ấy cũng đã không còn nữa.
Dư âm sau cái chết của Nguyễn Linh Ngọc, chính là số phận của hai người đàn ông mà cô từng thương yêu nhất: Trương Đạt Dân và Đường Quý San. Sau khi Nguyễn Linh Ngọc tự vẫn ở Thượng Hải có rất nhiều vở kịch, nhạc kịch lấy mối quan hệ tay ba của Nguyễn Linh Ngọc, Trương Đạt Dân và Đường Quý San làm đề tài, còn mời cả Trương Đạt Dân đến diễn thuyết. Sau đó Trương Đạt Dân sang Hong Kong đóng bộ phim Lỗi của ai, tự diễn lại nhân vật của chính mình, cuối cùng chết ở Hong Kong vào năm 36 tuổi vì bệnh viêm phổi. Sau này Đường Quý San cũng sống lay lắt ở Đài Loan, nghe nói lúc già ông còn phải bán thuốc lá dạo kiếm sống ngoài đường, cuối cùng chết già ở Đài Loan.
Thành công của vai Nguyễn Linh Ngọc đã mang về cho Trương Mạn Ngọc giải thưởng Nữ diễn viên xuất sắc – LHP Berlin lần thứ 42, Ảnh hậu Kim Tượng và cả Ảnh hậu Kim Mã |
Chuyện của hai thế hệ cùng tên Ngọc trên phim
Năm 1992, đạo diễn Quan Cẩm Bằng lần đầu tiên đưa cuộc đời Nguyễn Linh Ngọc lên màn ảnh với bộ phim cùng tên, do Trương Mạn Ngọc, Lưu Gia Linh, Tần Hán, Lương Gia Huy, Ngô Khải Hoa đóng chính. Bộ phim được đạo diễn Quan Cẩm Bằng đan xen giữa phim ảnh và cuộc sống thật của người trong phim và phần phỏng vấn của những người sống cùng thời với nhân vật chính… Có thể nói, đây là tác phẩm “phim trong phim”.
Trong bộ phim này mỗi đoạn diễn xuất của Trương Mạn Ngọc đều đan xen phần phỏng vấn hoặc tư liệu hình ảnh của những nhân vật sống cùng thời, để làm bằng chứng cho tính chân thật của bộ phim, cách dựng phim giống như phương pháp dẫn chứng trong làm văn, trước hết giải thích, thảo luận nội dung của một câu chuyện hoặc cách thức diễn đạt, sau đó mới dẫn dắt khán giả tiến vào thế giới điện ảnh và câu chuyện về cuộc đời của Nguyễn Linh Ngọc. Suốt quá trình đó khán giả cũng theo Trương Mạn Ngọc cùng nhau tìm hiểu về cuộc sống của cô trong bộ phim. So sánh cuộc đời của hai diễn viên Nguyễn Linh Ngọc và Trương Mạn Ngọc không ngờ cũng giống như “mặt gương song song”, góp phần tăng thêm tính ly kỳ cho bộ phim.
Diễn xuất tinh tế của Trương Mạn Ngọc đã góp phần tạo nên thành công của bộ phim cùng tên |
Nguyễn Linh Ngọc không xuất thân từ trường lớp đào tạo chuyên môn, năm 16 tuổi được người quen giới thiệu nên cô thi vào Công ty điện ảnh Minh Tinh và bắt đầu đóng phim, những vai diễn lúc đầu của cô chỉ là vai “bình hoa”, không thể hiện được kỹ năng diễn xuất.
Sau khi gia nhập Công ty điện ảnh Liên Hoa, cô bắt đầu thử sức trong nhiều thể loại vai khác nhau, lúc này diễn xuất mới nhận được sự công nhận của khán giả. Trương Mạn Ngọc cũng không xuất thân từ chuyên khoa diễn xuất, tình cờ được công ty quảng cáo phát hiện, sau đó chuyển dần sang đóng phim điện ảnh. Lúc đầu cô chỉ đóng những vai phụ, sau bộ phim Vượng giác ca môn (1989) của đạo diễn Vương Gia Vệ, diễn xuất mới được công nhận, thoát khỏi ấn tượng “bình hoa di động”.
Lương Gia Huy (vai Thái Sở Sinh) và Trương Mạn Ngọc |
Vì vậy, khi đạo diễn Quan Cẩm Bằng kể cho Trương Mạn Ngọc nghe về cuộc đời của Nguyễn Linh Ngọc, Trương Mạn Ngọc đã buộc miệng nói: “Vậy chẳng phải giống hệt tôi sao?”. Điều này ít nhiều đã đem lại cảm giác “Trương Mạn Ngọc đang diễn lại một phần nào đó của bản thân”, cuộc sống hiện thực của diễn viên và cuộc sống hiện thực của người trong phim bỗng chốc được gắn liền với nhau, có thể xem là sự sắp đặt vi diệu.
Đạo diễn Quan Cẩm Bằng từng hỏi Trương Mạn Ngọc, có hy vọng nửa thế kỷ sau vẫn còn người nhớ đến mình không? Trương Mạn Ngọc trả lời: “Nửa thế kỷ sau có còn ai nhớ đến tôi hay không không quan trọng, cho dù thật sự có người nhớ đến tôi thì cũng khác với Nguyễn Linh Ngọc, vì cuộc đời cô ấy đã dừng lại trong những ngày tháng tươi đẹp nhất của tuổi 25 và bây giờ đã trở thành huyền thoại”.
Nguyễn Linh Ngọc và Trương Mạn Ngọc dùng “giống nhau” làm sự gắn kết và Trương Mạn Ngọc đã nhấn mạnh sự “khác nhau” của hai người trong phim. Từ sự “gần gũi” đến “thoát ly” cũng giống như sự chuyển biến giữa gần và xa của ống kính, và trong giai đoạn “thoát ly” đã không kịp để cho khán giả suy nghĩ, lập tức tiến sâu vào trong kịch bản của Nguyễn Linh Ngọc.
Tần Hán (vai Đường Quý San), Trương Mạn Ngọc (vai Nguyễn Linh Ngọc) và Lưu Gia Linh (vai Lê Lợi Lợi) |
Trong phim, ngoài nhân vật chính Nguyễn Linh Ngọc còn có một tuyến vai đóng vai trò không kém phần quan trọng, đó là Lê Lợi Lợi do Lưu Gia Linh thủ diễn. Lê Lợi Lợi kém Nguyễn Linh Ngọc 5 tuổi, bộ phim đầu tiên hai người hợp tác là Trò chơi nhỏ, Nguyễn Linh Ngọc dạy Lê Lợi Lợi diễn xuất, đáp lại Lê Lợi Lợi dạy Nguyễn Linh Ngọc nói tiếng Phổ thông nên hai người trở thành bạn thân.
Lê Lợi Lợi hồi tưởng, sau khi Nguyễn Linh Ngọc chết cô chỉ có thể ngắm nhìn cô bạn thân mãi, nhớ lại mỗi giây phút hai người ở bên nhau, vì quá cố gắng nhớ lại những kỷ niệm mà trong mắt của Lê Lợi Lợi không có nước mắt, vì đã không còn khóc nổi. Khi đó, Tiểu Ngọc – con nuôi của Nguyễn Linh Ngọc đã hỏi cô: “Sao dì không khóc?”. Bộ phim đã áp dụng phương thức “siêu liên kết” này để vượt thời gian cho thấy cô gái đóng vai Tiểu Ngọc mắt rướm lệ kéo góc váy của Lưu Gia Linh và hỏi: “Sao dì không khóc?”, càng khiến khán giả có cảm giác day dứt.
Nguyễn Linh Ngọc sinh ngày 26/4/1910 tại Thượng Hải. Năm 1926, Nguyễn Linh Ngọc gia nhập Công ty điện ảnh Minh Tinh và với kỹ năng diễn xuất xuất sắc, Nguyễn Linh Ngọc có tổng cộng 29 bộ phim trong sự nghiệp ngắn ngủi, giúp bà trở thành một trong những diễn viên bảo chứng phòng vé trong thời kỳ phim câm của Trung Quốc. Nhưng năm 1935, vào ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), Nguyễn Linh Ngọc đã uống thuốc tự vẫn gây chấn động làng giải trí thời bấy giờ, những lá thư điện tín đến từ khắp nơi đếm không xuể, người đến đưa tang Nguyễn Linh Ngọc ở Thượng Hải lên đến con số 200 ngàn người. |
Trịnh Nghi