Một vài kỷ niệm cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Chú Chỉ của tôi…

(TGĐA) - Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ từ biệt cõi trần vào ngày 20/3 sau thời gian bị bệnh tuổi già, thọ 90 tuổi. Ông là nhà biên kịch thế hệ đầu tiên, gắn với nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam được nhiều thế hệ khán giả yêu mến như Biển gọi, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Mối tình đầu, Thành phố lúc rạng đông, Người đàn bà bị săn đuổi Tạp chí Thế giới điện ảnh xin gửi tới độc giả một vài kỷ niệm của nhà Biên kịch Đinh Thiên Phúc với “chú Chỉ” – người tiền bối dẫn dắt mình vào nghề.

Nhìn lại sự nghiệp lừng lẫy của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của 'Em bé Hà Nội' Nhìn lại sự nghiệp lừng lẫy của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của 'Em bé Hà Nội'
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng

Tôi biết Nhà Biên kịch Hoàng Tích Chỉ, lần đầu tiên vào năm 1983.

Khi đó tôi thi vào khóa Tu nghiệp Điện ảnh (tuyển sinh đã tốt nghiệp Đại học, đào tạo Đạo diễn, Biên kịch, Lý luận phê bình, Họa sỹ và Chủ nhiệm phim). Tôi chọn Biên kịch. Trải qua 3 ngày thi căng thẳng, đến vòng cuối Thi vấn đáp. Chờ lâu quá, tôi và một ông bạn (Lâm Huy Nhuận) rủ nhau ra quán... uống rượu. Lúc trở vào thì chúng tôi là người thi cuối cùng. Tôi vào trước, Nhuận vào sau.

Hội đồng hỏi vấn đáp có 5 nhà Biên kịch lừng danh: Bành Bảo, Bành Châu, Hoàng Tích Chỉ, Trần Kim Thành, Nguyễn Thị Lợi. Câu hỏi đầu tiên: “Em biết gì về Điện ảnh Việt Nam?”. Có lẽ do hơi rượu, tôi trả lời tây tây: “Điện ảnh Việt Nam như cánh đồng hoang!”. Các thầy hơi nhăn mặt, hỏi tiếp: “Em đã xem phim nào của Việt Nam?”. Trả lời: “Dạ, em xem nhiều. Nhưng nhớ được 2 phim Tắt đènThành phố lúc rạng đông”. Các thầy quay tôi mòng mòng, tôi có rượu nên trả lời búa xua. Lúc ra khỏi phòng thì tỉnh lại, nghĩ chắc mình toi rồi. Nào ngờ vẫn trúng. Được tuyển thẳng về Hãng phim truyện Việt Nam, hưởng lương tập sự trong thời đi học 3 năm. Về sau tôi mới biết, chú Chỉ là một trong những người kiên trì bảo vệ tôi trúng tuyển.

Một vài kỷ niệm cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Chú Chỉ của tôi…
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ

Về Hãng, vấp ngay phải thủ tục hành chính: bắt viết giấy cam kết... không xin nhà. Thân cô thế cô, đành chấp nhận. Do không có chỗ ở, nên tôi không được đăng ký Hộ khẩu. Và do không được đăng ký Hộ khẩu, nên không được cấp... sổ gạo. Cứ hết 3 tháng tạm trú, lại phải xin giấy khác, nhờ thế mới được đong gạo. Gần một năm, nản quá, tôi đến bộ phận hành chính kêu ầm lên. Họ thản nhiên chĩa vào mặt tôi cái tờ giấy “không xin nhà”. Tôi cứng họng. Lúc đó, chú Chỉ đi ngang qua, gọi tôi vào Xưởng 1 (do chú làm Xưởng trưởng) hỏi chuyện. Tôi kể lại đầu đuôi. Chú Chỉ nghe, trầm ngâm, nói: để chú nhờ chú Hứa Văn Định giúp vụ này cho. Chú Chỉ viết giấy, bảo tôi đến nhà biên kịch Hứa Văn Định.

Tôi gặp chú Định. Nghe chuyện tôi, chú cười vang, nói: “Chúng nó hành mày rồi. Được, tao sẽ có cách”. Chú đưa tôi đến gặp chú Trần Đức, Tổng biên tập báo An ninh thủ đô. Chú Đức hỏi tôi cần đăng ký Hộ khẩu là phường nào. Tôi nói phường Bưởi. Chú Đức liền viết Giấy giới thiệu, cử tôi là cộng tác viên xuống viết bài. Tôi xuống phường Bưởi, tìm hiểu về mấy vụ đánh án ly kỳ, đăng liền 3 số. Lúc nhận báo biếu tôi cầm đến, các anh chị ở phường vui ra mặt. Và chuyện hộ khẩu của tôi được giải quyết êm đẹp.

Có hộ khẩu, có sổ gạo rồi, nhưng tôi vẫn phải lang thang ở nhờ khắp năm cửa ô. Kẹt một nỗi là tôi sắp... lấy vợ, mà một chỗ chui ra chui vào cũng không có. Tôi buồn, than thở với chú Hoà Tâm, vốn là Trợ lý Ban Tu nghiệp. Thế rồi một lần, chú Chỉ sang nhà chú Tâm lấy thuốc (hai chú cùng ở trong làng Đại Yên). Chú Tâm nhờ chú Chỉ giúp tôi chuyện chỗ ở. Hôm sau, chú Chỉ gọi tôi đến Hãng, dắt lên phòng Giám đốc Hải Ninh, nói thằng này viết được (lúc đó tôi đã có kịch bản Người thừa kế được duyệt làm phim), Hãng nên cho nó một chỗ để yên tâm viết lách. Chú Ninh gọi phòng hành chính lên, họ lại chìa cái giấy tôi cam kết không xin nhà. Chú Hải Ninh xem, nói: cậu đã cam kết thế này, còn cựa vào đâu nữa? Chú Chỉ nói: nó dại nên bị bắt ép. Thôi ông thể tất, giúp nó có chỗ nương thân. Có lẽ một phần nể chú Chỉ, một phần muốn tạo điều kiện cho một Biên kịch trẻ, chú Hải Ninh đã cho tôi “một túp lều”, vừa đủ chỗ “hai trái tim vàng”.

Một vài kỷ niệm cùng nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Chú Chỉ của tôi…
Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc

Năm 1988, tôi lấy vợ và có cậu con trai đầu lòng. Một hôm, chú Chỉ đến thăm, chúc mừng rồi nói: Chú đặt cháu viết 1 kịch bản phim video (sau này gọi là phim “mì ăn liền”), viết lấy tiền, không đứng tên. Cháu có nhận không? Tôi đồng ý. Chú Chỉ liền tạm ứng cho tôi một ít tiền. Tôi viết xong, gửi kịch bản cho chú. Vài ngày sau chú gọi tôi vào nhà, nói: Chú đọc rồi và rất vui. Cháu viết hấp dẫn đấy. Chú tạm ứng một nửa, còn lại khi phim sản xuất sẽ trả hết. Tiếp tục cộng tác với chú nhé. Tôi mừng rơn. Tết năm đó, tôi cho cả vợ con vào làng Đại Yên chúc Tết chú. Đến cửa ngõ nhà chú, tôi treo một bánh pháo rồi đốt. Pháo nổ ròn tan, không lép quả nào. Chú Chỉ có vẻ rất vui. Vào nhà chú, gặp cả anh Trần Phương, anh Tất Bình (ê-kíp đã làm nhiều phim video, trong đó có kịch bản tôi viết).

Dòng đời cuốn trôi. Năm 2011, tôi làm phim Vàng trong cát - 32 tập. Đây là bộ phim tôi vừa viết kịch bản vừa đạo diễn. Cơ duyên làm sao, quay phim Hoàng Tích Thiện - con trai út chú Chỉ - lại quay bộ phim này. Gần 3 tháng trong nắng gió Phan Thiết, Thiện đã say mê, nỗ lực giúp tôi hoàn thành tác phẩm. Thiện giống y chang chú Chỉ. Đã làm việc gì là làm đến tận cùng. Thiện quay rất đẹp. Sau khi Vàng trong cát phát sóng, các đoàn phim phía Nam bắt đầu đổ xô ra Phan Thiết. Sức hút ấy đến từ chính những khuôn hình tài hoa của Thiện. Biết hai anh em làm việc với nhau, thỉnh thoảng chú Chỉ lại gọi điện hỏi thăm, động viên. Thật tiếc là thời gian đó, dù tôi năn nỉ mời, nhưng chú không sắp xếp vô được Phan Thiết.

Năm 2015, chú được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Gặp chú ở Cung Văn hóa Việt Xô, chúc mừng chú. Chú đã yếu, nhưng ánh mắt vẫn sáng, vẫn nắm chặt tay, dặn tôi cố viết nhiều vào, viết hay vào. Viết là sống!

Chú Chỉ ơi, nay chú đã bay về miền mây trắng. Ở nơi đó, chắc chú sẽ gặp chú Hải Ninh, cô Bạch Diệp, chú Hoà Tâm... Chắc các cô chú sẽ lại chụm đầu bên nhau, hăng hái, hồ hởi bàn tiếp về những bộ phim, những dự định còn dang dở, còn ấp ủ, còn khát khao của mình.

Còn cháu, người học trò của chú, mãi khắc cốt ghi tâm trong những ngày đầu lập nghiệp gian nan, đã được Chú (cùng nhiều Quý nhân khác) giang tay giúp đỡ. Noi gương Chú: còn sống còn viết!

Nhìn lại sự nghiệp lừng lẫy của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của 'Em bé Hà Nội' Nhìn lại sự nghiệp lừng lẫy của nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ - tác giả của 'Em bé Hà Nội'
Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng Nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ: Những vinh quang thầm lặng

Nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc