Nạn phân biệt chủng tộc trên phim: Nỗi đau còn mãi

(TGĐA) - Phải chăng vấn nạn phân biệt chủng tộc này vẫn đang hoành hành trên khắp đất nước Mỹ - vốn luôn được coi là biểu tượng của tự do? Bao năm nay, điện ảnh đã và đang cố tìm lời giải đáp, cho câu hỏi đầy đau đớn, khắc khoải này bằng những tác phẩm hàm chứa những thông điệp nhân văn nhiều tầng ngữ nghĩa.    

nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai Sói - Nhân vật được cưng không tưởng trong làng điện ảnh
nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai Vui Tết thiếu nhi 1/6 cùng 2 tựa phim hoạt hình hấp dẫn, đáng yêu tan chảy dành cho cả đại gia đình

Vết hằn khó xóa

Nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và tồn tại âm ỉ trong suốt chiều dài lịch sử của quốc gia này. Và mọi sự còn trở nên nghiêm trọng hơn, khi hình ảnh công dân Mỹ George Floyd bị một cảnh sát da trắng dùng đầu gối ghì gáy dẫn đến tử vong lan truyền chóng mặt trên các phương tiện truyền thông. Điều này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình và bạo động quy mô lớn trên toàn nước Mỹ. Có một thực tế là dù người da đen chỉ chiếm hơn 13% dân số Hoa Kỳ nhưng lại bị cảnh sát giết chết với tỷ lệ cao xấp xỉ gấp đôi người da trắng – theo thống kê mới cập nhật trên tờ Washington Post.

nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai
Martin Luther King Jr (giữa) trong bộ phim tiểu sử Selma

Nhắc tới những tác phẩm điện ảnh chọn mổ xẻ đề tài gai góc này phải kể tới Selma (2014) của Ava Marie DuVernay – nữ nghệ sĩ da đen đầu tiên giành giải đạo diễn tại Liên hoan phim quốc tế Sundance. Selma tái hiện cuộc đời của nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr, người từng coi hành trình đấu tranh cho quyền của người da đen là con đường rất dài. Và hành trình ấy, cho đến hiện tại vẫn chưa thể cán đích bởi những định kiến về người da màu vẫn luôn hiện hữu, chưa thể xóa bỏ hoàn toàn. Phải chăng cái kết viên mãn trong Green Book – tác phẩm đã từng đoạt giải Oscar năm nào thực ra chỉ là một happy-ending mà người ta tạo ra, để tự dối lòng rằng nạn phân biệt chủng tộc đã thực sự kết thúc.

Từ định kiến về người da màu

Câu chuyện Reservoir Dogs - bộ phim đầu tay của đạo diễn quái kiệt Quentin Tarantino bắt đầu bằng cảnh bốn người đàn ông chuyện phiếm trong xe. “Tao biết mình đang nói gì mà, gái da đen không giống gái da trắng”. “Vài khác biệt nhỏ thôi” - một gã khác đáp. “Cứ cười đi, mày hiểu ý tao mà, thứ mà gái da trắng rất giỏi chịu đựng được thì mấy ả da đen sẽ không nhẫn nại được quá một phút. Chúng có ranh giới và nếu mày vượt qua, chúng sẽ hủy hoại mày”. Điều này nói lên sự thật, rằng người da đen luôn cá tính và rất mạnh mẽ, không bao giờ chịu khuất phục. Họ sinh ra đã buộc phải mạnh mẽ kiên cường, bởi nếu không thế sẽ không tồn tại nổi trong xã hội luôn đầy rẫy sự miệt thị. Cứ nhìn vào văn hóa của họ thì sẽ thấy, Rap – Hiphop hay những bộ môn thể thao in đậm dấu ấn như bóng bầu dục, bóng rổ… đều thể hiện sức mạnh thể chất và ý chí tinh thần phi thường, điều mà bộ phim thuộc thể loại trào phúng Blackkklansman của đạo diễn da đen nổi tiếng Spike Lee gọi là “Black Power”.

nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai
Tạo hình của tổ chức KKK trong Blackkklansman

Đến những lời nói dối trắng trợn

Vậy điều gì đã khiến họ từng phải chịu kiếp nô lệ trong nhiều thế kỷ? Đó là những lời nói dối trắng trợn cùng hành động tàn độc, phi nhân tính của bộ máy cầm quyền, vốn được cầm đầu bởi những người da trắng có thế lực và tiền bạc. Xin được trích dẫn hai câu thoại trong bộ phim Blackkklansman kể trên, một của David Duke– người đứng đầu của Ku Klux Klan, tổ chức da trắng cực đoan luôn chọn người da màu, dân Do Thái, cộng đồng LGBT và gần đây là người Công giáo làm đối tượng giết chóc. “William Shockly - người mở ra thời đại điện tử đã chứng minh, rằng chảy trong huyết quản của mỗi chúng ta có gien của giống loài thượng đẳng. Đó là sự thật, không thể bị bóp méo”.

Và hai là lời của viên cảnh sát ngầm Ron Stallworth, “một dân mọi tốt thì được việc thế đấy, như thể một con chó tốt vậy” khi nói về bà quản gia của David Duke. Khó có thể quên câu thoại của Calvin Candie (do Leonardo DiCaprio thể hiện) trong Django Unchained của Quentin Tarantino, khi nói về người nô lệ vốn là quản gia cũ của mình. Lấy ra một cái sọ người - “Đây là Joe” - Calvin giới thiệu. “Joe già đã sống ở đây trong một thời gian dài, đã chăm sóc ông nội rồi cha tôi. Người đã chăm sóc tôi, nuôi lớn con trai một chủ đồn điền lớn ở Mississippi và giúp một người da trắng tiếp xúc với rất nhiều… khuôn mặt da đen. Bao quanh tôi là những người da đen và nhìn họ mỗi ngày, tôi chỉ có một câu hỏi: Tại sao họ không giết chúng tôi? Trong hộp sọ của người châu Phi, khu vực gắn liền với sự phục tùng lớn hơn bất kỳ chủng tộc nào trên trái đất”. Đó là một vài chi tiết nhỏ để tố cáo lời nói dối trắng trợn của người Mỹ da trắng đối với người Mỹ gốc Phi nói riêng và người da màu nói chung, rằng người da đen không thể làm được những điều như “giống nòi thượng đẳng”.

nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai
Màn hóa thân đầy cuốn hút của Leonardo DiCaprio trong vai Calvin Candie

Điểm nhấn của dòng phim này là tác phẩm High Flying Bird của đạo diễn Steven Soderbergh tái hiện những ngôi sao da đen của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA phải vật lộn để khẳng định giá trị trước những ông lớn da trắng dù trong tay đã có cả sự nghiệp cũng như danh vọng. Nhưng tất cả đều không đủ sức để xoa dịu cơn thịnh nộ của đám đông người da màu đang nổi giận những ngày này. Sự kích động ngoài tầm kiểm soát của họ đã khiến ngay cả siêu phẩm Gone with the wind năm 1939 với nội dung ủng hộ chế độ nô lệ cũng đã bị dừng chiếu tại nền tảng HBO Max vì lo ngại bạo động tăng cao sau cái chết của George Floyd.

nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai
Hattie McDaniel - Người phụ nữ và cũng như người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành tượng vàng Oscar danh giá cho vai Mammy (Gone with the wind)

Từ những hành động phi nhân tính

Khó thể diễn tả được sự cùng cực cùng nỗi đau mà người da đen đã phải hứng chịu. Chế độ nô lệ đã bắt đầu tại Mỹ từ những ngày đầu lập quốc và được coi là hợp pháp tại tất cả 13 thuộc địa vào thời điểm Tuyên ngôn độc lập năm 1776. Người da đen được coi như hàng hóa để trao đổi và mua bán, thuộc toàn quyền sở hữu của những người chủ da trắng giàu có. Họ phải làm những công việc nặng nhọc nhất để thỏa mãn tham vọng làm giàu của chủ.

Như lão quản gia biến chất của Calvin Candie từng nói: “Là một nô lệ cho đến ngày mày chết, mày sẽ vung vẩy cái búa tạ để đập những tảng đá lớn thành những viên đá nhỏ. Họ sẽ lấy đi tên cúng cơm và cho mày một con số. Họ sẽ bắt mày làm việc, cho đến khi cái lưng gẫy vụn, rồi sau đó đập vỡ sọ và ném mày xuống cái hố cùng đám mọi đen”. Các công ty khai thác mỏ, các đồn điền cao su... từng là mồ chôn hàng triệu người da đen. Đó thực sự là trang sử đẫm máu và nước mắt trong lịch sử nước Mỹ.

Nhưng kể cả sau khi Abraham Lincoln lên làm tổng thống và bãi bỏ chế độ nô lệ, thì người da đen vẫn không nhận được sự tự do mà họ mong mỏi. Có thể cảm nhận điều đó qua bộ phim kinh điển To kill a Mockingbird năm 1962 được chuyển thể từ tiểu thuyết gốc từng đoạt giải Pulitzer của Harper Lee và 12 Angry Men năm 1957 của đạo diễn Sydney Lumet nói về những bất công còn tồn đọng trong xã hội Mỹ thời kỳ hậu chế độ nô lệ, khi người da đen vẫn không nhận được sự công bằng trong các tòa án tối cao của Mỹ. Luật sư Atticus Finch trong To kill a Mockingbird là người dám đứng lên chống lại sự mục rữa và thối nát của cả chế độ khi cố minh oan cho một bị cáo da màu trước bồi thẩm đoàn toàn người da trắng. Nhưng bỏ ngoài tai mọi lý lẽ và sự logic không thể chối cãi, anh này vẫn bị kết tội chỉ vì màu da của mình. Câu chuyện còn gây ám ảnh hơn nữa khi anh bị bắn chết trong lúc chạy trốn vì quá tuyệt vọng. Trong 12 người đàn ông thuộc bồi thẩm đoàn xét xử cậu bé người Puerto Rico vì tội giết cha ở 12 Angry Men, chỉ duy nhất một người dám đứng lên bảo vệ và dùng lý trí để thuyết phục những người còn lại – vốn không cần tới năm phút để tuyên có tội. Và sự bất công này còn được vạch trần trong nhiều tác phẩm kinh điển khác nhưGreen Mile hay Blackkklansman.

Đến những định kiến cần nhanh chóng xóa bỏ

Chúng ta khó có thể hiểu được những gì mà người da đen phải gồng mình chịu đựng trong suốt hai thế kỷ địa ngục dài đằng đẵng nhưng nhờ phim ảnh, ta có thể hình dung và hiểu được phần nào những mất mát tổn thương của họ, nhất là khi ngày càng có nhiều nghệ sĩ da màu tài năng tạo ra những bộ phim có góc nhìn hoàn toàn mới mẻ như Spike Lee, Jordan Peele… Họ sẵn sàng phá bỏ định kiến đeo bám không rời, để chứng minh những người anh em ngã xuống là không vô ích. Và không thể không nhắc đến những hy sinh to lớn của những con người vĩ đại đã dành cả đời theo đuổi và đầu tranh vì nhân quyền như Abraham Lincoln, Nelson Mandela, Martin Luther King

Nhưng những nỗ lực đó chỉ là bề nổi của tảng băng, cuộc sống của nhiều người da màu hiện tại dường như vẫn chìm đắm trong nghèo khổ, ma túy, sự khinh miệt và bế tắc như trong Moonlight – tác phẩm đoạt Oscar năm 2016 của Barry Jenkins. Những từ ngữ miệt thị như Nigger, Negro và những nỗi đau sẽ còn mãi không phai trong tâm trí của những người Mỹ gốc Phi.

Là người trẻ, sứ mệnh của chúng ta là phải xóa bỏ những định kiến của xã hội cũ, như Kwame Ture trong Blackkklansman đã nói: “if I am not for myself… who will be? If I’m for myself… who am I? If not now, when? And if not you…who?” (dịch: "Nếu tôi không sống vì bản thân... ai sẽ? Nếu tôi chỉ sống vì bản thân... tôi là ai? Nếu không phải bây giờ, khi nào? Và nếu không phải bạn, .. ai?

nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai Sói - Nhân vật được cưng không tưởng trong làng điện ảnh
nan phan biet chung toc tren phim noi dau con mai Vui Tết thiếu nhi 1/6 cùng 2 tựa phim hoạt hình hấp dẫn, đáng yêu tan chảy dành cho cả đại gia đình

Trương Tuấn Nghĩa