(TGĐA) - Mỗi dịp LHP cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những gì đã làm được qua các tác phẩm điện ảnh kể từ LHP trước đến LHP sau, cụ thể từ LHP XIX đến LHP XX để xem chúng ta đã thành công ở lĩnh vực nào và còn gì chưa thành công cần tìm ra nguyên nhân để tháo gỡ, cố gắng tập trung hoàn thiện nó trong thời gian tới.
Về sản xuất phim
Để nói về một nền điện ảnh của một nước không ai hỏi anh rằng mỗi năm anh nhập được bao nhiêu phim nước ngoài về chiếu mà người ta sẽ chỉ hỏi ở nước anh mỗi năm sản xuất được bao nhiêu bộ phim, có bộ phim nào hay, nổi tiếng không? Chính vì thế, khâu sản xuất, theo cá nhân tôi, là khâu quan trọng nhất, cần được quan tâm hàng đầu một cách thiết thực nhất. Các khâu khác, theo tôi, cũng quan trọng không kém nhưng chỉ xin đứng thứ nhì thôi. Khâu này hiện nay có hai mặt nổi và chìm.
| |
Bộ trưởng Bộ VH - DL (thứ 2 từ phải qua) trao giải Bông sen Vàng cho đoàn làm phim Em chưa 18 |
Đó là về số lượng. Điều đặc biệt nhất trong LHP Việt Nam lần thứ XX là lần đầu tiên vắng bóng hoàn toàn các tác phẩm được sản xuất tại các Hãng phim lớn của Nhà nước là: Hãng Phim truyện Việt Nam và Hãng phim Giải phóng – những nơi mà các kỳ LHP mươi, mười lăm năm trước thường gây được chú ý bởi các tác phẩm có chất lượng, đề cập được đến những vấn đề xã hội mà mọi người quan tâm. Phim được giải cao, các đạo diễn diễn viên cũng nổi bật lên một cách xuất sắc trong các tác phẩm được giải của mình. Tới những LHP gần đây thì những tác phẩm ấy lưa thưa dần. Sự lưa thưa này có nguyên nhân sâu xa là nguồn ngân sách của Nhà nước không còn đáp ứng cho nhu cầu sản xuất của các Hãng này như trước. Và cho đến LHP lần thứ XX thì ngưng hẳn, thiếu vắng hẳn các tác phẩm của các nhà đạo diễn gạo cội. Đây quả là điều rất đáng buồn và là điều không thể không suy nghĩ. Bù lại sự thiếu hụt phim của các Hãng lớn có bề dày truyền thống thì phim tham dự LHP lần thứ XX lại hoàn toàn của các Hãng phim tư nhân. Những năm gần đây, số lượng phim được sản xuất của các Hãng tư nhân ra đời ào ạt. Thay vì các con số ít ỏi xưa kia 5,10 phim/năm thì nay ta đã có con số khả quan 35 - 40 phim/năm. Nghe nói trong TP. Hồ Chí Minh, không tuần nào là không có phim bấm máy cũng như không tuần nào là không có phim ra rạp. Ở đây tôi chỉ nói đến phim điện ảnh – phim chiếu rạp, nên không thể liệt kê đến phim TH nhiều tập được sản xuất rất nhiều, đã và đang phủ sóng trên các kênh TH Trung ương và TH địa phương.
Rõ ràng là, nếu nhìn vào những số lượng phim được sản xuất hàng năm, ta thấy đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Đáng mừng ở chỗ rất nhiều nhà sản xuất tư nhân đã quan tâm đến lĩnh vực điện ảnh, đã dám bỏ vón đầu tư vào lĩnh vực may ít, rủi ro nhiều này. Vì thế rất nhiều đạo diễn trẻ, diễn viên trẻ có cơ hội thử sức và ngày càng khẳng định được tay nghề cũng như vị trí của mình trong làng điện ảnh. Sự khẳng định tên tuổi, khẳng định được vị trí cũng đồng nghĩa với sự được bảo đảm về công việc sáng tạo, luôn được các nhà đầu tư, các nhà sản xuất, đạo diễn mời mọc, khẳng định giá trị bằng cát-sê ngày một cao và nhận được sự tôn vinh trong các hoạt động lớn của điện ảnh. Rõ ràng, nếu anh lao động sáng tạo trong sự cố gắng hết mình và có tài năng thì bao giờ cũng được đền bù một cách xứng đáng.
| |
Đoàn điện ảnh Việt Nam tại buổi lễ Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Đà Nẵng |
Nhân đây cũng xin có một đề nghị là ngoài những giải thưởng cho phim, cho các thành phần sáng tác nên có thêm phần thưởng cho các nhà sản xuất. Trước đây chúng ta coi đạo diễn là số một, thì nay số một này đã được chuyển sang nhà sản xuất. Nếu nhà sản xuất nào có được “con mắt xanh” về đầu tư (lựa chọn được tác phẩm ăn khách đạt doanh thu cao lại đề cao được giá trị chân thiện mỹ trong tác phẩm mà mình sản xuất) thì sẽ được giải thưởng. Có vậy mới khuyến khích được người tài trong lĩnh vực then chốt mà chúng ta đang còn thiếu hụt này.
Về chất lượng. Phần trên, tôi mới đề cập đến hiện tượng của các con số. Bây giờ xin đi vào bản chất của hiện tượng đó. Đó là chất lượng nghệ thuật trong các tác phẩm điện ảnh. Trong tất cả các loại hình nghệ thuật, số lượng dù có nhiều mấy cũng chưa nói lên được điều gì nếu như chất lượng không đồng nhất với nó. Có nhà văn viết đến mấy chục đầu sách nhưng vẫn chưa phải là nhà văn. Có nhà thơ cả đời làm rất ít nhưng lại có những câu thơ neo được vào trong trí nhớ bạn đọc. Có người vẽ cả phòng tranh nhưng may ra được một bức mà giới làm nghề cùng những người sành tranh trầm trồ thì cũng là quá giỏi. Nhưng đó là những loại hình nghệ thuật đơn thương độc mã, chỉ tốn sức của một người sáng tạo đơn nhất. Điện ảnh của chúng ta nghiệt ngã hơn nhiều. Bởi một tác phẩm điện ảnh ra đời tốn công sức của hàng trăm con người từ đạo diễn chính cho tới người làm việc phụ động thô sơ nhất. Mất hàng chục tỷ cho đến vài chục tỷ tiền đầu tư. Nếu phim ra đời mà không được đón nhận, người trong giới cũng như khán giả quay lưng vì nó không hay, không hấp dẫn thì thiệt hại không biết đâu mà lường. Bán nhà, nợ nần, gục ngã, suy sụp là không tránh khỏi. Tất nhiên chúng ta không bao giờ mong muốn điều đó. Vì thế, cái cần nhất của một tác phẩm nghệ thuật phải là chất lượng. Chất lượng nghệ thuật phải được đưa lên hàng đầu.
Hiện tượng nhà nhà làm phim người người làm phim, theo tôi chỉ nên mừng một nửa thôi. Một nửa là lo âu. Bởi rất nhiều người chưa am tường về điện ảnh cũng nhảy vào làm phim – điều này ắt sẽ dẫn đến sự ra đời của những sản phẩm kiểu “thích gì làm nấy!” non yếu về tay nghề đã đành còn non yếu và nông cạn về ý tưởng, hời hợt giản đơn, vô lý, thiếu logic về kết cấu câu chuyện. Trong khi những người được học hành bài bản, lúc nào cũng đau đáu với nghệ thuật, làm nghệ thuật một cách kỹ lưỡng cẩn trọng thì lại “ngồi chơi xơi nước” không có điều kiện để làm như đội ngũ ở hai Hãng phim lớn tôi vừa nhắc ở trên. Đó là sự bỏ phí chất xám rất đáng tiếc. Tôi ước gì hai mặt của một vấn đề này biết phối hợp lại với nhau, biết dung hòa, biết lấy những điều tốt căn bản ở nhau để tập trung cho một tác phẩm điện ảnh thì biết đâu chúng ta sẽ có được những sản phẩm tốt phục vụ xã hội. Số lượng sẽ song hành cùng chất lượng.
| |
Hình ảnh trong buổi giao lưu giữa nghệ sỹ điện ảnh Việt Nam và cán bộ chiến sỹ Bộ chỉ huy Quân sự Đà Nẵng |
Trong tình hình hiện nay, kinh tế phát triển vượt trội nhưng các tác phẩm văn học nghệ thuật chưa tiến kịp, chưa phản ánh kịp, chưa có đỉnh cao cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta chưa tiếp cận được với cái mới mẻ, nhân tố mới mẻ trong cuộc sống bao la bộn bề những vấn đề nóng hổi. Chúng ta vẫn chỉ loanh quanh với các đề tài dễ, làm lại vô thưởng vô phạt như phim hài, phim ma, phim hành động truy tìm, đuổi bắt hoặc tình yêu tay ba tay tư éo le melo mong cuốn hút khán giả đến rạp để thu hồi vốn .
Những mong muốn và khát vọng
Chúng ta có một thiếu sót lớn là chưa xây dựng được những tác phẩm lớn, đồ sộ, công phu về lịch sử dựng nước và giữ nước, chưa xây dựng được những bộ phim phản ánh những nhân tố mới làm thay đổi diện mạo đất nước trong rất nhiều lĩnh vực của ngày hôm nay. Tất nhiên, sản xuất phim rất cần đa dạng về đề tài, đa dạng phong cách (Phim giải trí, phim thương mại mà hay được nhiều đón xem thu hồi được vốn, có lãi là rất tốt) nhưng dòng chủ đạo vẫn phải quan tâm và không thể thiếu vắng bên cạnh các dòng chảy khác nhất là trong mỗi kỳ LHP quốc gia. Không có dòng chủ đạo sẽ không tải nổi những đề tài lớn mà tôi vừa đề cập ở trên. Muốn vậy, chúng ta cần tôn trọng, gìn giữ và phát triển dòng phim này. Tôn trọng, gìn giữ và tạo điều kiện cho những nghệ sĩ có tay nghề, có mơ ước và mong muốn làm về dòng phim này có cơ hội phát huy sáng tạo của mình. Đừng để hai nơi từng sản xuất những bộ phim truyền thống như thế mai một và mất đi. Có thể thay đổi cơ chế hoạt động cho hai nơi này nhưng những thương hiệu lớn như Hãng PTVN, Hãng phim Giải Phóng, đã là những địa chỉ tin cậy trong suốt chiều dài của lịch sử, thì cần phải được gìn giữ và phát triển!
Những năm vừa qua, quả thật chúng ta chưa có đủ tài lực, vật lực để chí thú cho nó. Một vài phim tư nhân có động đến nhưng cũng mới chỉ là ở bên ngoài. Thiết nghĩ, mở ra nhiều hướng làm phim, nhiều hướng sáng tạo về diện rộng nhưng đồng thời cũng cần chú trọng đến chiều sâu, tìm tòi cân nhắc nghĩ ngợi trước mỗi tác phẩm chúng ta sẽ làm để không uổng phí tiền bạc và công sức. Biết tiếp thu và kế thừa truyền thống điện ảnh dân tộc đã đúc kết được của gần 60 năm phát triển của phim truyện nước nhà, chúng ta có rất nhiều kinh nghiệm và bài học xương máu… Nghĩ ngợi làm sao để phim chúng ta làm mang đậm bản sắc dân tộc, không bị lai căng bắt chước phim nước ngoài.
| |
Hội thảo LHP Việt Nam trong sự nghiệp phát triển điện ảnh dân tộc |
Mong sao mỗi bộ phim được sản xuất ra không chỉ thu hút người xem trong nước mà còn vươn được ra với thế giới. Phim không chỉ bán được ở rạp trong nước hay nước ngoài mà còn vươn tới được những LHP tầm cỡ thế giới và được giải thưởng. Có vậy, vị thế của điện ảnh dân tộc sẽ được tôn vinh và đất nước cũng vì thế được biết đến trên toàn cầu với một hương vị khác thông qua tác phẩm điện ảnh.
Chúng ta đã bước vào giai đoạn mới - hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm điện ảnh mới sâu sắc, hấp dẫn mang đậm tính dân tộc và tính nhân văn hơn.
Nguyễn Thị Hồng Ngát