(TGĐA) - So với phụ nữ của nhiều quốc gia khác, người phụ nữ Việt Nam luôn có vị trí và vai trò đặc biệt trong mọi hoàn cảnh xã hội. Sống trong một đất nước chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, Khổng giáo, người phụ nữ Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng khi thời cơ đến, họ đã vùng lên mạnh mẽ, chứng tỏ vai trò và giá trị của mình. Những gương hy sinh lẫm liệt của những người phụ nữ trong các cuộc khởi nghĩa chống phong kiến phương Bắc, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ… đã chứng minh rõ nét. Nền điện ảnh cách mạng đã khắc họa sâu sắc hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với đầy đủ vẻ đẹp của họ.
|
Nhìn sang các quốc gia gần chúng ta như Nhật Bản, Hàn Quốc, hình mẫu điển hình của người phụ nữ luôn là “vợ hiền mẹ khéo”. Sau khi kết hôn, ở nhà nội trợ. Phụ nữ Trung Hoa với tục bó chân cũng bị hạn chế công việc xã hội. Ngay những phụ nữ Đức trong thời chiến cũng chỉ làm công việc gia đình. Nhưng ở Việt Nam, với truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, hình ảnh người phụ nữ ngày càng được khắc họa đậm nét trong các tác phẩm điện ảnh. Hình ảnh người phụ nữ từ bỏ trang phục truyền thống, khoác lên người bộ quân phục, đã trở nên quen thuộc. Họ đảm nhận những công việc của những người dân công, thanh niên xung phong, san núi mở đường dưới bom đạn quân thù. Họ là những chiến sỹ thông tin, y tá, bác sỹ quân y ngoài mặt trận. Họ là những chiến sỹ lái xe, những xạ thủ pháo binh trực tiếp chiến đấu. Họ là những người vợ có chồng chiến đấu ngoài mặt trận, đảm nhận công việc hậu phương. Họ là những bà mẹ có con ra trận, đảm nhận công việc của đàn ông. Họ là những người chịu đựng khổ đau và hy sinh lớn nhất.
Cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta luôn là cuộc chiến tranh nhân dân. Hình ảnh những người phụ nữ, không chỉ ở hậu phương, mà luôn ở tuyến đầu, trực tiếp chiến đấu với quân thù. Điều này không có nhiều trong các nền điện ảnh khác. Họ nối tiếp truyền thống của những nữ anh hùng như Bùi Thị Xuân, Cô Giang, Cô Bắc, Nguyễn Thị Minh Khai… Bộ phim Người con gái đất đỏ của đạo diễn Lê Dân đã ngợi ca tinh thần chống Pháp quả cảm của cô gái Võ Thị Sáu, một “Nữ Thánh” của người Việt. Không những anh dũng trong chiến đấu, khi bị giặc bắt, người thiếu nữ mới 16 tuổi này đã thể hiện sự bất khuất trước kẻ thù. Khi bị giam trong tù, cô cũng thật kiên trung. Bất chấp luật pháp của một nước gọi là văn minh, giặc Pháp mang người con gái chưa đến tuổi vị thành niên ra tử hình. Điều đó càng chứng tỏ sự đê hèn và dã man của những kẻ xâm lược. Cái chết của người con gái đồng trinh này đã được nhân dân cùng sông núi thiêng liêng phong Thánh.
|
Trong cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, chúng ta có Đường mòn Hồ Chí Minh nổi tiếng thế giới. Nhưng những người làm nên sự sống huyền bí và sức sống bền bỉ của con đường huyền thoại này chính là những cô gái thuộc lực lượng Thanh niên xung phong – một lực lượng độc đáo và chỉ có ở Việt Nam. Bộ phim Ngã Ba Đồng Lộc đã phần nào khắc họa chân dung bình dị và cái chết bi thương của những người sống dưới bom, hít thở khói bụi và hy sinh khi vẫn cầm vũ khí là xẻng cuốc trong tay. Vũ khí thô sơ nhưng tâm hồn cao đẹp. Họ làm những công việc chân tay nhưng với tình yêu Tổ quốc, với khát vọng mở những con đường cho sự nghiệp thống nhất đất nước, giang sơn liền một dải. Cuộc đời và cái chết của họ là khúc ca bi tráng, lẫm liệt của những người con gái Việt Nam trong chiến tranh.
|
Ở miền Nam, vùng Đồng Tháp Mười mênh mông sông nước. Có hai vợ chồng nông dân và đứa con nhỏ tồn tại nơi này trong cuộc chiến tranh. Trên mặt nước, họ đưa những người lính vượt sông nước. Trên trời, họ chiến đấu với không lực Hoa Kỳ - một lực lượng đông nhất, mạnh nhất thế giới. Nhà của họ là cái chòi. Và họ sống như một gia đình – có đứa con làm chứng. Người chồng hy sinh. Người vợ vừa nuôi con, vừa tiếp tục làm công việc đưa bộ đội hành quân trên sông nước, vừa cầm súng chiến đấu với không quân Mỹ. Một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức. Nhưng nhân vật Ba Đô và Sáu Xoa đâu có sợ. Họ bình tĩnh chiến đấu. Khi người chồng hy sinh, người vợ thay chồng cầm súng. Chị bắn rơi máy bay Mỹ, Phi công Mỹ tử trận. Chị thấy trong túi áo kẻ thù có tấm ảnh gia đình – cũng như gia đình chị. Một cảm xúc xốn xang. Người Việt Nam là vậy. Các nhà làm phim Nguyễn Quang Sáng và Hồng Sến không bình luận, không giải thích. Bộ phim Cánh đồng hoang đã đoạt giải thưởng Lớn tại Liên hoan Moskva năm 1981.
|
Trong lĩnh vực y tế, một lĩnh vực vô cùng thiết yếu trong chiến tranh, hình ảnh bác sỹ Đặng Thùy Trâm chói sáng ngay trong vùng lính Mỹ kiểm soát. Chị là một nữ bác sỹ rất Việt Nam. Chị vào mặt trận ác liệt nhất. Chăm sóc thương binh với cả tình thương. Lo cho họ miếng cơm, manh áo. An ủi, vỗ về những vết thương. Nhưng sau những công việc vất vả, bề bộn ấy, là trái tim khao khát tình yêu. Chị ra trận với tiếng gọi tình yêu. Nhưng tình yêu ở chiến trường, nơi cực kỳ nguy nan, không trả lời chị. Song chị không gục ngã. Bởi cao hơn tình yêu nam nữ bình thường còn có một tình yêu khác. Tình yêu lý tưởng. Lý tưởng gì? “Đêm qua tôi mơ thấy hòa bình”. Chị thảng thốt trong Nhật ký. Đấy là giấc mơ chung của hàng triệu người Việt Nam suốt mấy chục năm chiến tranh ròng rã. Nhưng nó được cất lên từ một người bác sỹ ở nơi nhiều hy sinh nhất, mất mát nhiều nhất và cô đơn nhất. Bộ phim Đừng đốt! của đạo diễn Đặng Nhật Minh đã tạc nên chân dung người nữ bác sỹ cao đẹp của một thế hệ cao đẹp. Một người nữ bác sỹ làm đồng đội cảm phục là chuyện bình thường. Nhưng làm cho đối phương – kẻ đã bắn chết nữ bác sỹ phải run tay, khâm phục và sám hối – là một chuyện phi thường.
Còn những người phụ nữ ở hậu phương? Năm 1966, đạo diễn Vũ Phạm Từ đã làm bộ phim Cô giáo Hạnh. Câu chuyện kể về một cô giáo dành trọn tình cảm chăm sóc học sinh. Một tình huống xảy ra. Máy bay Mỹ ném bom xuống ngôi làng và trường học. Cô đã cứu các em, đưa đến nơi an toàn. Trong khi đó, cô còn đứa con nhỏ ở nhà? Ai sẽ giúp cô? Học sinh của cô, hầu hết đều là con của những người lính đang chiến đấu ngoài mặt trận. Khi cô trở về. Nhà sập. Đồ chơi con tan nát. Ngỡ con chết. Nhưng may sao, nó được bà cụ hàng xóm che chở. Có thể cốt truyện còn đơn giản, nhưng hình ảnh cô giáo Hạnh là điển hình của hàng vạn phụ nữ ở hậu phương trong thời chiến. Họ phải phân thân. Lo công việc tập thể. Lo việc gia đình. Giữ lòng thủy chung… Và cao hơn tất cả, bộ phim làm yên lòng những người ra trận, ấm lòng những người ở hậu phương. Họ thấy trong cô giáo Hạnh hình ảnh và mong ước của mình.
|
Năm 1984, đạo diễn Đặng Nhật Minh cho ra mắt bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười. Câu chuyện kể về một người phụ nữ tên Duyên, sau chuyến đi thăm chồng ở Biên giới, trở về trên chuyến đò, nghe tin chồng hy sinh. Chị bị choáng, ngã xuống sông. Được thầy giáo Khang đi cùng chuyến đò cứu giúp. Về nhà, ông bố chồng ốm nặng. Chị nhờ thầy giáo, thay mặt chồng, viết những lá thư, như bình thường, để yên lòng người cha. Câu chuyện giữa Duyên và Khang bị xóm làng di nghị. Khi người cha sắp mất, ông nói Duyên đi gọi điện cho chồng. Đến phút này, sự thật về người chồng của chị mới được hé mở… Đó chỉ là cái khung câu chuyện. Trong phim, đạo diễn đã dàn dựng nhiều trường đoạn rất cảm động. Đặc biệt, trường đoạn Duyên đi gặp chồng trong chợ Âm Phủ. Dù gặp, nhưng họ không cầm được tay nhau. Chồng cô giờ như một linh hồn. Song, cái tinh thần, cái tinh anh của người đã khuất vẫn luôn bất tử. Họ vẫn tồn tại cũng người thân, cùng quê hương, đất nước. Người xem vương vấn với vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt Nam, chiều sâu văn hóa tâm linh Việt Nam cũng như ám ảnh bởi số phận khắt khe cùng những gánh nặng vô hình đè lên thân hình mảnh mai nhưng vô cùng dẻo dai của người phụ nữ Việt Nam. Bộ phim đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng ở trong và ngoài nước. Năm 2008, nó được kênh truyền hình CNN bình chọn là một trong 18 phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.
Hình ảnh những người phụ nữ mang trên mình “sức nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể” như nhà văn Bungari Blaga Dimitrova viết về con người Việt Nam còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác. Họ cùng chồng xây dựng cuộc sống mới như trong Chuyện vợ chồng anh Lực; họ kiên trì giáo dục, cảm hoá những học sinh hư như trong phim Quyển vở sang trang; họ, dù làm công việc thấp hèn nhưng có tấm lòng lương thiện như phim Cô gái trên sông; một em nhỏ lạc gia đình trong đên chiến tranh nhưng không hề run sợ trong phim Em bé Hà Nội… Nếu đặt những phim về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, chúng ta có một bức tranh lập thể mang đầy đủ bản sắc và phẩm chất cao đẹp của con người Việt Nam. |
Hành trình của các nhân vật trong 'Maika' luôn gắn liền với hình bóng của những người phụ nữ (TGĐA) - Phụ nữ luôn có vai trò đặc biệt trong cuộc sống mỗi người. ... |
Người phụ nữ tuyệt vời ứng xử thế nào giữa dòng chảy ‘cá lớn nuốt cá bé’? (TGĐA) - Đằng sau thành công rực rỡ của những người phụ nữ hiện đại ... |
Lisa, Lưu Diệc Phi, Dương Mịch lọt top những người phụ nữ đáng ngưỡng mộ nhất thế giới (TGĐA) - Lisa (BLACKPINK), Lưu Diệc Phi và Dương Mịch là ba đại diện châu ... |
Đoàn Tuấn