Những kỷ niệm với Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần

(TGĐA) - Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần đã qua đời vào ngày 22/5 vừa qua, hưởng thọ 76 tuổi là tin buồn đối với gia quyến, bạn bè và những khán giả yêu phim ảnh Việt Nam. Thế giới điện ảnh xin được trích lại những kỷ niệm với Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần của Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng như một lời tri ân đến ông – vị nghệ sĩ đáng kính trong lòng nhân dân.

Đạo diễn 'Đất và Người' - NSND Nguyễn Hữu Phần mãi ra đi ở tuổi 76 Đạo diễn 'Đất và Người' - NSND Nguyễn Hữu Phần mãi ra đi ở tuổi 76
Tin tức mới nhất về tang lễ của Đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần Tin tức mới nhất về tang lễ của Đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần

1 – Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần là một trong những vị sư huynh của tôi, ông cùng lứa với những cây đa cây đề như: NSND Khải Hưng, NSND Tất Bình, đạo diễn NSƯT Đỗ Minh Tuấn v.v…

Khi trung tâm nghe nhìn – tiền thân của VFC – khởi động kế hoạch làm phim truyền hình và đạo diễn Khải Hưng được về làm phó giám đốc nghệ thuật thì đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần cũng rời xưởng phim Truyện về với trung tâm, lúc ấy ông đã có tên tuổi với những phim truyện như Chiếc bình tiền kiếp, Em còn nhớ hay em đã quên.

Những kỷ niệm với Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần

Khoảng năm 1995 – 1996 trung tâm chính thức mang tên “Hãng phim truyền hình” cũng là thời tôi bắt đầu khởi nghiệp nghề biên kịch. Viết để bán cho Hãng phim truyền hình, vậy là có thời gian và lý do la cà với các đạo diễn và tôi gặp anh. Tính anh cũng cởi mở và hay chuyện nên dễ gần.

Có lần anh rủ tôi đi ăn trưa, cơm gà và uống... pepsi - vì anh giống tôi, nhậu hơi kém - anh hỏi tôi, mày không học biên kịch à? ừm, dân triết à? Rồi anh vừa gặm đùi gà vừa gật gù khen: “Viết khỏe đấy nhưng nếu không học tý chút thì kiểu gì cũng mắc những lỗi của dân nghiệp dư, gọi là kiểu viết bản năng. Muốn chuyên nghiệp hả, bài đầu tiên phải học là, kịch bản điện ảnh không cần ngôn ngữ văn học nhé, đặc trưng của nó là ngôn ngữ hình ảnh, vậy thế nào là ngôn ngữ hình ảnh...”.

Và anh nói về ngôn ngữ hình ảnh, kiểu nói mà như kể chuyện, trong triết học là “từ trực quan sinh động đến suy tư trừu tượng” hay “từ nội dung cụ thể đến khái niệm”, có nghĩa rằng, anh kể những “pha” tuyệt đỉnh hay của những kiệt tác xi-ne thế giới, rồi anh đúc kết, đó là ngôn ngữ hình ảnh.

Anh bảo: Riêng học về ngôn ngữ hình ảnh, sinh viên trong trường phải học và rèn luyện bằng tiểu phẩm ngắn, tiểu phẩm không lời thoại, tức phim câm, mất hai năm, nhưng mày thì không cần hai năm, cứ đi ăn với tao vài buổi...

2 – Sau này, tôi viết kịch bản đã thạo nghề, viết được nhiều rồi thì anh chả dạy nữa, gặp nhau toàn ngồi tán chuyện rồi bình phim, khen ngợi phim này chê bôi phim kia, hoặc đôi khi ngồi bàn những bộ phim tương lai, gọi là chiếu phim bằng “mồm”.

Lối nói chuyện của anh đúng kiểu một nhà sư phạm – anh giống NSND Khải Hưng, học sư phạm và làm thầy giáo rồi mới đi học đạo diễn – rất điềm đạm khúc triết, đặc biệt lối phát âm rành rọt, tròn vành rõ chữ, đôi khi hơi nhẩn nha, rề rà... rất thầy giáo

Mặc dù anh không phải đạo diễn phim hài – anh chưa làm kịch bản của tôi bao giờ - nhưng nói chuyện với anh thì kiểu gì ta cũng phải phì cười, đó là lối nói hóm hỉnh trong khi mặt cứ tỉnh bơ...

Những cú kiệt tác bất hủ sau này, về đề tài nông thôn rất nổi tiếng, được nhiều người biết đến, như Đất và Người, Ma làng, Gió làng Kình.v.v… đều chứa nhiều chi tiết hóm hỉnh, châm chọc nhưng phía sau lại là sự chua xót cay đắng nào đó mà phải rất thông minh, rất quái mới làm được...

3 – Có đợt các nghệ sĩ VFC rầm rộ làm đơn ra nhập Hội Điện ảnh, đại khái cũng giống như các nhà văn háo hức ra nhập hội nhà văn vậy. Anh bảo tôi: “Mày muốn vào hội không, làm đơn đi”, tôi thắc mắc: “Em nghe nói nhập hội phải có tiêu chuẩn gì cao phết”. Anh cười hề hề: “Tiêu chuẩn gì chứ, mày cứ làm cái đơn, có chữ ký của hai người giới thiệu, thì tao với lão Hưng ký, tao là Ủy biên ban chấp hành, lão Hưng là phó tổng thư ký, đủ to chưa? À, nói về tác phẩm hả, mày chả thừa tác phẩm rồi còn gì...”.

Lúc này tôi bắt đầu cò kè: “Vào hội thì em có quyền lợi gì, và trách nhiệm gì?”. Anh trả lời: “À thì vào hội sẽ được thỉnh thoảng đi họp, có chương trình giao lưu học tập bên tây chẳng hạn, hội sẽ cử đi, rồi bổ túc nghề, đi thực tế trại sáng tác, nói chung cũng nhiều quyền lợi phết, còn trách nhiệm thì phải sinh hoạt đều đặn và đóng hội phí”. Tôi bảo: “Để em cân nhắc đã, cứ nói đến đóng tiền là em phải thận trọng”, anh cười: “Mà hội hay không hội thì cũng thế, làm nghề thì phải có tác phẩm! Quan trọng là tác phẩm!”.

Những kỷ niệm với Đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần
Đạo diễn NSND Nguyễn Hữu Phần đang chỉ đạo làm phim

4 - Lần khác, khi VFC lần đầu làm phim bộ “cảnh sát hình sự”, đội biên kịch toàn nhà văn, công an hoặc nhà văn chơi thân với công an, nghiệp vụ và vốn sống đầy mình, kịch bản dài tới 30 tập, thời đó là kỷ lục, việc chuẩn bị sản xuất cũng rất rầm rộ.

Tôi hỏi anh: “Sắp làm cảnh sát hình sự, coi như mình bắt đầu có phim hành động anh nhỉ?”.

Anh cười bảo: “Hình sự nhà mình là hình sự điều tra mất dép thôi mà!”.

Tôi còn chưa hiểu thế nào là “hình sự điều tra mất dép” thì anh giải thích, đại khái thời bao cấp, cả ngõ phố chỉ có một hai nhà có tivi, tất nhiên đó là những nhà giàu, mà nhà giàu thì nền nhà lát gạch men. Buổi tối dân trong ngõ thường kéo đến... xem nhờ tivi, vì nhà lát gạch men nên guốc dép bỏ ngoài. Thời đó cũng ít người đi giày lắm, toàn đi dép thôi. Lúc tan cuộc hàng xóm ra về, thể nào cũng có người bị... mất dép. Thời đó, những đôi dép nhựa đại loại như dép tổ ong chẳng hạn, đi cũ nát ra, đứt ra rồi thì sẽ được hàn nối lại, cho nên có hẳn nghề “hàn dép”, và cũ cỡ nào vẫn có giá trị, nếu bạn thuổng được đôi tổ ong nát bươm, toàn mối hàn chồng chất, thì bạn vẫn cứ bán được cho... vựa đồng nát và tiền đủ một bữa thuốc lào trà bồm, gật gù nơi hàng nước không khác gì bây giờ ngồi quán bia hơi hải xồm vậy!

Những vụ mất dép xảy ra triền miên nên công an hình sự phường phải vào cuộc để săn lùng những gã chuyên… ăn cắp dép...

Thực sự thì thời tôi, những năm 90 thì những câu chuyện như vậy cũng đã lùi vào quá khứ rồi, nhưng tôi nghe anh kể mà cứ cười lăn.

Anh muốn nói rằng các vụ án hình sự toàn tào lao lặt vặt, tầm cỡ “mất dép” thôi, có gì mà ghê gớm.

5 – Những mẩu chuyện vui đẫm chất khôi hài với anh thì nhiều vô kể. Nhưng kể từ sau khi đạo diễn Khải Hưng về hưu, anh cũng nghỉ, tôi cũng ít lên VFC và hầu như không gặp anh nữa.

Lần gần nhất cách đây cũng vài năm, trên văn phòng công ty truyền thông nào đó mà nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã làm cố vấn, công ty tổ chức gặp gỡ một số công tác viên, trong đó có tôi và anh. Gặp tôi anh rất vui vì có người… dốc bầu tâm sự. Hai anh em kéo nhau ra hành lang hút thuốc và lại tán phét chủ đề viết lách và… bồ bịch. Khi đó anh vẫn khỏe và chưa có dấu hiệu bệnh tật...

Sau đó thì nghe tin anh dính K, cũng chưa một lần đến thăm, rồi hôm nay nghe tin anh ra đi, tôi sững sờ, vừa buồn vừa hối tiếc.

Đúng là cuộc sống là một chuỗi những hối tiếc. Có ai có thể sống mà ngạo nghễ tuyên rằng, tôi chưa hề hối tiếc điều gì, thì tôi sẽ phục lăn. Tôi thì hối tiếc đủ thứ!

Thôi thì, ai cũng đến lúc phải đi, dù đau buồn và nhớ anh, chỉ biết cầu mong ở nơi đó anh gặp lại bạn bè, dù anh không nhậu được, nhưng mọi người vẫn thích gần anh để nghe anh nói chuyện... về đủ thứ!

Vĩnh biệt đạo diễn – NSND Nguyễn Hữu Phần

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần sinh năm 1948 tại Hưng Yên, là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh.

Năm 1992, với sự bảo trợ của Hội Điện ảnh Việt Nam, ông cùng các đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Hoàng Nhuận Cầm, Phi Tiến Sơn thành lập Trung tâm Điện ảnh trẻ. Cùng năm này, ông sản xuất bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên và gặt hái thành công lớn, với 4 giải thưởng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI, tổ chức tại Hải Phòng năm 1993 gồm: Giải biên kịch xuất sắc, Giải phim hay nhất, Giải diễn viên và Giải âm nhạc.

Năm 1994, ông được đạo diễn Khải Hưng mời về Hãng Phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam, tham gia dự án phim Lẽ nào anh lại quên em. Năm 1996, bộ phim Những mảnh đời của Huệ do ông đạo diễn được khán giả yêu thích.

Bộ phim truyền hình Ma làng đã mang về giải thưởng Cánh diều Vàng Việt Nam cho Đạo diễn xuất sắc nhất - Phim truyền hình dài tập năm 2008. Các phim Gió làng Kình, Đất và Người cũng mang về nhiều giải thưởng dành cho phim truyền hình dài tập các năm 2003, 2008, 2009.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần được phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân năm 2015.

Đạo diễn 'Đất và Người' - NSND Nguyễn Hữu Phần mãi ra đi ở tuổi 76 Đạo diễn 'Đất và Người' - NSND Nguyễn Hữu Phần mãi ra đi ở tuổi 76
Tin tức mới nhất về tang lễ của Đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần Tin tức mới nhất về tang lễ của Đạo diễn - NSND Nguyễn Hữu Phần

Nhà biên kịch Đỗ Trí Hùng