(TGĐA) - Đã lâu không ngồi ghế chỉ đạo, lăn xả trên phim trường cùng với các đồng nghiệp; đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần giờ đây chọn cho mình cuộc sống bình lặng hơn, vui vẻ tuổi già bên gia đình, bạn bè… Tuy nhiên với đạo diễn của những bộ phim “huyền thoại” như Đất và người hay Ma làng, tình yêu nghề cháy bỏng dường như vẫn luôn thôi thúc ông Phần “nông thôn” tái xuất lần nữa…
Tôi làm phim 'Em còn nhớ hay em đã quên' | |
Tiểu thuyết giả tưởng phiêu lưu “Tuyệt đỉnh cổ vật” được chuyển thể thành phim |
|
Cuộc sống không ồn ã khiến bao người mơ ước
Tới với NSND, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tại căn nhà số 48 Hàng Đào, tôi cảm nhận vị đạo diễn tài ba ngày nào đang có cuộc sống hết sức thi vị. Chẳng cần ồn ã, hào nhoáng, chỉ cần được yên tĩnh và thỉnh thoảng ngồi nhâm nhi chén trà, ăn bữa cơm với bạn bè lâu năm, đó đã là niềm hạnh phúc lớn lao của NSND Nguyễn Hữu Phần.
Bất ngờ là ngay đối điện nhà ông, trong khoảng sân vườn tĩnh mịch đó, chính là căn nhà của NSND, nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Hai người nghệ sĩ từng là bạn học từ hồi... lớp 1. Khi thấy bạn mình đang loay hoay trong căn chung cư cao cấp đầy đủ tiện nghi, nhưng chẳng khác nào “cái hộp” buồn bã, nhà quay phim của Thương nhớ đồng quê mới gợi ý đạo diễn Nguyễn Hữu Phần về ở ngay đối diện nhà mình.
Địa chỉ số 48 Hàng Đào thành ra lại là nơi gặp mặt của giới làm phim thế hệ trước với hai người nghệ sĩ, tạo nên một bầu không khí ấm cúng giản dị. Với riêng Nguyễn Hữu Phần, đó mãi là những khoảnh khắc mà ông luôn trân trọng.
“Mọi người cứ bảo anh em chúng tôi có chuyện gì mà nói nhiều vậy? Thú thật đến tuổi này, tôi cũng vơi bớt đi nhiều bạn bè, những người còn ở đây đều là những anh em ‘hợp gu’, luôn luôn có chuyện để nói, có việc để làm. Thích thì ngày mai hò nhau một tiếng, thế là tất cả lại cùng lên xe đi du lịch một chuyến” – NSND Nguyễn Hữu Phần tâm sự.
Nghề làm phim ngày đó bạc lắm, nhưng vẫn cứ mê!
|
Làm phim thời nào cũng vậy, bao giờ cũng vất vả, chạy ngược xuôi lo toan đủ thứ cho tác phẩm mình làm ra, có khi bao nhiêu cũng không đủ. Bên ngoài hào nhoáng là vậy, nhưng bản thân ở trong mới thấy, nghề này “nhọc” ghê, nhiều lúc nghĩ chuyển qua làm cái khác có khi tốt hơn!
Thế mới biết những nghệ sĩ như Nguyễn Hữu Phần ngày xưa vất vả gấp nhiều lần ra sao. Hồi ấy trước khi đi học trường sư phạm, có một thời gian ông làm bê vác trong Xưởng phim truyện, biết được rất nhiều điều hay ho từ việc làm ra một bộ phim. Khi tốt nghiệp, công việc dạy học cứ đều đều qua năm tháng, khiến ông giáo thấy nhàm chán, lại nhớ về thuở “lông bông” đi theo đoàn phim nay đây mai đó, mỗi ngày lại trải qua một chuyện thú vị.
Bởi vậy ông quyết bỏ dạy học để xin vào làm ở Hãng phim truyện Việt Nam, kể cả lương có thấp đến hơn một nửa với nghề giáo nhưng vì… trót “phải lòng” nghệ thuật, ông tình nguyện được đi theo học hỏi các bậc đàn anh như: Phạm Văn Khoa, Bắc Xuyên, Nguyễn Ngọc Chung, Trần Vũ...
Sau khi tốt nghiệp đạo diễn khóa 1 trường Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và hoàn thành phim đầu tay trong sự nghiệp là Chiếc bình tiền kiếp (1990), Nguyễn Hữu Phần cùng rất nhiều anh chị em khác rơi vào cảnh “đói phim” vì sản lượng phim nhà nước bắt đầu thấp xuống.
Gần như chẳng có lấy kinh phí, thiếu thốn đủ thứ nhưng vì đam mê cháy bỏng, Nguyễn Hữu Phần đã cùng những tên tuổi khác, tiêu biểu là đạo diễn Lưu Trọng Ninh và nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm ghi dấu ấn sâu đậm trong làng điện ảnh lúc bấy giờ, với việc thành lập Trung tâm Điện ảnh Trẻ trực thuộc Hội điện ảnh Việt Nam. Nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng đầy nhiệt huyết, không quản ngại bất cứ việc gì để nuôi giữ ngọn lửa đam mê thực hiện bộ phim Em còn nhớ hay em đã quên (1992), Nguyễn Hữu Phần chia sẻ với tâm trạng đầy bồi hồi: “Chúng tôi hoạt động với phương thức vay vốn, rồi huy động vốn từ các ‘mạnh thường quân’, tôi tự mình bỏ ra thêm một ít, rồi tự đem phim đi tìm cách phát hành khắp cả nước. Dù vất vả, chúng tôi gần như thoát khỏi việc quản thúc về kế hoạch chi tiêu của hãng phim, đi khắp mọi nơi, thích quay gì thì quay, không ai quản lý, cũng chẳng ai thúc giục!”.
Em còn nhớ hay em đã quên đã mang về 4 giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 và còn được chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nguyên mẫu nhân vật chính khen ngợi.
Trong đoàn phim có những người mà đạo diễn Nguyễn Hữu Phần hầu như chẳng còn gặp lại, bởi theo ông, tình bạn trong đoàn phim thường “ngắn lắm”, làm phim xong là mỗi người đi một nơi. Nhưng ông hoàn toàn có thể khẳng định rằng, nếu không có những con người đặt tình yêu với tác phẩm lên trên chuyện tiền bạc, Em còn nhớ hay em đã quên đã chẳng thể nào thành công đến vậy.
Gần đây, bộ phim cũng được trình chiếu tại một câu lạc bộ điện ảnh ở Hà Nội, và NSND Nguyễn Hữu Phần lại có dịp kể cho những bạn trẻ về nam chính tài hoa bạc mệnh Lê Công Tuấn Anh, hay cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói rằng: “Phim này ông Phần ‘bịa’ ra đấy, nhưng rất giống tôi!”.
Nhiều khi vẻ hào nhoáng của nghệ sĩ chẳng phải do tác phẩm họ làm ra, mà đó lại là ngọn lửa nghề được nuôi dưỡng ra sao khi thời thế mỗi lúc đổi thay. Về điều này, những thế hệ như NSND Nguyễn Hữu Phần vẫn luôn là nguồn cảm hứng lớn lao, là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.
Ảnh hưởng của Đất và người, Ma làng và khác biệt với cách làm phim sau này
Để nói về Đất và người hay Ma làng – hai bộ phim truyền hình thuộc hàng kinh điển, tạo nên thương hiệu ông Phần “nông thôn”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nói cả ngày cũng không hết chuyện. Thực ra, khán giả nào đã yêu mến những bộ phim đó, đều thấy được ít nhiều hình bóng của Chu Văn Quềnh hay con Ló, thằng Dỏ trong các phim thế hệ hậu bối ngày nay. Nhưng để nói về cách khai thác nhân vật, hay ý nghĩa và thông điệp của câu chuyện lấy bối cảnh nông thôn, khó ai sánh được với Nguyễn Hữu Phần trong thời kỳ “đỉnh cao” của ông.
Nhân vật nổi tiếng Chu Văn Quềnh thực chất chỉ “sống” đúng 30 trang trong tiểu thuyết gốc, nhưng đạo diễn Nguyễn Hữu Phần đã sáng tạo cho nhân vật này thêm đất diễn cùng nét tính cách đặc sắc, có một không hai, khiến khán giả bấy giờ cứ mỗi khi tập mới của Đất và người phát sóng, chỉ muốn “hóng” xem nay thằng Quềnh sẽ làm gì, có câu thoại nào thú vị hay không?
|
Mà cho dù thằng Quềnh, con Ló, thằng Dỏ có lưu manh, thấp hèn ra sao thì bản chất họ vẫn là người lương thiện, chỉ vì hoàn cảnh nghiệt ngã xô đẩy, nên họ mới biến thành những kẻ vô sản lưu manh, bị người người khinh ghét, muốn dìm tới đáy xã hội. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần luôn đặt ra mục tiêu phải quán xuyến tất cả những yếu tố đó, cho dù phim của ông có nhiều nhân vật, nhưng mỗi người phải có câu chuyện trọn vẹn cho riêng mình.
Với phim đề tài nông thôn hiện giờ, câu chuyện “phố trong làng” hay “cơn bão thành thị” gần như là yếu tố chủ đạo, khi làng quê giờ đây đang ngày một đổi thay với những con đường láng mịn trơn tru, tiệm uốn tóc, cửa hàng thời trang, quán karaoke... Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn cho rằng dù có “phố trong làng” thì bản chất người nông dân vẫn là người nông dân, vẫn có những đặc tính riêng biệt. Nông thôn là nơi tập trung nhiều bậc nhất mâu thuẫn nhất về địa vị, về tranh chấp đất đai, về đời sống trong gia đình dòng họ, nên việc tìm hiểu nó là chẳng hề dễ dàng. Nếu người làm phim hiện giờ không dành thời gian để tìm tòi, nghiên cứu, sẽ khiến khán giả xem phim nông thôn mà chẳng khác nào thành phố.
Hồi làm phim Ma làng, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng yêu cầu NSND Bùi Bài Bình đi “lang thang” khắp nơi trước khi vào vai chủ tịch xã lưu manh. Dù có mất thời gian, Bùi Bài Bình vẫn tôn trọng ý kiến này. Sau đó, nam diễn viên kỳ cựu hoàn toàn thoát khỏi hình tượng nhân vật tri thức đóng khung với mình rất lâu trước đó, để cho ra một kẻ phản diện xuất sắc trên màn ảnh.
Mặt khác, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn luôn đánh giá cao sự tiếp cận mới mẻ của giới trẻ về công nghệ làm phim. Có một chuyện chuyện vui giữa ông và NSND Khải Hưng, đó là khi Khải Hưng tâm sự với người bạn chí cốt của mình rằng: bọn trẻ giờ “sợ” quá, làm phim nhanh hơn, làm phim truyền hình mà sử dụng đến đến 3 máy một lúc, rồi bất chấp cả những lý thuyết từng được học trên trường... Nhưng đến khi xem bản dựng, lại chẳng thấy có vấn đề gì.
“Chỉ sợ đến giờ đi làm phim với bọn trẻ, chúng nó lại bảo ‘Ôi ông già ơi! Ông làm chậm quá, ông làm thế này thì toi chúng con rồi!” - NSND Nguyễn Hữu Phần hóm hỉnh nói về tư duy làm phim cách biệt giữa lớp trẻ và thế hệ trước.
Chờ đợi Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần tái xuất! Thời điểm trò chuyện với tôi, NSND Nguyễn Hữu Phần vẫn còn ấp ủ một kịch bản phim với ý tưởng khá hấp dẫn, khi lấy cảm hứng từ vụ án tham nhũng Trần Dụ Châu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng điều tra và đưa ra xét xử mạnh tay. Cục Điện ảnh gần như đã duyệt kịch bản và chỉ đề nghị sửa chữa một số phần. Tuy vậy, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn cảm thấy chưa đủ và muốn tìm ra con đường khác, để nếu kịch bản được làm thành phim, khán giả sẽ cảm thấy được nhiều nét mới mẻ và không bị nhàm chán... |
Tôi làm phim 'Em còn nhớ hay em đã quên' (TGĐA) - Rất hiếm ca sĩ, nhạc sỹ nổi tiếng của Việt Nam được dựng ... |
Tiểu thuyết giả tưởng phiêu lưu “Tuyệt đỉnh cổ vật” được chuyển thể thành phim (TGĐA) - Tiểu thuyết phiêu lưu - hành động - giả tưởng Tuyệt đỉnh cổ vật của tác ... |
Quỳnh Anh