Những vấn đề tồn đọng ở phim Tài liệu – Khoa học Việt Nam

(TGĐA) - Để đánh giá thực trạng phim Tài liệu – Khoa học hiện nay cũng như nhìn nhận những ưu khuyết và cách khắc phục thì không có gì khách quan hơn tiếng nói của những người làm nghề. Tạp chí Thế giới điện ảnh xin đóng vai trò diễn đàn chung, gửi tới bạn đọc quan tâm những chia sẻ của các nhà làm phim hiện nay đang còn hoạt động năng nổ ở lĩnh vực này.    

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam 5 ‘bí quyết’ để làm ra một phim tài liệu ‘ăn khách’
nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam 12 bộ phim tài liệu phải xem năm 2020

Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước: Đầu tiên phải có bản lĩnh, rồi mới đến tri thức và tài năng!

Trước đây, Việt Nam chúng ta là một cường quốc về phim tài liệu như NSND – Đạo diễn Hải Ninh từng khẳng định, đã có thời điểm Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương liên tục giành 5 giải thưởng quốc tế gần sát nhau. Nhưng rồi, dường như Hãng bị trôi đi… Có thể nói, cho đến giờ phút này, ở Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương cũng có một vài gương mặt nổi lên như Trịnh Quang Tùng, Hoàng Dũng, Đặng Thị Linh... tuy nhiên, thế giới đã có sự thay đổi lớn về cách làm phim tài liệu, nhưng các bạn ở Hãng tôi cho rằng, vẫn bị chững lại, lúng túng trong cách làm phim dẫn đến chưa thuyết phục người xem.

Tuy nhiên, có thể nói trong khoảng 7 - 8 năm trở lại, có một nhóm làm phim tài liệu rất máu lửa là Phòng làm phim khoa học của VTV2 do đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm làm trưởng phòng (sau này chuyển sang Trung tâm phim Tài liệu – Phóng sự Đài Truyền hình Việt Nam). Phim mở đầu cho thành công của Lâm - Bí mật từ những pho tượng Phật - đã kích thích những anh em trong phòng hứng thú, hình thành phong cách làm phim khoa học mới hơn, hấp dẫn hơn và cũng giành rất nhiều giải thưởng cao trong nước.

Trong khi đó, có một dòng chảy âm thầm khác là những nhà làm phim độc lập như Trinh Thi, Trần Phương Thảo, Nguyễn Hồng Thắm, Đoàn Hồng Lê… phim của các bạn đi khắp thế giới. Tuy nhiên, các bạn ấy cũng chỉ như dòng chảy âm thầm, rõ ràng chúng ta cũng chưa quan tâm lắm đến các nhà làm phim độc lập, các bạn vẫn tự lặn lội với nhau. Và đó cũng là một điều thiệt thòi, tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm hơn đến những nhà làm phim độc lập.

Có lẽ ở mỗi thế hệ, những nhà làm phim tài liệu Việt Nam đã làm tròn nhiệm vụ của thế hệ họ. Nếu nhiệm vụ chung của phim tài liệu là tuyên truyền thì hai bộ phim Hà Nội trong mắt aiChuyện tử tế của đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, lần đầu tiên là một tiếng nói riêng, những quan điểm riêng, đi đến tận cùng của những vấn đề xã hội quan tâm, con người quan tâm... Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, xã hội đã thay đổi, chúng ta có ti tỉ thứ để xem, thành ra nếu có những phim tài liệu rất tốt cũng khó để khán giả quan tâm như giai đoạn đó. Nhưng tôi cho rằng, hiện tại có rất nhiều bộ phim hay và đáng xem như Hai đứa trẻ, Miền đất hứa, Chông chênh của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư hay Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của đạo diễn Nguyễn Hồng Thắm… và nhiều bạn trẻ khác thuộc dòng phim độc lập. Họ đang tiếp cận với cách làm phim của thế giới và mang đến sự tươi trẻ cho phim tài liệu. Người làm phim tài liệu đầu tiên phải có bản lĩnh, rồi mới đến tri thức và tài năng!

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn, NSND Nguyễn Thước

Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương: Chúng ta hiện vắng bóng tại các LHP quốc tế

Có một thực tế khiến chúng ta phải suy nghĩ là trong những năm gần đây trừ một số tác giả phim tài liệu của các đài truyền hình như Hồng Lê, Nhật Duy... đạt giải trong các Liên hoan quốc tế, các phim tài liệu, khoa học của điện ảnh Việt Nam hoàn toàn vắng bóng trong các Liên hoan phim quốc tế. Chúng ta đã tổ chức được 10 Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam, trong các liên hoan đó các bộ phim tài liệu của quốc tế trình chiếu cùng các phim tài liệu Việt Nam giúp chúng ta nhìn nhận những vấn đề cần suy nghĩ để nâng cao chất lượng phim trong thời gian hiện nay khi mà hội nhập quốc tế là yêu cầu tất yếu.

Đặc điểm có thể thấy rất rõ trong các tác phẩm tài liệu khoa học thành công là việc lựa chọn được đề tài, nhân vật thú vị là yếu tố quan trọng. Sau chiến tranh Việt Nam không còn là điểm nóng khiến cả thế giới quan tâm, nhưng sự phát triển của xã hội Việt Nam, con người Việt Nam vẫn là đề tài vô cùng phong phú, giàu có đối với những nhà làm phim tài liệu khoa học quốc tế, với khán giả quốc tế. Một trong những bài toán nan giải của phim tài liệu, khoa học chúng ta là phải động chạm đến những vấn đề mà công chúng quốc tế quan tâm, đi đến tận cùng điều mà khán giả quan tâm. Nhân tố thứ hai tạo nên tác phẩm thành công là công sức và sự sáng tạo của người nghệ sĩ, sự làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm trước tác phẩm của mình, có trách nhiệm với công chúng và người xem.

Đầu ra chủ yếu của phim tài liệu và khoa học vẫn là truyền hình, nhưng hiện nay một số bộ phim tài liệu như Chuyện ngày hôm qua được trình chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia và rạp của Hãng phim Tài liệu và Khoa học T.W. Trước Chuyện ngày hôm qua cũng có những phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đáng sống... ra rạp. Đó là những tín hiệu vui của phim tài liệu Việt Nam, những tín hiệu này phù hợp với xu hướng chung của điện ảnh tài liệu thế giới là sản xuất những phim tài liệu có độ dài đủ chiếm trọn một buổi chiếu để tổ chức phát hành tại rạp. Xu hướng này cần được các nhà sản xuất phim nghiên cứu và phối hợp với các nhà phát hành nhằm đưa phim tài liệu ra rạp có tính đến những đặc thù của việc phát hành, phổ biến phim tài liệu.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn, NSND Lê Hồng Chương

Đạo diễn Trịnh Quang Tùng (Phó Tổng giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương): Đa số người làm phim vẫn theo lối mòn…

Các thế hệ trước đã để lại cho chúng tôi giá trị thương hiệu hơn 60 năm, với rất nhiều tác phẩm có tầm tư tưởng lớn, đoạt nhiều giải thưởng cao tại các Liên hoan phim trong nước và quốc tế, nhưng gần đây theo tôi thì phim của Hãng đang có nhiều vấn đề nên không có giải cao tại các LHP trong nước. Tại sao vậy? Bao giờ tôi cũng đặt câu hỏi với chính tôi và cố đi tìm lời giải. Hóa ra cũng không khó. Theo góc nhìn của tôi, cái chính là con người hiện nay của chúng tôi chưa thật sự giỏi, ít vận động, ít học hỏi, đôi khi vẫn còn tư tưởng mình đang là nhất… và quản lý đang bất cập nên lấy đâu ra chất lượng, nếu nhìn thẳng được chắc sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương chúng tôi cũng đang từng bước tìm cách thay đổi, làm mới mình, nhiều tác giả đã mạnh dạn tìm con đường, phong cách riêng cho mình. Ví dụ như đạo diễn Đặng Linh, năm 2017 đã cố gắng đưa phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua ra rạp, ít nhiều đã thay đổi cách tiếp cận lâu nay. Đó cũng là cách mà chúng tôi mong mỏi, còn tiếp cận với hơi thở mới và hội nhập thì chúng tôi từng bước đã thay đổi. Khoảng 10 năm trở lại đây, dù đã có nhiều sự cố gắng nhưng tôi nghĩ, phim của Hãng vẫn đang manh mún có chút tia sáng nhưng không nhiều, còn lại đa số vẫn theo lối mòn, ít sáng tạo. Đó là điều rất đáng lo ngại ở Hãng chúng tôi.

Nhiều người nói rằng, phim tài liệu hiện nay chưa đi sâu vào vấn đề nóng của xã hội nhưng tôi cho rằng, ngoài tính thời sự tạo sức hút và sức nóng cho tác phẩm thì phim Tài liệu rất cần sự phân tích, mổ sẻ, bàn luận, trăn trở về một vấn đề gì đó mà nó đã, đang diễn ra một cách có chủ định của tác giả, trên cơ sở sự hiểu biết, trách nhiệm và những triết lý của đạo diễn thông qua câu chuyện, vấn đề mình đang đề cập. Làm được như vậy thì sức sống của phim Tài liệu sẽ còn mãi và góp phần quan trọng vào sự thay đổi nhận thức của con người.

Còn những vấn đề nóng hiện nay là gì? Mà thế nào là nóng? Tham nhũng? Các tệ nạn? Rồi tiêu cực, bất công… Bất kỳ ai quan tâm đều thấy rõ, bên ngoài thì dễ nhưng khi đi vào cụ thể không như chúng ta nghĩ.Nói thì dễ, nhưng chạm đến ngõ cũng không phải ngon ăn, kiểu đề tài này liên quan đến nhiều tổ chức xã hội, chưa kể chuyện kinh phí làm phim đó từ đâu ra… Nói vậy không phải Hãng chúng tôi không có những kịch bản tốt về đề tài tôi nói ở trên, mới đây kịch bản Chống giặc nội xâm đã được đưa vào sản xuất, đó là tín hiệu đáng mừng.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn Trịnh Quang Tùng

Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Lâm (PGĐ Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam): Chúng ta vẫn thiếu sự đầu tư bề dày!

Nhiều người thường so sánh và đặt câu hỏi về việc chúng ta thiếu điều kiện gì để thực hiện những bộ phim hay và hấp dẫn giống như những bộ phim tài liệu được phát trên kênh Discovery Channel, BBC Knowledge hay National Geographic… Điều này, chúng ta cần nhìn nhận ở 2 vấn đề. Đầu tiên, cần phải nhìn nhận rằng lượng người xem trên các kênh Discovery Channel, BBC Knowledge, National geographic… với những bộ phim khoa học do đài truyền hình Việt Nam thực hiện, tôi nghĩ rằng với cả 2 loại phim này khán giả đều không nhiều.

Những kênh kể trên có lợi thế là kênh quốc tế, và thực sự họ đã tạo chỗ đứng rất tốt trong lòng khán giả toàn thế giới, nhưng ở phân khúc khán giả trong một đơn vị xã hội họ vẫn rất khiêm tốn, nhất là khi so với những thể loại khác như phim truyện, giải trí hay gameshow.

Còn về việc thiếu gì, tôi nghĩ thiếu rất nhiều, thiếu một nền tảng về kinh tế, xã hội, văn hóa và đặc biệt là một nền tảng về khoa học ứng dụng cũng như khoa học phổ cập. Do đó, tôi nghĩ rằng không chỉ truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình khác mà ngay cả Hãng phim Tài liệu Khoa học TW khi muốn tiệm cận, có nhiều hơn khán giả ở những thể loại phim này cũng không hề dễ dàng. Ở truyền hình Việt Nam, câu chuyện muôn thuở vẫn là về đầu tư thời gian, nghiên cứu tìm tòi để thực hiện một sản phẩm tốt. Từ những nghiên cứu tìm tòi bề dày như vậy, với sự tham gia của nhiều các nhà khoa học thì cách thể hiện của chúng ta rõ ràng chưa có tính nghệ thuật bằng họ cũng như thiết bị. Với phim khoa học, thế giới họ đầu tư ngày càng nhiều thì ở Việt Nam điều kiện cho phép để bám theo dòng chảy sự phát triển đó cũng không tốt cho lắm. Đặc biệt thời gian gần đây, sự phát triển bùng nổ của Internet khiến cho nhu cầu thưởng thức của khán giả trở nên khó tính và dễ sốt ruột hơn trước đây rất nhiều. Do đó, chúng tôi không muốn đổ cho yếu tố khách quan nhưng rõ ràng việc đầu tư về thời gian về thiết bị, kinh phí và đặc biệt là con người để thực hiện bộ phim thì chúng ta chưa thể nghĩ đến những bộ phim kể trên.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hoàng Lâm

Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Hồng Quảng (Trưởng phòng Khoa học môi trường – Đài THVN): Làm phim tài liệu phải đi tới tận cùng của câu chuyện

Ngày nay, cách nhìn và khai thác đề tài trong phim tài liệu - khoa đã trực diện và đa chiều hơn, cách thể hiện gần gũi với cuộc sống mang đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ tươi mới và lạ lẫm. Một số bộ phim hiện thực, với thủ pháp làm phim mới lạ đã dần tìm được công chúng yêu điện ảnh.

Ngoài các nhà làm phim lão làng vẫn tiếp tục sáng tạo để đưa tác phẩm đến với công chúng thì lớp thế hệ đạo diễn trẻ đang trưởng thành đã đưa đến cho người xem những làn gió mới. Đa số phim tài liệu - khoa học trước đây thường sử dụng nhiều lời bình, bộc lộ ý kiến chủ quan của tác giả, thì ở những tác phẩm hiện nay, các nhà làm phim đã bắt kịp xu hướng làm phim quốc tế. Tác giả đã biết gửi gắm những nội dung muốn truyền tải vào nhân vật một cách khéo léo, để nhân vật tự cất tiếng nói và dẫn dắt câu chuyện. Những năm qua, Đài THVN cũng đã đầu tư nhiều cho các chương trình phim tài liệu - khoa học. Các chương trình VTV đặc biệt (phần lớn là phim tài liệu) đã khẳng định được thương hiệu của VTV.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam

Thể loại phim tài liệu - khoa học cần sự dấn thân, tìm tòi và sáng tạo. Điều đó đòi hỏi mỗi người phải tự trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng của cuộc sống. Khi đã quyết định chọn đề tài, mình phải tìm hiểu nó một cách thấu đáo, nhìn nhận dưới con mắt khách quan, đa chiều. Người làm phim tài liệu - khoa học phải luôn trong trạng thái sẵn sàng và đi tới tận cùng của câu chuyện, vì nhân vật, sự kiện hay tình huống không bao giờ chờ đợi chúng ta.

Đạo diễn Phạm Hồng Thắng (Xưởng phim Khoa học - Điện ảnh Quân đội nhân dân): Phim tài liệu khoa học nâng cao chất lượng cuộc sống của con người

Nhiều người so sánh rằng, phim tài liệu nói về đề tài chiến tranh của Việt Nam chưa đủ hay và thu hút so với nước ngoài sản xuất. Quan điểm của tôi không đồng tình với ý kiến này. Phim tài liệu về đề tài chiến tranh của chúng ta từng vang bóng một thời. Đó là những thước phim ghi lại hơi thở của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc, những thước phim được đánh đổi bằng máu và sinh mạng của người nghệ sĩ, chiến sĩ. Một số phim đã chinh phục được khán giả trong và ngoài nước qua các kỳ Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế quân đội các nước xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên trong những năm gần đây việc có nhiều cơ quan, đơn vị truyền thông sản xuất phim tài liệu về đề tài chiến tranh còn thiếu tính chuyên nghiệp đã gây những tác động tiêu cực không nhỏ về năng lực sản xuất phim tài liệu về đề tài chiến tranh của Việt Nam. Có những phim việc bố trí dàn dựng, can thiệp vào thực tế quá lộ liễu và không đúng sự thật của lịch sử. Phim nặng về tuyên truyền, nội dung ôm đồm, áp đặt, sơ lược minh họa, thiếu tính triết lý, thiếu tầm tư tưởng, lời át hình ảnh, nhiều khi nhắm mắt vẫn hiểu phim. Một số nhà làm phim thiếu kiến thức về cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc dẫn đến việc sử dụng tư liệu một cách tùy tiện, không đúng; cảnh tư liệu thời kháng chiến chống Pháp lại đưa vào thời kháng chiến chống Mỹ, tư liệu chiến đấu ở miền Bắc dựng vào chiến đấu ở miền Nam v.v...

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn Phạm Hồng Thắng

Để có thể chiếm được tình cảm của khán giả thì một bộ phim dù là tài liệu hay khoa học phải đáp ứng và đánh trúng nhu cầu thị hiếu của khán giả. Tìm tòi những hình thức và phương thức biểu hiện mới đưa tới việc biến đổi các thể loại truyền thống của phim tài liệu, khoa học. Lôi kéo khán giả vào trong quá trình làm phim; để khán giả đồng hành cùng những vấn đề nghiên cứu, những tranh luận, những suy tưởng tạo sự cộng hưởng của khán giả trước một vấn đề định miêu tả.

Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư (Trung tâm phim Tài liệu và Phóng sự - Đài Truyền hình Việt Nam): Muốn phim hay phải máu và quyết liệt với nghề!

Theo tôi, phim tài liệu trong những năm qua đã có những thay đổi. Sự thay đổi bao giờ cũng có hai mặt: tích cực và thách thức. Tích cực – đó là: phim tài liệu giờ đây đã đến gần khán giả hơn, nội dung phong phú hơn, thời lượng của phim đa dạng hơn, khung giờ phát sóng trên các kênh truyền hình cũng như các phương tiện truyền thông khác cũng được mở rộng hơn; nhiều bộ phim có cách làm mới lạ độc đáo, học hỏi và áp dụng cách làm phim quốc tế; cũng có những bộ phim chọn hình thức không lời bình để truyền tải tư tưởng chủ đề thông qua hiện thực đời sống nhân vật.

Tuy nhiên, song song với tích cực luôn là những thách thức. Cá nhân tôi ấn tượng với những bộ phim tài liệu mà thế hệ đạo diễn đi trước đã để lại cho hôm nay. Những bộ phim đó mang tư tưởng chủ đề sâu sắc, có lớp lang trong cách kể, tầm của một bộ phim không chỉ dừng lại phản ánh hiện thực mà để lại những triết lý và thông điệp rất đáng suy ngẫm. Làm sao để có được những bộ phim: mới lạ nhưng sâu sắc, kể chuyện hiện thực nhưng không khơi khơi, nông cạn đó là một thách thức với cá nhân tôi. Tôi nghĩ đó cũng là mục tiêu phấn đấu vươn tới của không ít đạo diễn, nhà làm phim tài liệu nhiệt huyết.

Có một thực tế là người Việt Nam mình thường ngần ngại khi bộc lộ bản thân, có vui có buồn thì cũng là chuyện nhà mình, không muốn chia sẻ nhiều. Bởi vậy cá nhân tôi thấy thách thức lớn nhất với dòng phim tài liệu đó là gần gũi với nhân vật, thuyết phục họ chia sẻ câu chuyện, khiến họ quên đi sự xuất hiện của đoàn làm phim và đặc biệt là máy quay. Nếu có thời gian, tôi sẽ gặp gỡ và trò chuyện nhiều hơn với nhân vật trước khi bấm máy, để rút ngắn khoảng cách giữa mình và nhân vật, tuy nhiên trên thực tế chúng ta lại không có nhiều thời gian như vậy, bởi nhiều nguyên nhân khách quan như địa lý, kinh tế, thời hạn thực hiện... Đã có rất nhiều lần tôi “đổ bể” tác phẩm bởi nhân vật không đồng ý cho quay phim dù trước đó họ đã gật đầu đồng ý, nhất là những bộ phim với đề tài nhạy cảm mang nỗi đau thầm kín mà họ không muốn chia sẻ cho đông người biết. Nói thế để thấy rằng từ khi chỉ là một vài gạch đầu dòng cho đến khi hoàn thành một tác phẩm phim tài liệu, có rất nhiều khâu cần thực hiện, mà mỗi khâu lại mang một tâm trạng khác nhau; thai nghén từ kịch bản, kiên định trong bảo vệ, đau đầu với kinh phí, cảm xúc và lý tính khi tiếp xúc hiện trường... cho đến đi lại, phối hợp địa phương. Và điều rất quan trọng đó là may mắn. Nhưng may mắn chẳng thể đến với người chỉ ngồi và chờ đợi. Quan trọng hơn tất thảy là nhiệt huyết và bản lĩnh của người làm nghề chân chính.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư

Đạo diễn Phạm Thanh Hùng (Điện ảnh Quân đội nhân dân): Phải đảm bảo được tính chân thực và khách quan

So với những bộ phim trước đây do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất thì hiện giờ các phim tài liệu đã có sự đa dạng, phong phú về đề tài cũng như ngôn ngữ thể hiện. Với những người trẻ làm phim ở mảng đề tài người lính, với cá nhân tôi, khó khăn lớn nhất không phải là sự bó hẹp ở đề tài mà khâu tìm tư liệu. Bởi so với các thế hệ cha chú đi trước, họ nắm lịch sử trong lòng bàn tay, thì những đạo diễn trẻ như tôi thường mất nhiều thời gian hơn để học hỏi, tìm tòi…

Khi làm các bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh, chúng tôi thường tham khảo rất nhiều các bộ phim từ nước ngoài. Đó là một tư liệu vô cùng quý giá. Nếu trước kia các bộ phim của ta chỉ được quay dưới góc nhìn của một phía, thì nay khi có điều kiện chúng tôi sẽ sử dụng tư liệu xen kẽ để làm nổi bật sự kiện lịch sử mà vẫn đảm bảo tính chân thực và khách quan.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn Phạm Thanh Hùng

Đạo diễn, NSƯT Lý Quang Trung (Giám đốc hãng phim TFS): Chúng ta chưa chú trọng bồi dưỡng người làm phim tài liệu!

Thực trạng của phim tài liệu Việt nam hiện nay là: Khó làm hay; Ít người làm (bởi kinh phí đầu tư lớn nhưng lại không tạo được nguồn thu); Kén người xem; Số lượng phim ít và Chế độ thù lao không cao. Đó là 5 nguyên nhân mà phim tài liệu ở Việt Nam nói chung và của Hãng phim truyền hình - Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh nói riêng.

Thời gian qua, nhiều nhà làm phim tài liệu có rất nhiều cố gắng để có những bộ phim tài liệu hay, hấp dẫn, cũng tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan trong và ngoài nước được đánh giá tốt và nhận được giải thưởng hàng năm, nhưng thực sự khán giả biết đến các bộ phim còn rất ít, có chăng do bộ phận quản lý ngành, nghề chưa chú trọng đến phim tài liệu mà quan tâm đến các thể loại khác nhiều hơn. Chưa có sự khuyến khích động viên đúng mức làm mất đi ngọn lửa đam mê, nguồn cảm hứng sáng tạo.

Để có những tác phẩm phim tài liệu hay, hấp dẫn có nhiều người xem trong tương lai vẫn rất cần việc đầu tư bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ làm phim nói chung và những người có khả năng làm phim tài liệu. Vì hiện nay ở một số nơi đào tạo thì còn chú trọng hơn ở mảng phim truyện, còn xem nhẹ mảng phim tài liệu, thậm chí không phải là nội dung học chính khóa mà chỉ là nội dung phụ. Phát hiện và tìm kiếm những người yêu thích, đam mê với phim tài liệu, tạo cơ hội, khuyến khích họ, cho họ tham gia cùng làm phim tài liệu. Từng bước nâng cao kỹ năng làm phim tài liệu. Có khảo sát, đánh giá sở thích người xem và tiếp cận các công nghệ mới hiện nay khi làm phim tài liệu để cho phù hợp.

Chọn lọc đề tài, đầu tư kinh phí thích đáng cho những đề tài, nội dung tốt có điều kiện thể hiện. Xây dựng thói quen xem phim tài liệu thường xuyên trên truyền hình hay các phương tiện khác. Hiện nay VTV đang xây dựng kế hoạch phát sóng phim tài liệu đặc biệt vào tối thư tư hàng tuần trên VTV cũng rất hay, một cơ hội tốt cho những ai yêu thích phim tài liệu được xem.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn, NSƯT Lý Quang Trung

Đạo diễn độc lập Nguyễn Thị Thắm: Chỉ mong có thêm nhiều đồng nghiệp!

Hiện tại, những nhà làm phim tài liệu độc lập tại Việt Nam đang đếm trên đầu ngón tay, nên việc có phim hàng năm là chuyện rất khó xảy ra. Có thể thấy một điều khi nền tảng xem trực tuyến phát triển rầm rộ và hình thức diễn đạt nội dung đơn giản (quay bằng điện thoại, format ngắn, nhanh gọn lẹ…) là một thách thức với người làm phim tài liệu bởi một bộ phim tài liệu yếu tố quyết định nằm ở thời gian. Thời gian để thẩm thấu hiện trường, để tiếp cận nhân vật, để diễn đạt, để suy ngẫm… Nó buộc người làm phim phải có sự kiên nhẫn vô cùng lớn và niềm yêu thích được khám phá, được “sống” với thực tế (người thực, việc thực) cho đến khi trả lời được câu hỏi mà khi khởi động dự án mình đặt ra. Thời gian đó có thể là rất lâu, bộ phim độc lập làm nhanh nhất trong điều kiện sản xuất không bị ngưng trệ vì tiền bạc cũng đến 3 năm chưa kể đến “hào quang” của bộ phim tài liệu cũng không thể bằng với các thể loại khác. Bộ phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng của tôi có thể nói là thành công hiếm hoi, nhưng sau đó cũng không có nhà sản xuất nào đến đặt vấn đề với tôi kiểu “dự án tiếp theo của bạn là gì, tôi muốn đầu tư sản xuất”...

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn độc lập Nguyễn Thị Thắm

Làm thế nào dòng phim này có tiếng nói ngoài xã hội hơn, được khán giả đón nhận rộng hơn..? Nói đến điều này là câu chuyện của cả một ngành chứ không chỉ có cá nhân nào làm được. Bản thân người làm phim thì chỉ biết đến việc làm phim thôi, thế nên với tôi rất mong muốn có thêm nhiều người chọn làm phim tài liệu. Phim mình vẫn nhỏ giọt thì cũng khó đo thị trường và để khán giả làm quen và trở thành thói quen của họ. Nhìn vào sự đón nhận của khán giả với phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Đi tìm Phong hay Lửa Thiện Nhân… đều là những tín hiệu tốt lành.

Đạo diễn Đoàn Hồng Lê (Trung tâm Đài THVN tại Đà Nẵng): Cần một sự chấp nhận rộng rãi và cởi mở hơn!

So với cách đây 10 năm, nhờ internet, phim tài liệu Việt Nam ngày càng tiếp cận với cách làm phim của thế giới, ngoài các hãng phim Nhà nước được đầu tư từ ngân sách, đã xuất hiện một thế hệ các nhà làm phim độc lập với cách làm phim mới mẻ, không tuyên truyền, tôn trọng hiện thực, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người xem. Có những phim đã được phát hành ở nước ngoài, có phim phát hành tại các cụm rạp lớn trong nước, có khán giả riêng. Đã xuất hiện những tổ chức của các nhà làm phim độc lập như Doclab Hanoi, Varan Vietnam… đào tạo và sản xuất phim tài liệu độc lập, các phim đã giành được một số giải thưởng tại các LHP quốc tế với các đề tài đương đại.

Phim tài liệu cũng đang ngày càng bị cạnh tranh gay gắt bởi các loại hình giải trí khác, đặc biệt mạng xã hội đã khiến cho sự kiên nhẫn của khán giả giảm đi đáng kể. Tôi nhớ cách đây 20 năm, những người dạy làm phim tài liệu hay nói về cái gọi là “nghệ thuật 3 phút”, nghĩa là sau 3 phút nếu câu chuyện không có gì mới thì khán giả sẽ tắt ti vi, nhưng bây giờ với sự phổ biến của mạng xã hội, các nền tảng số như Youtube, Facebook, người ta tính toán rằng một clip sau 8 giây không có gì mới thì sẽ bị bỏ qua, vì vậy thử thách đối với những người làm phim lại càng lớn.

Những cách làm phim mới: sử dụng âm thanh thu trực tiếp từ hiện trường, các câu chuyện được kể một cách chân thực, gần gũi đã thu hút được khán giả. Tuy vậy các liên hoan phim tại Việt Nam như Giải Cánh diều, Bông sen vàng… vẫn chưa thu hút được dòng phim tài liệu độc lập. Có lẽ cần một sự chấp nhận rộng rãi và cởi mở hơn.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
Đạo diễn Đoàn Hồng Lê

Đến bây giờ nhiều khán giả trẻ khi được hỏi về phim tài liệu, vẫn còn tưởng đó là loại phim “đen trắng, về chiến tranh, hay chiếu trên ti vi”. Chứng tỏ truyền hình - kênh đưa phim tài liệu đến với khán giả phổ biến nhất vẫn còn thiếu những đề tài đương đại. Chỉ có đi sâu vào cuộc sống, đặt ra và trả lời những câu hỏi của cuộc sống thì phim tài liệu mới giành được khán giả, điều đó thể hiện qua những bộ phim được phát hành qua hệ thống rạp chiếu vài năm gần đây, như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đi tìm Phong… hoặc cũng khai thác đề tài chiến tranh nhưng với một thái độ công bằng, thành thật với lịch sử và sự đầu tư vào kỹ thuật 3D hiện đại như phim tài liệu – truyện Những cánh én đầu tiên.

Với cách làm phim trực tiếp, cuộc sống hiện ra trước ống kính của người làm phim sống động nhiều chiều với đầy đủ các sắc thái, và con người cũng hiện ra chân thực với cả đen và trắng, phức tạp như vốn dĩ, và rất “người”. Điều này rất khác với cách làm phim trước đây, luôn bày ra những hiện thực một chiều và những nhân vật chỉ có tốt hoặc xấu để xây dựng nên những hình tượng phục vụ tuyên truyền. Điện ảnh trực tiếp nhờ vậy đưa khán giả đến gần với con người hơn, và vì vậy hấp dẫn hơn. Những bộ phim tài liệu độc lập được chọn tranh giải ở các Liên hoan phim quốc tế và giành được các giải thưởng gần đây là nhờ vậy. Nó giới thiệu với thế giới bên ngoài một Việt Nam đương đại với những hỉ nộ rất con người như nhân loại đang trải qua, đồng thời lại rất đậm bản sắc của một đất nước đang thay đổi.

Khi được Thắm mời tới xem phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, tôi bất ngờ và xúc động. Tôi hoàn toàn không phân biệt người đồng tính, song tính hay chuyển giới trong phim, mình xem họ như những người phụ nữ bình thường. Họ tuy nghèo, văn hóa thấp nhưng muốn lao động một cách chân chính bằng chính sức lao động của mình, đó là điều tôi rất xúc động, yêu mến bộ phim và nảy ra ý tưởng muốn chia sẻ bộ phim hay này ngay đến với đông đảo khán giả. Đặc biệt là đối với thể loại tài liệu, vì từ trước tới nay ít được khán giả quan tâm, hơn nữa họ càng có thói quen không mua vé xem phim tài liệu. Và lý do cuối cùng là Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng từng tham dự nhiều Liên hoan phim Quốc tế, thì cớ gì mà khán giả trong nước lại không được xem.
Nhiều người cho đây là quyết định liều lĩnh, song vì tôi muốn thay đổi dần thói quen của khán giả nên chọn phương án phát hành đặc biệt, đó là phát hành độc lập như hình thức show chiếu tour vòng quanh với giá vé thấp để có nhiều người đến xem, nhất là các bạn trẻ học sinh, sinh viên… Cũng rất mừng và quá bất ngờ là chỉ qua 1,2 suất chiếu đầu tiên, bộ phim được khán giả ủng hộ khá tích cực, nhất là khán giả trẻ. Đây chính là nguồn động lực lớn để tôi càng tự tin hơn. Tuy cách phát hành này khá vất vả vì nếu số lượng vé không comple hết 1 suất chiếu thì nhà phát hành phải chịu bù lỗ cao. Trong cách phát hành chúng tôi nhiệt tình đến nỗi chỉ cần khán giả cứ mua trên 5 vé là sẽ có người giao ngay tận tay cho khán giả… Và cứ thế chúng tôi đã thành công cả tháng trời khi phát hành bộ phim trên cả nước. Từ sự thành công này tôi nghĩ cần phải tạo thói quen cho khán giả đến xem một bộ phim tài liệu tại rạp. Thứ hai khi khán giả đã ra rạp (xem một sản phẩm nghệ thuật) nên trả một phí nhất định (dù cao hay thấp) là biểu hiện sự trân trọng của khán giả đối với những người sáng tác, người làm nghề. Và hãy quên đi thói quen đi xem một cái gì đó mà miễn phí, trừ những chương trình được tài trợ hay phải mặc định được chiếu miễn phí. Tôi hy vọng đây sẽ là bước ngoặt với những bộ phim tài liệu, phim độc lập hay phim nghệ thuật, chứ không phải khán giả chỉ ra rạp với những bộ phim giải trí - Đạo diễn, nhà phát hành phim độc lập Nguyễn Hồng Ánh.

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam
nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam 5 ‘bí quyết’ để làm ra một phim tài liệu ‘ăn khách’

(TGĐA) - Sriracha (2014) thuộc số phim tài liệu độc lập có lãi từ khi được ...

nhung van de ton dong o phim tai lieu khoa hoc viet nam 12 bộ phim tài liệu phải xem năm 2020

(TGĐA) - Phim truyện luôn chiếm lĩnh màn bạc thế giới trong danh sách những bộ ...

Hà Thu - Hồng Liên