(TGĐA) - Trong nửa đầu năm 2017, cùng với các hoạt động thường kỳ phục vụ Hội viên Hội Điện ảnh như: Tổ chức thành công giải thưởng Cánh diều 2016; Mở lớp tập huấn đào tạo diễn viên do chuyên gia Hàn Quốc phụ trách tại Tp. Hồ Chí Minh, tập trung cho hoạt động sáng tác… Hội Điện ảnh Việt Nam đã tiến hành hai hoạt động nổi bật gồm: Ký kết Thỏa thuận Hợp tác nhằm tăng cường trao đổi phát triển ngành công nghiệp Nghe nhìn giữa tỉnh Gangwon (Hàn Quốc), Hội Điện ảnh Việt Nam và Ủy ban Điện ảnh Gangwon và Thực hiện bộ phim tài liệu dài 2 tập về Hoàng thân Souphanouvong – Chủ tịch đầu tiên của nước CHDCND Lào (sẽ trình chiếu nhân dịp kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào). Nhân dịp này, Thế giới điện ảnh có cuộc trò chuyện với NSND Đạo diễn Đặng Xuân Hải – Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam.
|
Thưa NSND Đạo diễn Đặng Xuân Hải! Xin ông cho biết cụ thể về việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Điện ảnh Việt Nam và tỉnh Gangwon, Ủy ban điện ảnh Gangwon?
Hội Điện ảnh Việt Nam vốn đã có mối quan hệ với Trung tâm hợp tác phát triển điện ảnh Hàn Quốc. Ngay từ năm trước, Hội có cuộc gặp gỡ với Trung tâm và đã ghi nhận với nhau một số điều sẽ hợp tác về sau trong một số lĩnh vực như sản xuất, tập huấn bồi dưỡng trao đổi phim, nghiên cứu học tập. Có thể nói, bên bạn đã phối hợp với ta làm khá tốt như cử đoàn sang để mở lớp tập huấn về công tác đạo diễn, lớp tập huấn về sản xuất phim, lớp tập huấn về biên kịch và tháng 4 vừa qua lớp diễn viên tại Sài Gòn khá thành công, được dư luận nói chung và anh chị em giới diễn viên rất khen ngợi. Trong quá trình đó, thay mặt cho Hội, tôi đề nghị với phía bạn rằng việc tiến hành hợp tác làm phim giữa hai bên cũng cần được nghiên cứu để đẩy lên. Cách đây ít lâu, bên bạn sang đặt vấn đề hợp tác chuyển thể một kịch bản phim và tôi giới thiệu cho Hãng giải phóng để phối hợp chuyển thể một kịch bản của Hàn Quốc dưới hình thức Việt hóa nhưng việc này đến nay chưa xong do khâu Việt hóa còn khó khăn. Sẵn có một câu chuyện và nghĩ đề tài này họ cũng quan tâm nên tôi gửi đề cương kịch bản cho họ. Rất vui là tỉnh trưởng Gangwon và chủ tịch Ủy ban điện ảnh Gangwon rất thích câu chuyện này và mong muốn hợp tác.
Tháng 7 vừa qua, Trung tâm hợp tác phát triển điện ảnh Hàn Quốc mời tôi sang tham dự LHP Buchon. Tỉnh Gangwon biết tôi sang nên họ đã mời tôi đến và thảo luận đặt vấn đề hợp tác. Trong văn bản đề chung là tìm ra phương án sản xuất nhưng cũng đồng thời mở ra việc hợp tác giữa hai nền điện ảnh. Với dự án phim mà Hội đề xuất, bên đó đang tìm cách tạo nguồn vốn vì đây là dự án phim khá phức tạp và tốn kém. Trong lúc họ đang huy động vốn và tìm đối tác thì Hội ta cũng đồng thời chuẩn bị, tìm đối tác tương xứng để tiến hành làm việc với họ. Có thể nói, đây là tín hiệu mừng vì qua buổi tiếp xúc gặp gỡ, tôi nhận thấy ông tỉnh trưởng Gangwon rất tâm đắc với dự án hợp tác sản xuất phim chung. Tôi khẳng định là Hội có thể đặt niềm tin và hy vọng thuận hơn ở phía bên bạn. Bởi một khi ông tỉnh trưởng đã nhất trí về chủ trương và đã ký vào văn bản thì nhất định sẽ thúc đẩy hợp tác triển khai. Cũng qua buổi Ký kết, phía bạn bày tỏ mong muốn hai bên không chỉ sản xuất phim điện ảnh mà họ còn có nhu cầu làm cả phim truyện truyền hình. Về việc này, tôi sẽ làm việc với một số trung tâm sản xuất phim truyền hình. Hiện, tôi mới về nước chưa kịp triển khai, nhưng trong thời gian sớm nhất, tôi sẽ mời các chi hội truyền hình lên bàn xem có đề tài, kịch bản nào phù hợp thì sẽ giới thiệu sang cho bạn để phối hợp sản xuất.
|
Có thể nói, trong những năm qua, bên cạnh các hoạt động chính với tư cách là Hội nghề nghiệp, Hội Điện ảnh đã liên tục mở nhiều hướng đi mới, tạo ra các kênh hợp tác mới. Việc Ký kết Thỏa thuận Hợp tác nhằm tăng cường trao đổi phát triển ngành công nghiệp Nghe nhìn giữa tỉnh Gangwon (Hàn Quốc), Hội Điện ảnh Việt Nam và Ủy ban Điện ảnh Gangwon có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Dù còn khó khăn, nhưng nhận thấy nhu cầu rất quan trọng đối với ta hiện nay là nguồn nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp phục vụ sản xuất điện ảnh nên Hội tập trung vào các lớp tập huấn là chính (có lớp do giáo viên trong nước phụ trách và có lớp do giáo viên nước ngoài phụ trách). Chính các lớp tập huấn này đã tạo ra tiền đề và là đầu mối để mở ra hướng hợp tác tiếp theo như nhắc đến ở trên. Đây là điều mà Hội rất mừng. Nhưng, Hội cũng xác định, chặng đường kế tiếp sẽ rất khó khăn vì điều nhìn thấy rõ nhất là tiềm lực kinh tế của bạn mạnh hơn, trình độ năng lực sản xuất của bạn cũng tốt hơn và nhu cầu của bên bạn cũng khác. Tham dự LHP Buchon theo lời mời của Trung tâm hợp tác phát triển điện ảnh Hàn Quốc, tôi đã xem một vài phim và tìm hiểu cách thức tổ chức của họ. Ngoài ra, vì Việt Nam được tham gia Chợ dự án phim của LHP nên Hội giao cho đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chọn và gửi sang 4 dự án để tranh tài cùng với một số quốc gia nữa như Singapore, Trung Quốc… 4 dự án của ta tuy qua được vòng sơ tuyển nhưng tới vòng chung kết thì bị loại vì chưa đúng với mong muốn của họ: phim hơi có chút bạo lực, kinh dị… Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân đã rút ra kinh nghiệm sau khi xem các dự án của các nước gửi đến để lần sau chọn lựa gửi các dự án của ta cho phù hợp.
Chuyến đi của tôi trước hết là thành công trong giao lưu và tạo mối quan hệ thân thiện hơn giữa Hội Điện ảnh Việt Nam và Trung tâm hợp tác phát triển điện ảnh Hàn Quốc. Còn lời mời đến Ký kết với tỉnh Gangwon có thể nói là thành công ngoài dự tính. Theo các điều khoản trong văn bản Ký kết thì việc đầu tiên là triển khai hợp tác làm phim điện ảnh. Cụ thể, hai bên cùng làm, cùng góp vốn nhưng tỷ lệ vốn có thể khác nhau, cùng bố trí nhân sự… Tóm lại đây là dự án phim hợp tác cả nhân lực và kinh tế. Hoạt động phía Việt Nam do Hội điện ảnh đứng ra chủ trì. Đầu ra của phim do phía bạn đảm trách vì bạn có lợi thế hơn khi được sự hậu thuẫn của một công ty phát hành phim Hàn Quốc đang hoạt động rất mạnh ở Việt Nam.
|
Cũng trong tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Hãng phim của Hội – Hodafilm - đã triển khai thực hiện bộ phim tài liệu dài 2 tập về Hoàng thân Souphanouvong – Chủ tịch đầu tiên của nước CHDCND Lào. Xin ông cho biết rõ hơn về dự án này?
Năm 2017 kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào, Ban Tuyên giáo, Ban Bí thư và Ban chỉ đạo quốc gia năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào đã giao cho Hội Điện ảnh tổ chức thực hiện bộ phim về quan hệ Việt Nam - Lào với tiêu đề Souphanouvong với Việt Nam và bộ phim sẽ được đưa vào chiếu trong dịp lễ kỷ niệm. Văn bản này do PTT Phạm Bình Minh ký và Quyết định ban hành tháng 2/2017 nên Hội phải chạy. Hoàng thân Souphanouvong là người Lào đầu tiên có nhiều gắn bó với Việt Nam. Năm 11 tuổi, ông sang Hà Nội học. Sau 9 năm học ở Việt Nam, ông sang Pháp du học và năm 1937, trở về Việt Nam làm kỹ sư cầu đường phụ trách khu vực miền trung. Ông đã tham gia làm nhiều cầu, đường ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, xây các đập Bái Thượng, Đô Lương cùng nhiều hồ chứa nước thủy lợi. Đến năm 1945, ông gặp Bác Hồ và đi theo con đường cách mạng từ đó. Ông là cầu nối gắn kết tình hữu nghị giữa Đảng nhân dân cách mạng Lào và Việt Nam trong suốt các chặng đường chống Pháp và chống Mỹ. Bản thân ông đã lập gia đình với một cô gái Việt trong thời gian phụ trách giao thông ở miền Trung.
Tuy kinh phí hoạt động chưa về nhưng Hội vẫn tiến hành làm và hiện nay phim đang trong quá trình dựng. Phim dự kiến dài 2 tập, mỗi tập 30 phút, chắc chắn tháng 9 sẽ chiếu rộng rãi nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào. Do Ban Tuyên giáo của ta có công văn cho Ban tuyên giáo của bạn từ trước, nên khi đoàn phim sang, các bạn Lào rất nhiệt tình. Đặc biệt, sứ quán Việt Nam rất tích cực đôn đốc thực hiện, phối hợp khá nhịp nhàng. Đoàn phim chỉ mất 1,2 ngày đầu gặp gỡ trao đổi, sau đó bắt tay vào làm phim luôn. Phía bạn rất hoan nghênh và còn muốn ta làm phim về đồng chí Kaysone Phomvihane.
|
Hiện nay, tình hình hoạt động của các Hội nói chung đều rất khó khăn, Chủ tịch có điều gì muốn chia sẻ với các Hội viên Hội điện ảnh trên khắp cả nước?
Cho đến giờ phút này, tiền ngân sách hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật chưa về nhưng Hội Điện ảnh vẫn hoạt động một cách tích cực chủ động như: Mở lớp tập huấn, hợp tác làm phim và tiến hành làm phim tài liệu về Hoàng thân Souphanouvong bằng kinh phí được huy động từ các nguồn của tư nhân. Bản thân tôi đã cho mượn 150 triệu để làm phim này. Song song với việc triển khai bản hợp đồng với tỉnh Gangwon, Hội cũng đã lên lịch hoạt động khá dày đặc bắt đầu từ tháng 9 đến cuối năm. Cụ thể, nếu tiền ngân sách về thì sẽ mở trại sáng tác kịch bản và lớp tập huấn, dự kiến đáp ứng 2 hoặc 3 lớp tập huấn và 2 trại sáng tác kịch bản. Hiện các địa phương như Khánh Hòa và các đài truyền hình khu vực bắc miền Trung gồm Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đang có nhu cầu tập huấn. Thường thì lớp tập huấn do giảng viên nước ngoài phụ trách sẽ có chi phí cao hơn trong khi đó, tháng 4 vừa qua, Hội đã mở lớp học diễn xuất do giảng viên nước ngoài phụ trách nên các lớp còn lại sẽ do giảng viên trong nước đảm nhiệm. Tóm lại, nếu có tiền sẽ mở ngay.
Chân thành cảm ơn ông!
Lưu Vân Thảo