(TGĐA) – Chủ trương cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam – “anh cả đỏ” số 4 Thụy Khuê được cho là một thay đổi tươi mới nhằm vực dậy một địa chỉ uy tín của điện ảnh Việt Nam suốt bao thế hệ khi bước vào sự cạnh tranh sòng phẳng giữa nền kinh tế thị trường. Sự chuyển giao va chạm cũ – mới, bao cấp – thị trường… được nhiều người lường trước sẽ có mâu thuẫn nhưng mới chỉ sau 2 tháng cổ phần, sự bức xúc của nghệ sỹ với ban lãnh đạo mới đã lên tới đỉnh điểm với việc chung tay ký, gửi đơn kêu cứu tới các ban ngành, tổ chức liên quan. Để rộng đường dư luận và khách quan nhất, tạp chí Thế giới điện ảnh sẽ phỏng vấn lần lượt các nghệ sĩ điện ảnh trong và ngoài hãng về vấn đề này. Dưới đây là ý kiến của NSND, nhà quay phim Lý Thái Dũng nhằm tháo gỡ phần nào trước tình hình rối ren này.
|
Biện pháp đầu tiên nhằm tháo gỡ vấn đề là trên tất cả các phương tiện truyền thông, cần sự ổn định tâm lý cho các nghệ sĩ, tức là phải bắt nguồn từ chiến lược thực sự của nhà đầu tư, của cổ đông chiến lược, chứ không phải tìm cách xoa dịu không trung thực. Điều này dựa trên nền tảng về sự cam kết của nhà đầu tư tức là “Tôi sẽ phải làm cái gì?”. Khi mọi việc đều làm đúng như vậy thì tôi nghĩ tất cả các nghệ sĩ sẽ đồng sức đồng lòng hợp tác với nhà đầu tư để tìm ra hướng đi tương lai cho Hãng phim.
Hiện nay, khi cả hai bên đã không ngồi được với nhau thì tôi nghĩ phải có một cơ quan quyền lực cấp cao hơn, có thẩm quyền và trách nhiệm hơn vào cuộc. Mọi điều đều có thể xảy ra, kể cả việc cổ phần hóa lại và tôi rất mong điều đó xảy ra. Tuy nhiên, tôi biết là buộc phải có động thái quyết liệt đến tận những cơ quan cấp cao nhất.
|
Trước đây, những ý kiến kiến nghị của nghệ sĩ phần lớn thường được giải quyết ngay nhưng lần này tôi thấy có vẻ như “đang chìm vào quên lãng”, cũng chẳng có sự phản hồi gì cả. Có lẽ, một quốc gia phát triển có quá nhiều vấn đề phải làm, phải chăng là như vậy, nên các lãnh đạo nhà nước chưa giải quyết được cũng như chưa bố trí được một bộ phận có thẩm quyền nào đó để giải quyết vấn đề này của Hãng. Ngay từ đầu, chúng ta vẫn nói là lĩnh vực văn hóa quá nhỏ so với những vấn đề quá lớn của một quốc gia, với hàng ngàn vấn đề cần phải giải quyết ngay lập tức như y tế, giáo dục, ô nhiễm môi trường, tham nhũng, ngân hàng, tài chính… Chúng ta có thể không có điện ảnh Việt Nam trong một thời gian tương đối dài nhưng để nhìn xa trông rộng thì một dân tộc, một quốc gia hùng mạnh cần phải được hỗ trợ tốt cho văn hóa. Dù biết là chúng ta đang nỗ lực trong tuyệt vọng nhưng vẫn phải làm để tìm lại sự công bằng cho việc cổ phần hóa và mảnh đất số 4 Thụy Khuê phải được phục vụ cho lợi ích của nền điện ảnh Việt Nam chứ không phải phục vụ cho một lợi ích nhóm nào đó.
Như tôi đã nói, để những ý kiến đóng góp có tính khả thi thì buộc nhà đầu tư phải cam kết với đúng những gì họ đã hứa và đã cam kết ở trong văn bản.
Xét về tầm quan trọng cũng như chi phí để có thể hỗ trợ một ngành điện ảnh phát triển ở những giai đoạn đầu tiên là rất khó khăn, nhưng thực sự mà nói so với chi phí của một quốc gia là không đáng là mấy. Tôi là nghệ sĩ trưởng thành và thành danh tại Hãng, đương nhiên rất buồn và cũng mong có một phép màu nào đó. Hy vọng Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được hỗ trợ một khoảng thời gian tốt hơn bởi hơn 20 năm làm tại đây, tôi thấy nó luôn khó khăn và chưa bao giờ thoát ra được. Chưa bao giờ chúng tôi có một cú hích cho dù có được hỗ trợ tiền làm phim, tất cả vẫn chỉ là giật gấu vá vai thôi. Với một Hãng phim mà không am hiểu kinh tế thị trường với nhiều cơ chế bó buộc thì cũng chỉ “vắt mũi nuôi nhau” tạm thời. Tất cả các cơ chế phải đủ tiêu chuẩn của một doanh nghiệp được thụ hưởng, còn hiện chưa có một sự chuẩn bị đúng mức. Và việc kết cục dẫn đến ngày hôm này là không có gì đáng ngạc nhiên cả.
|
Chúng ta nên bắt đầu xác định rằng Hãng sẽ quay trở về mô hình nhà nước hỗ trợ nó hay thế nào. Tuy nhiên, phương tiện kỹ thuật thì có thể mua sắm được nhưng để đào tạo ra một đội ngũ sáng tác tương đối với đội ngũ cách đây khoảng 10 năm thì hiện đang rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Tất nhiên, vẫn có thể trông đợi vào lớp trẻ, cả những đội ngũ còn sót lại và thậm chí là bản thân tôi. Tôi vẫn sẵn sàng hỗ trợ tất cả mọi thứ để có thể xây dựng lại Hãng phim nhưng quả thực chúng tôi không còn nhiều thời gian.
Tôi cho rằng, điều quan trọng bây giờ là cần phải có một cơ chế mới, xây dựng lại một bộ máy quản lý văn minh hơn. Tất cả những nghệ sĩ ở Hãng cho dù tham gia ít hay nhiều thì họ vẫn hài lòng về cách làm việc một cách minh bạch và được đối xử trân trọng, đúng mực.
Kim Anh