(TGĐA) - NSND, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn là gương mặt tạo nên những cảnh quay táo bạo trong loạt phim kinh điển như Hoa của trời (1995), Đầm hoang (1996), Hà Nội mùa đông 46 (1997), Những người thợ xẻ (1998), Giải phóng Sài Gòn (2000)… Giữa một thời đại mà điện ảnh đổi thay đến chóng mặt, dòng phim thị trường lên ngôi, vẫn còn đó người nghệ sĩ khiến chúng ta khâm phục như Vũ Quốc Tuấn, bởi giá trị từ góc máy mà ông mang lại không hề lỗi thời qua năm tháng.
NSND, nhà quay phim Lý Thái Dũng: 'Mọi việc đều có thể xảy ra, kể cả cổ phần hóa lại' |
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ |
“Bình thản” trước thời thế đổi thay
|
Hồi mới vào nghề viết, một trong những nghệ sĩ gạo cội đầu tiên tôi có dịp được tiếp xúc chính là nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn. Khi đó, tôi theo chân đoàn phim Truyền thuyết về Quán Tiên xuống địa điểm quay ở Quảng Bình, nơi đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đang làm việc hăng say cùng các đồng nghiệp dưới bối cảnh núi rừng hiểm trở.
Có một “ông chú” luôn theo sát anh, khuôn mặt bình thản, không chút do dự hay lo lắng, mỗi lần chuyển cảnh là chỉ đạo và sắp xếp từng bố cục, từng góc máy như được “lập trình” sẵn trong đầu. Đó chính là NSND, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn.
Thuở ông “chinh chiến” cùng các đạo diễn tên tuổi như NSND Đặng Nhật Minh hay đạo diễn Hà Sơn, có lẽ phân nửa số người trên trường quay lúc đó còn chưa sinh ra. Nhưng bằng khả năng nào đó, nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn vẫn biết tạo ra bầu không khí “máu lửa” trong công việc, nhưng không kém phần hài hước sôi nổi.
Cứ nghĩ khi thời thế đổi thay, việc tạo ra sợi dây liên kết với thế hệ trẻ từ nghệ sĩ như Vũ Quốc Tuấn là không hề đơn giản. Tuy nhiên, ông trả lời một cách nhẹ nhõm rằng: “Nghệ thuật lúc nào cũng muôn màu muôn vẻ, tôi luôn đặt cho mình tiêu chí khai phá những cái mới, điều đó dĩ nhiên là có rất nhiều ở nhà làm phim trẻ. Vấn đề là tôi chưa bao giờ muốn áp đặt tư tưởng của mình vào đạo diễn. Làm phim mà cứ áp đặt nhau thì tác phẩm làm ra sẽ chẳng còn mang tính tập thể, mà đó chỉ là cá nhân”.
Theo nhà quay phim gạo cội, bí quyết của ông là tạo ra sự cộng hưởng không chỉ cùng với đạo diễn mà còn là họa sĩ, diễn viên…, làm cho họ hiểu được cảm hứng nghề nghiệp của ông đều đến từ những giá trị văn học. Ai yêu mến NSND Vũ Quốc Tuấn sẽ biết rằng, ông yêu văn học ra sao và khao khát đem lại giá trị văn học từ mỗi cảnh quay.
|
Thế nên ở phim Truyền thuyết về Quán Tiên, những đồng nghiệp của nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn không chỉ được thấm nhuần tư tưởng của ông, mà còn cùng tay máy lão làng tạo nên những cảnh quay đầy tính duy mỹ. Ông cho rằng, trước đây phim chiến tranh chỉ thường đem đến những điều xù xì mà không làm cho khán giả cảm nhận nội tâm hay tình cảm sâu trong nhân vật. Với tác phẩm này, chiến tranh chỉ là cái nền cho câu chuyện của nhân vật, kéo theo đó là những góc máy hoàn toàn khác biệt đến từ Vũ Quốc Tuấn, khiến tính cách lẫn tâm tư con người được đặc tả và chú ý nhiều hơn là bối cảnh bom đạn khốc liệt.
Về xu hướng làm phim chung hiện giờ, khi thị trường điện ảnh có nhiều phim được hoàn thành trong thời gian ngắn, Vũ Quốc Tuấn hoàn toàn không lạ gì, ông đưa ra quan điểm: “Làm phim trong thời gian dài hay ngắn cũng đều phải có sự chuẩn bị chu đáo. Tại sao đôi khi nước ngoài có những bộ phim quay trong thời gian ngắn nhưng lại rất hay? Bởi họ đều đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước và chỉ cần bắt tay vào làm với tư duy và cách nhìn thống nhất. Còn làm phim trong thời gian dài có thể kỹ lưỡng hơn, nhưng rất dễ bị ảnh hưởng và thay đổi trong từng giai đoạn”.
“Kỹ tính” làm nên thương hiệu
|
Dù không bao giờ ngồi yên trước những đổi thay của thời đại, nhưng quan điểm nghề nghiệp của nhà quay phim tài ba rất khó bị lung lay. Đoàn làm phim trong Nam ngoài Bắc mời ông làm việc cũng không ít, nhưng ông chỉ nhận lời khi cảm thấy kịch bản mình có thể khai phá được.
Nhiều đoàn phim không cần quay phim phải chọn cảnh, nhưng tiêu chí làm nghề đầu tiên của NSND Vũ Quốc Tuấn là phải được tự mình chọn cảnh. Ông chia sẻ: “Khi không được chọn cảnh, tôi hoàn toàn mất đi tự chủ, vì không thể hình dung ra được không gian, không thể nghĩ xem cảnh quay này sẽ đẩy vào góc nào là hợp lý”. Điều này có nghĩa rằng, sản phẩm làm ra ông muốn mình phải được chăm chút từ đầu đến cuối, như vậy mới là công sức của chính ông.
Tôi thì tin rằng, sự kỹ tính này đến từ những năm tháng làm phim vất vả trong điều kiện thiếu thốn. Hồi còn làm phim Những người thợ xẻ với đạo diễn Vương Đức, nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn nhớ lại ngày xưa vận chuyển máy móc cồng kềnh vào sâu trong rừng khó nhọc ra sao. Với ông, quay phim ở rừng hay biển là những việc khó nhất trên đời, vì càng vào sâu càng gặp nguy hiểm. Vậy mà để tìm thấy những “điểm nối”, hay tạo tính khác biệt trong khung hình, ông đều bất chấp nguy hiểm vì không muốn phim mình quay chỉ toàn những gam màu lặp đi lặp lại của những cánh rừng bạt ngàn hay biển cả mênh mông.
Kể cả vậy, điều kiện ngày xưa cũng khó thể nào sắp đặt góc máy từ trên cao, thế là Vũ Quốc Tuấn nghĩ ra cách chọn rừng sâu nhưng sát bên rìa những con suối, để tạo những màu trắng đan xen với rừng, giúp cho cảnh quay có thêm chiều sâu.
Những lo lắng cho thế hệ trẻ
Lắng nghe NSND Vũ Quốc Tuấn kể chuyện, tâm sự về nghề, tôi có hỏi thêm rằng ông nghĩ sao về những nhà quay phim trẻ hiện giờ. Bản thân ông luôn quý mến các bạn trẻ làm phim, nhưng khuôn mặt vẫn không giấu nổi điều gì đó trăn trở, suy tư.
Hiện giờ máy móc đã tân tiến hơn, rồi chưa kể còn có sự hỗ trợ của công nghệ kỹ xảo. Ông nghĩ rằng điều này sẽ khiến người trẻ chủ quan, vì khi không còn phải bận tâm quá nhiều, thì tình yêu dành cho tác phẩm mình làm ra sẽ bị vơi đi. Với thế hệ của Vũ Quốc Tuấn, chính vì khó khăn và thiếu thốn đủ mọi thứ, nên ông cùng các đồng nghiệp bấy giờ luôn bắt mình phải định hình bộ phim làm ra sẽ như thế nào ngay từ ý tưởng trong đầu.
Những người “non” kinh nghiệm thường không kiên định, dễ dàng thay đổi khi nhìn thấy một bối cảnh nào đó đẹp hơn nơi lúc trước mình đã chọn. Hoặc quá chú ý vào vẻ đẹp bối cảnh mà không thể lựa cách kể chuyện hợp lý. Theo như nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn, dù đạo diễn hay quay phim, cũng đừng để môi trường xung quanh tác động làm mất đi tư duy ban đầu.
“Hãy để cảnh quay trở nên có hồn, mang đến nhiều góc độ khác nhau và đừng biến nó chỉ là một cảnh trần thuật thông thường” – tay máy từng mang về nhiều giải thưởng trong nước lẫn quốc tế cho hay. Nhưng để làm được điều đó, nhà quay phim phải hiểu và thẩm thấu được câu chuyện của bộ phim, đừng để mỗi hôm tới bối cảnh rồi mới nghĩ ra sẽ làm ra sao.
Bản thân nghệ sĩ Vũ Quốc Tuấn cũng muốn có được dịp giảng dạy cho các bạn trẻ về nghề quay phim. Tuy vậy đó cũng là một thách thức không hề nhỏ. Đủ người học là một chuyện, nhưng đam mê và tình yêu nghề đôi khi là những thứ khó thể truyền đạt, mà phải tự chính bản thân mình tôi luyện. Đó là chưa kể, một lớp học cũng cần tìm kiếm những tư duy khác nhau, vì có người lại thích máy “động”, có người thích máy “tĩnh”, có người lại mang quan niệm khác nhau về chiều sâu hay chiều dài trong quay phim…
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn sau hơn 30 năm cống hiến cho điện ảnh nước nhà, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân vào năm 2019. Đó là một niềm vinh dự, những cũng là áp lực đối với cá nhân ông, bởi ông luôn muốn thay đổi, luôn đặt mục tiêu phim sau phải khác phim trước. Những lúc không phải đi đoàn phim ở xa, ông dành thời gian cho gia đình, tự mình xem nhiều bộ phim hơn để tìm tòi, nghiên cứu, tiếp nhận những điều mới mẻ. Ông cũng mong nhà nước thêm quan tâm nhiều hơn tới điện ảnh, tạo điều kiện để các bạn trẻ được giao lưu, đi đây đó, tiếp xúc nhiều hơn với các nền điện ảnh bên ngoài, như vậy tay nghề mới thêm vững vàng. |
Nhà quay phim Vũ Quốc Tuấn: Thả hồn qua cánh cửa nhỏ (TGĐA) - “Dắt lưng” một chuỗi những bộ phim truyện nhựa đáng nể như: Hoa ... |
NSND, nhà quay phim Lý Thái Dũng: 'Mọi việc đều có thể xảy ra, kể cả cổ phần hóa lại' |
Vũ Anh