Đã lâu lắm rồi, chúng ta không có phim hoạt hình nào được gửi đi tham dự các Liên hoan phim quốc tế, dù Liên hoan phim quốc tế nào cũng có hạng mục dành cho thể loại phim hoạt hình, cả ngắn và dài. Có một phim hoạt hình của ta dự Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội (HANIFF) được giải, nhưng cái giải đó cũng chìm nhanh. Lý do là, rất ít nước gửi phim hoạt hình sang dự HANIFF. Họ thường gửi phim truyện. Còn trong nước thì sao? Các giải Bông Sen, Cánh Diều vẫn trao cho phim hoạt hình. Nhưng các phim được giải, chiếu ở đâu? Có người xem không?... thì dường như, không ai để ý. Có thể những người làm phim hoạt hình, vui khi nhận giải, rồi lại trở về với nỗi buồn muôn thuở của mình: Làm phim mà không có nơi chiếu, không có người xem.
| Cartoon Network tràn ngập phim hoạt hình ngoại dành cho trẻ em | |
Thử mở các kênh truyền hình dành cho thiếu nhi, ta thấy, suốt ngày suốt đêm, hàng chục, hàng trăm phim hoạt hình nước ngoài hoạt động tưng bừng. Trẻ em nước ta tha hồ lựa chọn. Nào Cartoon Network, Disney Channel, Bibi… với những câu chuyện hấp dẫn, những hình ảnh sinh động, mầu sắc bắt mắt… Đó là chưa kể đến những chương trình hấp dẫn khác mà các đài truyền hình như YouTV, HTV3… mua của nước ngoài phục vụ thiếu nhi cũng vô cùng hấp dẫn. Điều này nói lên rằng, tính cạnh tranh của phim hoạt hình trong cơ chế thì trường là không có.
Vì sao phim hoạt hình của ta không hấp dẫn? Yếu tố đầu tiên là câu chuyện. Cái đáng ngại nhất về nội dung của phim hoạt hình nước ta là tính giáo huấn, dạy dỗ. Dường như phim nào, dù ngắn hay dài, người làm phim cũng lồng mấy câu dạy bảo khán giả ở cuối phim, hoặc trong lời thoại. Đương nhiên, phim nào cũng mang yếu tố tuyên truyền, đặc biệt là phim của Hollywood. Nhưng tuyên truyền kiểu Mỹ, khán giả dễ chấp nhận, vì không lộ. Còn phim của ta, cứ tuyên truyền cứ oang oang như đài phường. Các chuyên gia tâm lý nhận xét, tuyên truyền không khéo, chẳng khác gì “lấy búa đập vào đầu khán giả”. Làm trẻ con ở Việt Nam sao khổ thế. Ở nhà bị bố mẹ ngăn cấm mọi thứ. Đến trường bị cô giáo, sao đỏ, tổ trưởng…“soi” mọi lúc. Ra đường thì không có chỗ chơi. Đến lúc thư giãn xem tí phim hoạt hình, lại bị dạy bảo. Mà người dạy có khôn ngoan gì cho cam. Toàn những điều đao to búa lớn mà nhàm sáo.
| Cho đến bây giờ, Người con của Rồng vẫn là phim Hoạt hình duy nhất của Việt Nam được làm 3D và chiếu rạp | |
| Phim Bò vàng của Việt Nam từng đoạt giải Ban giám khảo tại Liên hoan phim HANIFF lần thứ 2 tại Hà Nội | |
Điều thứ hai là, phim hoạt hình của ta, các hình không đẹp, không sinh động. Người ta vẽ các con vật theo lối tả thực quá. Những hoạt động của các nhân vật hoạt hình vừa chậm, vừa gượng gạo. Có cảm giác, người làm phim hoạt hình như kể chuyện tranh. Tiết tấu và nhịp điệu cứ diễn ra đều đều. Trong khi đó, nếu là truyện tranh, thì trẻ em lại nô nức xem các chuyện Comis của phương Tây hay Manga của Nhật Bản với những hình vẽ đầy biến dộng. Thậm chí, nhiều nhân vật hoạt hình tung hoành trên màn ảnh thế giới đều bước ra từ truyện tranh. Còn khi các nhân vật hoạt hình của ta cất lời nói, người xem lại cảm thấy hơi giả, nghĩa là không tin. Người lồng tiếng cho các nhân vật hoạt hình của ta dường như không am hiểu về nghề. Đặc biệt, âm nhạc là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong phim hoạt hình, nhưng ở ta, khâu này thường ít được chú ý.
| Vua sư tử từ 2D đến 3D vẫn trở thành món ăn quen thuộc của cả thiếu nhi lẫn người lớn Việt Nam | |
Mặc dù trên thế giới, công nghệ điện ảnh phát triển rất mạnh. Những phim hoạt hình sử dụng nhiều kỹ xảo 3D đã trở thành bình thường, nhưng ở ta vẫn là điều xa xỉ. Quan trọng nhất trong việc làm phim hoạt hình kỹ xảo 3D chính là sự tưởng tượng trong thế giới thực. Nhưng không phải ai cũng có trí tưởng tượng. Muốn tưởng tượng mạnh mẽ, người ta thường đọc đủ các loại sách, từ cổ chí kim của mọi ngành nghề. Trong khi đó, tỷ lệ đọc sách của người Việt Nam vào loại thấp trên thế giới. Mới có một số phim hoạt hình của ta sử dụng kỹ xảo 2D hay 3D, nhưng người xem đã nhận ra dấu vết của sự cẩu thả trong việc tạo hình và diễn xuất.
| The missing picture - Bộ phim hoạt hình Campuchia từng đoạt giải Cannes năm 2013 | |
Lĩnh vực làm phim hoạt hình là nghệ thuật có tính sáng tạo rất lớn. Nhưng dường như, những người làm phim hoạt hình nước ta như những người làm công, ăn lương. Hàng năm, Nhà nước cấp cho ngần này chỉ tiêu, nhận rồi làm phim, sao cho đảm bảo chỉ tiêu và hoàn thành đúng kế hoạch. Chúng ta có ước mơ gì không? Có hy vọng bộ phim mình làm ra sẽ được khán giả ngoài biên giới đón nhận ra sao?... Viết ra điều này, người viết chia sẻ với các nghệ sỹ. Bởi chúng ta còn trăm điều khó. Một hãng, một ngành không thể tháo gỡ. Ngay cả trên các kênh truyền hình của Nhà nước, một số công ty tư nhân làm phim hoạt hình bằng cách kể những câu chuyện hay nhân vật lịch sử, cũng chưa tạo được ấn tượng với người xem. Gần đây, một vài nhà sản xuất muốn đầu tư vào việc sản xuất phim hoạt hình. Nhưng “đề tài” mà họ đưa ra mang tính phiêu lưu một chiều, không đủ những yếu tố cấu thành kịch tính – xương sống của mọi thể loại phim.
Chúng ta có ước mơ gì không? Có hy vọng bộ phim mình làm ra sẽ được khán giả ngoài biên giới đón nhận ra sao không? |