(TGĐA) - LTS: Khép mùa giải Cánh diều 2017 với chiến thắng kép cho bộ phim lịch sử Người anh hùng áo vải (giải Phim xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc), Hoạt hình tiếp tục giữ vững danh hiệu là thể loại phim tuy không ồn ào nhưng ổn định. NSND, đạo diễn Phương Hoa – Trưởng Ban giám khảo Hoạt hình Giải Cánh diều 2017 - chia sẻ suy nghĩ của chị dưới góc độ vừa là người “cầm cân nảy mực” vừa là người gắn bó lâu năm với Hoạt hình Việt Nam.
Năm nay có 13 phim dự thi thì có đến 12 phim là của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Về mặt bằng phim dự giải, nói chung không có gì đột phá so với các mua giải trước, cả về chất lượng cũng như vấn đề mà phim đặt ra. Tuy nhiên, vì thế có thể nói là thể loại Hoạt hình vẫn ổn định, không có phim nào quá dở, đa số là xếp loại khá trở lên. Một số bộ phim, cá nhân tôi thực sự rất thích. Là bởi, trong mặt bằng, đó là những phim sạch sẽ, câu chuyện được kể rõ ràng, rành mạch có ý nghĩa giáo dục về mặt nội dung. Cũng có những phim không nhất thiết phải nêu ra các bài học này nọ mà đề cập đến những thứ rất đơn giản nhẹ nhàng.
Chủ yếu là tác giả đã tìm được cách làm phù hợp để dẫn dắt câu chuyện đến với người xem vừa đủ độ bay bổng và rất tình cảm, phần tạo hình, diễn xuất ăn khớp với nhau khiến cho bộ phim xem rất dễ chịu. Ngoài việc nhận ra điều tác giả định nói, người xem còn có cảm giác thú vị.
Phim Người anh hùng áo vải |
Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng điểm yếu của phim hoạt hình Việt Nam từ xưa đến nay có lẽ vẫn là khâu kịch bản. Các câu chuyện tuy hay, không có gì chê trách nhưng đều đã cũ, tình tiết lộ, khiến người xem dễ đoán được kết của phim. Cũng vì câu chuyện cũ nên thiếu đi yếu tố dí dỏm hài hước cùng sự đột phá, một chút suy tư mong mỏi về những gì có thể tạo thành yếu tố bứt phá. Điều nữa là dường như các kịch bản đều đem đến cảm giác trẻ em có lối tư duy già so với tuổi – có lẽ vì trí tưởng tượng của thiếu nhi là không giới hạn, trong khi người lớn làm phim lại áp đặt suy nghĩ của mình cho các em thành ra bị già.
Về bộ phim giành giải thưởng Phim hay nhất và giải Đạo diễn xuất sắc nhất – Người anh hùng áo vải. Chúng tôi đánh giá cao bộ phim này với lý do thứ nhất đây là phim lịch sử, không những thế còn phim lịch sử hoành tráng cho thấy những nỗ lực lớn của ekip làm phim.
Như chúng ta đã biết, làm phim lịch sử bây giờ rất khó, thể loại điện ảnh hay hoạt hình cũng vậy. Để làm phim hay càng khó. Trong khi đó, làm một phim hoạt hình lịch sử gói gọn trong 30 phút, xem được mà không cảm thấy có gì đó gợn thì quả là thách thức lớn. Vì thế tôi đánh giá cao những người đã dám dấn thân vào đề tài khó (lịch sử) và công nghệ khó (3D).
Nói gì thì nói, công nghệ làm phim hiện nay so với thời cha chú thì đúng là phát triển vượt bậc rồi, nhưng vẫn chưa thể coi là đạt tiêu chuẩn thời đại. Không chỉ máy móc phương tiện hoàn toàn phải nhập từ nước ngoài về mà kể cả những người làm, người sử dụng loại máy móc đó cũng đều phải tự học là chính chứ họ không được đào tạo bài bản qua trường lớp đến nơi đến chốn. Với tất cả những khó khăn đó nhưng các bạn vẫn nỗ lực làm được bộ phim hoành tráng như Người anh hùng áo vải, tôi nghĩ rằng đó là dấu mốc đáng ghi nhận. Thứ hai, dĩ nhiên, bộ phim này cũng đem lại những giá trị về mặt nghệ thuật khi dung hòa yếu tố lịch sử, con người và lòng tự hào dân tộc. Bộ phim nhận giải Họa sỹ tạo hình xuất sắc – Bí mật của những đứa trẻ, các bạn làm rất hay, cách tìm tòi mới mẻ
Ở góc độ người làm nghề, gắn bó cả đời với Hoạt hình, khi biết thông tin có tất cả 13 phim gửi tham dự giải Cánh diều nhưng có tới 12 phim do Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất, cảm giác đầu tiên của tôi là… Buồn. Thực sự, tôi cảm thấy rất buồn. Vì điều đó có nghĩa rằng Hoạt hình – món ăn tinh thần mà xã hội cần, được trẻ em rất yêu thích, luôn đón nhận hồ hởi, thế mà bao năm cho đến giờ vẫn chỉ có một đơn vị làm phim chủ yếu là Hãng phim Họat hình Việt Nam.
Tất nhiên vẫn có những nơi khác làm phim hoạt hình. Nhưng, hoặc họ làm mà không gửi dự thi, hoặc có thể số lượng quá ít ỏi, không đủ để gửi thi hàng năm… Dẫu thế nào, đứng trước thực tế tại mùa giải Cánh diều năm nay, đó là một hiện tượng buồn! Trong khi Phim truyện điện ảnh hiện đang được Tư nhân đầu tư nhiều thì hoạt hình - bộ môn nghệ thuật tuyệt vời lại không được họ mặn mà cho lắm.
Có thể do quan niệm phim ảnh bây giờ giống như một thứ hàng hóa đặc biệt và người ta chưa nhìn thấy lợi nhuận ở mảng hoạt hình nên chưa đầu tư chăng? Giải thưởng Cánh diều là giải thưởng Hội nghề nghiệp. Muốn hay không giải thưởng vẫn là đánh giá về mặt chuyên môn cho tất cả những người làm nghề. Và cũng giống như giải thưởng của LHP Quốc gia, giải Cánh diều là một cách định hướng xu hướng sáng tác của một giai đoạn. Uy tín của giải nằm ở những phim dự thi và giá trị của giải là sự công nhận về mặt nghề nghiệp.
Đạo diễn Phùng Văn Hà nhận giải thưởng Phim Hoạt hình xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc (phim Người anh hùng áo vải) |
Một thể loại phim chỉ do 1 đơn vị làm thì có cố gắng đến mức nào cũng vẫn có những giới hạn nhất định, giống như một bức tranh đơn sắc. Vì vậy, nếu nhiều nơi cùng làm thì tôi hi vọng hoạt hình sẽ phong phú hơn, có sự cạnh tranh hơn bởi người ta sẽ cố gắng làm được bộ phim có chất lượng cao nhất để đưa đến với khán giả, công chúng, để giới thiệu một cách rộng rãi hơn.
“Một số bộ phim có thể điều kiện chưa cho phép người làm đạt được điều mà họ mong muốn nhưng tôi vẫn đánh giá cao cách thể hiện. Với câu chuyện tuy khá cũ, mọi người đều biết nhưng với phương thức thể hiện mới hấp dẫn, các nhà làm phim đã đem lại cảm giác mãn nhãn cho người xem về tạo hình, âm thanh, âm nhạc. Đó là điều đáng ghi nhận của chùm phim năm nay.” |
Điện ảnh là một ngành đặc thù, không phải cái gì cũng ra thị trường ngay được, nhìn thấy lợi nhuận ngay được. Hiện nay, phim truyện gần như là do Tư nhân sản xuất. Chúng ta đã xem các phim này và cũng đã nhận ra nhiều vấn đề cần phải lưu tâm trước thực trạng thiếu vắng dòng phim chính thống do Nhà nước tài trợ, đặt hàng.
Điều này, tôi không nêu thêm ở đây mà xin trở lại với câu chuyện riêng về Hoạt hình. Nếu như nhà nước không tiếp tục quan tâm thì Hoạt hình sẽ trôi, sẽ khó vực dậy được. Các sản phẩm tinh thần dành cho trẻ em không thể đòi hỏi có lãi ngay mà ta phải nhìn nhận ở giá trị cốt lõi là nhằm góp phần xây dựng đào tạo người trước đã.
Nếu như nhà nước coi Hoạt hình là công cụ nghệ thuật để giáo dục con người thì nên đầu tư kỹ lưỡng hơn, phải có quỹ riêng tài trợ lớn hơn và đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho những người làm hoạt hình. Mục tiêu cao nhất hướng tới là làm ra những tác phẩm hay, phong phú về đề tài, thể loại. Ví dụ, Hãng phim Hoạt hình chưa bao giờ được đầu tư một khoản tiền đủ làm phim truyện hoạt hình dài, có thể ra rạp.
Như vậy, làm sao có sự đột phá? Mấy chục năm nay, từ ngày thành lập Hãng vẫn chỉ là phim 10 phút trong khi xã hội thay đổi một cách mạnh mẽ từng ngày từng giờ. Tóm lại, cá nhân tôi, với riêng hoạt hình, vẫn muốn và mong nhà nước quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa, gấp 10, 20 hay 100 lần so với bây giờ thì càng tốt!
NSND Phương Hoa (P.V ghi)