Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?

(TGĐA) - Dạo gần đây, trào lưu phim kinh dị giả tài liệu đang khiến khán giả châu Á sục sôi với mức độ chân thật trên cả mong đợi. Vậy bạn biết gì về thể loại này, nó đem lại những hiệu quả ra sao trong điện ảnh?

Phim kinh dị đình đám 'Halloween Ends' tung trailer kinh hoàng, hé lộ cuộc chiến đẫm máu Phim kinh dị đình đám 'Halloween Ends' tung trailer kinh hoàng, hé lộ cuộc chiến đẫm máu
Bom tấn kinh dị mùa Halloween 'Mồi quỷ dữ' tung trailer mới đến sởn gai ốc Bom tấn kinh dị mùa Halloween 'Mồi quỷ dữ' tung trailer mới đến sởn gai ốc

Phim kinh dị giả tài liệu là gì?

Thể loại phim này hay được gọi dưới cái tên Found footage, thường ám chỉ những phim được quay theo kỹ thuật ghi hình thông thường, như máy quay cầm tay, máy quay an ninh, máy quay từ điện thoại… Đạo diễn hay biên tập phim có nhiệm vụ phải cắt ghép các đoạn phim được quay bằng những thiết bị thông thường như vậy, nhằm tạo ra một câu chuyện thống nhất.

Thực ra, thể loại giả tài liệu không nhất thiết phải dùng duy nhất trong phim kinh dị, mà nó còn được dùng trong nhiều thể loại khác. Tuy nhiên, phim kinh dị giả tài liệu vẫn có độ phổ biến cao hơn, cũng bởi nó đem lại hiệu quả rùng rợn đến chân thật dành cho khán giả, khiến người xem không bị cảm giác “giả tạo” hay “khó tin” mỗi khi xem phim kinh dị.

Mở đầu cho trào lưu này trên thế giới, phải kể tới loạt phim Paranormal Activity của hãng phim độc lập Blumhouse Productions. Phần đầu tiên ra mắt năm 2009, nói về một cặp vợ chồng trẻ bị ám ảnh bởi sự kiện siêu nhiên trong nhà của họ. Toàn bộ phim được quay dưới góc nhìn camera an ninh, khiến người xem như được chứng kiện một sự kiện rùng rợn có thật.

Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?
Paranormal Activity là một trong những phim mở đầu cho trào lưu Found footage

Phần đầu của Paranormal Activity chỉ có kinh phí vỏn vẹn 15.000 USD, nhưng đã thu về tới gần 200 triệu USD toàn cầu. Tiếp đến, phải kẻ tới những phim như Cloverfield được quay bằng máy cầm tay, hay Unfriended được quay qua ứng dụng trò chuyện trực tuyến.

Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?
Phim Cloverfield

Trào lưu mới ở châu Á

Như đã nói trên, trào lưu này đã có mặt rất lâu ở Hollywood, nhưng nay mới bắt đầu “rộn ràng” ở châu Á, khiến cho dòng phim kinh dị nơi đây có những khởi sắc đầy bất ngờ, không hề thua kém những những nước phương Tây là bao.

Điển hình nhất, chính là bộ phim kinh dị The Medium của Thái Lan. Phong cách phim tài liệu dưới góc nhìn thứ nhất của The Medium mang đến cảm giác chân thật và tự nhiên đến khó tin, thậm chí nó thật đến nỗi như thể bạn đang được đứng tại miền Đông Bắc Thái Lan, tham gia câu chuyện của một nữ pháp sư trung niên, đến với một cô gái trẻ bị quỷ ám.

Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?
The Medium của Thái Lan từng gây sốt châu Á một thời gian dài

Đặc biệt hơn, nhân vật kể chuyện của bộ phim là một đoàn phim tài liệu, với những cảnh quay bằng camera quay đêm quả thật khiến khán giả nổi hết da gà vì chúng khuếch đại được trí tưởng tượng của người xem bằng những hình ảnh mập mờ và ghê rợn từ nhân vật. Đây có thể được xem là những phân đoạn kinh dị nhất của phim và khó có phim nào cùng thể loại có thể sánh được, cho dù đó là loạt phim Paranormal Activity.

Chưa dừng ở ở đó, Đài Loan mới đây cũng cho ra mắt một bộ phim có tên là Incantation (Chú nguyền), kể một nhân vật nữ chính có tên là Lý Nhược Nam, chia sẻ câu chuyện qua camera cầm tay của cô ấy: đó là sự việc nhóm bạn của Nhược Nam vô tình đụng tới một lời nguyền chết chóc của một khu làng cổ, dẫn tới Nhược Nam và con gái mình bị ma quỷ hành hạ liên miên. Nhiều trường đoạn được quay táo bạo theo phong cách phóng sự, khiến cho chúng ta giống như đang được xem một video về “bắt ma” trên Youtube.

Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?
Incantation (Chú nguyền)

Châu Á nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh, hay tín ngưỡng tôn giáo gần gũi với cuối sống hàng ngày, nên thể loại Found footage không khác nào một công cụ hữu hiệu dành cho các nhà làm phim châu Á muốn khai thác đề tài kiểu vậy.

Nhận xét về thành công ngoài mong đợi của The MediumIncantation, khán giả trang IMDb cho rằng: “Phim kinh dị châu Á một lần nữa sống dậy mạnh mẽ, cho thấy những câu chuyện rùng rợn ở nơi đây có màu sắc cuốn hút ra sao, điều mà các nước phương Tây chưa chắc có được!”.

Ý kiến này theo người viết là tương đối chính xác. Như trong The Medium, gia đình cô gái bị quỷ ám đã phạm một tội lỗi khá nặng mà họ không hề hay biết đó, chính là việc giết hại và kinh doanh thịt chó. Không chỉ Thái Lan mà ở Việt Nam và nhiều nước Châu Á khác đều cho rằng hành động giết, ăn thịt và kiếm lời từ việc sát hại loài động vật trung thành bậc nhất với con người này sẽ phải gánh chịu những hình phạt nặng nề về sau.

The Medium gây sốt không chỉ ở Thái Lan, mà còn các nước khác, khi là phim đứng thứ 5 trong top doanh thu phòng vé cao nhất tại Hàn Quốc năm 2021 với tổng doanh thu là 7,37 triệu USD Mỹ và 830.909 vé bán ra. Với Incantation, bộ phim kinh dị Đài Loan liên tục đứng nhất top 10 Netflix, với khoảng hơn 5 triệu giờ xem mỗi tuần trong năm 2022.

Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?

Cơn sốt có sớm thoái trào?

Chắc chắn sau The Medium Incantation, sẽ còn nhiều phim khác ăn theo cách làm tương tự, nên có lẽ giờ là quá sớm để khẳng định trào lưu phim kinh dị giả tài liệu có bị “thoái trào” sớm ở châu Á hay không?

Tuy nhiên cứ nhìn vào Hàn Quốc, khi mà họ từng nổi tiếng ra sao với thể loại zombie, nhưng giờ cũng đang dần cạn kiệt ý tưởng với dòng phim kinh dị xác sống, vì chẳng còn mấy phim đạt chất lượng tốt như cách đây 5 – 6 năm.

Thật ra, phim kinh dị giả tài liệu cũng có những điểm trừ, mà nếu nhà làm phim không xử lý một cách tinh tế và khéo léo, rất dễ khiến tác phẩm trở nên khiên cưỡng đến mức khó chịu. Đơn cử là trong Incantation, vẫn có một số cảnh phim làm chúng ta cảm thấy nặng tính sắp đặt và không đạt đến độ chân thực, như khi nhân vật nữ chính chứng kiến bạn trai hay con gái mình bị thương, cô ấy vẫn đủ tỉnh táo để cầm máy để quay lại những thước phim đó, tạo nên tình tiết phi logic, khiến người xem từ cảm xúc chân thực lại trở thành khó tin vì quá vô lý.

Phim kinh dị giả tài liệu: Trào lưu mới ở châu Á?
Incantation vẫn vướng phải khuyết điểm tình tiết khiên cưỡng

Chính vì vậy, dù đề tài kinh dị có thể khai thác đa dạng: tâm linh hay vụ án giết người, nhưng chính vì cách làm bị bó hẹp và phải đảm bảo tính tự nhiên trong cách kể chuyện, đôi khi Found footage lại là một bài toán khó với nhà làm phim. Loạt phim Paranormal Activity dù từng mang về bộn tiền cho hãng Blumhouse, nhưng qua tới các phần tiếp theo, doanh thu bị sụt giảm đáng kể. Đó là minh chứng rõ nhất cho việc Found footage vẫn bị một giới hạn nào đó trong cách triển khai, mà không thể mở thêm ra được nữa.

Nhưng dù thế nào tại thời điểm này, với thành công của The Medium Incantation, khán giả vẫn đang rất chờ mong những bộ phim kinh dị giả tài liệu khác của châu Á ra rạp, nhất là những phim đậm màu sắc dân gian và tín ngưỡng. Và biết đâu trong tương lai, các nhà làm phim lại khai phá ra một thể loại dị mới thì sao?

Phim kinh dị đình đám 'Halloween Ends' tung trailer kinh hoàng, hé lộ cuộc chiến đẫm máu Phim kinh dị đình đám 'Halloween Ends' tung trailer kinh hoàng, hé lộ cuộc chiến đẫm máu
Bom tấn kinh dị mùa Halloween 'Mồi quỷ dữ' tung trailer mới đến sởn gai ốc Bom tấn kinh dị mùa Halloween 'Mồi quỷ dữ' tung trailer mới đến sởn gai ốc

Anh Vũ