(TGĐA) - Hiện nay, ngoài lãnh thổ của nước CHXHCN Việt Nam có hơn 4,5 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập, họ được gọi là Việt kiều. Tại nhiều nước trên thế giới, đã hình thành nên những cộng đồng người Việt gồm nhiều thế hệ. Những năm gần đây, chính phủ Việt Nam tiến hành chính sách đoàn kết và hợp tác với đồng bào của mình ở xa tổ quốc, kêu gọi họ tham gia xây dựng quê hương trong những lĩnh vực rất khác nhau, kể cả văn hóa và cụ thể là điện ảnh.
'Dream Man - Lời kết bạn chết chóc': Phim điện ảnh đầu tay của Thanh Duy tung teaser gây ám ảnh | |
Đạo diễn Việt Kiều: Trở về và hoang mang tìm cách kể chuyện |
Đề tài Việt Nam xuất hiện trong điện ảnh thế giới vào nửa sau những năm 1960, khi bắt đầu cuộc xâm lược của Mỹ chống lại nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ. Sau một thời gian, những người Việt Nam lưu vong bắt đầu làm những bộ phim về tổ quốc mình. Còn từ đầu những năm 2000, trong nền điện ảnh Việt Nam ngày càng biểu hiện rõ nét một xu hướng mới liên quan tới hoạt động của các nhà làm phim Việt kiều bắt đầu trực tiếp làm phim ở Việt Nam.
Họ thực sự tạo thành ba xu hướng sáng tạo: (1) phim tác giả, hay art-house, (2) phim nghệ thuật do các đạo diễn Việt kiều thực hiện với sự tham gia tích cực của các đồng nghiệp ở Việt Nam, (3) phim thương mại như là mẫu mực điển hình của văn hóa đại chúng do các đạo diễn Việt kiều thực hiện trong thập kỷ gần đây.
|
Xu hướng thứ nhất bao gồm những bộ phim của các đạo diễn Pháp gốc Việt: Lê Lâm, Trần Anh Hùng và đạo diễn Mỹ gốc Việt Tony Bùi. Phim của họ có trình độ chuyên môn cao và những phẩm chất nghệ thuật không thể chối cãi. Những bộ phim này đã trở thành hiện tượng nổi bật của điện ảnh thế giới, đã được trao giải một cách xứng đáng tại các LHP khác nhau. Ở Việt Nam, chúng chủ yếu được giới thiệu trong phạm vi các hoạt động văn hóa khác nhau hay các chương trình giảng dạy.
Người ta cho rằng, đạo diễn Việt kiều đầu tiên làm phim về Việt Nam năm 1981 là Lê Lâm, hiện sống ở Pháp. Đó là bộ phim ngắn về đề tài lịch sử- dân tộc học Long Vân khánh hội. Cũng vào năm đó, phim này được giới thiệu tại LHP Cannes trong chương trình “Những triển vọng của điện ảnh Pháp”. Hai năm sau, ông làm bộ phim nghệ thuật dài Đế chế tàn vụn - về nước Việt Nam thuộc địa. Năm 2012, Lê Lâm lại sử dụng lịch sử Việt Nam và làm bộ phim tài liệu Công binh-đêm dài Đông Dương - nói về số phận bi thương của hàng ngàn người Việt trước Thế chiến thứ hai bị cưỡng bức sang Pháp lao động trong các công xưởng, nhà máy và hầm mỏ.
Có lẽ, nổi tiếng nhất trong số các đạo diễn thuộc xu hướng này là Tony Bùi với bộ phim nghệ thuật Ba mùa đã mang vinh quang về cho ông. Đạo diễn tương lai ra đời tại Sài Gòn năm 1973, hai năm sau gia đình ông đã rời thành phố quê hương sang Mỹ và định cư tại một thị trấn nhỏ ở bang California. Bố ông làm việc tại một xưởng video, nhờ thế Tony Bùi có điều kiện xem những bộ phim khác nhau, điều này rõ ràng đã giúp ông quyết định lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Tony Bùi học đạo diễn điện ảnh tại Đại học Los-Angeles , năm 1995, ông làm bộ phim ngắn đầu tiên Búp sen vàng. Năm 1999, ông trình làng bộ phim nghệ thuật Ba mùa tại LHP Sundance (Mỹ) và nhận được giải thưởng lớn của ban giám khảo và giải cảm tình của khán giả. Cơ sở của bộ phim là những trải nghiệm của đạo diễn qua một số lần có mặt ở Việt Nam trước và trong quá trình làm phim. Bộ phim gồm 4 câu chuyện, được kết nối với nhau thành một câu chuyện thống nhất về thời gian và địa điểm - đó là Sài Gòn, thành phố quê hương của đạo diễn. Cốt truyện được xây dựng trên hình tượng của một số nhân vật đại diện cho những tầng lớp khác nhau của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX.
Trần Anh Hùng sinh năm 1962 tại thành phố cảng Đà Nẵng, sau năm 1975, ông cùng với bố mẹ đi sang Lào, sau đó di cư sang Pháp. Tại đây ông vào học trường điện ảnh danh tiếng École Louis-Lumière . Bộ phim đề tài tốt nghiệp của ông có tên Người thiếu phụ Nam xương (1987) lọt vào chương trình song song của LHP Cannes năm 1989. Bộ ba phim Mùi đu đủ xanh (1993), Xích lô (1995), Mùa hè chiều thẳng đứng (2000) đã mang về cho ông danh tiếng quốc tế. Các nhân vật phim của ông là cô gái trẻ đi làm thuê cho một gia đình giàu có ở miền Nam, chàng trai 18 tuổi đạp xích lô kiếm sống bằng lao động nặng nhọc tại thành phố Hồ Chí Minh giữa những năm 1990, ba chị em trong một gia đình khá giả ở Hà Nội vào cuối thế kỷ XX. Cuộc sống, hành động và tình cảm của họ tạo ra bầu không khí hoài niệm về một nước Việt Nam.
|
Thuộc về xu hướng thứ hai là những bộ phim được thực hiện bởi các đạo diễn Việt kiều với sự tham gia tích cực của các đồng nghiệp trong nước. Các tác giả Hồ Quang Minh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh và Đỗ Minh Phượng bằng một nhiệt tình lớn lao đã tạo ra những tác phẩm điện ảnh của mình, khắc họa một cách chân thực đời sống, văn hóa và lịch sử Việt Nam. Điểm nổi bật của họ là sự tìm tòi ngôn ngữ điện ảnh mới và phong cách riêng, mặc dù xét về trình độ chuyên môn và kết quả nghệ thuật, tác phẩm của họ không thể sánh với tác phẩm của Trần Anh Hùng và Tony Bùi.
Hồ Quang Minh sinh năm 1949 tại Hà Nội, hiện sống ở Thụy Sĩ. Năm 1962, ông sang Liên Xô du học, sau đó đến Thụy Sĩ. Ông từng làm trợ lý cho đạo diễn Lê Lâm khi quay bộ phim Đế chế tàn vụn. Ở châu Âu, ông độc lập làm ba bộ phim dài, trong đó nổi tiếng nhất là phim Con thú tật nguyền (Karma). Đầu những năm 2000, ông trở về Việt Nam và làm phim Thời xa vắng (2004), dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Việt Nam nổi tiếng. Phim được tặng nhiều giải thưởng tại LHP quốc gia.
Nguyễn Võ Nghiêm Minh sinh năm 1956 ở Sài Gòn. Năm 1998, ông vào học khoa điện ảnh thuộc Đại học California sau khi đã làm việc tại trường này 16 năm với tư cách là giáo sư vật lý.
Bộ phim Mùa len trâu được quay theo tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, đã mang về cho ông danh tiếng quốc tế lớn. Câu chuyện phim diễn ra ở Việt Nam năm 1940. Nhân vật chính là một cậu bé nông thôn tên Kim làm nghề chăn trâu để giúp đỡ gia đình mình. Bộ phim phản ánh hiện thực nghiệt ngã và sự chính xác lịch sử, được trao tặng nhiều giải thưởng tại các LHP quốc tế. Năm 2013, đạo diễn làm bộ phim nói về tương lai Nước 2030, trong đó ông thử mô hình hóa môi trường sinh thái trên thế giới và ở Việt Nam trong những hình tượng nghệ thuật.
Đoàn Minh Phượng sinh năm 1956 ở Sài Gòn, năm 1977 sang Đức. Bà học khoa đạo diễn phim nghệ thuật và truyền hình tại Köln, làm báo và sáng tác văn học. Bà trở về Việt Nam vào cuối những năm 1980. Năm 2005, cùng với em trai Đoàn Thanh Nghĩa, bà làm bộ phim nghệ thuật Hạt mưa rơi bao lâu, điều thú vị ở chỗ tác giả của nó là một nhà văn, chứ không phải một nhà làm phim chuyên nghiệp.
Xu hướng điện ảnh thứ ba bao gồm những bộ phim thương mại được sản xuất ở Việt Nam vào nửa sau những năm 2000, là những mẫu mực điển hình của văn hóa đại chúng. Bằng chứng về sự tham gia tích cực của chúng vào quá trình điện ảnh quốc gia là ba bộ phim nổi tiếng nhất được quay năm 2007: Dòng máu anh hùng (đạo diễn Charlie Nguyễn), Áo lụa Hà Đông (đạo diễn Lưu Huỳnh) và Sài Gòn nhật thực (đạo diễn Othello Khánh). Trong một chừng mực nào đấy, chúng giúp tìm hiểu hiện tượng này. Charlie Nguyễn và Lưu Huỳnh trở về Việt Nam từ Mỹ, còn Othello Khánh - từ Pháp.
Charlie Nguyễn sinh năm 1968 ờ Sài Gòn, năm 1992 gia đình ông sang định cư ở Mỹ. Từ nhỏ, ông thích thể thao, đặc biệt là karate. Bộ phim đầu tay của ông là phim tài liệu Thời Hùng Vương 18, được quay năm 1995, nói về lịch sử Việt Nam, về võ thuật. Sau khi về Việt Nam, ông bắt đầu làm phim nghệ thuật.
Lưu Huỳnh sinh năm 1960 ở Sài Gòn. Năm 16 tuổi, ông cùng với gia đình di cư sang Mỹ. Một thời gian dài, ông làm kinh doanh. Sau khi về Việt Nam, năm 2007, ông làm phim Áo lụa Hà Đông và đoạt nhiều giải thưởng tại các LHP trong và ngoài nước.
Othello Khánh sinh năm 1964 ở Paris. Ông bắt đầu hoạt động nghệ thuật như một đạo diễn các chương trình phim truyền hình và giải trí, sau đó làm phim tài liệu ở Mexico. Năm 1995, ông trở về Việt Nam và thành lập hãng phim hoạt hình Crea TV. Năm 2007, phim Sài Gòn nhật thực ra mắt khán giả.
Bộ ba đạo diễn này đã tạo ra một bước đột phá thực sự trong sự phát triển tiếp theo của nền điện ảnh Việt Nam với việc giới thiệu các công nghệ và cách quản lý hiện đại phương Tây.
Ngay từ những ngày đầu tiên khi những bộ phim này xuất hiện, trên các phương tiện thông tin đại chúng Việt Nam, đã diễn ra một chiến dịch quảng cáo rầm rộ, tập trung vào các vấn đề tài chính của quá trình làm phim. Chẳng hạn, hãng phim tư nhân Chánh Phương đã đầu tư cho phim Dòng máu anh hùng 800.000 USD, hãng phim truyện Việt Nam, hãng Crea TV và hãng Saigon Eclipse cùng đầu tư một khoản tiền tương đương cho phim Sài Gòn nguyệt thực. Các hãng phim tư nhân Phước Sang và Anh Việt đã đầu tư 1 triệu USD cho phim Áo lụa Hà Đông. Thời bấy giờ, những khoản đầu tư như vậy cho sản xuất phim nghệ thuật là chưa từng có trong ngành điện ảnh Việt Nam.
Phim Dòng máu anh hùng xét về mặt thể loại là chính kịch lịch sử với nhiều pha võ thuật. Cơ sở của cốt truyện là câu chuyện lãng mạn xảy ra trong những năm 30 - 40 của thế kỷ trước, khi Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ. Tình yêu, phong trào yêu nước, cuộc đấu tranh giải phóng là những yếu tố làm nên thành công chủ yếu của bộ phim này. Và tất nhiên, không thể không nhắc tới các diễn viên nổi tiếng, trước hết là vai nam chính – em trai của đạo diễn - Johnny Trí Nguyễn, người từng “tỏa sáng” ở Hollywood như một diễn viên đóng thế trong bộ phim Người nhện và phần tiếp theo của nó Người nhện 2.
|
Phim Dòng máu anh hùng ban đầu được dự định phát hành cả ở nước ngoài, vì vậy các tác giả phải đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế. Chẳng hạn, phim được tráng ở Thái Lan, thu âm ở Mỹ, tại hãng Capital Recording nổi tiếng.
Đạo diễn Lưu Huỳnh làm phim Áo lụa Hà Đông gần hai năm. Bộ phim nói về số phận của một gia đình Việt Nam trong bối cảnh lịch sử rộng lớn của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ.
Bộ phim được đặt tên như vậy vì một chàng trai tặng cô gái chiếc áo dài bằng lụa. Nó không chỉ là trang phục phụ nữ truyền thống ở Việt Nam mà còn là biểu tượng của người phụ nữ Việt Nam, có khả năng vượt qua mọi khó khăn và thử thách, gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp, chung thủy với chồng, con.
Bộ phim nhận được sự mến mộ của khán giả Việt Nam, được giới thiệu tại các LHP quốc tế. Có được sự quan tâm như vậy của công chúng phần nhiều là nhờ sự tham gia diễn xuất của những diễn viên xinh đẹp (Trương Ngọc Ánh, Hà Kiều Anh, Kim Thư), cũng như sử dụng các tiểu xảo kỹ thuật khác nhau. Ví dụ, lần đầu tiên trong điện ảnh Việt Nam, công nghệ “camera bay” (flying camera) được sử dụng, nhờ đó đã quay được những cảnh và những thước phim cực kỳ đẹp ở tỉnh Ninh Bình. Tất cả những cái đó đã gây ấn tượng mạnh đối với khán giả Việt Nam. Năm 2008, Việt Nam giới thiệu phim Áo lụa Hà Đông tham gia đề cử giải “Oscar” của Mỹ.
Tham gia làm phim Sài Gòn nguyệt thực là một tập thể đa dân tộc như Pháp: đạo diễn Othello Khánh và nữ diễn viên Marjolane Bùi; Mỹ: các diễn viên Dustin Nguyễn và Johnny Nguyễn; Hong kong: các diễn viên Edmund Chen và Chen Tseng; Canada – các chuyên gia kỹ thuật. Bộ phim được trao giải thưởng tại LHP quốc tế ở Houston năm 2007. Lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” (“Đoạn trường tân thanh”) của nhà thơ cổ điển Việt Nam Nguyễn Du, đạo diễn đã chuyển các nhân vật của tác phẩm vào bối cảnh hiện đại: câu chuyện diễn ra ở Sài Gòn từ nửa sau của thế kỷ XX cho tới ngày nay. Bộ phim có nhiều đặc điểm lịch sử và sự ám chỉ mang tính chất ngẫu nhiên và vô căn cứ, kể cả việc sử dụng một cách gượng ép nền cốt truyện của tác phẩm.
Sự xuất hiện trên màn ảnh trong nước ba bộ phim này và những bộ phim khác của các đạo diễn Việt kiều đã làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới điện ảnh của đất nước. Sau thành công của các phim Áo lụa Hà Đông và Dòng máu anh hùng, khán giả Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào Sài Gòn nhật thực. Nhưng họ đã thất vọng và không hài lòng với việc hiện đại hóa một cách cực đoan một tác phẩm văn học nổi tiếng như vậy. Trong một bài nhận xét về bộ phim này, tác giả viết: “Thật khó hiểu cái nhìn phiến diện như vậy của một con người (ý nói đạo diễn) đã 12 năm sống và làm việc tại Việt Nam”. Các nhà làm phim Việt Nam cũng tham gia vào việc thực hiện bộ phim này, đạo diễn Tất Bình, giám đốc Hãng phim truyện I cho biết: “Khi mới đọc kịch bản, chúng tôi đã phải sửa nhiều. Dù các tác giả bộ phim yêu Việt Nam đến mấy, nhưng đạo diễn sống xa Việt Nam nên không thể hiểu hết được văn hóa và lịch sử Việt Nam. Chính vì lý do này nên trong phim có thể xuất hiện những bối cảnh, chi tiết mà khán giả không thích”.
Như báo chí Việt Nam lúc bấy giờ đã viết, phim của các đạo diễn Việt kiều không sâu sắc, trong đó sử dụng các thủ pháp điện ảnh tầm thường và bóc lột các diễn viên đẹp. Đặc điểm chung của chúng là phản ánh cuộc sống Việt Nam dưới một lăng kính xa lạ hoặc quá “Tây hóa”. Không hiếm nhưng sai sót thực tế và mang tính lịch sử, phong tục và tập quán Việt Nam bị xuyên tạc. Ví dụ, phim Áo lụa Hà Đông giới thiệu cảnh những bé gái sống ở nông thôn mặc áo dài đi học, trong khi đó chỉ các nữ sinh ở thành phố mới mặc như vậy.
Bộ phim Mùa len trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng đặt ra những kỳ vọng cụ thể liên quan tới tâm lý và phong tục của người Việt Nam và tình cảm của họ đối với con trâu. Nhưng kết quả là đã xuất hiện những hình ảnh và cấu trúc cốt truyện giả tạo, xa rời cuộc sống thực tế. Trong khi đó, khán giả Việt Nam và các nhà làm phim CHXHCN Việt Nam muốn nhìn thấy ở những bộ phim này một nước Việt Nam hiện thực, không giả tạo.
|
Nhiều nhà phê bình và nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam nhận xét rằng các đạo diễn Việt kiều muốn bổ sung những nội dung mới mẻ cho phim của mình, để thực hiện mục đích đó họ sử dụng ngôn ngữ điện ảnh hiện đại, nhưng họ thường nhìn Việt Nam như những người ngoài cuộc, xa lạ. Có thể nói rằng họ làm một thứ điện ảnh văn hóa dân tộc độc đáo, tìm cách giải quyết những vấn đề xa lạ đối với họ, hiểu biết kém hoặc không biết bối cảnh lịch sử, văn hóa và chính trị cụ thể.
Phim của họ toát lên sự hoài niệm về thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp vốn dễ hiểu đối với khán giả phương Tây. Nhiều bài viết nhấn mạnh rằng, thật là kỳ quặc nếu chúng ta đòi hỏi các đạo diễn này hiểu biết Việt Nam, lịch sử và văn hóa của đất nước một cách thấu đáo, bởi nhiều người trong số họ đã rời Việt Nam từ lâu hoặc sinh ra ở nước ngoài. Vì vậy việc đắm mình vào hồi ức, thi vị hóa nỗi buồn và hoài niệm về quê hương là nhiệm vụ sáng tạo chủ yếu của các đạo diễn Việt kiều. Phim của họ là những tác phẩm điện ảnh mang tính chất văn hóa dân tộc độc đáo, chủ yếu định hướng vào khán giả nước ngoài, trong khi đó, ở ngay chính Việt Nam, những bộ phim này ít được khán giả quan tâm. Các nhà phê bình điện ảnh Việt Nam nêu lên một số nguyên nhân dẫn tới tình hình đó như sau: cốt truyện phim không gắn với đời sống đương đại của đất nước; ngôn ngữ và lời thoại của nhân vật phim cũ; tiết tấu của phim chậm; phim chủ yếu nhằm vào đối tượng khán giả nước ngoài, chứ không phải Việt Nam, và để tham gia vào các LHP quốc tế.
Lưu ý tới tầm quan trọng ngày càng tăng của dòng phim này, Viện phim và Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2007 đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Việt Nam trong phim nghệ thuật của các đạo diễn Việt kiều” với sự tham gia của nhiều đạo diễn, nhà phê bình, nhà báo chủ chốt của cả nước. Sau đây, chúng tôi xin trình bày những khó khăn và đặc điểm chủ yếu của phim Việt kiều trong nền điện ảnh Việt Nam đương đại rút ra từ các tham luận tại hội nghị.
Theo ý kiến của nhà phê bình điện ảnh và phó tổng biên tập tạp chí Văn hóa nghệ thuật Đỗ Lai Thúy, các đạo diễn Việt kiều nhìn Việt Nam bằng con mắt của kẻ bên ngoài, người quan sát, con mắt người ngoại quốc. Động lực sáng tác của họ là hồi ức, hoài niệm về quê hương, chúng tạo ra tâm trạng và vẻ đẹp trong các tác phẩm của họ. Hiệu trưởng Trường Sân khấu Điện ảnh Trần Thanh Hiệp cũng nhận xét như vậy, ông cho rằng phần lớn phim của các đạo diễn Việt kiều có chung một ý tưởng – quá khứ xa xưa, chính những tìm tòi nguồn cội Việt Nam, hồi ức tuổi thơ của họ gắn với điều đó.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, phim của những đạo diễn này phải gần gũi hơn với đời sống thực tế của người Việt: “Do có khoảng cách về địa lý” nên họ không hiểu, thậm chí xuyên tạc truyền thống dân tộc, phong tục và quan niệm. Rõ ràng đây là một trong những lý do tồn tại một hiện thực nghịch lý: một số tác phẩm của các đạo diễn Việt kiều không tìm được sự đồng thuận của khán giả trong nước và của các đồng nghiệp làm phim Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, nhà báo Trường Khánh lưu ý một điểm đặc trưng của các đạo diễn Việt kiều là mong muốn xây dựng những cấu trúc thẩm mỹ phức tạp, sự quan tâm của họ tới từng chi tiết của hình tượng nghệ thuật. Chính kinh nghiệm chuyên môn này của họ có thể bổ ích đối với các nhà làm phim Việt Nam. Đồng thời, theo ý kiến của các nhà nghiên cứu Việt Nam, mục đích sáng tạo của các đạo diễn trong nước và đạo diễn Việt kiều khác nhau: các đạo diễn trong nước quan tâm tới những vấn đề xã hội cấp thiết, còn các đạo diễn Việt kiều – bản sắc dân tộc và văn hóa của Việt Nam. Ảnh hưởng của phim của các đạo diễn Việt kiều (ví dụ Trần Anh Hùng) đối với khán giả Việt Nam rất hạn chế, phim của họ thường được giới thiệu tại các cơ quan văn nghệ hoặc câu lạc bộ điện ảnh trong nước. Nhưng dù sao năm 2007, các phim Chuyện tình Sài Gòn, Dòng máu anh hùng, Sài Gòn nguyệt thực cũng được phát hành rộng rãi trong nước.
|
Nhà văn Việt Nam Lê Lựu (tiểu thuyết Thời xa vắng của ông được đạo diễn Hồ Quang Minh chuyển thể thành phim) trong bài phát biểu tại hội nghị nhận xét rằng các đạo diễn Việt kiều làm phim nghệ thuật tốt hơn các đạo diễn trong nước, vì “thứ nhất, ở Việt Nam, chúng ta bị kiểm duyệt, chúng ta làm theo yêu cầu của kiểm duyệt, hơn nữa, chúng ta lại còn tự kiểm duyệt rất nhiều, và thứ hai, ở Việt Nam, chúng ta lẫn lộn giữa điện ảnh và sân khấu”.
Đạo diễn kiêm giám đốc hãng phim Giải phóng (Tp. Hồ Chí Minh) trước đây Lê Đức Tiến cũng xác định những đặc điểm phong cách nghệ thuật cụ thể của phim Việt kiều: đó là phim tác giả, các đạo diễn có trình độ chuyên môn cao, tác phẩm của họ không bị kiểm duyệt, họ làm phim về đời thường, hướng tới thị hiếu của khán giả nước ngoài, ở Việt Nam, những bộ phim này rất khó phát hành.
Trên cơ sở các kết quả thảo luận của hội nghị, nhà phê bình điện ảnh Việt Nam nổi tiếng Ngô Phương Lan cũng đã rút ra các kết luận tương tự. Bà cho rằng các đạo diễn Việt kiều “rất quan tâm tới cái kỳ dị, bản sắc Việt Nam, họ hiểu biết thị hiếu của khán giản điện ảnh nước ngoài tốt hơn nhiều so với thị hiếu khán giả Việt Nam. Và đây chính là bí quyết thành công của họ: Họ giới thiệu những bộ phim mang bản sắc Việt Nam, đồng thời được khán giả nước ngoài thích thú. Họ làm những bộ phim của mình ở một trình độ chuyên môn cao được thế giới công nhận. Chính chất lượng tác phẩm của họ cho phép phim của họ hòa nhập vào nền điện ảnh thế giới” . Đồng thời, bà nhận xét rất đúng rằng hiện nay nhiệm vụ của họ là “làm những bộ phim có thể mang tinh thần Việt Nam, có trình độ kỹ thuật cao để cốt truyện và trình độ thẩm mỹ tương xứng với chuẩn mực quốc tế”.
Đã 10 năm trôi qua rồi kể từ khi diễn ra hội nghị này. Trong thời gian đó, ngành điện ảnh Việt Nam đã trải qua nhiều sự kiện quan trọng: Luật điện ảnh bắt đầu có hiệu lực, công cuộc cổ phần hóa các hãng phim nhà nước đã thực hiện những bước đầu tiên. Vị thế các hãng phim tư nhân đã được củng cố, sản phẩm của họ chiếm phần lớn trong chương trình của các rạp chiếu phim và truyền hình.
Một trong những người khai sinh dòng phim Việt kiều - Charlie Nguyễn - hiện nay đã thực sự trở thành đạo diễn hàng đầu ở Việt Nam. Ông đã làm hơn 10 bộ phim truyện, đa phần là phim hài và phim hành động. Đó là Để mai tính, Cưới ngay kẻo lỡ, Long ruồi, Tèo em, Fan cuồng ... Ông còn viết kịch bản, sản xuất phim của các đồng nghiệp
Lưu Huỳnh còn làm thêm ba phim nghệ thuật nữa ở Việt Nam: Huyền thoại bất tử, Lấy chồng người ta và Hy sinh đời trai, ông dành nhiều thời gian biên kịch.
Othello Khánh chuyển sang làm phim tài liệu và phim truyền hình, thời gian gần đây, ông sống và làm việc ở Mexico.
Những năm gần đây, ngày càng có nhiều đạo diễn, nhà quay phim, diễn viên Việt kiều trở về nước và tích cực tham gia vào đời sống điện ảnh đương đại. Trong số họ nổi tiếng nhất là đạo diễn Victor Vũ - đại diện thế hệ các nhà làm phim Việt kiều lần thứ hai. Ông sinh ở Mỹ năm 1975, mấy tháng sau khi bố mẹ rời khỏi miền Nam Việt Nam. Ở Việt Nam, Victor Vũ đã làm một số phim thành công về thương mại thuộc các thể loại khác nhau (hành động, chính kịch, kinh dị, hài kịch): Oan hồn, Giao lộ định mênh, Cô dâu đại chiến, Thiên mệnh anh hùng, Scadal: Bí mật thảm đỏ, Quả tim máu, v.v... Ông đã đoạt nhiều giải thưởng LHP quốc gia. Năm 2015, ông làm bộ phim tâm lý Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh dựa theo truyện vừa cùng tên của nhà văn Việt Nam đương đại Nguyễn Nhật Ánh. Trong bối cảnh các sự kiện diễn ra ở một ngôi làng, bộ phim khắc họa những tình cảm chân thành của con người, tình yêu vượt qua những khó khăn vật chất và những trở ngại trong cuộc sống. Bộ phim đoạt kỷ lục phát hành ở Việt Nam, thu về 80 tỉ VND. Phim đoạt giải tại LHP quốc tế Con đường tơ lụa ở Trung Quốc và LHP quốc gia ở thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ, bộ phim này đánh dấu sự xuất hiện xu thế mới trong nền điện ảnh đương đại Việt Nam. Tham gia sản xuất phim gồm một số hãng phim tư nhân (kể cả hãng lớn Thiên Ngân), nhận được đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh Việt Nam, nghĩa là được nhà nước tài trợ. Kinh nghiệm đầu tiên trở nên hết sức thành công, và sự kết hợp giữa nhà nước và hãng phim tư nhân có cơ hội trở nên thường xuyên.
|
Lê Văn Kiệt sinh năm 1980 ở Việt Nam, hai năm sau ông cùng bố mẹ vượt biên sang Mỹ (thuyền nhân). Ông học ở Trường điện ảnh và truyền hình (Đại học California, Los Angeles) và tốt nghiệp hạng ưu. Ông đã làm một số phim nghệ thuật: 5 phim ở Việt Nam và 1 ở Mỹ, ông thích các thể loại chính kịch và kinh dị. Bộ phim gần đây nhất của ông Dịu dàng (2015) dựa theo truyện vừa cùng tên của F.M. Dostoevsky. Đạo diễn chuyển câu chuyện tới một ngôi làng miền Nam Việt Nam. Bộ phim được khán giả và giới phê bình đánh giá cao, họ đặc biệt ghi nhận tài năng của các diễn viên như Dustin Nguyễn và Thanh Tú thực hiện các vai chính của bộ phim.
Đạo diễn Trần Quang Hàm sinh năm 1974 ở Sài Gòn, năm 1982, ông cùng gia đình di cư sang Mỹ. Trần Hàm bước vào điện ảnh với hai bộ phim tài liệu. Ở Việt Nam, ông đã làm một số phim, trong đó thành công nhất là phim hài Âm mưu giày gót chân, Bạn gái tôi là sếp, Siêu trộm.
Trở nên rất nổi tiếng ở Việt Nam, các diễn viên Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn đã tham gia nhiều bộ phim với tư cách vừa là đạo diễn Việt kiều vừa là đạo diễn của CHXHCN Việt Nam, trở thành những ngôi sao thực sự và thần tượng của khán giả Việt Nam.
Johnny Trí Nguyễn sinh năm 1974 ở miền Nam Việt Nam. Từ nhỏ ông vốn thích võ thuật, đã từng làm diễn viên đóng thế trong các phim của Mỹ. Ở Việt Nam, ông có nhiều cơ hội bộc lộ tiềm năng sáng tạo của mình với các vai diễn nổi tiếng trong các phim Dòng máu anh hùng, Sài Gòn nhật thực, Tèo em, v.v...
Dustin Nguyễn sinh năm 1962 tại Sài Gòn trong một gia đình nghệ sĩ, năm 1975, cùng với gia đình di cư sang Mỹ. Từ nhỏ, ông đã thích võ thuật, điều này về sau giúp ích ông trong sự nghiệp diễn viên. Ông đã tham gia một số bộ phim của Mỹ và Việt Nam, trong phim chủ yếu người ta sử dụng số đo ngoại hình và khả năng của một vận động viên thể thao và đóng thế của ông. Ở Việt Nam, Dustin Nguyễn đã tham gia hai phim đầu tay cùng lúc năm 2007 là Dòng máu anh hùng và Sài Gòn nhật thực, sau đó là các vai diễn trong các phim Huyền thoại bất tử, Để mai tính, v.v...Với tư cách đạo diễn, ông đã làm phim hành động Lửa phật. Thành công nghệ thuật lớn nhất đối với ông là vai diễn trong phim Dịu dàng (đạo diễn Lê Văn Kiệt) dựa theo truyện vừa của F.M. Dostoevsky, với vai diễn này ông được nhận Giải thưởng tại LHP quốc tế ở Millan (2015).
Hiện nay, các nhà làm phim Việt kiều đã trở thành một bộ phận có ảnh hưởng trong toàn bộ quá trình điện ảnh ở Việt Nam, từ việc thành lập đoàn làm phim đến phát hành trong các rạp chiếu phim. Phần lớn các bộ phim được sản xuất trong nước là sản phẩm của các hãng phim tư nhân, và đến lượt mình, chúng liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới các đạo diễn và diễn viên Việt kiều. Báo chí thường xuyên đăng tải các bài viết về phim Việt kiều, thậm chí về vai trò thống trị của chúng trong nền điện ảnh dân tộc. Và quả thật, thực tế đó đang tồn tại và được xác định bởi những yếu tố khác nhau. Nhiều đạo diễn Việt kiều sinh ra ở nước ngoài hoặc rời bỏ đất nước lúc còn nhỏ. Vì vậy họ lớn lên, học tập, trưởng thành như những nhân cách và nghệ sĩ chuyên nghiệp trong một hoàn cảnh khác. Một số người trong họ đã có kinh nghiệm làm việc tại các hãng phim lớn ở nước ngoài, trong đó có Hollywood. Và, không nghi ngờ gì nữa, họ mang đến cho ngành sản xuất phim những cách tiếp cận mới, công nghệ mới, ý tưởng và phong cách mới.
|
Khao khát vươn tới những chuẩn mực phương Tây của họ, một mặt, thúc đẩy việc hòa nhập nền điện ảnh Việt Nam vào cộng đồng quốc tế, nhưng mặt khác, củng cố hệ tư tưởng của xã hội tiêu thụ trong trí tuệ và tâm hồn của người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Vì vậy vai trò đặc biệt quan trọng của nhà nước hiện nay là bảo vệ những giá trị văn hóa của quốc gia trong các tác phẩm nghệ thuật, đồng thời vẫn tiếp thu và phát triển những thành tựu và kinh nghiệm tích cực của các nhà làm phim Việt kiều.
'Actress wanted': Đạo diễn ‘Touch’ trở lại với phim ly kỳ về cuộc sống các cô gái Việt kiều | |
Sự khủng hoảng trong điện ảnh Việt Nam |
.
Trần Hậu (dịch)
Sokolov A.A. Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm khoa học Nga