(TGĐA) - Bằng chứng là, rất nhiều phim truyện điện ảnh và phim truyền hình dài tập đang chiếu trên các màn ảnh lớn và nhỏ đều có 'yếu tố nước ngoài'. Nhà sản xuất khích lệ chuyện này. Các 'nhà biên kịch' coi việc vay mượn, copy như một điều nghiễm nhiên. Các 'nhà đạo diễn' khi làm phim lúng túng, cũng bắt chước phim nước ngoài cho xong.
Khủng hoảng về kịch bản
Xem những phim như Hương ga, Truy sát… và hầu hết phim của các đạo diễn Việt kiều, những người yêu điện ảnh đều nhận thấy, đó không phải là những phim thực sự thuần Việt. Những màn đấu võ nhang nhác phim Hồng Kông. Những màn rượt đuổi bằng xe y chang phim Mỹ. Kịch bản chẳng có lý do gì cũng đánh nhau, múa may quay cuồng khắp nơi. Âm thanh thì bị lạm dụng kinh khủng. Nhiều lúc âm thanh che lấp sự trống rỗng trong câu chuyện hoặc trống rỗng cho diễn viên. Nhiều người có thể “lý luận’’ rằng, trong thế giới phẳng, có sự giao thoa các câu chuyện. Nhưng thực ra, thế giới càng phẳng, người ta càng quý trọng sự khác biệt, nhất là khác biệt về văn hóa.
Cảnh trong phim Hương ga |
Về phim truyền hình nhiều tập, những người yêu phim đã vạch ra rất nhiều kịch bản đã và đang làm phim, bệ nguyên xi hoặc có nhiều tình tiết y chang những kịch bản của Hàn Quốc hay Trung Quốc. Thật đáng lo ngại là, những phát hiện này, phần lớn, đều chìm vào im lặng. Vô hình trung, cái không tử tế được tiếp tay và bao che. Bên cạnh đó, dù chúng ta có nhiều nơi làm phim TV nhiều tập, nhưng tất cả đều giống nhau ở điểm không chuyên nghiệp. Nghĩa là câu chuyện lê thê, cách kể dài dòng, đối thoại hời hợt… các đạo diễn tìm cách kéo dài câu chuyện để nhà sản xuất phải chi thêm kinh phí. Các nhà sản xuất lại không có nghề làm phim. Vì vậy, phim TV Việt Nam, bao nhiêu năm qua, vẫn dậm chân tại chỗ. Chúng ta có mở nhiều triển lãm, hội chợ về phim TV quốc tế tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng phim TV Việt Nam, dù chào hàng, vẫn không đắt khách.
Trở lại vấn đề kịch bản phim truyện điện ảnh. Hiện nay, các nhà làm phim đổ xô làm những phim giải trí, thuần túy là những câu chuyện ngôn tình. Trong các phim này, có chút Mỹ pha chút Đài Loan, pha chút Hàn Quốc v.v…Có thậtsự giới trẻ Việt Nam sống nghèo nàn nên không đủ chất liệu làm phim? Có thật sự giới trẻ Việt Nam sống già nua, cằn cỗi nên không đủ chất liệu làm phim? Có thật sự giới trẻ Việt Nam sống hời hợt, nông cạn nên không đủ cảm hứng cho các nhà làm phim? Những câu hỏi này, không thấy giới trẻ trả lời. Cũng không thấy các nhà làm phim lên tiếng. Hay cả khán giả và những người làm phim đều mặc nhiên cam phận ăn theo?
Mặt khác, cũng nên chỉ ra một sự thật khác. Đó là việc Nhà nước, đã 3 năm nay, từ 2015, không tài trợ hay đặt hàng một phim truyện nào. Có thể nêu lý do, là Hãng phim truyện Việt Nam đang gặp vấn đề nan giải về cổ phần hóa . Nhưng đó chỉ là chuyện một đơn vị trong ngành. Còn Hãng phim Giải Phóng, Hãng phim truyện I và các Hãng phim tư nhân khác, họ có lỗi gì mà chịu chung số phận như Hãng phim truyện Việt Nam? Trong khi điện ảnh Việt vẫn phải giao lưu với điện ảnh quốc tế, chúng ta vẫn phải gửi những phim cũ đi; hoặc các hãng phim tư nhân gửi phim của mình đến dự. Nhưng có Liên hoan phim quốc tế nào cho các phim giải trí tham dự đâu? Họ đều mang những vấn đề của đất nước họ tham dự. Vì vậy, phim giải trí của Việt Nam đều bị bật ra ngoài, không ai xét vào khung giải. Bởi các phim giải trí của ta, nội dung đều nhẹ hều, không quan tâm đến số phận và văn hóa con người Việt Nam.
Phim truyền hình Tình khúc Bạch dương |
Khủng hoảng về diễn viên
Một nền điện ảnh có giá trị cần có những ngôi sao thực sự của mình. Trong lịch sử, điện ảnh Việt Nam, ở cả hai miền, đều có những ngôi sao được quốc tế công nhận như Trà Giang, Kiều Chinh. Nhưng lâu nay, không thấy ngôi sao nào nữa. Chúng ta vẫn trao giải cho những diễn viên này nọ, nhưng thực sự, họ không đủ sáng trên màn ảnh. Hiếm có những vai nào đậm nét, ăn sâu vào ký ức khán giả. Bây giờ, diễn viên không phải là một nghề nữa mà như một nghề làm thêm. Bởi các hoa hậu, người mẫu hay ca sỹ, lấn sân sang điện ảnh hay truyền hình để chứng minh mình có khả năng diễn xuất mà thôi. Còn diễn xuất thế nào, không ai cần biết. Tìm đâu một nụ cười đẹp, tìm đâu một gương mặt, lúc khóc cũng đẹp, tìm đâu một khoảng lặng của nhân vật khiến người xem xao lòng? Bây giờ, diễn viên hết đi vào lại đi ra, hết ngúng nguẩy lại khóc lóc, ăn vạ, hết ngoạc miệng lại hét inh cả lên. Và tất cả đều diễn giống nhau, nói cùng một ngữ điệu giả tạo.
Trong các phim võ thuật mang tính giải trí, các diễn viên nam và nữ đều có trang phục giống nhau, ăn nói hệt như nhau. Đặc biệt, các động tác múa võ hay lao xe cũng đều giống nhau. Có người giải thích, họ cùng từ một lò mà ra.Nhưng lò kiểu gì cũng nên tôn trọng người xem. Khán giả thưởng thức những màn võ tuyệt vời trong Ngọa Hổ Tàng Long khác hẳn với những màn võ trong Tuyệt đỉnh Kungfu nên không thể chấp nhận những màn đấu võ cẩu thả trong những phim võ thuật của ta.
Phim Truy sát |
Các diễn viên nam đóng vai lưu manh thì cùng một kiểu ăn mặc, tóc tai, xăm trổ… Cứ cất lời lại càng y như nhau, dù trong Nam hay ngoài Bắc, dù bảo kê nhà hàng hay buôn lậu ma túy. Còn các diễn viên nữ lại giống nhau kiểu khác. Đó là chuyện khóc. Diễn viên nữ Việt Nam, dù già hay trẻ, dù người Bắc hay Nam, dù đóng vai người Kinh hay các dân tộc thiểu số, đều hay khóc. Đứng trước bàn thờ: khóc; đứng trước nấm mộ: khóc; bị chồng đánh: khóc; bị người yêu phụ tình: khóc; chia tay di lấy chồng nước ngoài: khóc; con hư: khóc; chồng ngoại tình: khóc; gặp người thân :khóc; đi đẻ: khóc; ngày Tết: khóc. ..Có lẽ phải có mấy luận văn Tiến sỹ bàn về việc khóc trong phim Việt. Tiếng khóc này có lẽ từ đời cô Tấm truyền lại và được chị em diễn viên ngày càng phát huy mạnh mẽ. Từ đó có thể rút ra kết luận: Khi diễn viên khóc nhiều là nhân vật yếu đuối. Nhân vật yếu đuối là câu chuyện yếu đuối. Và khi câu chuyện yếu đuối thì có thể nhận định, đó là một ngành giải trí yếu đuối, một nền điện ảnh thiếu sức sống.
Đoàn Tuấn