(TGĐA) - Dị bản kinh dị Cám vẫn giữ lại những chất liệu quen thuộc trong truyện cổ tích nhưng kịch bản còn lộn xộn, dài dòng.
Bộ phim ‘Cám’ nhận nhiều lời chê bai sau vài ngày công chiếu |
| |
Đạo diễn: Trần Hữu Tấn Diễn viên: Lâm Thanh Mỹ, Rima Thanh Vy, Thúy Diễm, Quốc Cường, Hải Nam Điểm số TGĐA: 6/10 |
Sự trả thù đẫm máu, tàn ác của cô Cám
Ngay từ khi tung trailer giới thiệu, Cám đã nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng, nhất là fan hâm mộ của bộ phim Tết ở làng Địa Ngục, Kẻ ăn hồn. Vẫn là hai chị em Tấm - Cám và mẹ kế, nhưng khác với truyện cổ tích “Tấm Cám” chúng ta biết đến, Tấm và Cám cùng cha khác mẹ nhưng lại rất yêu thương và đùm bọc nhau. Từ khi sinh ra, Cám (Lâm Thanh Mỹ) đã có gương mặt xấu xí, biến dạng, trở thành nỗi nhục của cả gia tộc. Đến cha mẹ ruột cũng hắt hủi, đánh đập chửi mắng, chỉ có duy nhất chị Tấm (Rima Thanh Vy) thương em.
Cám đem lòng yêu mến Bờm là người ở trong nhà. Tưởng rằng sẽ có cái kết đẹp với người mình thương, nhưng sóng gió đã ập đến. Gia tộc ông Hai Hoàng từ xưa đã có giao kèo với quỷ dữ Bạch Lão để có cuộc sống sung túc, bình yên, với điều kiện là cứ 10 năm phải hiến tế một cô gái đồng trinh cho Bạch Lão, lần này Cám bị đưa ra hiến tế. Vì phải chịu cuộc sống tủi hờn, cam chịu suốt bao năm, cô Cám đã có màn trả thù vô cùng đẫm máu sau khi bị Bạch Lão lợi dụng. Bộ phim có những cảnh quay bị dán nhãn 18+ bởi sự ghê rợn, máu me.
Tạo hình chỉn chu
Bối cảnh trong phim được ekip tạo dựng gần gũi, hiện lên trong chi tiết về lễ hội làng với trò đánh đu, đấu vật,... Một điểm cộng cho phim Cám chính là trang phục được đầu tư tỉ mỉ, tạo được phần nhìn đẹp mắt cho khán giả. Là bộ phim cổ trang có khai thác yếu tố văn hóa dân gian Việt Nam, khâu phục trang được ekip chăm chút kỹ lưỡng, tinh xảo, toát lên thần thái của từng nhân vật. Mỗi bộ cánh đều phải trải qua quy trình 3 bước theo chia sẻ của đạo diễn. Đặc biệt, tạo hình của Tấm và Thái tử khi tiến cung mang nhiều giá trị tinh hoa xưa, truyền tải được bối cảnh lịch sử rất chân thực.
Phần hóa trang kinh dị của nhân vật phản diện quỷ Bạch Lão không mấy đáng sợ, nhưng khán giả dành lời khen cho vẻ ngoài của Cám, đủ khiến người xem ấn tượng. Ấn tượng nhất có lẽ là cảnh máu me đầy rùng rợn trong phân đoạn Cám trả thù, lột da người dân trong làng.
Kịch bản kéo dài gây mệt mỏi
Dù phần nhìn mang lại điểm tốt nhưng phim Cám có nhiều hạn chế với kịch bản hơi lê thê. Bộ phim cố gắng cài cắm những chi tiết quen thuộc như trèo cây hái buồng cau, nhặt thóc ra thóc, gạo ra gạo... gây gượng gạo, khiên cưỡng. Có vẻ hơi tham lam khi nhồi nhét nhiều tình tiết khiến Cám đuối sức tại chặng cuối và có cái kết gấp gáp, “đầu voi đuôi chuột”.
Âm thanh là yếu tố quan trọng góp phần tăng không khí căng thẳng ở những màn hù dọa trong phim kinh dị. Tuy nhiên, việc lợi dụng những tiếng la hét quá mức, khiến bộ phim ồn ào cũng là một điểm trừ, gây khó chịu cho người xem. Phần thoại cũng khiến không ít người xem thất vọng vì thiếu tự nhiên.
Ngoài ra bộ phim cũng bị đánh giá "sạn cả rổ", khi nhiều tình tiết hết sức khó hiểu. Nhân vật phản diện Bạch Lão đầu phim tỏ ra "nguy hiểm" nhưng hóa ra lại bị tiêu diệt một cách quá dễ dàng và cực kỳ mông lung. Trường đoạn Tấm từ một nhân vật yếu đuổi, chuyển biến trở nên gạ dạn bất ngờ, một mình vào rừng chống lại Bạch Lão mà không cần quân lính cũng bị đánh giá gượng ép và diễn ra quá chóng vánh. Rồi vai trò của Hoàng tử cũng chỉ để cho "đẹp" bộ phim, khi đến phút cuối đạo diễn mới cho nhân vật này thể hiện nhưng cũng không để lại ấn tượng gì đặc sắc. Nhìn chung, kịch bản có nhịp độ ơi "ề à", cùng với cách khai thác nhân vật bị "nông", đã khiến bộ phim bị mất điểm khá nhiều.
Dàn nhân vật phụ mờ nhạt
Cám sở hữu nhiều gương mặt trẻ cùng các diễn viên dày dặn kinh nghiệm. Là vai diễn đánh dấu sự trưởng thành của Lâm Thanh Mỹ, từ hình tượng cô gái hiền lành, sống trong sự nhẫn nhịn, Cám đã lột xác, chuyển biến tâm lý với ánh mắt đáng sợ khiến người xem phải rùng mình. Nữ diễn viên đã có diễn xuất thuyết phục, chuyển đổi cảm xúc tốt từ nhân vật Cám nhút nhát sang cô Cám đầy uất hận.
Bà kế Thúy Diễm và ông Hai Hoàng Quốc Cường diễn tròn vai, chưa thật sự tạo được ấn tượng mạnh. Có lẽ hai nhân vật chưa được khai thác sâu, tạo ra nhân vật bà Kế chỉ biết ở bên cạnh và cam chịu mỗi khi chồng dành tình thương cho Tấm. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của một số diễn viên phụ khá mờ nhạt như vai Thái tử của Hải Nam. Vai thằng Bờm dù có biểu cảm không tệ, góp phần trong những cú plot twist của phim nhưng đài từ của anh trong cảnh đẩy cảm xúc lên cao trào khiến khán giả “tụt mood”.
Thúy Diễm có diễn xuất an toàn trong vai diễn lần này |
Rima Thanh Vy có phần hơi đơ khi đảm nhiệm vai Tấm dù gây bất ngờ với cảnh quay táo bạo. Ở những phân cảnh phải vùng lên chống lại quỷ dữ Bạch Lão thì diễn xuất của Thanh Vy còn thiếu sức nặng, yếu đuối. Nhìn chung ngoại trừ Cám, những vai diễn còn lại đều chưa đủ thuyết phục khán giả.
Phim kinh dị Việt đặc biệt là các phim lấy cảm hứng từ truyện, truyền thuyết, văn hóa dân gian đã đến gần với khán giả hơn và thu về thành công. Tuy nhiên chất lượng nội dung còn vướng phải nhiều ý kiến tranh cãi. Bộ phim Cám sẽ thành công hơn nếu biết tiết chế lại.
(Review) 'Hai Muối': Nỗ lực của Quyền Linh không thể cứu được kịch bản 'lộn xộn' | |
(Review) ‘Tìm kiếm tài năng âm phủ’: Vì sao trở thành hiện tượng phim hài? |
Ngọc Quỳnh