Sức ép nặng nề về tỉ lệ ăn chia từ các doanh nghiệp phát hành phim có vốn đầu tư nước ngoài

(TGĐA) – Sáng ngày 8/12 tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), phối hợp cùng Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo: "Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim".

Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam: 'LHPVN lần thứ 22 có thể phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến' Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam: 'LHPVN lần thứ 22 có thể phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến'
Cục Điện ảnh tổng kết công tác 2020 cùng phương hướng nhiệm vụ năm 2021 Cục Điện ảnh tổng kết công tác 2020 cùng phương hướng nhiệm vụ năm 2021

Chủ trì buổi Hội nghị - Hội thảo: "Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim" gồm có: PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng bộ VHTT&DL, ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Điện ảnh, cùng sự tham gia của rất nhiều đơn vị phát hành, phổ biến phim trên cả nước.

Theo ông Vi Kiến Thành, trong những năm qua, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi đã tác động đến ngành điện ảnh Việt Nam. Những thay đổi trong quan hệ kinh tế, xã hội, các quy định mới trong các bộ luật liên quan tới lĩnh vực điện ảnh, các cam kết quốc tế, sự phát triển của khoa học – công nghệ điện ảnh trên thế giới đã tác động mạnh mẽ đến tư duy, xu hướng phát triển của công nghiệp điện ảnh Việt Nam.

Sức ép nặng nề về tỉ lệ ăn chia từ các doanh nghiệp phát hành phim có vốn đầu tư nước ngoài

Giai đoạn 2013 – 2020 là thời điểm điện ảnh Việt Nam thay đổi toàn diện, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài tham gia đầu tư vào Việt Nam tăng trên cả 3 thị trường: sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Theo đó, phim thương mại công chiếu ra thị trường đa dạng về nội dung; hệ thống rạp được xây dựng, đầu tư bài bản với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại tại nhiều thành phố lớn.

Trong phần tham luận, ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã nêu ra thực trạng 'nóng' trên thị trường phát hành phim hiện nay: "Hầu hết các công ty nhập khẩu và phát hành phim hiện nay đều có hệ thống cụm rạp của mình nên trong khi thực hiện phát hành phim, các công ty đã tạo ra sức ép với các cơ sở chiếu phim khác về tỷ lệ, về suất chiếu lợi nhất cho các công ty với sức ép anh không chiếu cũng không sao, khán giả sẽ sang rạp của họ, điều này gây khó khăn cho các đơn vị phổ biến phim chỉ có rạp mà không có chức năng nhập khẩu phim; càng gây khó khăn hơn đối với các rạp địa phương chỉ có 1 hoặc 2 phòng chiếu”.

Sức ép nặng nề về tỉ lệ ăn chia từ các doanh nghiệp phát hành phim có vốn đầu tư nước ngoài
Ông Nguyễn Danh Dương - Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia

Ông cũng đưa ra kiến nghị: “Nhà nước giữ vai trò điều tiết và giám sát việc đầu tư của các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo tỷ lệ không vượt quá 51% trong các lĩnh vực xây dựng rạp chiếu phim, bởi đây là lĩnh vực xây dựng quan trọng nhất, quyết định sự phát triển điện ảnh”.

Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh – Tổng giám đốc công ty BHD cũng có ý kiến tương đồng: "Quản lý của nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim chủ yếu ở kiểm duyệt phim là chính nên cần có luật, nghị định hay chính sách để hỗ trợ các nhà phát hành và phổ biến phim trong nước. Nếu ngành công nghiệp xe hơi có hỗ trợ thuế cho nhập khẩu xe hơi nước ngoài, hay thị trường chứng khoán rồi bất động sản cũng có những mức thuế rất ưu đãi... thì một nhà đầu tư nếu đầu tư vào điện ảnh lại chịu thuế rất cao".

Bản thân bà Hạnh cũng đưa ra lo ngại: "Với tư cách là một doanh nghiệp của Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực này, tôi không biết các doanh nghiệp như BHD, Galaxy hay Beta có buộc phải đổi tên thành CGV hay Lotte hay một cái tên nào nữa không, bản thân chúng tôi không chắc chắn trong tương lai vì không có các chính sách của nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi mong muốn được cạnh tranh sòng phẳng về tỉ lệ chiếu phim mà các rạp như BHD thu được bằng với tỉ lệ bằng với CGV hay Lotte - điều này đã là rất khó.

Một bộ phim Việt Nam được sản xuất và đưa vào rạp luôn có doanh thu thấp hơn một bộ phim của Mỹ khoảng từ 20 - 30% doanh thu, vây thì bản thân các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh điện ảnh ở Việt Nam luôn ở trong thế thua và chịu thiệt thòi".

Sức ép nặng nề về tỉ lệ ăn chia từ các doanh nghiệp phát hành phim có vốn đầu tư nước ngoài
Nhà sản xuất Ngô Thị Bích Hạnh – Tổng giám đốc công ty BHD

Cũng trong hội nghị, các đơn vị chiếu bóng trên cả nước chia sẻ đang gặp không ít khó khăn do không được đầu tư đồng bộ. Đại diện Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ cho hay: “Trên địa bàn tỉnh, các rạp chiếu phim tư nhân với ưu thế nằm trong tổ hợp các trung tâm thương mai, giải trí, dịch vụ tiện ích, đã được đầu tư hệ thống công nghệ chiếu phim hiện đại, nguồn phim phong phú, thu hút đông đảo nhân đân. Tuy nhiên, ngay tại Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim tỉnh Phú Thọ, hiện chỉ còn duy nhất rạp chiếu phim Hoa Phong, thì hoạt động chiếu phim kinh doanh hầu như không thực hiện được, đơn vị chỉ thực hiện các buổi chiếu phim miễn phí phục vụ chính trị, thiếu nhi. Đặc biệt trong điều kiện kinh phí tỉnh còn hạn hẹp, cho nên việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển cho hoạt động phổ biến phim không được thường xuyên, chắp vá, không đồng bộ, ảnh hưởng tới công tác phổ biến phim và chất lượng buổi chiếu phim".

Nhìn chung, các đại biểu tham dự Hội nghị - Hội thảo: "Đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phát hành, phổ biến phim" đều cho rằng sự chi phối quá mạnh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến thị trường phim Việt mất cân bằng. Việc không có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp và đơn vị trong nước có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới Chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2030, khi tiếng nói của các doanh nghiệp Việt trở nên quá yếu ớt.

Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam: 'LHPVN lần thứ 22 có thể phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến' Họa sĩ Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam: 'LHPVN lần thứ 22 có thể phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến'
Cục Điện ảnh tổng kết công tác 2020 cùng phương hướng nhiệm vụ năm 2021 Cục Điện ảnh tổng kết công tác 2020 cùng phương hướng nhiệm vụ năm 2021

P.V