(TGĐA) - Squid Game, loạt phim kinh dị siêu bạo lực dựa vào trò chơi sống sót của Hàn Quốc rất thành công trên Netflix dù bị tố cáo “đạo văn” bộ phim điện ảnh Nhật Bản As The Gods Will nhưng vẫn không lấn át được lời kêu gọi của khán giả hâm mộ là hãy sớm có mùa thứ 2. Vì sao Squid Game lại thành công đến vậy?
Khơi gợi tâm lý hoài cổ và thêm chút máu me!
|
Squid Game đã được yêu thích tại phần lớn châu Á trong thập niên qua và vừa trở thành loạt phim nhiều tập đầu tiên của Hàn Quốc lọt vào vị trí top trên Netflix ở Mỹ. Phát hành ngày 17/9, chỉ 2 ngày sau lọt vào top 10 (hạng 8), lên hạng 2 sau 1 ngày và hạng nhất sau 1 ngày nữa. Ngay cả khi bạn chưa có dịp xem Squid Game hoặc chưa vào các diễn đàn khán giả hâm mộ tràn ngập trên mạng internet, rất có thể bạn từng nghe nói về nó. Lý do đơn giản, bộ phim kinh dị siêu bạo lực này đã trở thành một “hit” tầm cỡ từ ngày ra mắt trên nền tảng Netflix cách nay vài tuần. Điểm nhấn chính của loạt phim này là trò chơi sinh tồn bạo liệt. Sức hút lớn của “Korean series” 9 tập này đã giúp nó sắp đánh bại bộ phim tình cảm lãng mạn Bridgerton nói về thời đại Regency và trở thành “Loạt phim kịch bản gốc (không phải làm lại) lớn nhất mọi thời” của Netflix.
Mặc dù chủ đề được Squid Game khai thác không mới (đã có nhiều bộ phim trò chơi man rợ như thế), nhưng nhờ hình ảnh ấn tượng, các nhân vật dễ hiểu và đi sâu vào “bản chất khó đoán” của con người, bộ phim đã thu hút được đông đảo khán giả trên thế giới. Trong Squid Game, một nhóm 456 người, ngập đầu trong nợ nần và tuyệt vọng, bị dụ tham gia một trò chơi sinh tồn khát máu để “đổi đời” và lấy lại hy vọng. Tổ chức trò chơi là những con người bí ẩn mang mặt nạ và trang phục đỏ. Nếu thắng cả sáu trò chơi, họ sẽ ra về với 40 triệu USD, còn thua, đồng nghĩa với mất mạng. Các trò chơi trong phim không phức tạp lắm, mà đơn giản chỉ là những trò chơi quên thuộc thời thơ ấu. Nhưng sự đan xen kinh ngạc giữa một trò chơi ngây thơ của trẻ con với những cái chết đầy bạo lực đã khiến người xem phải bật dậy hốt hoảng!
|
Đạo diễn Hwang Dong Hyuk của Squid Game bộc bạch trong một cuộc phỏng vấn: “Bí ẩn sự hấp dẫn của Squid Game là ở chỗ khán giả được chứng kiến những người lớn sống trong tuyệt vọng cùng cực phải liều mạng để giành chiến thắng trong những trò chơi họ từng chơi từ lúc còn bé. Thắng có nghĩa là tồn tại. Các trò chơi rất đơn giản, dễ chơi, luật chơi được tối giản để người xem có thể tập trung nhiều hơn vào từng nhân vật”. Hoài cổ nhưng sức hút rất mạnh. Ví dụ, trò chơi tổ ong “Dalgona” trong tập ba là thử thách mà hầu hết người Hàn Quốc từng chơi ở tuổi ấu thơ. Trong trò chơi, người chơi phải cẩn thận dùng kim cắt ra một hình dạng từ một miếng kẹo tổ ong mỏng như tờ giấy. Nếu hình dạng không đạt yêu cầu và kẹo bị nứt, họ sẽ thua cuộc. Một tài khoản Twitter Hàn Quốc viết: “Nhờ Squid Game tôi mới nhớ kẹo Dalgona và muốn ăn lại nó. Nhưng đã 20 năm rồi nên không biết chúng còn được bán không? Tôi không nghĩ có thể tìm được chúng!”.
Khán giả thấy dáng dấp mình trong phim
|
Các nhà phê bình phim ảnh cho rằng sự thành công của Squid Game là do chính các nhân vật đời thường của trò chơi. Dù đều bị vướng vào rắc rối tiền bạc nhưng nhiều người chơi là “công dân hạng 2”, bị rơi vào cảnh khốn cùng và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Ví dụ, vai chính Gi Hun (Lee Jung Jae đóng) là một người đàn ông mê cờ bạc đang tìm cách để được gia đình tôn trọng. Anh ta còn thất bại trong doanh nghiệp riêng phải ăn cắp tiền của mẹ để đánh bạc! Tham gia trò chơi, anh gặp một thanh niên có hoàn cảnh bi đát trốn khỏi Bắc Hàn và một lao động bị chủ ngược đãi từ Pakistan.
Kim Pyeong Gang, giáo sư môn văn hóa thế giới tại Đại học Sangmyung, nhận định: “Hầu thư tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ và những người thường xuyên chịu đựng sự ghét bỏ, xa lánh và mang tâm lý oán hận trong cuộc sống thực rất dễ đồng cảm với các nhân vật. Họ thấy có dáng dấp mình trong đó. Giống như các nước Đông Á khác, sự cạnh tranh khốc liệt trong xã hội Hàn Quốc khiến nhiều người thấy giấc mộng tan tành. Cho dù có làm việc chăm chỉ và làm việc hết mức, chưa chắc bạn có thể đạt được cao khi thi vào đại học hoặc có một công việc tốt, lo được cho bản thân và gia đình. Các trò chơi trong Squid Game, dù chết chóc, vẫn là một thế giới dựa trên sự công bằng, khác với thế giới thực. Nói rõ hơn, lạc vào ‘thế giới ảo thay thế’ này, khán giả thấy giấc mơ vẫn còn chứ chưa hoàn toàn mất”.
Nói như một thành viên sản xuất loạt phim: “Tất cả người tham gia trò chơi đều bình đẳng. Những người bị phân biệt và đối xử bất công ở thế giới bên ngoài đều có cơ hội chiến thắng trong một cuộc cạnh tranh công bằng”.
Ăn cắp và phủ nhận
Truyền thông phương Tây so sánh sự tương đồng về chủ đề giữa Squid Game và Parasite (phim Hàn Quốc đoạt giải Oscar 2019). Cả hai cùng nhấn mạnh đến sự chênh lệch giàu nghèo và bất công xã hội, dù hướng giải quyết có khác nhau. Họ cũng đưa ra thêm Hunger Games và Battle Royale. Nhưng ở khu vực Đông Á, khán giả lại thấy Squid Game có những điểm tương đồng với bộ phim điện ảnh Nhật Bản As The Gods Will (2014) nói về một nhóm học sinh trung học. Mạch truyện gần giống nhau. Thậm chí có người còn cáo buộc Squid Game “ăn cắp ý tưởng”. Trong As The Gods Will cũng có trò chơi truyền thống dành cho trẻ em “Red Light, Green Light”. Ở một trong những cảnh ấn tượng nhất của Squid Game, một cô gái người máy khổng lồ sử dụng đôi mắt laser của mình để phát hiện những người chơi đã thua trò chơi. Sau đó họ bị giết.
|
Tuy nhiên, đạo diễn Hwang phủ nhận hoàn toàn cáo buộc. Ông tâm sự: “Tôi thừa nhận mình là người say mê các bộ phim hoạt hình và truyện tranh Nhật Bản trong nhiều năm. Tôi bắt đầu nghĩ đên việc làm Squid Game từ năm 2008 và bắt đầu viết kịch bản vào năm 2009. Tôi bỏ ra nhiều thời gian ngồi quán cà phê đọc những truyện tranh như Battle Royale, Liar Game và bị thu hút bởi những trò chơi trong đó. Nhưng vì tính phức tạp của chúng nên tôi quyết định sử dụng các trò chơi trẻ em, đơn giản và hoài cảm hơn. Có lúc tôi uống đến nửa chai soju (rượu Hàn Quốc) để tìm cảm hứng. Viết kịch bản Squid Game khó hơn bình thường vì đây là phim nhiều tập. Tôi mất đến 6 tháng viết đi viết lại 2 tập đầu, tham khảo ý kiến nhiều bạn bè để hoàn thiện các tình tiết sao cho hấp dẫn. Tôi khẳng định là không có mối liên hệ nào giữa Squid Game và As The Gods Will mà chỉ tương đồng về thể loại. Những điểm tương đồng chỉ là trùng hợp. Không có ai sao chép của ai cả!”.
Bên cạnh những lùm xùm là lời kêu gọi của các fan hâm mộ là hãy sớm có mùa thứ hai (season 2) của loạt phim. Nhưng họ sẽ phải chờ đợi lâu. Lý do, dù Hwang rất vui vì thành công của bộ phim nhưng ông cho biết làm phim là một quá trình dài và ức chế. “Hiện tôi chưa có kế hoạch làm Squid Game 2. Chỉ nghĩ đến nó thôi cũng đã mệt lắm rồi. Nếu có, tôi chỉ làm sau khi quay lại với phim điện ảnh. Kỹ nghệ giải trí Hàn Quốc rất thành công với các thương hiệu âm nhạc và điện ành như nhóm ca BTS, Parasite, Gangnam Style, Crash Landing on You. Nhưng xã hội Hàn Quốc cũng rất cạnh tranh và áp lực khi 50 triệu người sống chen chúc trên một diện tích tương đối nhỏ. Ngoài tác dụng tích cực của cạnh tranh, cạnh tranh quá mức bao giờ cũng có các hậu quả xấu của nó" – đạo diễn tâm sự với tờ Variety.
“Bí ẩn sự hấp dẫn của Squid Game là ở chỗ khán giả được chứng kiến những người lớn sống trong tuyệt vọng cùng cực phải liều mạng để giành chiến thắng trong những trò chơi họ từng chơi từ lúc còn bé. Thắng có nghĩa là tồn tại. Các trò chơi rất đơn giản, dễ chơi, luật chơi được tối giản để người xem có thể tập trung nhiều hơn vào từng nhân vật”. |
‘Money Heist’ bản Hàn tung teaser của tài tử ‘Squid Game’ Park Hae Soo (TGĐA) - Người chơi số 218 – nam diễn viên Park Hae Soo sẽ trở ... |
Tại sao 'Hellbound' khó thể tạo nên cơn sốt như 'Squid Game'? (TGĐA) - Hellbound và Squid Game thực sự là hai thế giới riêng biệt và ... |
Học sinh trung học Triều Tiên bị kết án chung thân vì lén xem ‘Squid Game’ (TGĐA) - Truyền thông Hàn Quốc đưa tin một nhóm học sinh trung học ở ... |
Trung Nguyên