'Thời xa vắng' - bộ phim đã chắp cánh cho văn học thăng hoa

(TGĐA) - Vào những năm 80 của thế kỷ XX, sự ra đời của tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu đã gây tiếng vang lớn trong xã hội, không chỉ bởi tính nhân đạo sâu sắc mà còn ở tính thời sự nhạy bén của tác phẩm và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa 10 bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng dành cho trẻ em
thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa 7 phim chuyển thể từ văn học thành công nhất năm 2018

Tác phẩm đã nêu rõ mặt trái của những tư tưởng phong kiến bảo thủ và việc cần thiết phải thay đổi tư duy trong quá trình xây dựng kiến thiết đất nước sau chiến tranh. Tiểu thuyết Thời xa vắng đã được nhận Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1986. Ngay sau đó năm 1987, đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh đã mua tác quyền tiểu thuyết Thời xa vắng để chuyển thể thành phim, theo ông đây là một tác phẩm văn học hay nhất về thân phận con người trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Đạo diễn Hồ Quang Minh đã tự chuyển thể kịch bản và vì nhiều lí do, bộ phim mãi đến năm 2003 mới ra đời, sau 16 năm thai nghén. Bộ phim được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều bạc năm 2005.

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa
Cảnh trong phim Thời xa vắng

Bối cảnh và không khí của phim

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa
Cảnh trong phim Thời xa vắng

Trong Thời xa vắng ở văn học cũng như điện ảnh, nhân vật là con người, mà con người thì phải có môi trường hoàn cảnh để sinh hoạt, thể hiện hành động tính cách của mình. Con người sống giữa con người, nhưng cũng sống giữa thiên nhiên cây cỏ, núi non, biển cả, sông ngòi. Cảnh sắc tự nhiên của bối cảnh, sự vật trong tác phẩm văn học cũng như trong điện ảnh là phông nền hiện thực - nơi mà con người được sinh ra trong đó và có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với hiện thực. Miêu tả bối cảnh thiên nhiên không chỉ thể hiện tâm trạng của con người mà còn đem lại sự thụ hưởng mỹ cảm dạt dào tươi mát của mặt đất và bầu trời, nơi nhân vật nghĩ suy, đi lại, hoạt động. Qua bối cảnh thiên nhiên, người đọc thấy được khung cảnh không gian (xứ sở, đất nước, địa phương…) và thời gian (thời đại, tháng, năm) mà nhân vật đã sống. Con người sống trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội, thiên nhiên cụ thể, chịu sự ảnh hưởng của hòan cảnh và tác động trở lại đến hoàn cảnh. Sức mạnh của những miêu tả này, khi được nhà văn triển khai đúng mức sẽ tạo ra những ấn tượng khó quên, không chỉ ở tính cách của tâm hồn nhân vật mà cả những cảnh sắc do thiên nhiên đem lại.

Những trang viết hết sức chân thực, sống động về một thời xa vắng đã đem lại cho người đọc những cảm nhận sâu sắc về lịch sử - xã hội của một thời đã qua. Qua đó, người đọc càng dễ dàng cảm thông và yêu thương những người dân lương thiện mà Giang Minh Sài là đại diện, nạn nhân của cuộc sống nghèo đói và nhận thức yếu kém do những hủ tục phong kiến, tâm lí làm thuê còn để lại khá sâu đậm. Phải có một tấm lòng nhân đạo, một sự thấu hiểu sâu sắc nỗi tủi nhục của những người buộc phải “làm thuê cuốc mướn” mới có được những trang viết đầy xúc động như vậy. Cũng nhờ những trang viết này mà đạo diễn Hồ Quang Minh đã rất thành công khi dựng lại cảnh đi làm thuê ở làng Hạ Vị bằng ngôn ngữ điện ảnh.

Trong tiểu thuyết Thời xa vắng, người đọc thật khó quên hình ảnh một làng Hạ Vị, người người lũ lượt kéo nhau đi làm thuê. "Đêm nào cũng đi. Đi tất cả làng…Cả hàng dăm bảy trăm người đi và chạy ba cây số, khi đến chân đê không ai bảo ai đều dấn lên ào ào như cơn lốc cuốn lên để tranh chiếm chỗ ngồi.”(1)… Dù chuyện trò hứng thú say sưa đến đâu thì mắt ai cũng phải nhìn qua lớp sương mù xuyên tới con đường từ giữa chợ Bái đến đê. Những ông bà chủ thường xuất hiện từ đấy... Ai ới lên cần công việc gì lập tức từng đàn, từng đàn lốc nhốc chạy theo bâu quanh người ấy nhao nhao tranh giành nhau”(2). Rồi cảnh chạy lụt, cảnh tiếp khách ở nhà quê, cảnh trên nhà dưới bếp…. Đặc biệt đoạn tả mẹ con Sài bưng bát cơm chưa kịp ăn đã phải bỏ chạy, vì chồng của bà chủ không muốn mướn trẻ con. "Cái phút ấy thằng Sài muốn ứa nước mắt vì bị khinh rẻ, nó hiểu thế nào là thân phận của kẻ đi làm thuê cốt chỉ để kiếm lấy một bữa cơm!”

Từ ngòi bút sắc sảo của nhà văn Lê Lựu đến những hình ảnh chân thực trên màn ảnh đã cho thấy con người không thể thoát khỏi sự tác động của hoàn cảnh, chính cái hoàn cảnh, tập quán, thói quen thuộc di sản của xã hội cũ đã tạo nên một nhân vật Giang Minh Sài nhút nhát, yếm thế, không dám sống là chính mình. Tác phẩm như một dòng chảy tự nhiên về những cảnh đời, những nỗi niềm ẩn ức bủa vây lấy con người trong một làng xóm tưởng như đã “xa vắng” nhưng vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống hiện tại. Tất cả đuợc nhà văn viết rất mộc mạc, rất đời nên đã cuốn hút người đọc từ trang đầu đến trang cuối của tác phẩm. Đúng như Lê Lựu tâm sự: ”…Toàn bộ những trang viết của tôi chỉ theo đuổi một nguyên tắc là Thật ”

Say mê cảnh vật, con người của tiểu thuyết Thời xa vắng và mong muốn mang lại những cảm xúc thật nhất đến người xem, đạo diễn Hồ Quang Minh đã cố gắng biến những yếu tố “chân thực” trong văn học thành yếu tố “giống thật” trên màn ảnh. Ông đã bỏ rất nhiều công sức và tiền của để xây dựng cho được những cảnh chân thực trên màn ảnh. Để có cảnh con gái Sài đạp xe đi trên triền đê lộng gió tới bến đò đón cha về làm đám cưới cho mình, đạo diễn và quay phim chính Trần Hùng đã phải sục sạo gần 5000 cây số đường đê để tìm một khúc đê biển thật ấn tượng. Đặc biệt, việc dựng bối cảnh nhà ông Đồ khá công phu: đó là ngôi nhà cổ mà đạo diễn phải ra tận xứ Thanh chọn và cẩu về một khu vườn ở Hưng Yên đã được thuê, để dựng lại ngôi nhà. Sau đó, hoạ sĩ thiết kế cải tạo lại ao bèo, bể cạn, tường hoa, giếng nước, cái cối xay, cối giã và cả cách bày trí trong nhà… Tất cả đều được thiết kế hệt như một ngôi nhà ông Đồ đã xuống cấp cách đây dăm sáu chục năm.

Lí giải cho công việc tốn kém và vất vả này, đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết: “Dù lớn lên ở nước ngoài, tôi vẫn là người gắn bó với văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam, và rất tôn trọng những gì thuộc về lịch sử, dù là những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Đừng nghĩ rằng những cẩu thả về chi tiết không thể phá hỏng một bộ phim. Không khí của phim rất quan trọng, không chỉ là hơi thở cuộc sống nông thôn hay sự chân thực ở thời điểm lịch sử, mà là tổng thể của phim nói chung. Tôi muốn có một bối cảnh chân thực hết mức”.

Mỗi cảnh, từ hình ảnh màu sắc đến âm thanh đều hòa quyện cùng suy nghĩ hành động của nhân vật đã tạo nên những cảm xúc rất thực. Chính vì thế, những bi kịch của mỗi nhân vật trên phim đã thấm vào lòng người xem một cách ngọt ngào và đầy thuyết phục. Hình ảnh trong phim Thời xa vắng được tạo hình khá hoàn hảo. Hầu như cảnh nào cũng được các tác giả sắp xếp rất khéo vào khuôn hình những biểu tượng của văn hóa Việt: từ cây đa cổ thụ đầu làng nơi bến sông, từ ngôi nhà ba gian có vườn cây, ao cá đến con đường mòn bên sườn đê sông Hồng. Giới chuyên môn đánh giá bối cảnh của phim rất đẹp, mang đậm nét Việt Nam nhưng lại có nét riêng, vượt qua nhiều cảnh quay làng quê đã quá quen thuộc trong trí nhớ của người xem. Tất cả những hình ảnh gắn bó yêu thương từ bao đời của mỗi người dân Việt Nam, nhưng cũng là nơi tạo nên bi kịch của số phận con người. Đặc biệt, cảnh đêm bên vó bè, Sài ngắm trăng nghe cá quẫy trong một không gian bao la, man mác, thể hiện nội tâm sâu sắc tinh tế đầy tính ẩn dụ. Bằng ống kính máy quay, các tác giả điện ảnh đã thành công khi truyển tải những thông điệp tưởng chừng rất khó diễn tả đến với người xem một cách trọn vẹn và thuyết phục. Trong phim chủ yếu sử dụng gam màu tối, màu nâu gụ từ chiếc aó, cánh cửa nhà đến ánh đèn dầu tù mù. Màu sắc, ánh sáng và tạo hình được xử lý rất khéo léo, làm tôn lên vẻ ảm đạm và tâm trạng bị đè nén của nhân vật.

Phim truyện là nghệ thuật sáng tạo tổng hợp nên cho phép người nghệ sĩ hư cấu, làm xảo thuật, tạo hình kết hợp với âm thanh lời thọai để tạo cảm xúc nơi người xem và qua đó truyền tải ‎nội dung của tác phẩm. Khán giả là người thưởng thức, nếu bộ phim mang lại cho họ những cảm nhận thích thú, buồn vui, căm giận…và đồng cảm với cảm xúc của người sáng tác thì bộ phim được coi là thành công. Đạo diễn Việt Linh đã đúc kết: ”Trong điện ảnh, tạo nên một cảm xúc khó hơn một cảnh dàn dựng lớn”. Phim Thời xa vắng đã làm được điều này, bộ phim đã đạt giải quay phim xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005

Nhân vật trong văn học và điện ảnh:

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa
Cảnh trong phim Thời xa vắng

Tiểu thuyết Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu viết về một thời kỳ dài từ những năm đầu chiến tranh chống Mỹ đến những năm 1980. Câu chuyện thông qua cuộc đời của nhân vật trung tâm Giang Minh Sài, từ khi còn nhỏ (12 tuổi) đến trưởng thành, những được mất, khổ đau và hạnh phúc mà Sài đã trải qua. Tác phẩm dài 405 trang có 12 chương được chia làm hai phần.

Phần I: từ chương I đến chương VI: Cuộc sống của cậu bé Sài, từ 12 tuổi phải lấy Tuyết làm vợ, đến khi đi bộ đội và vào B chiến đấu. Ở phần này, Lê Lựu đã diễn tả thật sâu sắc và tinh tế những quan niệm đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều người, đem lại cho người đọc những suy nghĩ thấm thía.

Phần II: Từ chương VII đến chương XII: Sau 11 năm ở chiến trường ra, Sài được ly dị vợ, anh vội vã cưới Châu. Sau năm năm chung sống, có hai đứa con, anh lại phải ly hôn.

Cuốn tiểu thuyết được chia làm hai phần rõ rệt mà sự kiện chính để làm nền cho hai phần này là hai khoảng đời Sài sống với hai người vợ.

Trong phim Thời xa vắng đạo diễn Hồ Quang Minh đã cắt hẳn phần sau của tiểu thuyết, câu chuyện phim gần như giống hoàn toàn với phần một của tác phẩm văn học. Đạo diễn sử dụng thêm nhân vật ông già vó bè trong truyện ngắn “Bến sông” của Lê lựu để cộng hưởng nên Thời xa vắng. Do vậy chủ đề và nội dung của phim tập trung hơn và cũng nghiệt ngã hơn: Bi kịch con người không được sống là chính mình.

Nhân vật Giang Minh Sài trong Thời xa vắng, được Lê Lựu dầy công khắc họa rất sinh động và lôi cuốn, vừa mang tính chất điển hình cụ thể vừa mang tính khái quát sâu sắc. Ở Sài có đầy đủ những đặc tính của một lớp thanh niên nông thôn miền Bắc thuộc thời đại anh, cả mặt mạnh và mặt yếu nên tính cách của anh vừa đa dạng vừa đáng yêu vừa đáng thương, lại đáng giận. Sài vừa là con người nhu nhược thiếu lí‎ trí, không dám tự làm chủ lấy đời mình, lại vừa là con người tháo vát thông minh và biết yêu mãnh liệt. Sài từng kinh qua chiến đấu và là người lính dũng cảm, lập được nhiều chiến công được cả nước biết tên, là một chiến sĩ có năng lực được cấp trên tin cậy, được anh em nể trọng, yêu mến…Con người đó luôn đặt trách nhiệm tập thể và xã hội trên đôi vai của mình.… Có thể nói anh là hình mẫu tiêu biểu của người chiến sĩ anh hùng – người cán bộ mẫn cán trong những năm kháng chiến chống Mỹ….Nhưng cuộc đời con người ấy lại bất hạnh, bởi Sài là hình ảnh của một con người quen sống theo sự chỉ huy của người khác. Con người đó chẳng khác gì một nhánh cây sống trong khung giàn, không thể vượt ra ngòai khung giàn. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất mà hệ tư tưởng phong kiến đã ngự trị hàng ngàn năm, Sài đã biến thành đứa con ngoan ngõan “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, sống và tuân theo“ tam cương ngũ thường”và kết quả Sài phải từ bỏ Hương - người mình yêu, sống với Tuyết - người vợ bị ép lấy, để rồi khi trưởng thành suốt gần hai mươi năm, Sài luôn tìm mọi cách để trốn chạy cuộc tình gượng ép này…Và đời sống tình cảm riêng của Sài trở thành bi kịch, bởi anh đã nhu nhược “sống hộ ý định của người khác, cốt để cho đẹp mắt mọi người chứ không phải cho hạnh phúc của mình”.

Quan điểm của đạo diễn kiêm biên kịch Hồ Quang Minh về kịch bản phim Thời xa vắng: “Đây là một bộ phim nói về bi kịch của số phận con người, tôi không thể tô hồng và cũng không cho phép mình tô hồng. Tuy nhiên, điều khiến tôi bỏ công bám theo cuốn tiểu thuyết của Lê Lựu suốt hơn 15 năm qua là chất hóm hỉnh có tính gián cách trong tác phẩm của ông… Chất hóm hỉnh trong điện ảnh rất quan trọng, nó nâng giá trị của bộ phim lên rất nhiều và cũng dễ chia sẻ hơn đối với người xem”. Chất hóm hỉnh mà đạo diễn nói ở trên đã được điện ảnh thể hiện rất thành công thông qua diện mạo của nhân vật Giang Minh Sài, từ ánh mắt, cách nói năng, giọng nói đến cách cư xử hành động, tất cả gộp lại đã tạo nên trong mắt người xem những hình ảnh đầy đủ về một con người luôn phải sống vì người khác. Các tác giả điện ảnh đã thành công trong việc lựa chọn diễn viên rất hợp vai.

Giang Minh Sài khi nhỏ, hăng hái tham gia công tác xã hội với lòng nhiệt tình say mê của tuổi trẻ, được khen tặng là thiếu niên tháng Tám, Sài phải hứa ”yêu vợ suốt đời” trước mặt chú Hà, anh Tính, các anh phụ trách và bạn bè. Nhưng vì bản thân không thể yêu vợ, nên Sài luôn ngủ ngoài hè, mẹ phải đánh cậu mới chịu vào buồng. Ông đồ Khang bảo vợ: ”Bà cứ kệ chúng nó, rồi từ từ chúng sẽ quen nhau thôi”. Nhưng mọi chuyện không như ông đồ nghĩ, Sài luôn tìm cách lẩn tránh vợ. Cuộc sống của Sài không chỉ bị thúc ép trong gia đình, mà Sài còn luôn bị bạn bè theo dõi xem có “quan tâm đến vợ không?”. Rồi một lần, Tuyết giã gạo, Sài đọc sách và thỉnh thỏang cho tay xoa lên miệng cối, chày giã vào tay Sài, bao nhiêu sự kìm nén, tức tối Sài trút hết vào Tuyết. Sài đánh vợ túi bụi, ông đồ Khang la mắng Sài và Tuyết bỏ về nhà mẹ đẻ. Một loạt hình ảnh, tình huống bi hài diễn ra đã được đạo diễn xây dựng khá tinh tế và thành công. Người xem vừa thương vừa buồn cười và cảm thông cho hành động của một đứa trẻ như Sài. Diễn xuất của Sài bé tự nhiên và cặp mắt hiếng hiếng khi nhìn“vợ” khá ngộ nghĩnh đã thu hút người xem ngay từ đầu phim.

Giang Minh Sài khi trưởng thành do Ngô Thế Quân - họa sĩ tạp chí Cửa sổ văn hóa thể hiện. Có thể nói nhân vật Giang Minh Sài của nhà văn Lê Lựu được sinh ra để dành cho Ngô Thế Quân. Từ diện mạo, vóc dáng đến ánh mắt, giọng nói… khiến người xem phải nao lòng, nó thể hiện đầy đủ một tính cách sợ sệt, nhún nhường và cam chịu. Đối với đạo diễn Hồ Quang Minh và nhà văn Lê Lựu, Quân chính là Sài trong hình dung của họ, không ai có thể hợp hơn từ vẻ ngoài và đặc biệt là giọng nói. Qua hình dáng của Quân - nhân vật Sài, thực sự đã tạo nên sự ngạc nhiên trong lòng người xem: với đôi mắt sâu buồn luôn ngơ ngác và cụp xuống, với chất giọng khàn khàn chậm chạp lúc nào cũng như có cái gì tắc nghẹn trong cổ họng, với dáng điệu lùi lũi cam chịu…một nhân vật chứa đựng nhiều bất hạnh. Giang Minh Sài đã trở thành một dấu ấn nổi bật nhất trong phim Thời xa vắng.

Dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Lê Lựu, lại được chính nhà văn hợp tác cố vấn về văn học, nên phim Thời xa vắng có sự trợ lực tốt từ cốt truyện đến kết cấu và đặc biệt là nhân vật. Nhà văn Lê Lựu đã sửa lại lời thọai, ngôn ngữ, hướng dẫn về phong tục, tập quán, đồng thời giúp đạo diễn làm một phép cộng giữa phần một của Thời xa vắng và truyện ngắn Bến sông của ông. Tấn bi hài kịch tình yêu tay ba của Sài với Tuyết - người vợ và Hương – người yêu được diễn tả dung dị, mộc mạc nhưng lại chất chứa bao tâm sự thầm kín phải kìm nén của từng nhân vật. Bên cạnh đó, các tác giả đã thành công khi xây dựng những mẫu người “ác mà không biết mình ác”, đó là cái tài của nhà văn và người đạo diễn. Thân phận bất hạnh của Tuyết và Hương, hai người đàn bà gần gũi nhất với Sài, được nhà biên kịch chắt lọc thành công, sắc nét trong một kịch bản dài hai tiếng, tương đương 14 cuốn phim.

Trong văn học, Sài dường như cô đơn, anh chỉ có một bến đậu tinh thần duy nhất là Hương, cô đi suốt với Sài gần cả cuộc đời cho đến cuối truyện, kể cả khi hai người đã có cuộc sống riêng. Đó là người bạn gái thân thiết tuổi học trò, cùng sinh ra và lớn lên trên quê hương. Nhưng mối tình ấy lại bị cấm đoán dị nghị vì Sài đã có vợ, cuối cùng thì hai người đành phải chia tay theo lời khuyên của ”Thủ trưởng”. Trên phim những hình ảnh: Sài trở về trường cũ nhưng không dám gặp Hương, chỉ nhìn lén phía sau hoặc cảnh Sài ra quãng vắng để đọc thư của Hương…đã thật sự đẩy kịch tính câu chuyện lên cao, gây xúc động mạnh trong lòng khán giả. Mối tình này trên phim không được khai thác nhiều nhưng cũng đủ để làm khán giả tiếc nuối cho một tình yêu trong sáng lỡ làng. So với tiểu thuyết, nhân vật Hương trên phim có phần mờ nhạt hơn. Hương do hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đóng đã diễn tả được nét xinh tươi, hồn nhiên duyên dáng của người thiếu nữ đang tuổi trăng tròn.

Trên phim, ngòai Hương, đạo diễn đã cho Sài một người bạn tâm giao nữa là ông Kiên vó bè. Ông là biểu tượng của con người tự do, sống hòa nhập với thiên nhiên. Mỗi lần gặp đau khổ, Sài đều ra vó bè nằm nghe cá quẫy hoặc ngắm sao, thả hồn theo dòng chảy của thiên nhiên, đó là những giây phút Sài tìm sự giải thóat. Trong phim, Sài tìm đến vó bè ông Kiên đến năm lần, mỗi lần là một sự kiện khó quên trong cuộc đời Sài.

Lần đầu, khi Sài đang bơi bên vó bè thì bị mẹ gọi giật về lấy vợ, đó là lúc Sài bị bứt khỏi cuộc sống thơ ngây để bước vào một đọan đời đầy bất hạnh.

Lần hai, bị bạn bè chê cười, xấu hổ Sài đánh vợ và bỏ nhà ra vó bè nằm, mặc cho người nhà cầm đèn réo gọi đi tìm cả đêm.

Lần ba, Sài gặp gỡ Hương trên bè của ông Kiên và bị người làng bắt gặp. Chú Hà, anh Tính đã giải thoát danh dự cho Sài và gia đình.

Lần bốn, Sài đến với ông Kiên khi cán bộ về quê để kiểm tra lí lịch để xét cho Sài vào Đảng và nhắc nhở phải ”cố yêu vợ ”.

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa
Cảnh trong phim Thời xa vắng

Lần cuối cùng, bến sông vắng lặng, Sài lớn tiếng gọi chỉ có tiếng đáp lại: Ông Kiên chết rồi. Lúc này Sài đã có con với Tuyết theo “chỉ đạo”của Thủ trưởng nhưng vẫn không được vào Đảng, vì gia đình vợ có nợ máu với cách mạng.

Sài lui tới vó bè lúc đầu là vui, sau thành thói quen, thành niềm khao khát được tự do, được sống một cách tự nhiên và hòa mình với thiên nhiên. Cái chết của ông Kiên cũng đồng nghĩa với khát vọng tự do của Sài chấm dứt, anh không thể vẫy vùng nữa, phải chấp nhận“cố gắng”sống theo những gì anh đã được sắp đặt. Và Sài quyết định làm đơn xin đi B chỉ dặn lại chị dâu, không báo cho ai trong gia đình biết. Như vậy, chủ đề bi kịch con người không được sống là chính mình càng lúc càng được các tác giả phim khắc họa sâu hơn.

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa
Cảnh trong phim Thời xa vắng

Nhân vật Tuyết, người vợ khốn khổ của Sài trong văn học không được nhà văn ưu ái, Tuyết hiện lên xấu xí cả diện mạo và tính tình, được miêu tả gần như là “kẻ thù của Sài”, như một “bóng ma” ám ảnh suốt quãng đời thanh niên của Sài… Nhưng trên phim, Tuyết được đạo diễn xây dựng thành người đồng cảnh ngộ với Sài, cũng rất đáng thương và bất hạnh.Vì thế, Tuyết không những được người xem cảm thông mà đôi lúc còn làm người xem nghẹn ngào vì xót thương. Đạo diễn Hồ Quang Minh cho biết: “Tôi có một xu hướng trong cuộc sống lẫn trong phim là quan tâm đến số phận của phụ nữ hơn đàn ông. Trong tiểu thuyết, Tuyết không phải là nhân vật quan trọng lắm nhưng khi lên phim, tôi đã có sự điều chỉnh nhất định và có nhiều đất diễn hơn. Đây cũng là nhân vật mà tôi gửi gắm nhiều ý đồ nhất trong phim này.” (7)

Trên phim Tuyết đã trở thành hình ảnh tiêu biểu cho những thân phận người phụ nữ trong chiến tranh. Bên cạnh việc cam chịu với tục lệ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, chấp nhận làm vợ một đứa trẻ còn chưa đến tuổi dậy thì, sống lặng lẽ chịu mọi đắng cay, tủi nhục của người vợ bị chồng ghẻ lạnh; Tuyết còn là một phụ nữ rất mực “thờ chồng yêu con” như bao người phụ nữ Việt Nam khác. Đạo diễn đã khéo léo đưa ra những chi tiết rất “đắt” để diễn tả nét đẹp tâm hồn của Tuyết, như bao người vợ có chồng đi chiến đấu ở chiến trường xa. Đó là cảnh: Tuyết háo hức chuẩn bị để lên thăm chồng ở đơn vị, cảnh Tuyết ngồi vuốt từng đồng tiền trong những gói tiền nhỏ mà Sài gửi về, đó là giọt nước mắt “sung sướng” khi được chụp ảnh chung với chồng trong ngày cưới con gái. Nghệ sĩ Phương Dung thể hiện thành công nhân vật Tuyết và giành được giải nữ diễn viên xuất sắc nhất tại liên hoan phim quốc tế Singapore năm 2005.

Như vậy, bi kịch của các nhân vật trong phim Thời xa vắng được đạo diễn diễn tả tập trung và cô đọng, không chỉ nhân vật Sài mà cả Tuyết, Hương đều không được sống như mình mong muốn. Cái tôi cá nhân, những khát vọng sống giản dị chân thực của họ bị lấn át, bị trói buộc bởi sức ép dục vọng của những người xung quanh, bởi những định kiến chung. Họ không quyết định được số phận của mình và phải hứng chịu mọi khổ đau. Chính vì thế, tính cách nhân vật trở nên gần gũi và chân thực và ý nghĩa nhân văn của bộ phim có sức thuyết phục cao, tạo nên những cảm xúc sâu lắng trong lòng người xem.

Đặc biệt, cảnh kết phim, khi người thợ chụp hình nhắc: “Mọi người cười lên nào, chị Tuyết ngẩng đầu lên, sao lại khóc ? “. Suốt hai chục năm làm vợ, lần đầu tiên được đứng cạnh chồng, không khóc sao được. Câu nói đã thực sự làm người xem xúc động, nếu ở đầu phim ta thương anh Sài bao nhiêu, thì cuối phim lại càng thương Tuyết bấy nhiêu. Suốt một đời làm vợ, duy nhất một lần Tuyết được gần chồng, gần trong hoàn cảnh anh ta bị ép buộc. Một lời thọai có thể coi là bao quát hết nội dung của phim: qua nhân vật Sài, đạo diễn muốn nói đến thân phận những người phụ nữ, họ mới chính là người đáng thương nhất, bất hạnh nhất. Đó là một cái kết hay, không những tránh được cho người xem cảm giác nặng nề, mà còn mang đến một cảm xúc sâu lắng, đằm thắm và chứa chan tình người.

Như vậy, văn học và điện ảnh là hai ngành nghệ thuật độc lập, có ngôn ngữ và đặc trưng riêng để làm nên vẻ đẹp của tác phẩm nghệ thuật. Nắm bắt được vẻ đẹp và y nghĩa nhân văn sâu sắc của tiểu thuyết Thời xa vắng từ chủ đề, nội dung câu chuyện đến thân phận nhân vật; đạo diễn Hồ Quang Minh đã hoàn toàn chủ động trong việc lựa chọn những chi tiết, tình huống, hành động để diễn đạt thành công bằng ngôn ngữ điện ảnh. Hình tượng Giang Minh Sài trong phim Thời xa vắng có sức lôi cuốn và chinh phục người xem trước hết ở giá trị chân thực của nó. Người xem bị lôi cuốn không phải như một nhân vật trong phim, mà như một con người, một cảnh ngộ, một số phận có thật trong cuộc đời của một Thời xa vắng. Một thời hào hùng nhưng không ít cam go của dân tộc cũng như của mỗi con người được sinh ra và lớn lên trong giai đọan ấy.

Nói về cuốn tiểu thuyết Thời xa vắng của mình, Lê Lựu viết: "Cả một thời kỳ dài từ những năm đầu chiến tranh đến những năm đầu 80, người ta không nói đến cái bi kịch riêng. Tôi muốn viết về một cá nhân, một cuộc đời cụ thể với niềm hạnh phúc và nỗi khổ đau, có cái được và cái mất.” (8) Và bộ phim Thời xa vắng đã làm được điều ấy, có thể nói qua điện ảnh, tiểu thuyết Thời xa vắng một lần nữa thăng hoa.

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa 10 bộ phim chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng dành cho trẻ em

(TGĐA) Một quyển sách hay đọc lúc giờ đi ngủ sẽ là thứ khơi gợi ...

thoi xa vang bo phim da chap canh cho van hoc thang hoa 7 phim chuyển thể từ văn học thành công nhất năm 2018

(TGĐA) - Năm 2018 là một năm thực sự phong phú trong lĩnh vực chuyển ...

Phan Bích Thủy