Vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa xác định được giá trị thương hiệu!

(TGĐA) - Đó là một trong những vấn đề nóng được thông tin tại buổi Họp báo thường kỳ quý I năm 2023 của Bộ VHTTDL được tổ chức sáng 24/3 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy chủ trì buổi họp báo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam
Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực Điện ảnh Tài liệu và Phim truyện Việt Nam Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực Điện ảnh Tài liệu và Phim truyện Việt Nam
Vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa xác định được giá trị thương hiệu!

Trả lời câu hỏi của các phóng viên xung quanh việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi đã thông tin việc triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại thời điểm năm 2019. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và thu hồi lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Bộ VHTTDL đã triển khai các nội dung, đặc biệt đã có buổi gặp gỡ và có văn bản gửi cho nhà đầu tư chiến lược, nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến như mong muốn.

Vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa xác định được giá trị thương hiệu!

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi trả lời các vấn đề liên quan đến Hãng phim truyện Việt Nam

Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cũng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành các công văn gửi Tổng Công ty vận tải thủy, nhưng nhà đầu tư chiến lược chưa đưa ra được văn bản liên quan đến tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ, tiến hành những thủ tục liên quan để đề xuất cụ thể về số tiền nhận lại, hoàn trả cổ phần cho Nhà nước đã mua tại Hãng Phim truyện Việt Nam.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Phan Linh Chi, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chệnh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp. Nhưng đến nay, Tổng Công ty vận tải thủy là nhà đầu tư chiến lược vẫn chưa đưa ra văn bản tính toán chi phí và đề xuất số tiền đã bỏ ra một cách hợp lý, hợp lệ và tiến hành các thủ tục liên quan. Mặc dù phía nhà đầu tư chiến lược không hợp tác tích cực, Bộ VHTTDL vẫn chủ động soạn thảo những văn bản, dự thảo các quyết định và lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về những kiến nghị và phương thức xử lý.

“Ngày 22/3, Bộ VHTTDL đã có báo cáo đầy đủ, chi tiết với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về quá trình cổ phần hóa, cơ cấu, tổ chức bộ máy của Hãng phim truyện Việt Nam. Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều đồng nhất trong quá trình triển khai…”- bà Phan Linh Chi nói.

Một vấn đề nóng được báo chí quan tâm là vấn đề bản quyền cũng như tình trạng của những bản phim, phương tiện quay phim gắn liền với lịch sử của Hãng phim truyện Việt Nam. Trước đó, dư luận báo chí và một số nghệ sĩ phản ánh thông tin những bản phim này hiện đang bị hư nỏng nặng, không có khả năng phục hồi. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cho biết: “Bộ VHTTDL đã có văn bản, Cục Điện ảnh, Viện Phim Việt Nam đã xuống làm việc và kiểm tra trực tiếp tại Hãng phim truyện Việt Nam. Trong 291 phim đang lưu tại Hãng, có 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam theo chức năng lưu trữ quy định. 13 phim còn lại không lưu tại Viện Phim Việt Nam vì do trước đây Hãng làm theo đặt hàng của các Ban, Bộ, ngành và phim sản xuất hợp tác khác, những bộ phim đó không thuộc chức năng lưu trữ của Viện Phim. Vì thế, chúng ta có thể yên tâm là các bản phim gốc đang được lưu trữ và bảo quản tốt”.

Về vấn đề bản quyền những bộ phim Nhà nước đặt hàng tại Hãng phim Truyện Việt Nam hiện nay thuộc về ai? Theo bà Phan Linh Chi, các phim tại Hãng phim truyện Việt Nam là những bộ phim Nhà nước đặt hàng, theo quy định bản quyền cũng như quyền khai thác thuộc về Bộ VHTTDL.

Liên quan đến đời sống của cán bộ, nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Phan Linh Chi cho biết, nhà đầu tư chiến lược chiếm 65% vốn điều lệ và nắm vị trí lãnh đạo cao nhất tại Công ty Cổ phần Hãng phim, có quyết định chi phối toàn bộ hoạt động của Hãng phim. Tuy nhiên trên thực tế, do có sự vướng mắc giữa Ban lãnh đạo công ty và người lao động, cho nên trong khoảng thời gian 5 năm qua, Công ty không triển khai hoạt động gì. Trước những vấn đề này, Bộ VHTTDL đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ xem xét, rà soát, kiểm tra việc thu hồi số cổ phần đã bán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề tại Công ty, sớm ổn định tình hình tại Công ty, có cơ sở đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Trả lời báo chí về việc tìm nhà đầu tư chiến lược mới cho Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Vụ trưởng Phan Linh Chi chia sẻ, việc này không phải bây giờ mới được đặt ra. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và tại thời điểm năm 2018 - 2019, Đài Tiếng nói Việt Nam đã có văn bản đề xuất về việc sẽ là nhà đầu tư chiến lược mới, mua lại cổ phần của Công ty Vận tải thủy. Nhưng sau 7 tháng, Đài Tiếng nói Việt Nam có văn bản trả lời cho biết không đủ nguồn lực tài chính. Hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn nghiên cứu, đề xuất tìm nhà đầu tư chiến lược mới. Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính cho biết thêm: “Tuy nhiên, điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, lại vừa gặp nhiều khó khăn khi trải qua đại dịch, vì vậy sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Hãng phim đến thời điểm này chưa có”.

Vấn đề tồn đọng ở Hãng phim truyện Việt Nam: Chưa xác định được giá trị thương hiệu!

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy kết luận cuộc họp báo

Phát biểu kết luận buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy ghi nhận những đóng góp tích cực, trách nhiệm của đội ngũ truyền thông về VHTTDL thời gian qua. Thứ trưởng mong muốn thời gian tới, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách của ngành VHTTDL sẽ được tuyên truyền sâu rộng đến với người dân trong cả nước;

Về việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập tại Hãng phim Truyện Việt Nam, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh, quan điểm và định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL là nhìn thẳng vào những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp cụ thể, tháo gỡ từng bước. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chia sẻ: “Đây không chỉ là những vấn đề trước mắt mà đã tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua, vì thế phải tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề. Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kết luận sau thanh tra cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vụ việc cổ phần hóa ở Hãng phim”.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: “Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cụ thể để tháo gỡ, dứt điểm những khó khăn vướng mắc tại Hãng phim truyện. Mong rằng trong quá trình triển khai thực hiện tới đây sẽ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Về phía Bộ VHTTDL sẽ nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng ổn định và có định hướng phát triển Hãng phim theo đúng quy định pháp luật hiện hành”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý những tồn tại của Hãng phim truyện Việt Nam
Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực Điện ảnh Tài liệu và Phim truyện Việt Nam Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực Điện ảnh Tài liệu và Phim truyện Việt Nam

P.V