Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương Văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực Điện ảnh Tài liệu và Phim truyện Việt Nam

(TGĐA) - Đã 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943) với chủ trương phát triển văn hóa: Dân tộc - Khoa học - Đại chúng của Đảng ta cho đến nay vẫn còn nguyên nhiều giá trị. Hệ giá trị ấy càng được xác quyết rõ ràng hơn bằng kết quả của Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 với bài phát biểu kết luận quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bằng nỗ lực tiếp tục đổi mới, đội ngũ nghệ sĩ điện ảnh tài liệu và phim truyện Việt Nam càng nỗ lực phấn đấu, với khát vọng sinh thành tác phẩm lớn - xứng tầm, phản ánh sâu sắc hiện thực đời sống, đắp bồi nền tảng tinh thần xã hội, bảo tồn và phát huy những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế sâu rộng.

Toạ đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam Toạ đàm Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam
'Bình minh đỏ' mở đầu Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam 'Bình minh đỏ' mở đầu Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam
Dàn cast '2 Ngày 1 Đêm' và hành trình giới thiệu văn hóa Việt Nam đến 3 người bạn ở 3 châu lục Dàn cast '2 Ngày 1 Đêm' và hành trình giới thiệu văn hóa Việt Nam đến 3 người bạn ở 3 châu lục
Cảnh làm phim Chung một dòng sông
Cảnh làm phim Chung một dòng sông

Ngày ấy…

Lịch sử điện ảnh Việt Nam trong suốt hơn 70 năm qua đã khắc ghi tên tuổi biết bao nghệ sĩ cùng những bộ phim tài liệu, phim truyện… đặc sắc thấm đẫm tính dân tộc, khoa học và đại chúng. Cùng với lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp giành độc lập, dân tộc, ngay từ năm 1947, trên chiến trường ác liệt tại miền Nam nước ta “Điện ảnh Bưng biền” đã sớm được hình thành với nhiều những thước phim tài liệu đầu tiên từ những người nghệ sĩ - chiến sĩ Nam Bộ “sống chết” với nghề. Họ vừa dũng cảm cầm súng chiến đấu chống càn, vừa tự học, tự tập cầm máy quay phim, mày mò tập in tráng và chiếu phim phục vụ đồng bào, chiến sĩ… Cùng thời gian đó, tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc, biết bao chiến sĩ - nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh hai miền đã thấm nhuần tinh thần “Văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” của Đảng, cùng trang bị cho mình ánh sáng của khoa học - kỹ thuật để làm nên những hình ảnh, những thước phim tư liệu quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mãi với thời gian về công cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ cho tới chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy và ngày tiếp quản thủ đô với niềm vui khôn tả.

Cảnh trong phim Cánh đồng hoang
Cảnh trong phim Cánh đồng hoang

Đúng 10 năm sau Đề cương Văn hóa Việt Nam, vào ngày 15/3/1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa (Thái Nguyên) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao Sắc lệnh 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam” chính thức khai sinh Điện ảnh Cách mạng Việt Nam như một tổ chức nhà nước. Kể từ đó, nhiều các bộ phim tài liệu mang đậm tính dân tộc và tính đại chúng khi cuốn hút nhiều thế hệ người xem và mãi mãi được nhắc nhớ trong lịch sử điện ảnh nước nhà, như: Giữ làng giữ nước, Trận Mộc Hóa, Chiến thắng Tây Bắc, Điện Biên Phủ Chống hạn, Dưới cờ quyết thắng, Nước về Bắc Hưng Hải, Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, Cây tre Việt Nam, Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi… và rất nhiều những bộ phim mà người viết không thể kể hết. Tiếp nối bộ phim truyện đầu tiên thuộc hàng kinh điển với vị trí xứng đáng trong lịch sử điện ảnh dân tộc Chung một dòng sông (1959) là hàng loạt phim truyện về đề tài chiến tranh cách mạng như: Con chim vành khuyên, Chị Tư Hậu, Kim Đồng, Bài ca ra trận, Nổi gió, Lửa trung tuyến, Người chiến sĩ trẻ, Em bé Hà Nội, Vĩ tuyến 17 - Ngày và Đêm… vv… và rất nhiều những bộ phim khác nữa đã phản ánh sâu sắc tinh thần dân tộc, khoa học thời đại, đã mang tính đại chúng thu hút đông đảo nhiều thế hệ người xem. Với sự quan tâm sâu sắc với điện ảnh dân tộc, lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở, căn dặn các nghệ sĩ điện ảnh: “Phim của các chú tốt, có nhiều phim hay. Nhưng có phim, đồng bào xem không hiểu. Làm phim cho đồng bào xem mà đồng bào chưa hiểu, chưa thấy bổ ích thì không thể gọi là tốt và hay”.

Cảnh trong phim Em bé Hà Nội
Cảnh trong phim Em bé Hà Nội

Trong công cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân Mỹ và cuộc đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam, các nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam vẫn tiếp tục xung phong vào những điểm nóng để sáng tạo không ngừng nghỉ những bộ phim tài liệu thời sự thấm mồ hôi và cả máu xương, hy sinh để có được những: Đầu sóng ngọn gió, Một ngày trực chiến, Những ngày mở đường, Những người dân quê tôi, Lũy thép Vĩnh Linh, Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người, Những cô gái Ngư Thủy, Làng nhỏ bên sông Trà, Mở đường Trường Sơn... Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hệ thống rạp chiếu bóng công cộng phục vụ khán giả tại các tỉnh, thành phố miền Bắc đã chiếu biết bao những bộ phim tài liệu về quân và dân miền Bắc vừa sản xuất vừa kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam ruột thịt… cùng nhiều bộ phim truyện mang đậm bản sắc dân tộc. Việc tổ chức nhiều đội chiếu bóng lưu động chiếu phim Việt Nam miễn phí phục vụ đông đảo bà con công nhân, nông dân, chiến sĩ bộ đội khắp mọi vùng sâu, vùng xa… đã thể hiện rõ tính đại chúng - chính là thế mạnh của nghệ thuật điện ảnh trong việc tuyên truyền, phổ biến món ăn tinh thần lành mạnh. Đặc biệt hơn nữa, tại chiến trường ác liệt miền Nam, đội ngũ đông đảo nghệ sĩ - chiến sĩ Điện ảnh Giải phóng (1962) sát cánh cùng với các đội chiếu bóng lưu động đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (Y 4) tổ chức những buổi chiếu ngay bên chiến hào phục vụ đồng bào, chiến sĩ những thước phim tài liệu Chiến thắng Đồng Xoài, Du kích Củ Chi, Chiến thắng Ấp Bắc, Đội nữ du kích pháo binh Long An… cùng những bộ phim truyện từ miền Bắc gửi vào.

Cảnh trong phim tài liệu Lũy thép Vĩnh Linh
Cảnh trong phim tài liệu Lũy thép Vĩnh Linh

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, nhiều nghệ sĩ điện ảnh từ miền Bắc đã trở thành những người lính xung kích bám sát các đoàn quân, cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn và đã hoàn thành nhiều bộ phim có giá trị như: Thành phố lúc rạng đông, Đường tới thành phố, Những bước chân thắng lợi, Sài Gòn Tháng 5 năm 1975, Tháng 5 những gương mặt... Nhiều nhà làm phim tài liệu háo hức tìm tòi, đổi mớingôn ngữ biểu hiện, đi sâu khai thác và thành công với nhiều nội dung phong phú đặc biệt là đề tài về Lãnh tụ kính yêu của dân tộc: Những chặng đường lịch sử vẻ vang, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về Tổ Quốc, Hồ Chí Minh chân dung Một con Người, Hồ Chí Minh hình ảnh của Người, Việt Nam Hồ Chí Minh, Đường dây sông Đà, Một phần năm mươi giây của cuộc đời, Hà Nội trong mắt ai, Hạt thóc vàng, Tiếng nổ định hướng, Để mãi màu xanh, Tên em là gì, Hai mươi năm sau, Truyện tháng năm… Đồng thời còn làm nhiều phim khoa học, phản ánh những thay đổi công nghệ, ứng dụng kỹ thuật mới mẻ được áp dụng vào thực tế nhằm phổ cập kiến thức cho người xem như: Chú ý thuốc trừ sâu, Địa chỉ mới, Ong mắt đỏ, Đất Tổ nghìn xưa

Hoạt động điện ảnh ở Bưng Biền - Nam bộ
Hoạt động điện ảnh ở Bưng Biền - Nam bộ

Giai đoạn sau khi đất nước thống nhất là lúc các nghệ sĩ điện ảnh hai miền cùng bắt tay xây dựng nền điện ảnh mới, với những bộ phim truyện thể hiện bản sắc dân tộc, đáp ứng tính đại chúng khi thu hút đông đảo người xem như: Mối tình đầu, Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Sao Tháng Tám, Bao giờ cho đến Tháng Mười, Giữa hai làn nước… Bước vào giai đoạn đổi mới, điện ảnh tài liệu cho ra đời hàng loạt các bộ phim tài liệu đáng nhớ: Chuyện tử tế, Nơi chiến tranh đã đi qua, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Chị Năm Khùng, Di chúc của những oan hồn, Điệu múa cổ, Chốn quê, Sự nhọc nhằn của cát, Chất xám, Về với buôn rừng, Mẹ ơi con đã về, Hai đứa trẻ, Bài ca trên đỉnh Tà Lùng, Ngày về… cùng những phim khoa học như: Cánh kiến đỏ, Một số loài ong mật ở Việt Nam, Sự sống ở rừng Cúc Phương, Trầm cảm sau sinhNhững bộ phim tài liệu chân dung, về di sản văn hóa như: Bác Hồ sự cảm hóa kỳ diệu, Người thắp lửa, Ông Mười Khôi, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đi tìm dấu vết một kinh thành

2. Và… bây giờ

Điện ảnh vốn là nghệ thuật tổng hợp ở nhiều cấp độ khác nhau, chi phí sản xuất tốn kém nhưng có sức tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, độ lan tỏa nhanh chóng và rộng khắp. Điện ảnh chẳng những có tác dụng phục vụ giao lưu văn hóa, mà còn trực tiếp kinh doanh, mở đường kinh doanh hiệu quả. Để điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển và có thể đáp ứng đòi hỏi của ngành kinh tế văn hóa mũi nhọn, vừa qua Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Điện ảnh (sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Điều đó thể hiện rõ nét sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với hoạt động điện ảnh; đồng thời cũng là đòi hỏi tự thân hoạt động điện ảnh cần không ngừng nâng cao tính khoa học để đáp ứng đòi hỏi của Luật, vừa luôn sáng tạo, đổi mới, thích ứng với những đòi hỏi không ngừng của thực tiễn nhằm đáp ứng hợp lý tính đại chúng vốn là đặc thù của Điện ảnh.

Cảnh trong phim Gái nhảy của Lê Hoàng
Cảnh trong phim Gái nhảy của Lê Hoàng

Ngày nay, trong diện mạo của mình, nền Điện ảnh Việt Nam đã và đang hiện hữu ba dòng phim:

Một là, dòng phim điện ảnh truyền thống: đó là những tác phẩm điện ảnh có sử dụng ngân sách làm theo những đề tài, nội dung làm phim do Nhà nước đặt hàng. Đề tài thường là những câu chuyện về lịch sử; về chiến tranh cách mạng; về số phận con người thời hậu chiến; về những giá trị di sản đặc sắc của văn hóa văn hóa truyền thống và phản ánh sâu sắc hiện thực đổi mới, bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội… Dù biết chắc chắn sản phẩm được làm ra sẽ kén khách, doanh thu không cao, thậm chí là lỗ vốn, nhưng tại nhiều quốc gia trên thế giới nó vẫn cần có, vẫn cần tồn tại để góp phần định hướng giáo dục những thế hệ tiếp nối.

Nhà Bà Nữ - Bộ phim thương mại đang dẫn đầu doanh thu phòng vé của điện ảnh Việt
Nhà Bà Nữ - Bộ phim thương mại đang dẫn đầu doanh thu phòng vé của điện ảnh Việt

Hai là, dòng phim thương mại, giải trí hướng tới doanh thu. Khi coi điện ảnh là ngành nghệ thuật - kinh tế sáng tạo mũi nhọn, xem tác phẩm điện ảnh là sản phẩm hàng hóa đặc biệt để trao đổi, mua bán thì việc tác phẩm có phổ biến rộng ra thế giới hay không cho thấy mức độ hội nhập quốc tế của một nền điện ảnh dân tộc. Nhiều ý kiến cho rằng, khi điện ảnh thỏa mãn tính đại chúng - sẽ đồng nghĩa với phim đông khách - phim có doanh thu cao. Hiện tượng đông đầy khán giả đến với bộ phim Gái nhảy nhiều năm trước đây và doanh thu phát hành gần 500 tỉ đồng mỗi phim của hai bộ phim Bố giàNhà Bà Nữ của nghệ sĩ Trấn Thành gần đây đã đặt ra nhiều vấn đề mà Lý luận phê bình điện ảnh cần soi sáng. Dù vẫn hiểu phim đông khách chưa hẳn là tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao có thể dẫn hướng cho sự phát triển của một nền điện ảnh; nhưng sự cố gắng tìm tòi, thay đổi mình nhằm đáp ứng thị hiếu của đại đa số khán giả chính là điểm sáng đáng ghi nhận cho dòng phim thương mại - giải trí ở ta hiện nay.

Trả lời phỏng vấn Báo Lao động, ngày 21/2/2023, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - một nhà làm phim khá thành công với mảng phim đề tài chiến tranh, cách mạng, đã chia sẻ: “Có ý kiến chê phim của Trấn Thành đơn thuần giải trí, không có giá trị nghệ thuật”; nhưng “những thứ cao siêu chắc gì đã là nghệ thuật”. Anh cũng cho rằng, thị trường luôn khó lường, nhiều phim tốt, hoặc thậm chí rất tốt khi ra rạp lại vắng khách. Ngược lại, nhiều phim chỉ tầm tầm lại hút khách bởi những lý do không ngờ. Tuy nhiên, “doanh thu khủng cỡ 450 tỷ đống, không phải là phim tầm tầm rồi” - vị đạo diễn kết luận. Phải chăng, thành công thương mại của phim Trấn Thành là biết hướng tới tiêu chí đại chúng, để phim “nói thay” cho nhiều đối tượng xã hội? Thêm nữa, ba yếu tố quan trọng để phim có doanh thu cao là: phim tốt, quảng bá truyền thông tốt, và thời điểm phát hành phim ra rạp lý tưởng. Trấn Thành vốn là “sao” truyền thông có lực lượng fan hùng hậu tới gần hai chục triệu, thời điểm Tết thuận lợi cho nhu cầu xem phim, và hiệu ứng số đông phát huy tác dụng bởi “khán giả ngày càng khó tính, kỹ tính và tinh ý”. Dù có nhiều khen, chê, phản biện khác nhau, nhưng điều đáng mừng đó là những bộ phim do người Việt làm ra để kể những những câu chuyện của người Việt và tự thân nó đã thể hiện “bản sắc Việt Nam” và hơn hẳn những bộ phim (nếu tắt tiếng thoại của nhân vật, người xem rất có thể nhầm tưởng với phim Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc…). Nếu biết cách phát huy thế mạnh, tìm chọn được đề tài mới, sáng tạo mới, tầm ảnh hưởng sẽ càng lớn hơn nữa.

Cảnh trong Tro tàn rực rỡ - bộ phim độc lập của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Cảnh trong Tro tàn rực rỡ - bộ phim độc lập của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên

Ba là, dòng phim tác giả của những nhà làm phim độc lập. Tác giả loại phim này phần lớn đều tự viết kịch bản, làm đạo diễn, thậm chí kiêm luôn nhà sản xuất để tự do thể hiện ý tưởng, gửi gắm những thông điệp mang đậm chủ quan cá nhân mình. Những bộ phim này thường nhắm tới các Liên hoan phim, thi phim quốc tế. Thực tế, đa phần các phim độc lập đều kén khách và doanh thu không cao (phim Tro tàn rực rỡ của Bùi Thạc Chuyên mà Trấn Thành không tiếc lời ca ngợi mới đoạt Giải cao nhất “Khinh khí cầu Vàng” của Liên hoan phim quốc tế Ba châu khá tầm cỡ tại Nantes - CH Pháp rất chật vật mới thu về được gần 4 tỷ đồng doanh thu phát hành trong nước!).

Soi chiếu hệ giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam vào lĩnh vực hoạt động và phát triển điện ảnh hiện tại với mong mỏi để nền Điện ảnh dân tộc phát triển bền vững và để Công nghiệp Điện ảnh Việt Nam có đủ điều kiện, nội lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có sự điều chỉnh hài hòa giữa ba dòng phim kể trên. Nghĩa là, cùng với việc đề cao vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc duy trì nguồn đầu tư cho những kịch bản tốt theo đuổi dòng phim về đề tài truyền thống lịch sử, cách mạng nhằm xây dựng hệ giá trị văn hóa giàu bản sắc dân tộc, hiện đại, nhân văn, tạo ảnh hưởng xã hội tích cực là hệ tiêu chí cơ bản cho những tác phẩm lớn hướng đến; Cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của dòng phim giải trí lành mạnh về nội dung, đáp ứng thị hiếu khán giả, thu hút đông đảo người xem để có doanh thu cao. Đồng thời, với dòng phim tác giả luôn cần có sự phát hiện, dẫn dắt, nuôi dưỡng, động viên và tôn trọng tự do sáng tạo để khuyến khích những tìm tòi mới mẻ, thuần khiết của những nghệ sĩ trẻ luôn căng tràn nhiệt huyết và ham muốn dấn thân trên con đường Nghệ thuật Điện ảnh không phải trải sẵn hoa hồng.

70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, vững bước vào giai đoạn mới 70 năm Điện ảnh Cách mạng Việt Nam: Phát huy truyền thống vẻ vang, vững bước vào giai đoạn mới

(TGĐA) - Sáng 15/3/2023, tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Lễ Kỷ ...

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á? Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?

(TGĐA) - Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam ...

'Khi ta hai lăm': Màu sắc mới cho nền điện ảnh Việt 'Khi ta hai lăm': Màu sắc mới cho nền điện ảnh Việt

(TGĐA) - Khi ta hai lăm là bộ phim điện ảnh Việt Nam đầu tiên ...

PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú