Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?

(TGĐA) - Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á là chủ đề của cuộc hội thảo quốc tế do Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng Unesco tại Việt Nam tổ chức chiều ngày 14/03/2023 tại Hà Nội. Câu hỏi trong hội thảo lần này được các khách mời trả lời bằng nhiều giải pháp và điểm nhấn là chính sách hỗ trợ của nhà nước khi Luật điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua.

Hé lộ chương trình đặc sắc và giải thưởng giá trị tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng Hé lộ chương trình đặc sắc và giải thưởng giá trị tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng
Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?
'Màn ảnh Xanh': Cuộc thi phim ngắn không thể bỏ lỡ dành cho giới làm phim trẻ 'Màn ảnh Xanh': Cuộc thi phim ngắn không thể bỏ lỡ dành cho giới làm phim trẻ

Hội thảo Điện ảnh quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á” rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam 15/3/1953 - 15/3/2023. Ngoài ra, về tính thời cuộc, Luật Điện ảnh vừa được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua tháng 6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên từ khung pháp lý mới tới luật đi vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả. Bởi vậy, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ những nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh từ nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Hội thảo Điện ảnh quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á” thu hút đông đảo chuyên gia và đại biểu tham dự

Hội thảo “Chính sách và giải pháp phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á” do TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam chủ trì được chia làm 3 phiên thảo luận theo các chủ đề là “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim” và “Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia”.

Nhà nước nên tài trợ làm phim như thế nào?

Về “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ, ở khâu sản xuất, ngoài đầu tư tiền thì nhà nước nên quan tâm đến 2 vấn đề là khâu kịch bản và ekip sản xuất. Phải chặt chẽ từ khâu kịch bản cũng như giao đúng người đúng việc thì mới có phim hay. Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, “nhà nước không nên quan tâm theo kiểu mỗi năm trích ra một chút kinh phí để giao cho ngành điện ảnh làm phim. Nhà nước nên quan tâm đến khâu phát hành, để những phim hay, có giá trị nghệ thuật đến được với đông đảo dân chúng. Tôi ví dụ trên thế giới có nhiều rạp chỉ chuyên chiếu phim nghệ thuật và lỗ, nhà nước sẽ bù cho phần đó, để phim có giá trị đến với đông đảo người xem”.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ tại phiên 1 của tọa đàm

Bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh cũng chia sẻ về Luật điện ảnh mới cũng đã có nhiều thay đổi, ví dụ như cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội cũng có tác động lớn tới sự phát triển của điện ảnh tuy nhiên về việc xã hội hóa này trong Luật cũng còn nhiều lỗ hổng, chưa rõ ràng như việc phân chia lợi nhuận, trách nhiệm… và điều này cần phải bổ sung bằng nhiều văn bản dưới luật nữa.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Bà Lý Phương Dung - Phó Cục trưởng Cục điện ảnh

Ở khía cạnh này, Ông Jacob Neiiendam - Trưởng ban Quốc tế tại Viện phim Đan Mạch cung cấp cho khách mời tại Hội thảo một cái nhìn khá rõ nét từ Đan Mạch với sự hỗ trợ từ chính phủ. Để phát triển điện ảnh, chính phủ đã xây dựng lại luật từ năm 1972 và cấp tiền để phát triển điện ảnh với nhiều hạng mục phân bổ từ viện phim, trường học đào tạo, hoạt động xúc tiến, triển lãm, liên hoan phim, trình chiếu phim… Với các phim được sản xuất, nhà nước cũng tài trợ nhưng không phải tất cả, đủ để nó chuyên nghiệp, hiệu quả và đảm bảo nghệ sỹ có thể sản xuất ra một phim tốt. Ông cũng không cho rằng việc nhà nước tài trợ 100% là ý kiến tốt cho các nhà làm phim bởi “Tài trợ 100% có nghĩa là các nhà làm phim khó có tiếng nói, bị kiểm soát. Theo tôi, nên tài trợ 1 phần thôi, để phim đó phục vụ được nhiều đối tượng. Ngoài ra, hãy cho nhà làm phim được sáng tạo và hợp tác, cùng sản xuất với người khác, điều này không chỉ tốt cho nhà nước mà còn cả những người làm phim”. Tuy nhiên, ông đồng ý với việc nhà nước nên hỗ trợ trong việc phân phối phim. “Hỗ trợ không chỉ là việc cấp tiền mà phải tạo ra hệ thống mạng lưới phát hành, giúp cho bộ phim hay nền điện ảnh đó phát triển. Phải có chiến lược maketting, tiếp cận thế giới và chuyên nghiệp hóa việc đó. Điện ảnh cần được nuôi dưỡng và phát triển chứ không phải chỉ chi tiền là xong”, ông chia sẻ.

Chúng ta chưa có hệ thống quảng bá cho điện ảnh Việt!

Đó là chia sẻ của nhà biên kịch, đạo diễn Phan Đăng Di khi nói về “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim”. Đạo diễn này chia sẻ: “Trong các văn bản hay nhìn nhận chung của chính phủ thì cũng xác định điện ảnh đang hướng tới là một nền công nghiệp nhưng cái cách mà chúng ta nhìn vấn đề thì lại không theo hướng đó vì chúng ta thiếu quá nhiều chất xúc tác để manh nha gột thành một nền công nghiệp. Chúng ta thiếu các hoạt động xúc tiến cụ thể, giới thiệu bản thân, thu hút đối tác đến với chúng ta như thế nào là chưa có và hoàn toàn không có hệ thống. Ví dụ như ở các LHP quốc tế lớn, đều có khu vực đặt các gian hàng điện ảnh quốc gia ở đó, như Thái Lan, Indonesia hay Philipines… cũng đều có. Vì sao nó quan trọng bởi đó là nơi quốc gia này giới thiệu mình ra thế giới một cách chính thống. Gian hàng đó có giới thiệu nền điện ảnh của mình, phim nước mình sản xuất, các bối cảnh đẹp, cơ sở vật chất, các chính sách thu hút các đoàn phim và giải đáp tất cả các thắc mắc của mọi người từ thủ tục, chính sách đến con người, nhân lực… Chúng ta phải có gian hàng quốc gia, nhà nước phải cấp tiền phối hợp với các Cục để làm. Ngoài ra, thông tin về điện ảnh Việt Nam với quốc tế hầu như mọi người không biết. Đây là việc nhà nước phải làm bây giờ, phải cấp kinh phí để giới thiệu điện ảnh ra một cách bài bản, phải nhanh chóng xây dựng một bộ thông tin hoàn chỉnh như chính sách hỗ trợ của chính phủ như thế nào, xin cấp phép thế nào, bối cảnh đẹp ở đâu, hãng phim nào hợp tác tốt, thậm chí thuê máy ở đâu, những điều nên tránh khi làm phim ở Việt Nam…”.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Đạo diễn Phan Đăng Di và ông AJ. Kissada Kamyoung – Cán bộ nghiên cứu của UNESCO tại Thái Lan chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ về vấn đề này, ông AJ. Kissada Kamyoung – Cán bộ nghiên cứu của UNESCO tại Thái Lan cho biết, chính phủ Thái Lan từ rất lâu đã có nhiều chính sách giảm thuế, hoàn thuế để thu hút các đoàn làm phim quốc tế đến đất nước mình. Bà Vivian Idris – Phó Chủ tịch Hội đồng điện ảnh Indonesia cũng chia sẻ thêm rằng, chính phủ nước này cũng làm nhiều việc khuyến khích phát triển điện ảnh như hỗ trợ đi nước ngoài tham gia LHP, hỗ trợ sản xuất phim khi liên kết với nước ngoài hay tổ chức các hoạt động điện ảnh... “Chúng tôi có 27 liên hoan phim quốc tế ở các khu vực khác nhau trên đất nước Indonesia”, bà chia sẻ.

Hãy cho người trẻ làm phim một cơ hội!

Qũy điện ảnh là một trong những trăn trở lớn của các đại biểu trong Hội thảo khi muốn kiến nghị lên nhà nước.

Ông Trinh Hoan – Nhà sáng lập HK Film chia sẻ: “HK Film chúng tôi đã đồng hành với nhiều bạn trẻ làm phim, từ phim ngắn đến dài và thông qua đó vừa là hỗ trợ vừa là tìm kiếm phát hiện những gương mặt tốt cho mình. Tuy nhiên, với nhiều nhà sản xuất, họ khó có thể mạo hiểm giao cho những đạo diễn trẻ lần đầu đó bởi phim giờ kinh phí quá lớn cũng như sự phân hóa giữa phim thành công và thất bại là rất cao. Để phát hiện nhiều tài năng, nhiều tác phẩm hơn thì cần vai trò của nhà nước trong việc tạo điều kiện như thế này ở mô hình rộng hơn. Và điều đó khiến các nhà sản xuất phim cũng tin tưởng các bạn trẻ hơn. Nên chính phủ phải có Qũy điện ảnh, không cần nhiều, nhỏ thôi nhưng tạo cơ hội cho các bạn trẻ làm những bộ phim ngắn, có tiền đề tự tin giới thiệu mình với các nhà sản xuất, bước vào các dự án lớn hơn. Với các bạn trẻ, Qũy điện ảnh không phải là Tiền mà còn là địa chỉ để đánh giá dự án của mình có tốt, có khả thi hay không nữa”.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Ông Trinh Hoan – Nhà sáng lập HK Film chia sẻ ý kiến về Qũy điện ảnh

Bà Đào Lê Na đến từ trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn thì chia sẻ nghiên cứu của mình về tầm quan trọng của một Qũy điện ảnh: “Hầu hết sinh viên ra trường hiện nay đều tìm kiếm Qũy hỗ trợ ở nước ngoài và phim làm ra, dù có nhiều giải thưởng nhưng phần nào đó sẽ mang tiếng nói của Qũy đó. Theo nghiên cứu của chúng tôi, mỗi quỹ đầu tư có một tiêu chí riêng và lợi ích riêng. Ví dụ họ thông qua đó để thực hiện một cuộc khảo sát chính trị, một khảo sát về thế hệ hay tìm kiếm nguồn nhân lực cho một tổ chức, liên hoan phim nào đó hay thu hút truyền thông, lợi ích kinh tế hay tạo thông điệp cho tổ chức nào thông qua quỹ đó… Qua đây, tôi cũng mong muốn các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy được sự phức tạp cũng như các vấn đề của các quỹ điện ảnh khi xây dựng Qũy điện ảnh Việt Nam. Khi có quỹ, chúng ta sẽ phát triển được nội tại của điện ảnh Việt, tránh góc nhìn khác khi xin quỹ nước ngoài. Đó là lý do Hàn Quốc họ gấp rút thành lập các quỹ điện ảnh quốc gia. Với thông tin thu thập được, Hàn Quốc có 48 quỹ điện ảnh với số tiền vào khoảng 535 triệu đô và riêng năm 2003 các quỹ đã đầu tư 170 triệu đô cho điện ảnh Hàn Quốc để đưa tiếng nói quốc gia ra thế giới”.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Bà Đào Lê Na đến từ trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn

Ông David Wilson – Cố vấn cho Ủy ban Vương Quốc Anh tại UNESCO thì chia sẻ: “Vương Quốc Anh có quỹ phim toàn cầu được thông qua cơ chế thu từ quỹ sổ xố quốc gia và nhiều nguồn thu khác. Chúng tôi có đầu tư cho đào tạo điện ảnh tới tận địa phương và đảm bảo rằng các bạn trẻ không bị loại bỏ. Viện phim nước Anh cung cấp cơ hội đào tạo cho các bạn trẻ từ 16 tuổi trở lên ở khắp nước Anh và cung cấp miễn phí bộ kỹ năng để làm phim. Ai cũng có thể đăng ký, có cơ hội đầu tay để làm phim và tham gia mạng lưới BFI network để hỗ trợ người trẻ làm phim”.

“Vậy hãy để người trẻ kể đúng câu chuyện họ nghĩ chứ không phải câu chuyện nào đó trên thế giới hoặc thế giới muốn. Như thế thì mới có câu chuyện Việt, mới có sự quan tâm của khán giả Việt và đóng góp cho điện ảnh Việt” – Nhà sản xuất Trinh Hoan nhấn mạnh.

Phải bắt đầu làm những điều cần phải làm!

Ông Nicolai Prytz – Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phát biểu trước Hội thảo rằng: “Hy vọng sau hội thảo, chúng ta đều có những điều cần phải làm để thực hiện việc phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam”. Và thực sự, ngay trong Hội thảo, một số ý kiến chia sẻ của các đại biểu tham dự cũng đã cho thấy rằng, điện ảnh bắt đầu có sự chuyển mình dù nhỏ, sau Luật điện ảnh vừa được Quốc hội thông qua.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương...
Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
và PGS – TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch chia sẻ tại Hội thảo

PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chia sẻ: “Hiện nay, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ công nghiệp Văn hóa trong đó có điện ảnh”. Bên cạnh đó, PGS – TS Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao & Du lịch cũng tiết lộ: “Về thuế, chúng tôi cũng đang thúc đẩy, Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội cũng đồng tình, xem xét cải tiến vấn đề này với điện ảnh. Vừa rồi chúng tôi cũng có làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Chúng tôi kiến nghị với Quảng Ninh và TP Hồ Chí Minh vì hai thành phố này có cơ chế đặc thù vì vậy với điện ảnh cũng nên có đặc thù riêng để thúc đẩy vừa phát triển điện ảnh vừa đem lại nguồn lợi cho ngân sách của thành phố. Khánh Hòa cũng vậy, họ cũng đang nghiên cứu các chính sách cho các phim Việt, quốc tế khi làm phim ở đây, ví dụ như chính sách hoàn vốn, cho ưu đãi về cơ sở vật chất… Có thể chưa lớn nhưng là nơi thí điểm để các thành phố khác nhìn vào”.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp Hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam chia sẻ về Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng vào tháng 5 tới

Và ở chia sẻ tổng kết Hội thảo, TS Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp Hội Xúc tiến phát triển điện ảnh tiết lộ, tháng 5 tới, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam theo Luật mới, sẽ mở thêm sân chơi là LHPQT Châu Á – Đà Nẵng, là dấu mốc đánh dấu việc cởi mở của Luật điện ảnh và là sự cố gắng hội nhập quốc tế một cách chủ động, đem tinh hoa điện ảnh Châu Á tới Việt Nam, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm phim.

Làm thế nào để phát triển công nghiệp Điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á?
Bắt đầu thấy nhiều tín hiệu điện ảnh Việt chuyển mình sau khi Luật điện ảnh được thông qua năm 2022

Với những thông tin như vậy, dù nhỏ, nhưng bắt đầu thấy nhiều tín hiệu cho thấy điện ảnh Việt bắt đầu chuyển mình sau khi Luật điện ảnh được thông qua năm 2022.

Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển? Làm thế nào để hoạt hình Việt Nam phát triển?

(TGĐA) – Đó là câu hỏi cũng như sự chung tay tìm lời giải đáp ...

Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ điện ảnh Hàn Quốc! Việt Nam nên tham khảo mô hình Quỹ điện ảnh Hàn Quốc!

(TGĐA) - Luật Điện ảnh dự thảo hiện không chỉ đang rất “nóng” với vấn ...

Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam đưa điện ảnh Việt đến với Liên hoan phim Quốc tế Tokyo Hiệp hội Xúc tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam đưa điện ảnh Việt đến với Liên hoan phim Quốc tế Tokyo

(TGĐA) - Tiếp theo thành công của Lễ ra mắt quốc tế Hiệp hội Xúc ...

PV