(TGĐA) - Doanh thu ở mức ổn, hài hước đủ để giải trí nhưng Thor: Love and Thunder liệu có xứng đáng với những lời nhận xét nói rằng bộ phim ở mức chấp nhận được?
Doanh thu 'Thor: Love and Thunder’ liệu có là dấu hiệu đáng lo của MCU? | |
‘Thor: Love and Thunder’ thu về xấp xỉ 500 triệu USD sau 2 tuần ra rạp |
*Bài viết có 1 số quan điểm riêng của tác giả.
Vũ trụ phim Marvel vẫn tiếp diễn
Khi Iron Man hay Captain America – những siêu anh hùng “trụ cột” của Vũ trụ phim Marvel đã không còn nằm trong kế hoạch khai thác, thì Thần Sấm Thor nghiễm nhiên trở thành nhân vật đáng chú nhất. Thor cũng là nhân vật đầu tiên được Marvel Studios khai thác đến 4 phim riêng, và rất có thể sẽ có thêm phim thứ 5, đủ thấy Thor được ưu ái ra sao.
Câu chuyện về Thor tiếp diễn trong phần phim thứ 4 mang tên: Love and Thunder |
Trong phần 4 mang tựa đề Love and Thunder, đạo diễn Taika Waititi cho Thor trở lại với thân hình lực lưỡng, thay vì béo ú như hồi trong Avengers: Endgame. Vượt qua được cú sốc tinh thần với nỗi đau mất hết người thân, Thor trở lại với hành trình trừ gian diệt ác, mà lần này kẻ thù mà anh phải đối đầu chính là Gorr – gã sát thần do siêu sao Christian Bale thủ vai.
Ngoài ra, Love and Thunder còn đem đến bất ngờ thú vị khi Natalie Portman thủ vai Mighty Thor – phiên bản nữ của Thần Sấm, đem đến chất nữ quyền mạnh mẽ chưa từng có trong dòng phim siêu anh hùng.
Tuy nhiên, liệu Thor: Love and Thunder có xứng đáng như kỳ vọng?
Doanh thu không như dự tính
Dù có mở màn khá ấn tượng với doanh thu 250 triệu USD trên toàn thế giới, nhưng tới hiện tại sau gần 1 tháng công chiếu, Thor: Love and Thunder mới đạt được hơn 598 triệu USD toàn cầu, nghĩa là thấp hơn rất nhiều so với dự tính. Phần lớn nguyên nhân đến từ đánh giá không mấy khả quan từ giới phê bình lẫn khán giả đi xem, khiến doanh thu bộ phim bộ phim sụt giảm đáng kể.
David Rooney của The Hollywood Reporter nhận định: "Bộ phim có cảm giác không có trọng lượng, dễ bị lãng quên”. David Sims của The Atlantic cảm thấy Thor: Love and Thunder mang đến một “màn hành động chớp nhoáng thông thường và những trò đùa bỡn cợt không có đủ sức nặng”.
Doanh thu bộ phim không như dự tính |
Người này cũng cho rằng phim mang lại "cảm giác lộn xộn đến từ sự vội vàng của ê-kíp, và đáng thất vọng hơn cả khi nó được đạo diễn bởi Taika Waititi, người từng làm nên phần 3 Ragnarok khá thành công”, mặc dù David Sims cũng khen ngợi màn trình diễn của Bale và Russell Crowe. David Fear của Rolling Stone thì nhận xét bộ phim “không hấp dẫn và chẳng khác nào một mớ hỗn độn”.
Cùng TGĐA Online mổ xẻ những lý do khiến cho Thor: Love and Thunder thực sự là một bộ phim thất bại.
Công thức “xào đi xào lại” khiến khán giả phát chán
Tại sao nhiều nhà làm phim nổi tiếng, như Martin Scorsese lại bày tỏ sự ác cảm với dòng phim siêu anh hùng của Marvel? Bởi trong hàng chục bộ phim họ sản xuất, rất nhiều phim không thể tạo ra sự đột phá và chỉ giữ nguyên một công thức phục vụ cho những đứa trẻ thích “mơ mộng”.
Thor: Love and Thunder có thể là một bộ phim đầy màu sắc bề ngoài, nhưng cuộc đối đầu giữa Thor và kẻ phản diện Gorr quả thực hết sức nhạt nhẽo, không có mấy sự gay cấn và phát triển tâm lý nhân vật. Cả Thor và Gorr đều quá “một màu”, cứ gặp là giao chiến, chẳng có lấy một câu thoại đắt giá hay khiến tất cả phải suy ngẫm. Có lẽ là vì nếu bộ phim trở nên phức tạp, sẽ không thể tiếp cận được đa số đối tượng khán giả, nhất là trẻ em như Disney thường hướng đến, nên mọi thứ dường như bị đơn điệu hơn rất nhiều.
Christian Bale bị phí phạm tài năng diễn xuất |
Thay vào đó, tình tiết hài hước được nhân lên, không những chẳng còn mấy thú vị mà còn bị sa vào việc lạm dụng, cài cắm không hề đúng lúc đúng chỗ như thành công của Ragnarok. Đơn cử như phim có đưa ra một số chi tiết nhạy cảm như bắt cóc trẻ em hay bệnh ung thư, nhưng lại lồng vào đó những câu đùa hết sức vô duyên, làm cho khán giả cảm tưởng nhân vật Thor như một kẻ “mất não”.
Đã tới phim thứ 4, nhưng Thor vẫn được xây dựng dưới hình ảnh là một “cậu bé” ngờ ngệch, thích đùa và không ít lần làm hỏng đại sự. Người ta có thể yêu mến Thor như vậy trong Ragnarok nhưng phải chăng, hình tượng một người đàn ông trưởng thành, biết suy nghĩ và bớt đùa cợt sẽ hợp lý hơn sau 11 năm kể từ khi nhân vật này lên màn ảnh rộng.
Yếu tố “bỡn cợt” tiếp tục được xây dựng ở hình ảnh thần Zeus do Russell Crowe thủ vai. Vị thần hùng mạnh bị biến thành gã mập ham chơi và chẳng có chút để tâm nào đến mối an nguy của toàn vũ trụ đang bị một kẻ đáng sợ như Gorr đe dọa.
Thế nên, chính vì nghĩ rằng yếu tố hài hước sẽ cứu vãn tất cả, Thor: Love and Thunder đã không thể mang đến một cái kết làm thỏa mãn fan hâm mộ, mà nó được diễn ra khá chóng vánh và kém thuyết phục. Christian Bale được trả một mức cát-xê “siêu khủng” để vào vai phản diện, nhưng cái kết làm cho chúng ta thấy rằng Marvel đã phí phạm tài năng của anh ra sao.
Thật ra, Thor: Love and Thunder vẫn cố gắng đem lại những điều mới mẻ, như hình ảnh Thor “nữ” của Natalie Portman, hay hai nhân vật Valkyrie và Korg đều là những người đồng tính. Nhưng nếu đường dây kịch bản của bộ phim đầy những lỗ hồng và tỏ ra thiếu sự đầu tư, người ta cũng chỉ coi đó không khác nào một chiêu PR thu hút sự chú ý của cả Marvel và Disney.
Nhân vật Thor "nữ" của Natalie Portman ấn tượng, nhưng không đủ khỏa lấp 1 bộ phim nhiều khuyết điểm |
Phần hình ảnh và kỹ xảo đáng thất vọng
Thor: Love and Thunder áp dụng Volume, công nghệ mới được tạo ra từ hồi Disney thực hiện series phim The Mandalorian, đang ngày càng trở thành xu hướng chủ đạo trong các sản phẩm của nhà Chuột. Được phát triển bởi ILM, Volume về cơ bản là một sự thay thế cho màn hình xanh.
Các diễn viên sẽ diễn xuất trước màn hình LED lớn hiển thị phông nền, bối cảnh như thật. Đối với các studio, công nghệ này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tìm địa điểm, tạo bối cảnh. Nó cũng được các diễn viên khen ngợi vì đã giúp họ diễn xuất tốt hơn bởi giờ đây, họ không phải tưởng tượng ra bối cảnh mà thay vào đó, họ có thể nhìn về phía sau và tương tác với các hình ảnh. Chris Hemsworth chia sẻ rằng anh ấy thích quay những cảnh lấy bối cảnh ở Thành phố Toàn năng, vương quốc của các vị thần vì anh có thể thoải mái tận hưởng và diễn xuất với hình ảnh ảo được xây dựng bởi công nghệ Volume.
Kỹ xảo trong phim không được trau chuốt vì nhiều lý do |
Tuy nhiên, công nghệ này cũng có những điểm hạn chế. Vì là một công nghệ mới, các đạo diễn và nhà quay phim buộc phải tìm cách thích ứng với nó. Volume khuyến khích việc tạo ra những khu vực diễn xuất nhỏ hơn cảnh phim xa hoa phía sau, bối cảnh mà họ không bao giờ có thể chạm tới. Hơn nữa, phông nền này tác động đến kỹ thuật chiếu sáng truyền thống khiến mọi thứ khó “ăn khớp” với nhau hơn và sự khác biệt về chất lượng có thể thấy rõ bằng mắt thường.
Dù có thể thông cảm đôi chút cho đoàn phim Thor: Love and Thunder, khi công nghệ này là giải pháp tối ưu nhất trong thời điểm ngành điện ảnh lao đao vì Covid-19, nhưng nó không thể là lý do bao biện cho chất lượng tổng thể của bộ phim, bởi đạo diễn Taika Waititi hay Marvel đã không dám mạo hiểm thay đổi hình ảnh cho Thần Sấm, biến anh ta trở thành một “danh hài” chỉ biết làm trò trong một bộ phim đầu tư đến hàng trăm triệu USD.
Thor: Love and Thunder được chấm 6,8/10 trên iMDB, 57/100 ở Metascore và 67/100 ở Rotten Tomatoes. Trước làn sóng tranh cãi, đạo diễn Taika Waititi cho biết, thật ra Thor: Love and Thunder vẫn còn bản cut dài đến 4 tiếng, khiến đa số đều rất bất ngờ. Trong bộ phim, có thể thấy nhiều trường đoạn diễn ra khá nhanh và giống như bị "ép" phải đẩy tình tiết theo chiều hướng nhanh gọn, có lẽ là vì đã bị cut mất không nhỏ kha khá cảnh.
Fans chờ đợi vào 'Black Panther 2', yêu cầu Marvel bớt làm phim 'nhảm nhí' như 'Thor 4' | |
Doanh thu 'Thor: Love and Thunder’ liệu có là dấu hiệu đáng lo của MCU? |
Vũ Anh