(TGĐA) - 'Giữa tôn giáo và bóng đá, bạn lựa chọn điều gì? Không chọn điều gì vì bóng đá chính là tôn giáo'. Chỉ với điều này thôi đã đủ chứng minh cho một mối quan hệ kỳ lạ lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh thế giới: mối quan hệ của tôn giáo với môn thể thao vua. The Cup – một bộ phim lấy đề tài thể thao được thể hiện dưới góc nhìn Phật pháp sẽ đưa người xem bước vào một thế giới rất khác để cảm nhận hành trình của tình yêu và khát vọng trong tiềm thức của mỗi con người.
Một bộ phim kỳ lạ & chuyện hậu trường thú vị
The Cup – được sản xuất và phát hành năm 1999 là bộ phim lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật được diễn ra tại một ngôi chùa hẻo lánh vùng Himalaya của những người lưu vong trên đất nước Ấn Độ. Đạo diễn kiêm nhà sư Bhutan Khyentse Norbu đã kể lại chuyến hành trình vượt Tây Tạng của Palden và Nymla để mang về một chiếc chảo vệ tinh và một chiếc ti vi cho người dân được theo dõi trận chung kết World Cup năm 1998 giữa đội tuyển Brazil và Pháp. Qua những tình tiết, những cuộc xung đột và ý niệm của mỗi nhân vật, người xem đã hình dung được tình yêu, sự đam mê vô bờ bến với trái bóng tròn của những người theo đạo Phật. Cũng từ đây, khán giả có thể giác ngộ thêm về một quan điểm mới, về sự hòa hợp tuyệt đối và sợi dây biện chứng giữa Phật đạo và bóng đá.
The Cup kể lại chuyến hành trình vượt Tây Tạng của hai nhà sư với nỗ lực mang worldcup về chùa |
Lấy đề tài bóng đá – vốn dĩ hay nhưng không phải dễ khai thác. Đã có nhiều bộ phim khai triển trên đề tài này nhưng không gặt hái được thành công. Có những tác phẩm quá khô cứng dạng phóng sự nhạt nhẽo nhưng lại có những tác phẩm đi vào ca ngợi sa đà những nhân vật nổi tiếng. Đứng trước những khó khăn ấy, đặc biệt khi lại đưa môn thể thao Vua mang tính giải trí cao để chuyển hóa một cách nhuần nhuyễn cùng với những triết lý cao siêu và nhân văn của nhà Phật thì lại là một thách thức không đơn giản.
The Cup mang triết lý về sự hòa hợp tuyệt đối và sợi dây biện chứng giữa Phật đạo và bóng đá |
Tuy nhiên, theo dõi hơn 2 giờ đồng hồ, người xem hoàn toàn bị thôi miên bởi cách dẫn dắt câu chuyện và cấu tứ chung của The Cup. Dù ăm ắp triết lý nhưng khán giả không thấy bất cứ một sự lên gân nào, rõ ràng tính hài hước và sự tự nhiên trong diễn xuất, trong ngôn ngữ thoại đã mang đến cho bộ phim một sắc thái rất khác. Đó là điều không phải bất cứ một bộ phim nào khi kết hợp và hội tủ đủ hai yếu tố trên có thể khắc họa được thành công.
The Cup được bán ra khắp thế giới sau khi ra mắt năm 1999 |
Có thể nói khi làm The Cup bản thân đạo diễn Norbu cũng phải đối mặt với rất nhiều những sức ép, sự lo lắng. Đầu tiên là phải vất vả cố gắng giải thích, thuyết phục và dẫn dắt cho người dân hiểu về thông điệp của phim cũng như việc tham gia làm phim không phải là một mối đe dọa đến cuộc sống hạnh phúc của người dân nơi đây như quan niệm của người dân về công nghệ.
Đây cũng là tác phẩm không có bất cứ một diễn viên chuyên nghiệp nào tham gia |
The Cup đã nhận được nhiều giải thưởng tại các LHP: Amiens, Gardanne (Pháp), Pusan (Hàn Quốc), Munich (Đức), Kerala (Ấn Độ) và được chiếu trong hạng mục vinh danh đạo diễn Director’s Fortnight tại Cannes. Phim cũng được bán ra khắp thế giới, đặc biệt khi phát hành ở Mỹ, bộ phim đã đạt doanh thu 1,1 triệu USD - một con số không tồi chút nào, bởi nước Mỹ không mặn mà với phim nước ngoài và bóng đá không được hâm mộ ở đây.
|
Ngoài việc khó khăn khi Bhutan không có một chút cơ sở hạ tầng cơ bản nhất để hỗ trợ làm phim thì với kinh phí cực thấp chỉ gần 2 triệu USD, thậm chí còn không thể đủ trả phí du lịch vào Bhutan cho khoảng 16 người Mỹ được thuê để tham gia thực hiện bộ phim trong suốt 3 tháng.
Cuối cùng, chính Norbu phải lấy cương vị mình, đứng ra thương thuyết với lãnh đạo quốc gia để những người Mỹ có cơ hội làm phim như công dân Bhutan bình thường thay vì bị áp đặt theo kiểu khách du lịch.
Cảnh trong The cup |
Đây cũng là tác phẩm không có bất cứ một diễn viên chuyên nghiệp nào tham gia. Tất cả các diễn viên đều được đạo diễn tuyển lựa từ các khóa tu, các lớp học đạo và được đưa vào huấn luyện ngắn trước khi bộ phim bấm máy chính thức.
Bộ phim cũng đã đạt được nhiều giải thưởng uy tín và Norbu được mệnh danh là “Nhà làm phim bẩm sinh” khi đã cân bằng được nghệ thuật và tôn giáo.
Cảnh trong The cup 1999 |
Một đạo diễn, một Lạt Ma, một nhà nghệ thuật học và một thiền sư vĩ đại
Không ngoa khi nói rằng đạo diễn người Bhutan - Khyentse Norbu - là một nhà làm phim độc đáo và riêng biệt nhất trên thế giới. Ông là người đầu tiên khoác trên mình vừa áo cà sa của nhà Phật lại vừa là một đạo diễn, một nhà nghiên cứu nghệ thuật. Một đạo diễn thiền sư thích phiêu lưu trong thế giới hình ảnh và đưa ẩn dụ, triết lý vào mỗi một cảnh quay. Dấu ấn của Phật pháp trong phim của Norbu rất mạnh mẽ nhưng không vì thế mà dấu ấn của sáng tạo nghệ thuật bị coi nhẹ hay ở dưới tầng sâu câu chữ nhân văn.
Đạo diễn Khyentse Norbu |
Là một cái tên còn khá xa lạ với nhiều người yêu điện ảnh Việt Nam tuy nhiên, nhiều tác phẩm của Norbu đã vượt ra ngoài biên giới của quốc gia Bhutan bé nhỏ và được đánh giá cao trên toàn thế giới. Sinh năm 1961 tại miền Đông của Bhutan, Norbu có mẹ là người Bhutan và cha là một Lạt Ma cao cấp của Tây Tạng. Ông nội ông cũng là một vị Lạt Ma, vì thế không ngạc nhiên khi ngay từ bé Norbu đã được thừa hưởng nguồn linh khí từ gia đình và cũng tiếp bước theo con đường Phật pháp.
Cảnh trong phim |
7 tuổi Norbu đã bắt đầu được một nhóm tu sĩ Tây Tạng tiếp cận tại một ngôi trường tiểu học và khẳng định ông là một hóa thân thứ 3 của Jamyang Khyentse Wangpo – một vị thánh Lạt Ma nổi tiếng và chuyên gia thần học nổi tiếng trên thế giới vào thế kỷ thứ 19. Sau 6 năm ẩn dật học đạo tại Ấn Độ, Norbu đã chuyển tới học trưởng Sakya – nơi ông đã gặp một người bạn Mỹ sau này là nhà sản xuất phim tại Hollywood.
Đây cũng là nơi đầu tiên để ông tiếp xúc với điện ảnh và có những bài học lớn từ môn nghệ thuật thứ 7. Ngay sau đó ông tiếp tục tới London để theo học điện ảnh và lấy nghệ danh là Larry Newcastle – một cách nói khác để giúp ông không bị những di dân Bhutan và Tây Tạng tại Anh phát hiện và làm phiền. Cũng tại Anh, Norbu đã có cuộc gặp gỡ định mệnh với đạo diễn nổi tiếng thế giới Bertolucci khi ông đang tuyển trợ lý và quyết định quay bộ phim Litte Budha tại Bhutan.
Và một hình ảnh khác - đạo diễn Khyentse Norbu, bụi bặm như nhiều đạo diễn khác |
Chính từ đây Norbu đã học hỏi được rất nhiều bí quyết, các cách thức làm phim và quyết định bước lên con thuyền điện ảnh, trở thành một nhà làm phim người Bhutan đầu tiên trên thế giới có tham vọng đưa điện ảnh Phật pháp đến với công chúng.
Với vị trí là Lạt Ma, Norbu được người dân Bhutan mệnh danh là thánh, coi trọng và tôn sùng ông như một nhân vật vĩ đại tại quốc gia.
Thế nhưng, ngược lại Norbu lại không hề thích thú với điều này. Ông từng nói: “Đôi khi chỉ muốn sống cuộc sống như một người bình thường nhưng dường như điều đó là không tưởng. Tất cả người dân Bhutan đều tôn sùng tôi và điều đó khiến tôi rất không tự nhiên, thoải mái. Và chỉ khi đến với điện ảnh, ngồi trên trường quay chỉ đạo đoàn phim làm việc, tôi mới thấy mình được sống cuộc sống của một người bình thường. Điện ảnh là một hóa thân khác của con người tôi...”
Khyentse Norbu trong hình ảnh ngày thường - một Lạt Ma được tôn sùng như Thánh |
Với Norbu danh tiếng, thành công đều không phải là điều ông hướng tới khi trở thành một đạo diễn dù The Cup đã mang tên tuổi ông và “nền điện ảnh bí ẩn” Bhutan đi rất xa. Thi thoảng, ông vẫn làm phim và đều được đón nhận nhưng nó chỉ thể hiện việc ông khao khát được cống hiến và mang tới những triết lý sâu sắc mà mình ngộ ra. Sau khi làm phim, ông lại tiếp tục các khóa tu của mình và lại tiếp tục cuộc sống ẩn dật để chinh phục đỉnh cao của triết lý nhà Phật. Với ông, danh tiếng chỉ là nhất thời, nếu lạm dụng nó cũng như rượu khiến người ta say không lối thoát. Cách tốt nhất hãy sống một cuộc đời không bon chen, chỉ có Phật làm trung tâm theo đuổi. |
Hương Giang